READ ONLY: Giới thiệu về kế toán ngân hàng

  • Thread starter letrans
  • Ngày gửi
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
L
Thời gian vừa qua, rất nhiều bạn đang học/đang làm kế toán doanh nghiệp muốn tìm hiểu về kế toán ngân hàng, Letrans mở chuyên mục này để giới thiệu về Kế toán ngân hàng với mong muốn có thể hỗ trợ các bạn trong việc tìm hiểu về kế toán ngân hàng.

- Bài viết hướng tới đối tượng là kế toán doanh nghiệp chuyển sang kế toán ngân hàng (trong bài viết sử dụng các so sánh với kế toán doanh nghiệp để các bạn tiện theo dõi).
- Bài viết hy vọng có thể hỗ trợ cho các bạn đang chuẩn bị thi vào ngân hàng một cách tiếp cận đơn giản nhưng hiệu quả.
- Để đảm bảo tính hệ thống, tránh spam bài viết, Topic này sẽ được định dạng dưới hình thức: READ ONLY
- Mọi thắc mắc về kế toán ngân hàng và bài viết sẽ được trình bày riêng tại một Topic khác: FAQ_Kế toán ngân hàng


Trân trọng cảm ơn!
:eek:know:
 
  • Like
Reactions: Redleo
Khóa học Quản trị dòng tiền
L
Kế toán ngân hàng​

© Letrans/webketoan​

Bài 1: Tổng quan về mô hình hạch toán kế toán ngân hàng

Viết tắt:

BTC: Bộ Tài chính
IAS: Chuẩn mực kế toán quốc tế
GTCG: Giấy tờ có giá
NHNN: Ngân hàng Nhà nước
TCTD: Tổ chức tín dụng (Ngân hàng là một loại hình TCTD)
TSCĐ: Tài sản cố định
VAS: Chuẩn mực kế toán Việt Nam

I - Thể chế về kế toán ngân hàng

Tại Việt Nam, lĩnh vực kế toán được điều chỉnh chung bằng Luật Kế toán (Luật này được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước công bố từ năm 2003). Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý về kế toán và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước về lĩnh vực kế toán.

Về nguyên tắc, Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm ban hành chế độ kế toán cho mọi thành phần kinh tế, trong đó có cả chế độ kế toán cho các TCTD. Tuy nhiên, theo Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các TCTD quy định rằng NHNN là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng nên BTC đã chấp thuận để NHNN ban hành chế độ kế toán các TCTD.

Theo đó, từ năm 1998, NHNN đã ban hành nhiều văn bản về hạch toán kế toán đối với hệ thống TCTD (trong đó có Hệ thống tài khoản kế toán ngân hàng - nội dung quan trọng nhất của chế độ kế toán TCTD).

Hệ thống tài khoản kế toán hiện hành được ban hành theo Quyết định 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004. Hệ thống TKKT này đã được sửa đổi bổ sung 3 lần bằng các Quyết định sau:
- Quyết định 1146/2004/QĐ-NHNN ngày 01/6/2004
- Quyết định 807/2005/QĐ-NHNN ngày 01/6/2005
- Quyết định 29/2006/QĐ-NHNN ngày 10/7/2006
 
L
II - Hệ thống tài khoản kế toán các TCTD.

Hệ thống tài khoản kế toán các TCTD được bố trí với 9 loại tài khoản, bao gồm:

- Các tài khoản nội bảng cân đối kế toán: gồm các tài khoản từ loại 1 đến loại 8
- Các tài khoản ngoại bảng cân đối kế toán có 1 loại (Loại 9).

Trong đó, các nhóm tài khoản chính như sau:

1. Các tài khoản thuộc nhóm Tài khoản TÀI SẢN - Assets (khi phát sinh tăng ghi Nợ và khi giảm ghi Có - Tương tự như nhóm tài khoản loại 1, 2 của Kế toán doanh nghiệp):

- Tài khoản loại 1 - Vốn khả dụng và các khoản đầu tư (gồm: Tiền mặt, chứng từ có giá, tiền gửi tại NHNN, Tiền gửi tại các TCTD, Đầu tư chứng khoán chính phủ, Chứng khoán kinh doanh (trading), Chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS), Chứng khoán giữ đến này đáo hạn (HTM))

- Tài khoản loại 2 - Hoạt động tín dụng (bao gồm các tài khoản cho vay TCTD khác, cho vay khách hàng, chiết khấu GTCG, Cho thuê tài chính, trả thay khách hàng từ nghiệp vụ bảo lãnh, Cho vay bằng vốn tài trợ, ủy thác đầu tư, Tín dụng khác, Nợ chờ xử lý và nợ khoanh).

- Tài khoản loại 3 - Tài sản cố định và tài sản có khác (bao gồm: TSCĐ, Vật liệu, công cụ dụng cụ, xây dựng cơ bản, góp vốn đầu tư mua cổ phần, các khoản phải thu nội bộ, các khoản phải thu bên ngoài, tài sản có khác và các khoản lãi, phí phải thu (lãi phí dự thu)

2. Các tài khoản thuộc nhóm Tài khoản NỢ PHẢI TRẢ - Liabilities (khi phát sinh tăng ghi Có và khi phát sinh giảm ghi Nợ - Tương tự như nhóm tài khoản loại 3 của Kế toán doanh nghiệp).

- Tài khoản loại 4 - Các khoản phải trả (bao gồm: Các khoản nợ Chính phủ và NHNN, Các khoản nợ các TCTD khác, Tiền gửi của khách hàng, Phát hành GTCG, Vốn tài trợ, ủy thác đầu tư, các khoản phải trả nội bộ, phải trả bên ngoài, các giao dịch ngoại hối, tài sản nợ khác và Lãi, phí phải trả)

3. Các tài khoản thuộc nhóm Tài khoản THANH TOÁN (Do có tính đặc thù nhất định của hoạt động thanh toán nên chuyên đề này sẽ được trình bày riêng trong một Topic khác)

- Tài khoản loại 5 - Hoạt động thanh toán (Nhóm tài khoản này dùng để phản ánh các hoạt động thanh toán của TCTD như: Thanh toán bù trừ, chuyển tiền, liên hàng và thanh toán với ngân hàng nước ngoài)

4. Các tài khoản thuộc nhóm VỐN CHỦ SỞ HỮU - Equity (Khi phát sinh tăng thì ghi Có và khi phát sinh giảm thì ghi Nợ tương tự như Liability - Tương ứng với nhóm tài khoản loại 4 của Kế toán doanh nghiệp)

- Tài khoản loại 6 - Nguồn vốn chủ sở hữu (bao gồm: Vốn của TCTD, các Quỹ, Chênh lệch tỷ giá, chênh lệch đánh giá lại tài sản, lợi nhuận chưa phân phối).

5. Các tài khoản thuộc loại THU NHẬP - Income (phát sinh tăng ghi Có, phát sinh giảm ghi Nợ - Tương tự nhóm tài khoản loại 7 của Kế toán doanh nghiệp)

- Tài khoản loại 7 - Thu nhập (bao gồm các tài khoản để phản ánh tất cả các loại thu nhập của ngân hàng như Lãi, phí, thu từ kinh doanh chứng khoán, ngoại hối, cổ tức…)

6. Các tài khoản thuộc loại CHI PHÍ - Expense (phát sinh tăng ghi Nợ, phát sinh giảm ghi Có - Tương tự như nhóm tài khoản loại 8 của Kế toán doanh nghiệp)

- Tài khoản loại 8 - Chi phí (bao gồm các tài khoản để phản ánh tất cả các loại chi phí của ngân hàng như chi phí lãi, phí, chi cho kinh doanh ngoại hối, thuế, phí lệ phí, chi cho nhân viên, quản lý công vụ, kinh doanh khác, chi dự phòng, chi về tài sản, bảo hiểm tiền gửi…)

7. Các tài khoản thuộc nhóm tài khoản NGOẠI BẢNG - Off-balance sheet (ghi theo Nhập - Xuất tương ứng là Nợ - Có _ Tương tự nhóm tài khoản loại 0 của Kế toán doanh nghiệp)

- Tài khoản loại 9 - Các tài khoản ngoại bảng cân đối kế toán (một số tài khoản chính như: Cam kết đưa ra, cam kết nhận được, giao dịch hối đoái chưa thực hiện, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, các khoản nợ đã xử lý đang theo dõi, lãi quá hạn chưa thu, tài sản gán xiết nợ, tài sản dùng cho thuê tài chính…).

Tiểu kết:

1 - Không có sự khác biệt về nguyên lý kế toán giữa kế toán doanh nghiệp và kế toán các TCTD (hay còn gọi là kế toán ngân hàng). Sự khác biệt nhất thuộc về cách bố trí hệ thống tài khoản kế toán ngân hàng và doanh nghiệp.

2 - Nói “kế toán ngân hàng ngược với kế toán doanh nghiệp” là một nhận định sai lầm!!!)
 
L
III - Một số vấn đề khác về Chế độ kế toán ngân hàng

1. Hệ thống chứng từ

Hiện nay, Chế độ chứng từ đối với các TCTD được thực hiện theo Quyết định số 1789/2005/QĐ-NHNN ngày 12/12/2005 của Thống đốc NHNN

2. Hệ thống sổ kế toán ngân hàng

Các ngân hàng áp dụng hệ thống sổ theo quy định chung của Bộ Tài chính. Không có một văn bản pháp quy nào quy định về chế độ sổ kế toán cho các ngân hàng.

3. Hệ thống báo cáo tài chính

Các ngân hàng thực hiện lập và trình bày báo cáo tài chính theo Quyết định 1145/2002/QĐ-NHNN ngày 18/12/2002 của Thống đốc NHNN (Thông tin bên lề cho biết, NHNN đang dự kiến thay thế chế độ này phù hợp với VAS và IAS vào đầu năm 2007).

(Tất cả các văn bản nêu trong bài viết này đều được NHNN đăng tải tại website Ngân hàng Nhà nước www.sbv.gov.vn)

IV - Một gợi ý:

Khi tìm hiểu về kế toán ngân hàng, bạn không nhất thiết phải nhớ chính xác tên và số hiệu tài khoản mà chỉ nắm bản chất tài khoản (thống kê sơ bộ cho thấy, Hệ thống tài khoản kế toán ngân hàng có tới hơn 900 tài khoản cấp III)
 
L
Một số nghiệp vụ kế toán ngân hàng cơ bản

Bài II - Một số nghiệp vụ kế toán ngân hàng cơ bản

I - Kế toán nguồn vốn

1. Vốn điều lệ:

a. Đối với NHTM Quốc doanh

- Nhận vốn điều lệ do Ngân sách cấp

Nợ TK thích hợp
Có TK 601 - Vốn điều lệ

- Khi được phép bổ sung vốn từ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ

Nợ TK 611 - Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ
Có TK 601 - Vốn điều lệ

b. Đối với NHTM Cổ phần

- Góp vốn:

Nợ TK thích hợp (hoặc TK TSCĐ - nếu góp bằng TSCĐ)
Có TK 601 - Vốn điều lệ

- Bút toán ngược lại đối với các nghiệp vụ giảm vốn

2. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản


- Nhận từ ngân sách

Nợ TK thích hợp
Có TK 602 - Vốn đầu tư XDCB

- Vốn đầu tư XDCB hình thành từ các Quỹ

Nợ TK Quỹ thích hợp
Có TK 602 - Vốn đầu tư XDCB

- Giảm vốn đầu tư XDCB:

Nợ TK 602 - Vốn đầu tư XDCB
Có TK thích hợp

3. Kế toán nguồn vốn huy động


a. Tiền gửi của Kho bạc nhà nước

Khi nhận ghi:

Nợ TK Thích hợp (tiền mặt, chuyển tiền…)
Có TK 401 - Tiền gửi của KBNN

Khi KBNN rút tiền ghi ngược lại

b. Tiền gửi của TCTD khác

Nợ TK thích hợp
Có TK Tiền gửi của TCTD khác

Khi TCTD rút tiền … kế toán ghi ngược lại bút toán trên

c. Tiền gửi của khách hàng

Nợ TK Thích hợp
Có TK Tiền gửi của khách hàng (Tùy theo từng loại tiền gửi để đưa vào các TK thích hợp: Tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm, v.v…)

Khi Khách hàng rút tiền, kế toán ghi ngược lại!

d. Kế toán tiền vay Ngân hàng Nhà nước

Nợ TK thích hợp
Có TK Vay Ngân hàng Nhà nước

e. Kế toán nghiệp vụ phát hành giấy tờ có giá:

Phát hành giấy tờ có giá là nghiệp vụ tương đối thường xuyên của NHTM:

Khi phát hành, kế toán hạch toán:

Nợ TK thích hợp
Nợ TK Phụ trội giấy tờ có giá
Có TK Chiết khấu giấy tờ có giá
Có TK Mệnh giá giấy tờ có giá
(Đây là một nghiệp vụ tương đối phức tạp hơn các nghiệp vụ trên, do đó, nghiệp vụ này sẽ được trình bày riêng thành một Topic)

• Định kỳ, Ngân hàng tính số tiền lãi phải trả cho các đối tượng:

o Khi tính lãi (tiền lãi cộng dồn dự trả), kế toán ghi:

Nợ TK Chi phí lãi
Có TK 49 - Lãi phải trả

o Khi thanh toán cho các đối tượng khách hàng, kế toán ghi:

Nợ TK 49 - Lãi phải trả
Có TK Thích hợp

:0frown:
 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA