anh chị nào làm kế toán trong lĩnh vực khu du lịch sinh thái ( nhà hàng , chăn nuôi, coffee... ) không cho em xin file excel làm sổ sách với ít kinh nghiệm ạ !
Cty e mới thành lập đang quá trình xây dựng, trồng cây...
Em sv mới ra trường
Em cảm ơn!
Là kế toán, dù mới hay cũ, khi vào nghề, yêu cầu chung là phải nắm được khung pháp lý, đó là kinh nghiệm của mình. Sau đây là nội dung hướng dẫn cụ thể và khung pháp lý liên quan:
Về file excel làm sổ sách: bạn có thể sử dụng bất kỳ file excel nào đang có trên mạng vì nguyên lý hoạt động là như nhau.
- Lúc chủ đầu tư góp vốn bạn vẫn hạch toán:
Nợ TK 111
Nợ TK 112
Có TK 411
- Các khoản chi tiếp theo, bạn hãy căn cứ vào điểm 2.31 khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi bổ sung cho điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC) để hạch toán cho đúng.
- Để các khoản chi được trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, bạn nên tham khảo thêm khoản 1 và các điểm còn lại của khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bằng thông tư 130/2016/TT-BTC và thông tư 25/2018/TT-BTC. Các nội dung khác về thuế thu nhập doanh nghiệp, bạn xem trong thông tư 78/2014/TT-BTC.
“
2.31. Chi về đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định.
Khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu nhưng có phát sinh các khoản chi thường xuyên để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (không phải là các khoản chi đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định) mà các khoản chi này đáp ứng các điều kiện theo quy định thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp
trong giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp có phát sinh
khoản chi
trả tiền vay thì khoản chi
này được tính vào giá trị đầu tư.
Trường hợp trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp
phát sinh cả khoản chi trả lãi tiền vay và thu từ lãi tiền gửi thì được
bù trừ giữa khoản chi trả lãi tiền vay và thu từ lãi tiền gửi, sau khi bù trừ
phần chênh lệch còn lại ghi giảm giá trị đầu tư.”
- Đối với quản lý hàng tồn kho: bạn nên đăng ký theo phương pháp kiểm kê định kỳ. Vì ngành nghề của bạn liên quan đến nhà hàng, nên áp dụng kiểm kê định kỳ sẽ phù hợp hơn, dễ hơn cho bạn. Nếu bạn quan tâm về vấn đề này, bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gửi câu hỏi về mail
ok.minhselamduoc@gmail.com - Đối với tài sản cố định, bạn có thể tham khảo thông tư 45/2013/TT-BTC (lưu ý đã được sửa đổi, bổ sung một số nội dung qua thông tư 147/2016/TT-BTC và thông tư 28/2017/TT-BTC) để hạch toán cho đúng. Cụ thể:
o Công tác chuẩn bị: bạn phải lập hồ sơ riêng cho từng loại tài sản cố định. TSCĐ phải được theo dõi riêng tức là bạn phải xác định được tài sản đó nằm ở đâu, ai sử dụng. Đối với công ty bạn, tài sản cố định là nhà nghỉ chân, cầu, vườn cây, đường đi lại, các phương tiện đi lại thỏa mãn điều kiện TSCĐ, nhà hàng,… Việc có 1 sơ đồ bố trí các công trình là cần thiết.
o Hạch toán: Nếu các công trình cần thời gian hoàn thành như xây nhà nghỉ chân, cầu, nhà hàng, vườn cây thì phải hạch toán tổng hợp vào tài khoản trung gian 241 –
xây dựng cơ bản dở dang chi tiết theo từng công trình. Ví dụ:
§ Khi mua cây ăn trái của công ty A về trồng
Nợ TK 241 VC
Nợ TK 133
Có TK 331 A
§ Khi mua cỏ của công ty B về trồng trong vườn cây
Nợ TK 241 VC
Nợ TK 133
Có TK 331 B
§ Nghiệm thu cho công ty C về hạng mục lát gạch đường đi trong vườn cây
Nợ TK 241 VC
Nợ TK 133
Có TK 331 C
Nếu C là đội thi công, không có hóa đơn chứng từ thì phải lập hồ sơ khấu trừ 10% thuế TNCN. Nếu họ không đồng ý và ông chủ vẫn muốn họ làm thì trong hợp đồng ghi nhận khoản nộp thay này cho họ để sau này mình sẽ được trừ vào chi phí lúc tính thuế TNDN (xem thông tư 111/2013/TT-BTC và điểm 2.37 khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC).
§ Khi hoàn thành vườn cây, bạn định khoản:
Nợ TK 211 VC
Có TK 241 VC (tổng số tiền ở các nghiệp vụ bên trên)
Chú ý: các hợp đồng, biên bản nghiệm thu, biên bản thanh lý hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng bạn phải lưu lại chung thành 1 bộ hồ sơ liên quan đến vườn cây. Sau đó lập bảng tổng hợp để xác định nguyên giá, thời gian khấu hao và số tiền khấu hao 1 tháng cho tài sản cố định.
Năm khấu hao dựa vào phụ lục 01 thông tư 45/2013/TT-BTC
§ Các tài sản hình thành qua xây dựng, lắp đặt khác làm tương tự
§ Các bút toán này nhập vào file excel theo dõi như bình thường (các file excel có sẵn thường có hướng dẫn nhập máy, bạn xem và nhập theo là xong)
§ Đối với những tài sản cố định mua về dùng ngay như ô tô điện, bàn ghế (xét đủ tiêu chuẩn là TSCĐ trước nhé) cũng phải lấy hóa đơn, lập hợp đồng đơn giản để lập hồ sơ cho TSCĐ đó như với TSCĐ qua xây lắp, chỉ khác là những bộ hồ sơ này chỉ có 1 hợp đồng, 1 hóa đơn. Việc hạch toán cũng thực hiện trực tiếp:
Nợ TK 211 xe
Nợ TK 133
Có TK 331 E
§ Bạn hãy kiểm tra quyền sử dụng đất, các công trình trên đất xem thế nào để đưa vào chi phí được trừ hợp lý (khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC)
§ Đến hạn thanh toán, cố gắng chuyển qua ngân hàng từ tài khoản của công ty sang tài khoản của khách hàng
Nợ TK 331
Có TK 112
- Đến thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, kê khai thuế như bình thường. Là công ty mới thành lập sẽ kê khai theo quý (xem thêm các quy định về thuế GTGT, xem thông tư 219/2013/TT-BTC và 8 thông tư sửa đổi, bổ sung khác).
- Đến cuối năm (31/12/2018) nên chốt sổ lập báo cáo tài chính như bình thường nếu có doanh thu (đi vào hoạt động).
- Nếu thuế GTGT trong lúc đầu tư chưa hoàn thành mà trên 300 triệu, bạn có thể thực hiện hoàn thuế GTGT.
- Khi đi vào hoạt động, bạn phân bổ các khoản chi, các khoản thu (theo quy định ở điểm 2.31 bên trên) vào chi phí và doanh thu.
- Hạch toán tính giá thành cho những suất ăn, dịch vụ được cung cấp trong khu vực kinh doanh phải dựa vào phương pháp kê khai thường xuyên.
- Vì đặc thù ăn uống, khách hàng lấy hóa đơn GTGT không nhiều, nhưng bạn vẫn phải xuất hóa đơn hàng ngày với nội dung khách hàng không lấy hóa đơn để kê khai thuế.
- Các chi phí chăm sóc vườn cây, phân bón đưa vào chi phí như bình thường.
Nợ TK 621 (phân bón, thuốc trừ sau, vôi quét chân cây,…)
Nợ TK 622 (nhân viên chăm sóc, cắt tỉa cây; nhân viên bếp…)
Nợ TK 627 (những vật tư dùng chung như cuốc, kéo, dụng cụ nhà bếp,…)
Nợ TK 133
Có TK 111/112/331
- Tính lương
Nợ TK 622 (nhân viên chăm sóc, cắt tỉa cây; nhân viên bếp…)
Nợ TK 627 (nhân viên quản lý: bếp trưởng, trưởng đội kỹ thuật – cảnh quan,…)
Nợ TK 641 (tiếp tân, nhân viên phục vụ, giữ xe, lao công bên ngoài nhà ăn,kíp trưởng, lái xe ô tô điện,…)
Nợ TK 642 (nhân viên quản lý văn phòng, nhân viên văn phòng)
Có TK 334
Trên đây là toàn bộ nội dung bạn có thể tham khảo.