Những tồn tại, hạn chế của Luật Kế toán 03/2003/QH10 và sự cần thiết sửa đổi bổ sung.

  • Thread starter tiensivolam
  • Ngày gửi
tiensivolam

tiensivolam

Sơ cấp
16/4/09
41
40
18
Tây Ninh
Những tồn tại, hạn chế của Luật Kế toán 03/2003/QH10 và sự cần thiết sửa đổi bổ sung.

Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 tháng 06/2015 và thông qua vào Kỳ họp thứ 10 tháng 11/2015, hiệu lực thi hành từ 01/07/2016. Hiện nay Bộ Tài chính đang gấp rút tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh bản dự thảo, rất cần sự quan tâm góp ý của Kế toán. Weketoan tổng hợp thông tin dưới đây nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn vì sao phải sửa đổi, bổ sung.


Sau hơn 10 năm thực hiện, thực tế cho thấy Luật Kế toán năm 2003 đã đạt được những kết quả quan trọng song cũng còn những tồn tại hạn chế, cụ thể như sau:

- Luật Kế toán quy định hạch toán theo giá gốc, điều này không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Theo chuẩn mực kế toán quốc tế và thông lệ phổ biến trên toàn thế giới việc hạch toán được thực hiện theo giá trị hợp lý (giá thị trường tại thời điểm đánh giá). Ở Việt Nam kinh tế thị trường đã thực hiện trong nhiều năm qua, như vậy đây cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp với định hướng phát triển và hội nhập.

- Về chuẩn mực kế toán, Luật Kế toán không quy địnhnội dung chuẩn mực kế toán, mà được hướng dẫn tại các văn bản dưới luật (thông tư). Các chuẩn mực kế toán được ban hành từ những năm 2001-2005, đến nay do điều kiện kinh tế - tài chính đã có sự thay đổi, chuẩn mực kế toán quốc tế đã được cập nhật, tuy nhiên các chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Một trong những khó khăn khi xây dựng chuẩn mực kế toán có phần do nguyên tắc kế toán quy định trong Luật cần tháo gỡ, đồng thời cũng có phần do môi trường kế toán của Việt Nam chưa thực sự theo kịp chuẩn mực quốc tế, mặt khác cho đến nay Việt Nam chưa ban hành chuẩn mực kế toán áp dụng cho lĩnh vực kế toán nhà nước.

- Về chế độ kế toán, theo Luật Kế toán các quy định về chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hướng dẫn; Tuy nhiên trên thực tế hệ thống tổ chức tín dụng vẫn được áp dụng theo chế độ kế toán riêng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định. Xét về bản chất hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp với mục đích kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, có thể xếp vào khu vực kế toán doanh nghiệp, tuy nhiên cũng có những đặc thù riêng do đặc điểm hoạt động của tổ chức này. Việc thống nhất chế độ kế toán là hết sức cần thiết, bao gồm các nội dung như chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính.

- Về việc đảm bảo vai trò kiểm tra, kiểm soát thông qua công cụ kế toán, cần phải thể hiện rõ hơn trong Luật Kế toán, ví dụ như các hành vi bị cấm, quy định hóa đơn bán hàng để đảm bảo cho hạch toán tại đơn vị kế toán cũng như sử dụng để kê khai, thanh quyết toán thuế với ngân sách nhà nước; các quy định về công khai báo cáo tài chính, về kiểm tra kế toán, xác định rõ trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán nhằm tạo ra cơ chế hạch toán rõ ràng, trung thực và công khai, minh bạch.

- Về hiện đại hóa công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán cũng có những nội dung cần chỉnh sửa, khi đã ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại thì việc in, lưu giữ chứng từ điện tử, in và lưu giữ sổ kế toán cũng phải quy định phù hợp, khắc phục cách hạch toán kế toán thủ công như những năm trước đây.

- Về việc phát triển nghề nghiệp dịch vụ kế toán, trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp được thành lập để cung cấp dịch vụ kế toán; các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và phương thức tổ chức cần được nghiên cứu chỉnh sửa để phát triển ngành nghề này và nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Về tổ chức nghề nghiệp về kế toán chưa được quy định rõ trong Luật Kế toán. Mặc dù tổ chức nghề nghiệp (Hội) đã có văn bản pháp luật riêng về tổ chức và hoạt động, tuy nhiên đối với một tổ chức mang tính chất nghề nghiệp như kế toán, kiểm toán ở các nước trên thế giới có vai trò quan trọng, đặc biệt là phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chuẩn mực kế toán và tham gia giám sát chất lượng dịch vụ kế toán của các kế toán viên hành nghề.

- Về quản lý nhà nước, ngoài việc ban hành văn bản quy định pháp luật về kế toán, tổ chức kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước còn có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; đình chỉ kinh doanh cũng như việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề về kế toán.

- Về chất lượng công tác kế toán cũng là một nội dung cần quan tâm. Trong thời gian qua, nhất là trước khi Luật Kế toán được ban hành và các chế độ, chuẩn mực kế toán được hướng dẫn, chất lượng công tác kế toán đã được coi trọng, các đơn vị kiểm toán, người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán đã quan tâm đến công tác tổ chức kế toán, kế toán nghiệp vụ, kế toán thống kê, kế toán tài chính; tuy nhiên chất lượng kế toán còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và đòi hỏi của xã hội, các biểu hiện hạch toán kế toán không trung thực, gian lận đã xảy ra và cơ quan pháp luật xử lý; báo cáo tài chính chưa kịp thời và độ tin cậy chưa cao.

Sự cần thiết của việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kế toán.

Qua đánh giá những mặt được cũng như mặt hạn chế trong Luật nêu trên cho thấy việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kế toán là hết sức cần thiết, xuất phát từ các lý do sau:

Thứ nhất: Để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là nguyên tắc kế toán, chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính, kế toán nhằm tạo điều kiện cho kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý tài chính của doanh nghiệp, các đơn vị tài chính kế toán cũng như công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước.

Thứ hai: Tạo điều kiện phát triển ngành nghề kế toán, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, trong đó có hội nhập về tài chính, kế toán.

Thứ ba: Việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kế toán tạo điều kiện tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực này, góp phần tăng cường nâng cao chất lượng kế toán, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch đối với đơn vị kế toán cũng như toàn xã hội.


Kỳ 2: Những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán.

TienSi VoLam tổng hợp.
 
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA