Thời của ERP nội địa ? Why >>>>>>>>

  • Thread starter Vương Thông
  • Ngày gửi
V

Vương Thông

Guest
14/4/17
1
0
1
31
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp vẫn rất băn khoăn, khó lựa chọn cho mình một giải pháp ERP nào cho phù hợp với mô hình và túi tiền của mình.

Về giá cả hiện nay trên thị trường, có những sản phẩm “ERP” giá chưa đến chục triệu đồng, lại có những sản phẩm giá đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ.

Theo các chuyên gia, có một thực trạng hiện nay là nhà cung cấp phần mềm nước ngoài thì chê sản phẩm Việt Nam là thô sơ, tiền nào của nấy; nhà cung cấp nội địa lại bảo sản phẩm nước ngoài không hợp với hoàn cảnh và các chuẩn mực của Việt Nam,... Thật khó có loại hàng hóa nào khác trên thị trường mà giá cả lại “thượng vàng hạ cám” và chất lượng khó kiểm tra đến thế. Người mua càng xem, càng nghe nhiều càng không biết tin ai, sợ chi nhiều thì “hố” mà chi ít thì mua phải đồ dởm. Vậy thực ra trên thị trường hiện nay đang có bán những loại hàng ERP gì, và chúng khác nhau thế nào?

ERP nhập khẩu

ERP.jpg
Theo cách phân chia phổ biến trên thế giới, các hệ thống ERP được phân loại theo hai cách: theo kích thước (quy mô) doanh nghiệp mà hệ thống phục vụ; theo tính chuyên biệt. Theo kích thước thì có thể chia ra ERP loại lớn (high-end) chuyên dành cho các tập đoàn đa quốc gia, loại trung (mid-range) dành cho các công ty thông thường có doanh thu nhỏ hơn 500 triệu USD (theo cách phân loại nước ngoài), loại nhỏ (small size) dành cho các công ty tư nhân, cửa hàng... với doanh thu dưới 50 triệu USD (cỡ này đối với doanh nghiệp Việt Nam thì hoàn toàn không gọi là nhỏ). Ngoài ra một số hệ thống còn xếp mình vào loại “Trung-lớn” (upper mid-range) khi cho rằng sản phẩm của họ nằm đâu đó trong khoảng giữa loại trung và loại lớn.

Theo tính chuyên biệt ta có những hệ thống ERP “đa dụng” (general purpose), và các hệ thống ERP thiết kế riêng (industry-specific) cho ngành dệt may, ngành dầu khí, ngành bán lẻ, ngành dược,... tất nhiên đa dụng thì dùng được cho nhiều loại hình doanh nghiệp nhưng lại không thể chuyên sâu cho một ngành nào đó như những hệ thống chuyên dụng, đổi lại đa dụng thường rẻ và dễ dùng hơn chuyên dụng rất nhiều.

Thông thường các hệ thống ERP chuyên dụng về kích cỡ thường nằm trong loại lớn và loại trung-lớn, các hệ thống ERP hạng trung thường chỉ dừng ở mức đa dụng, còn các ERP loại nhỏ thường không cung cấp gì nhiều hơn các phần mềm kế toán truyền thống.

Ở nước ta những phần mềm ERP đầu tiên được các công ty đa quốc gia đưa vào cách đây gần 10 năm, sau đó đến những năm cuối thế kỷ 20 mạng lưới cung cấp sản phẩm và dịch vụ trở nên tốt hơn khi một số nhà cung cấp như Oracle và Exact thiết lập chi nhánh tại Việt Nam. Một số nhà cung cấp khác như Solomon, Sun System, Accpac, Scala thì cung cấp sản phẩm và dịch vụ thông qua mạng lưới đối tác như các công ty kiểm toán quốc tế. Ngoài ra còn nhiều công ty đa quốc gia đến Việt Nam mang theo hệ thống ERP và dùng đội ngũ triển khai nội bộ từ công ty mẹ sang, thường đây là những hệ thống ERP lớn như JD Edwards, People Soft, Fourth Ship, Baan...

Giá các hệ thống ERP nước ngoài thường được tính một cách rắc rối dựa trên số lượng người và số các phân hệ (module) khách hàng cần mua. Ngoài giá bản quyền trả một lần, các nhà cung cấp còn thường yêu cầu khách hàng hàng năm trả một mức phí bảo trì (maintenance) bằng khoảng 15-20% giá bản quyền. Với khoản phí này khách hàng sẽ được trợ giúp gián tiếp và quan trọng nhất là được nâng cấp (upgrade) miễn phí khi hệ thống có phiên bản mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn sử dụng được các hệ thống ERP từ hạng trung trở lên đều cần có sự giúp đỡ của một đội tư vấn triển khai được nhà cung cấp sản phẩm đào tạo chính quy. Chi phí triển khai rất đắt, thông thường đối với các hệ thống hạng trung bằng khoảng 50-80% giá phần mềm, còn đối với các hệ thống hạng lớn như SAP có thể bằng 120-150% giá phần mềm. Tóm lại phí bản quyền có khi chưa bằng một nửa tổng số chi phí thực tế của doanh nghiệp khi mua các hệ thống ERP của nước ngoài.

ERP nội địa

Một cách tự nhiên, các sản phẩm nội địa phát triển theo hướng ERP đầu tiên là do các công ty vốn có truyền thống cung cấp phần mềm kế toán trong nhiều năm qua như Fast Accounting, Lạc Việt, Misa, BSC đưa ra. Mặt mạnh của các doanh nghiệp này là hiểu về kế toán và có kinh nghiệm tương đối về quản lý sau nhiều năm làm việc với các doanh nghiệp. Tuy vậy phần lớn các sản phẩm phần mềm kế toán của họ được phát triển từ lâu trên nền FoxPro quá yếu để có thể nâng cấp lên theo tiêu chuẩn của ERP, do đó nói chung những nhà cung cấp nghiêm túc với sản phẩm và khách hàng đều phải xây dựng lại sản phẩm ERP từ đầu với các công cụ mới sau này như Visual Basic, C++, .NET, Java, SQL Server... Một thế hệ mới của các nhà phát triển phần mềm cũng xuất hiện với tham vọng chuyên sâu vào họ sản phẩm ERP. Những công ty này thường cố gắng học hỏi từ các sản phẩm nước ngoài để sản phẩm được phát triển đúng hướng và cắt ngắn quá trình tự mày mò.

Giá của các hệ thống nội địa thường “mềm” hơn nhiều so với các hệ thống nhập ngoại, thường dưới 10.000 USD, trừ sản phẩm của AZ được bán với giá gần tương đương sản phẩm hạng trung của nước ngoài (chỉ tính phí bản quyền). Các nhà phát triển phần mềm Việt Nam cũng thường miễn phí luôn cho khách hàng phần triển khai cũng như thường không đặt ra vấn đề về phí bảo trì thường niên.

Nói chung, các sản phẩm ERP nước ngoài được đề cập đến ở trên đều đã qua “thử lửa” khốc liệt với tổng đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô-la qua gần 20 năm phát triển. Ngoài ra hàng năm các hãng này đều tiếp tục đầu tư từ 10-20% doanh số của họ cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để tiếp tục hoàn thiện và bổ sung tính năng cho sản phẩm. Trong khi đó các sản phẩm ERP nội địa mới có quá trình phát triển chưa tới 3 năm với lượng kinh phí hết sức khiêm tốn, vì vậy không có gì lạ khi còn một khoảng cách khá xa giữa sản phẩm ERP nhập ngoại và nội địa. Các hệ thống ERP nội địa mới có các phân hệ kế toán tài chính được phát triển tương đối tốt, các phân hệ khác cấu thành một sản phẩm ERP như quản lý hậu cần bán hàng và đặc biệt là quản lý sản xuất đều còn cần tiếp tục phát triển rất nhiều. Một điểm thiệt thòi của các doanh nghiệp phát triển ERP tại Việt Nam là quỹ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của họ còn quá hạn hẹp, vì vậy thường thiếu những nhà tư vấn kinh nghiệm về mô hình kinh doanh giúp sức trong việc thiết kế sản phẩm.

Bên cạnh sự chuẩn mực của quy trình và chiều sâu của các chức năng, một sự khác biệt quan trọng là sản phẩm nước ngoài được tham số hóa rất mạnh tạo khả năng thích ứng khi đưa vào doanh nghiệp cụ thể mà không phá vỡ cấu trúc nguyên thủy của hệ thống, trong khi đó phần mềm của ta thường trực tiếp can thiệp vào mã nguồn khi muốn tùy biến theo yêu cầu của khách hàng. Tuy có ưu điểm là có thể điều chỉnh sản phẩm với biên độ rộng hơn, việc can thiệp vào mã nguồn làm cho sản phẩm bán cho mỗi khách hàng trở thành một phiên bản riêng, rất khó cho nhà cung cấp trong việc hỗ trợ hoặc nâng cấp.

Ưu điểm của hệ thống nội địa là bám rất sát các yêu cầu nhiều khi khá cứng nhắc của Việt Nam như hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) hay hệ thống báo cáo thuế, dễ sử dụng, triển khai nhanh, giao diện và tài liệu thân thiện và bằng tiếng Việt, và tất nhiên là giá cả dễ chịu hợp túi tiền của đa phần khách hàng.

Phần mềm ERP hiện nay khá nhiều và phong phú. Đối với đại đa số doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm phù hợp nằm trong nhóm ERP hạng trung. Nhóm này gồm nhiều phần mềm tốt của nước ngoài như Exact, Solomon, Sun System... với giá dưới 100.000 USD, tính năng rất mạnh (so với yêu cầu của doanh nghiệp VN) và đã được kiểm chứng. Sản phẩm ERP nội địa hiện còn non trẻ nhưng sẽ tăng sức cạnh tranh không ngừng với sản phẩm của nước ngoài do giá thành rẻ, tính địa phương cao và chức năng càng ngày càng tốt. Hiện nay các sản phẩm nội địa hoàn toàn có thể thay thế hàng ngoại trong phân khúc ERP loại nhỏ và trong một tương lai không xa có đủ tiềm năng để thay thế sản phẩm nước ngoài trong phân đoạn ERP loại trung.

Đối với những doanh nghiệp và đơn vị lớn như tổng công ty, các dự án quản lý công có thể sẽ cần những hệ thống lớn, phức tạp và đã được thử nghiệm thành công nhiều năm trên thế giới như SAP với mức giá lên tới nhiều triệu USD. Trong những trường hợp này các doanh nghiệp phát triển phần mềm quản lý của Việt Nam trước mắt nên chọn con đường hợp tác và tạo các sản phẩm mang tính địa phương để tích hợp với các hệ thống này.
 
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA