Lời giải bài toán nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong thời đại dịch

  • Thread starter Phần mềm BRAVO
  • Ngày gửi
Phần mềm BRAVO

Phần mềm BRAVO

Đối tác đồng hành
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp bị rơi vào trạng thái khủng hoảng nguồn nhân lực do tỷ lệ người lao động nghỉ việc ngày càng cao. Vậy, doanh nghiệp phải làm gì để giữ chân công nhân, giúp họ an tâm sản xuất trong điều kiện dịch bệnh?

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp muốn duy trì tốt sản xuất – kinh doanh thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây đối với nguồn nhân lực.

An toàn. Đây được xem là nhân tố hàng đầu mà doanh nghiệp phải ưu tiên nếu muốn giữ nguồn nhân lực. Để người lao động an tâm làm việc, trước hết, doanh nghiệp phải tạo ra một môi trường làm việc an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Muốn vậy, người lao động phải được ưu tiên tiêm vaccine.

Trong điều kiện chưa được tiêm vaccine, thì người lao động cần được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, được xét nghiệm định kỳ hay đột xuất và nơi làm việc phải thực hiện triệt để 5K.

Bảo hiểm. Bảo hiểm y tế cho nhân viên và người nhà của họ là vấn đề được người lao động rất quan tâm trong bối cảnh đại dịch. Lâu nay, nhiều doanh nghiệp chỉ đóng BHYT cho người lao động theo luật định, tuy nhiên, trước tình hình hiện nay có thể xem xét mua thêm cho nhân viên và gia đình họ các gói bảo hiểm đặc biệt.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước sẽ điều trị miễn phí cho bệnh nhân Covid-19 nên DN có thể mua các gói bảo hiểm sau điều trị cho cả người lao động và gia đình họ. Bởi vì, khi họ chấp nhận làm việc thì cả gia đình đều phải gánh chịu rủi ro lây nhiễm.

Sức khỏe tinh thần. Chủ doanh nghiệp cần quan tâm hơn về sức khỏe tinh thần cho người lao động của mình, bằng các chương trình tư vấn nội bộ hoặc thuê chuyên gia tư vấn (tổ chức trực tuyến). Đây là vấn đề hoàn toàn mới đối với doanh nghiệp, vì trước đấy họ chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất của người lao động mà lơ là vấn đề sức khỏe tinh thần.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, người lao động phải làm việc trong điều kiện bất an, áp lực về tài chính, sự lo lắng về sức khỏe bản thân và gia đình sẽ dẫn đến stress, lâu ngày sẽ mất dần động lực làm việc nên có thể nghỉ việc bởi căng thẳng kéo dài. Cho nên, lời khuyên từ chuyên gia tâm lý sẽ giúp người lao động giải tỏa áp lực, tiếp nhận năng lượng tích cực.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch làm việc linh hoạt để người lao động có thể sắp xếp thời gian phù hợp, không cứng nhắc khung giờ như trước đây. Người lao động cần có thêm thời gian để chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái vì không đến trường được, nên chế độ làm việc linh hoạt sẽ giúp họ chủ động lựa chọn ca kíp phù hợp với hoàn cảnh cá nhân, miễn sao đảm bảo hoàn thành công việc được giao.

Chỉ số KPI – Đánh giá mức độ hoàn thành công việc cũng cần linh hoạt hơn, vì trong điều kiện làm việc bị hạn chế, năng suất lao động, hiệu suất công việc sẽ giảm.

Đào tạo. Đào tạo cũng là một sự lựa chọn thông minh để giữ nguồn nhân lực, cũng là cách để tối ưu khoảng thời gian trong giai đoạn này; giúp bổ trợ thêm kỹ năng cho người lao động hoặc đào tạo để chuyển đổi nghề giữa các nhóm lao động nhằm thay thế lực lượng lao động bị thiếu hụt.

Quy trình đào tạo có thể tiến hành online thông qua các ứng dụng phổ biến hiện nay như Zoom, Google Meet... nên sẽ tiết kiệm được chi phí và tránh lây lan dịch bệnh.

Giao tiếp. Các cấp lãnh đạo trong doanh nghiệp phải giữ kết nối, giao tiếp thường xuyên với người lao động của mình để kịp thời động viên, xử lý tình huống nảy sinh. Giao tiếp thường xuyên còn giúp giảm trạng thái lo lắng, căng thẳng đối với người lao động, đồng thời qua đây người lãnh đạo có thể đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời xử lý tình huống, đặc biệt là sự cố về sức khỏe.

Công nhân ở một số KCN vượt cổng bỏ ra ngoài khi nghe thông tin có ca dương tính tại nơi làm việc là bài học đắt giá đối với doanh nghiệp, do không nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời tình huống phát sinh.

Hài lòng. Tạo động lực và mang đến sự hài lòng trong công việc cũng là những nhân tố cần thiết để giữ chân người lao động. Ngoài ra, các chế độ nghỉ phép, lương, thưởng trong giai đoạn này nên được nâng lên một bậc so với lúc bình thường để động viên người lao động. Bởi lúc này đây, người lao động đòi hỏi có mức thu nhập cao hơn đủ để có thể chấp nhận rủi ro và cần có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn nhằm giải tỏa căng thẳng, phục hồi sức khỏe.

Điều này có thể là gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp khi vừa bị giảm quy mô sản xuất vừa đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng trong tình hình hiện nay thì không có sự lựa chọn nào tốt hơn.

Nguồn: DNSG
 
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA