Cơn bão số 8, nỗi mất mát !

  • Thread starter Tigon-ETC
  • Ngày gửi
Tigon-ETC

Tigon-ETC

Gió bụi nhân gian
7 người thiệt mạng do bão số 8

17h chiều 1/11, bão số 8 còn cách bờ biển Đà Nẵng 60 km, nhưng với gió giật cấp 11 kèm theo mưa rất to, đã cướp đi 7 sinh mạng, giật tung hàng trăm nóc nhà, nhấn chìm cả tàu thuyền đã trú ẩn. Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế đang oằn mình vì cơn bão dự kiến đổ bộ đêm nay.
*Chùm ảnh bão số 8 / *Hàng chục nghìn người đi tránh bão / *Bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Đêm nay có thể bão sẽ đổ bộ vào đất liền

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 16h chiều 1/11, tâm bão ở vào khoảng 16 độ vĩ Bắc; 108,7 độ kinh Đông, trên vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế. Bão đang tiệm cần gần bờ theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng từ 12 đến 17 km. Ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, cho biết có hai khả năng: Một là đêm nay bão sẽ đổ bộ khu vực Thừa Thiên - Huế, hai là đi sát ven biển và tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Nghệ An.

Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị có gió giật trên cấp 11; các tỉnh từ Quảng Bình đến Nghệ An có gió giật trên cấp 7. Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An có mưa to. Trung tâm khí tượng khuyến cáo đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam - Đà Nẵng nước biển có thể dâng cao do bão kết hợp với thủy triều từ 2 đến 3 m.

Quảng Ngãi: 5 người chết, lũ các sông đã vượt báo động 3

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến chiều 1/11, bão số 8 đã cướp đi 5 sinh mạng ở các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi. Một người đàn ông tên Trương Đình Cường, 52 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế chết từ ngày 28/10, đến 1/11 nhân dân xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà mới vớt được. Gió bão làm 8 người bị thương do sập nhà. Con số thiệt hại có thể còn cao hơn, nếu trước đó tỉnh không di dời gần 600 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở núi, vùng ven biển, ven sông tại các huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Trà Bông, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức. Số hộ phải di dời nhiều nhất tập trung ở huyện Bình Sơn với hơn 470 hộ.

Dù chỉ sượt qua Quảng Ngãi, nhưng với sức gió mạnh 8-9, giật trên cấp 9 (từ 75 đến 88 km một giờ), gió đã giật sập 89 ngôi nhà ở các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Trà Bồng và Mộ Long, làm tốc mái gần 170 nhà khác. 6 tàu dù đã neo đậu nơi an toàn, nhưng vẫn bị sóng biển đánh chìm. 2 chiếc bị sóng đánh trôi và 2 chiếc còn đang ở ngoài biển chưa liên lạc được. Toàn bộ hệ thống đê ngăn mặn bị sóng tràn, nhiều đoạn hư hỏng nặng.

Bão đã gây mưa lớn làm mực nước các sông Trà Khúc, Vệ, Trà Bồng đều vượt báo động 3. Cá biệt, mực nước sông Trà Bồng tại cầu Châu Ô lúc 13h chiều 1/11 lên tới 5,01 m, vượt báo động 3 tới 0,9 m. Nước lũ gây ngập các khu dân cư Bàu Chuốt, Đông Bình của xã Bình Chánh; Đồng Thạch, xã Bình Thạch; khu chợ Châu Ô, tổ dân phố 2 của thị trấn Châu Ô; khu Tân A xã Bình Trung... Thôn Nhất Đông của xã Bình Minh bị ngập tới 2 m, các xã còn lại Nhì Đông, Nhì Tây, Mỹ Long, xóm Trại ngập trên 1 m.

Quốc lộ 1A đi qua huyện Bình Sơn bị ngập sâu, gây ách tắc từ 10 đến 12h. Các tuyến tỉnh lộ từ Bình Chương đi Bình Mỹ; từ Bình Phước đi Bình Thới bị chia cắt do ngập sâu và sạt lở nặng. Tại các huyện biên giới, mưa lớn làm sạt lở đất nên đến chiều 1/11 đường từ Sơn Tân đi Sơn Tịnh, Sơn Tịnh đi Sơn Lập, Sơn Mùa đi Sơn Bua, Trà Bồng đi Trà Phong đều gián đoạn hoàn toàn. Thiệt hại vật chất sơ bộ 28 tỷ đồng.

Đến 14h chiều 1/11, Quảng Ngãi chỉ còn mưa nhỏ, gió đã lặng. Địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả bão và đối phó với cơn lũ đang dâng nhanh.

Đà Nẵng: Điện cắt, đường hàng không tê liệt

Đến 19h tối nay, ngành điện đã cố gắng cấp điện trở lại cho một số khu vực của thành phố Đà Nẵng, còn lại các quận ven vẫn chìm trong bóng tối mịt mùng. Người dân chỉ thấy ánh sáng và tiếng xe cứu thương, xe cảnh sát và quân đội đi hỗ trợ phòng chống lụt bão. Toàn thành phố có 100 nhà bị tốc mái, hàng chục tàu thuyền dù đã neo đậu tại ven cửa sông Hàn nhưng vẫn bị gió bão đánh chìm.


Người dân đang chạy bão.

Đến chiều 1/11, gió bão đã bớt vần vũ, nhưng thành phố vẫn ban bố tình trạng khẩn cấp. Người dân được khuyến cáo không ra đường. Các công sở đóng cửa cả ngày, học sinh nghỉ học trong 2 ngày 1-2/11. Điều lo ngại nhất là từ 12h đến 19h tối, trên quốc lộ 1A, đoạn qua Quảng Nam - Đà Nẵng, hàng nghìn xe tải nối đuôi nhau nằm chờ bởi nước lũ đang tràn qua đường. Dự báo tối nay đoạn đường này còn ngập sâu. Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, khoảng chục đoàn tàu phải nằm lại tại ga Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), ga Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và ga Bồng Sơn (Quảng Nam).

Ngày 31/10, Thủ tướng quyết định xuất 450 tấn gạo (không thu tiền) từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ cứu đói cho các hộ gia đình bị thiệt hại do lũ. Trong đó: Quảng Bình 100 tấn; Quảng Trị 300 tấn; Thừa Thiên - Huế 50 tấn.

Ngoài ra, Chính phủ trích 25 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2005 để hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó: Quảng Bình 10 tỷ đồng (công trình Mỹ Trung 6 tỷ đồng); Quảng Trị 12 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế 3 tỷ đồng.

Sáng 1/11, bão số 8 có gió mạnh cấp 6-7 và đến chiều 1/11 đã mạnh lên cấp 9-10. Gió giật đổ hàng trăm cột điện và cây xanh, bốc tung hàng chục mái nhà ở Đà Nẵng. Để đảm bảo an toàn cho người dân, thành phố đã cắt điện từ 11h50. Các chuyến bay đến Đà Nẵng và từ Đà Nẵng đi các tỉnh bị hoãn trong 2 ngày 1-2/11. Từ chiều qua đến sáng nay, thành phố cho di dời 150 hộ dân của phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), phường Thọ Quang, Mận Thái, huyện Sơn Trà.

"Gió quất ào ào, mọi công sở, trường học đóng cửa. Người dân không dám ra đường, nếu đi bộ chắc chắn bị gió quất ngã. Toàn thành phố mất điện", trong tiếng gió gầm gào, một người dân Đà Nẵng thông báo qua điện thoại với VnExpress. Theo nhiều người già ở địa phương, cơn bão này rất lạ, không ào qua mà di chuyển rất chậm. Vì thế, thiệt hại do bão sẽ rất lớn.


Cây đổ trên đường phố Đà Nẵng. Ảnh: Trà Bang

Thừa Thiên - Huế: 2 người chết, vỡ đập Hòa Duân

Theo thông tin ban đầu, tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang nước dâng rất lớn đã khiến đập Hòa Duân bị sóng biến đánh vỡ nhiều đoạn, uy hiếp khoảng 100 hộ dân sống ở chân đập. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã xuất 10.000 bao tải, 50 rọ thép và 2.500 m2 vải lọc, cùng hàng nghìn bộ đội, dân quân địa phương để ứng cứu khẩn cấp.

Mưa lớn làm hầu hết các hồ chứa nước trong tỉnh đều bị tràn từ 0,2 đến 1,4 m. Mực nước trên các sông Hương, Bồ chiều 1/11 đều ở mức báo động 2 và khả năng sẽ đạt báo động 3, mức nguy hiểm nhất, vào tối nay.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, UBND tỉnh cho biết sáng 1/11, nhân dân địa phương đã vớt được 1 xác chết không rõ lai lịch dạt vào bãi biển Phong Hải. 1 học sinh lớp 3 ở thôn Thanh Hương Lâm, xã Điền hương, huyện Phong Điền bị chết đuối.

Quảng Nam: Thực hiện cuộc di dời lớn nhất từ trước đến nay

Để đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện một đợt di dời lớn nhất từ trước đến nay, 15.000 hộ dân ở tất cả khu vực sạt lở núi, hạ lưu các hồ chứa đã được dời đến lưu trú tạm thời tại các trường học, trụ sở UBND, chùa chiền. Biện pháp này đã giảm tối đa thiệt hại về người (tới chiều 1/11 chỉ có 2 người ở huyện Núi Thành bị thương). Đúng như dự báo, các hồ chứa nước đã đầy. Hồ Phú Ninh lúc 15 chiều 1/11 phải xả tràn.

Với sức gió lúc 13 chiều 1/11 đạt cấp 9, tức là 75 đến 88 km một giờ, gió bão đã giật sập 150 ngôi nhà ở huyện Trà My và Núi Thành, làm 400 ngôi nhà khác hư hỏng nặng. Tại huyện Núi Thành có 2 người bị thương. Các khách sạn ven biển Cửa Đại phải đóng cửa từ chiều qua, 300 khách du lịch quốc tế được chuyển sâu vào thị xã Hội An hoặc đưa thẳng lên thành phố Đà Nẵng để tránh bão.

Quảng Trị: Cưỡng chế di dời dân

Bão đang có xu hướng tiệm cận gần Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, do đó suốt từ 12h đến trước 19h chiều 1/11, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành di dời hàng nghìn hộ dân ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh. Lực lượng phòng chống lụt bão đã cưỡng chế những người dân còn ở "cố thủ" canh giữ đầm thủy sản, các tàu thuyền. Sở dĩ họ còn ở lại vì chiều 1/11, Quảng Trị chỉ mưa nhỏ. Người dân vì tiếc của, hy vọng ứng cứu được nếu xảy ra sự cố cho đầm nuôi thủy sản, tàu thuyền.
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
Tigon-ETC

Tigon-ETC

Gió bụi nhân gian
7 người thiệt mạng vì lật đò tại Quảng Nam

Sáng nay, một chiếc đò chở hơn 20 người đã lật nhào khi cố gắng vượt sông Trường Giang, đoạn qua xã Tam Thăng, thị xã Tam Kỳ. Đến 14h, lực lượng cứu hộ đã cứu sống 15 người, vớt được 7 xác. Chủ đò bỏ trốn.

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Quang Chính, Phó chủ tịch UBND thị xã Tam Kỳ cho biết, hiện chưa biết chính xác đò chở bao nhiêu khách. Những người sống sót trong tâm trạng hoảng loạn. Trong số hơn 20 người trên đò, có hơn 10 học sinh đang cố gắng vượt sông Trường Giang để đến trường học đóng tại xã Tam Thăng.


Chiếc ghe gặp nạn. Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông Chính cho biết, sau bão số 8, Tam Kỳ hết mưa, nên học sinh đã quay trở lại trường học. Do đoạn đường dẫn lên cầu Mỹ Cang, bắc qua sông Trường Giang, ngập rất sâu (tới 1,5-1,7 m) nên các em đã đi đò máy sang sông. "Không ngờ, dòng nước xoáy đã làm lật đò, cướp đi nhiều sinh mạng. Chúng tôi đã huy động 20 thợ lặn chuyên nghiệp, cùng 50-70 bộ đội, công an, hội viên Hội chữ đỏ tích cực tìm kiếm. Tuy nhiên, đến 15h chiều nay, khả năng sống sót của những người còn lại là rất ít", ông Chính nghẹn giọng thông báo.

Tỉnh Quảng Nam trước mắt đã hỗ trợ gia đình có người chết 1 triệu đồng, trợ giúp phương tiện để gia đình chở xác nạn nhân về quê.

Trước đó, trong cơn bão số 8, Quảng Nam đã tiến hành cuộc di dời lớn nhất từ trước từ nay với 20.000 hộ. Có một người quốc tịch Philippines bị mất tích do lũ cuốn. Chuyên gia này làm việc tại mỏ vàng Bồng Miêu. Toàn tỉnh có 2 người bị thương, 210 ngôi nhà bị sập, hơn 1.310 nhà khác tốc mái. 14 tàu thuyền bị sóng đánh chìm.
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA