Mẹo giao tiếp giúp công việc Kế toán của bạn trở nên dễ dàng hơn (phần 2)

  • Thread starter lamhaituyen
  • Ngày gửi
lamhaituyen

lamhaituyen

Sơ cấp
17/10/12
19
53
13
34
Bac lieu
Sau khi hoàn thành bước Một, chúng ta đã tạo được ấn tượng cởi mở tốt đẹp với đồng nghiệp. Tiếp theo, ta phải dung hòa giữa Quyền lợi cá nhân và Giải quyết nhu cầu của đối phương.

2. Đừng nói “Không”. Hãy nói “Được, nhưng mà phải…”

Mọi sai lầm đều sẽ trả giá bằng tiền hoặc rất nhiều tiền. Việt Nam là đất nước mà Nghị định/ Thông tư cập nhật với tần suất đều đặn. Nếu công ty không có người phụ trách mảng thuế/pháp lý, thì chủ doanh nghiệp (hoặc Giám đốc) mặc định phần nhiệm vụ này thuộc về nhân viên kế toán. “Làm sao làm, bị phạt là tới công chuyện nha.”
Một điều tất yếu, để bảo vệ bản thân khỏi bị trừ lương, người kế toán sẽ TỪ CHỐI các yêu cầu của phòng ban khác, nếu cảm thấy yêu cầu đó chưa chắc chắn phù hợp với kiến thức chuyên môn được học/được cơ quan thuế công nhận.

Về phía đồng nghiệp, tâm lý khi tìm đến Kế toán, họ mong muốn nhận một giải pháp tháo rỡ vấn đề, chứ không phải một cái lắc đầu từ chối. Chính sự thiếu thấu hiểu từ hai phía, dẫn đến hậu quả trong công ty thường nhận định nhân viên kế toán xử lý công việc thật cứng nhắc.

Các bạn kế toán ơi, giá trị của chúng ta nằm ở chỗ giúp đỡ đồng nghiệp làm thế nào theo luật quy định, chứ không phải là nạn nhân chịu trách nhiệm trả thay tiền phạt cho ông chủ doanh nghiệp nha. (Một số lỗi như nộp trễ hạn tờ khai chẳng hạn, chín phần mười do kế toán lơ là, khỏi phải bàn hén)

Vì vậy, chúng ta hãy giảm bớt phản hồi mang tính phủ định, đồng nghiệp sẽ dễ tiếp nhận ý kiến hơn.
Thay vì: “Làm như thế này không được. Công ty sẽ bị loại trừ 100 triệu chi phí.”
Nên là: “Anh có thể làm được, nhưng mà rủi ro cơ quan thuế từ chối 100 triệu tiền chi phí. Sẽ cần một ai đó chịu trách nhiệm tiền thuế phát sinh cần nộp thêm, anh nên có được xác nhận bằng văn bản của cấp trên cho trường hợp này”

Nhớ rằng, luôn luôn có giải pháp cho một vấn đề bất kỳ. Ca nào khó đến đâu, miễn người lãnh đạo công ty được thông báo rủi ro rồi vẫn chấp nhận duyệt, thì đó là định hướng mang tính chiến lược của họ, đừng kéo kế toán chịu tội. Chỉ cần các bạn có lưu trữ những bằng chứng, email, tin nhắn… bạn đã trao đổi lên cấp trên cùng những người có liên quan. Bạn đã được hướng dẫn chính thức thực hiện thế nào, thì sau này bạn hoàn toàn đủ cơ sở bảo vệ bản thân.

Tóm lại, khi đối diện một yêu cầu nào đó từ phía đồng nghiệp, Đừng nói “Không”.
Nếu bạn chưa chắc đủ kiến thức xử lý. Hãy bảo đồng nghiệp đợi bạn hỏi lại sự trợ giúp từ cấp cao hơn rồi sẽ cùng hợp tác xử lý.
Nếu bạn đã có đủ kinh nghiệm đưa ra phương án phù hợp, hãy cùng nhau thông báo đến các cấp cao. Chúng ta cần một ai đó đủ thẩm quyền để quyết định phương án này trước khi bắt tay vào tiến hành.

Hy vọng bài chia sẻ mang lại tinh thần lạc quan yêu nghề cho các bạn Kế toán, đồng nghiệp càng trân trọng và biết ơn sự có mặt của bạn trong cuộc sống công sở của họ. ^_^

---------------------
Có một lập luận cùn rất phổ biến từ chủ doanh nghiệp, giám đốc, trưởng phòng ban, quản lý… khi mọi việc vỡ lỡ: “Kế toán biết, tại sao lúc ban đầu không chặn lại? Trách nhiệm của kế toán là phải cản nếu thấy sai.”
Thực tế một chút đi, mình chưa từng thấy trong bảng mô tả công việc của Kế toán ghi “Có nhiệm vụ và quyền ngăn chặn các hành vi hoặc quyết định của bất cứ nhân sự cấp cao hoặc cấp trung nào, mà bạn nghi ngờ sẽ bị cơ quan thuế xử phạt trong tương lai”.
Nếu thực sự, trong bảng mô tả công việc của bạn thể hiện quyền lực này, thì lương của bạn không ít hơn CEO (Tổng giám đốc điều hành) đâu.
Và bạn cũng nên nói lại thế, trong trường hợp họ lý lẽ như trên.

---------------------
Chú thích: bài viết chỉ áp dụng cho các ngành nghề hoạt động phù hợp với hiến pháp của Việt Nam. Công ty nào có dấu hiệu lừa đảo, phạm pháp, thì tốt nhất là không làm việc cho họ nha mọi người, cho dù là đảm nhiệm vị trí gì trong công ty.
 
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA