conan xin nói thêm rằng lịch sử của karaoke trước khi ra nhập vào việt nam và ý kiến dư luận xung quanh việc cấm karaoke.
Karaoke lần đầu tiên được biết đến tại một quầy Bar ở Kobe (Nhật Bản). Chuyện kể rằng, trong một buổi biểu diễn, khi người chơi ghi ta không đến, chủ quầy đã chuẩn bị những băng nhạc thu thanh sẵn và ca sĩ hát lại theo băng. Từ đó, Karaoke đã ra đời và trở nên phổ biến trên khắp đất nước Nhật Bản rồi dần dần lan sang Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ... (rồi Việt nam).
Theo một số nhà văn hoá, Karaoke có mặt ở Việt Nam cách đây khoảng 20 năm. Nó được xã hội tiếp nhận như một loại hình văn hoá giải trí mới vượt trội so với những chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình. Khoảng chục năm trở lại đây, Karaoke không chỉ phát triển ở các quán theo hình thức kinh doanh mà còn đi vào tận các gia đình.
Khi ''công nghiệp Karaoke'' xuất hiện ở Việt Nam, các quán Karaoke mọc lên như nấm sau mưa. Lúc đầu chỉ là những phòng hát tạm bợ với đơn giản một dàn âm thanh và micro. Dần dà, Karaoke được đưa đến những phòng cách âm, nội thất đẹp, âm thanh xịn, tiếp viên trẻ và giá... trên trời. Karaoke dần dần đã ăn nhập vào đời sống văn hoá và trở thành một nhu cầu của người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ. Cũng như những phát minh của ''ngành công nghiệp giải trí'' khác, lúc đầu Karaoke thịnh hành chủ yếu ở khu vực thành thị. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều vùng nông thôn xa xôi cũng đã bắt đầu... ''tiếng hát át tiếng... trâu''.
Đối với giới trẻ, Karaoke đã trở thành món ăn tinh thần sau những ngày học tập, lao động vất vả. Mỗi khi có dịp liên hoan, kỷ niệm, sinh nhật... họ kéo nhau đến các quán Karaoke để thả hồn cùng nhau. Có người hát hay, người hát dở nhưng khi cầm micro trên tay, hầu như tất cả đều trở nên tự tin hơn. Nhiều bạn trẻ tâm sự, Karaoke còn là nơi trút nỗi buồn, niềm vui của mình vào đó. Karaoke đã trở nên thân thiết với giới trẻ là vậy.
''Cấm Karaoke là ngăn một loại hình giải trí quan trọng của giới trẻ. Chúng tôi cũng muốn dẹp bỏ tệ nạn xã hội nhưng không thể bằng cách cấm triệt để như vậy. Không có Karaoke tất nhiên cũng không sao vì còn nhiều hình thức giải trí khác. Nhưng nếu các cơ quan chức năng cứ quyết tâm cấm thì chắc chắn giới trẻ cũng thấy... thiêu thiếu. Bởi vì, từ trước tới nay cứ có dịp nào quây quần bên nhau đông đủ là chúng tôi lại tìm đến với Karaoke'' - Bạn Nguyễn Hoài Nhung, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Công đoàn thổ lộ. Nhung cho biết, sau khi nghe tin cấm kinh doanh Karaoke trên báo, hầu như cả lớp Nhung đều... choáng! Cấm Karaoke thì làm sao sinh viên có thể... ''thể hiện'' giọng hát nghiệp dư của mình?
Một nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng, nếu xét ở khía cạnh ''món ăn tinh thần'' cho công chúng thì ''công'' của Karaoke không phải là ít. Karaoke ''biến'' những người không biết ca hát thành người biết hát, ''biến'' những người biết hát tự tin hơn trước đám đông và có thể là cầu nối cho những cung bậc tình cảm. Ông cho biết, từ khi du nhập vào Việt Nam, Karaoke cũng đã trải qua nhiều ''thăng trầm''. Lúc đầu, Karaoke không được đón tiếp ''nồng nhiệt'' vì nó bị xem là quá khác biệt với những ''món'' văn hoá, văn nghệ quần chúng khác đã tồn tại và ăn sâu vào tâm hồn người Việt. Thế rồi nó cũng được chấp nhận, bắt đầu từ thành thị, đặc biệt là vào những năm 90, khi dòng nhạc ''sến'' đang là trào lưu cuốn hút giới trẻ. Băng video Karaoke nhạc vàng có ở khắp nơi. Nhiều vùng nông thôn xa xôi nếu đã có vô tuyến là có Karaoke. Karaoke đã trở thành ''món cơm bình dân'' của mọi người. Đó cũng là ''công'' của Karaoke!
Trong khi dư luận cả nước đang ''nóng'' lên trước tin cấm Karaoke thì tại Hà Nội lại đang xảy ra 2 vụ việc liên quan đến Karaoke. Đêm 25/2, tại quán Karaoke 48 Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội) đã xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng. Anh Đặng Kim Bảng ở phố Hàng Phèn (Hà Nội) bị đâm chết. Vụ thứ 2 là vụ ''cà phê - thuốc lắc'' tại một quán Karaoke ở phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội) mà sẽ được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử trong thời gian tới. Dưới lốt kinh doanh Karaoke, quán này từ lâu đã là tụ điểm được ngụy trang tinh vi cho con nghiện chơi ''thuốc lắc''. Sự thật về ''hộp đen'' này đã bị lật tẩy sau khi giữa các ''quái lắc'' có mâu thuẫn với nhau. Mặc dù đây chỉ là hai vụ nhỏ trong hàng trăm hàng ngàn vụ liên quan đến Karaoke nhưng nó cũng cho thấy một điều: Xung quanh chiếc micro trong phòng hát Karaoke hiện nay cũng thật... nhiều chuyện.
Ai cũng biết, bản thân Karaoke là loại hình giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, nó xấu hay đẹp tùy thuộc vào mục đích của người đến với nó. Trong tờ trình gửi Chính phủ về đề xuất cấm Karaoke từ 1/2005, Bộ VH-TT có đưa ra ''chứng cứ'' là 80-90% các quán Karaoke... có vấn đề. Nếu xét theo NĐ 87/CP về những điều kiện kinh doanh Karaoke, ''có vấn đề'' ở đây là những vi phạm về ánh sáng, diện tích phòng, âm thanh, tiếp viên, nội dung... ''Chứng cứ'' quan trọng mà Bộ VH-TT bám vào là việc có quá nhiều quán Karaoke có hoạt động mại dâm, mặc dù Bộ này cùng các cơ quan chức năng ''liên quan đến Karaoke'' không chỉ rõ được trong 80-90% ''có vấn đề'' này có bao nhiều phần trăm của hoạt động mại dâm? Nhưng quả thật, chuyện phiền toái liên quan đến Karaoke cũng không phải là ít so với ''ưu điểm'' là ''món ăn tinh thần'' của người dân.
Sau khi có thông tin về việc ''món'' Karaoke bị đề xuất cấm, VietNamNet đã mở một diễn đàn về vấn đề này để bạn đọc thảo luận. Cũng như các ý kiến khác trên báo chí trong tuần qua, đồng ý cũng nhiều mà phản đối cũng lắm. Riêng có một độc giả trung thành của VietNamNet ở Vũng Tàu đã hoàn toàn đồng ý cấm Karaoke. Độc giả này lý giải và ví dụ cụ thể, không có Karaoke thì làm sao ông Lương Quốc Dũng quen được Nga ''chọi'', làm sao xảy ra vụ án ''động trời'' kia? Một độc giả khác nghiêng về ''phe cấm'' cho rằng, chúng ta cấm kinh doanh karaoke như hiện nay là hoàn toàn đúng! Tại sao ư? Độc giả này lý giải: ''Ngay cạnh nhà tôi ở đường Ỷ Lan - TP. Quy Nhơn có hai quán Karaoke. Không chỉ nhà tôi, mà cả những gia đình sống xung quanh đều không thể ăn, ngủ, học hành, làm việc vì họ... hát hầu như suốt ngày. Tôi đã thử bỏ ra 16 triệu đồng để làm một phòng cách âm 10m2 và nhốt con tôi vào đấy để yên tĩnh học hành. Nhưng không hề có hiệu quả vì sóng âm truyền theo tường nhà, bê tông không có gì ngăn cản được''. Độc giả này đề xuất nên quy hoạch Karaoke thành những khu giải trí, vui chơi riêng. Như vậy, việc quản lý cũng dễ dàng hơn nhiều, nhất là việc thu thuế.
Chúng tôi đã lấy ý kiến nhiều người dân về việc cấm hay không cấm Karaoke. Có nhiều người cho rằng, đôi khi ''lỡ'' vào hát nhầm ở một quán Karaoke ''ôm'' đã bị chủ quán từ chối thẳng thừng vì lý do... khách không cần ''dùng'' đến tiếp viên! Họ là những người trong sáng nhưng lại bị chủ quán và đám tiếp viên nhìn với con mắt... lạ lùng, cho họ là ''lạc hậu'', là ''nhà quê''. Lại còn có nhiều chủ quán Karaoke lúc đầu cũng kinh doanh lành mạnh, sau thấy quán cứ vắng như... chùa bà Đanh nên nghĩ cách học tập những quán bên cạnh về ''lĩnh vực tiếp viên''. Họ bảo rằng họ cũng sợ pháp luật ''sờ gáy'' lắm, nhưng không làm không được. Và cứ thế họ nhắm mắt làm ngơ vì khoản lợi lớn từ Karaoke ''ôm''. Karaoke cứ từng bước dấn vào tiêu cực do cả chủ quán lẫn khách hàng. Ai là người sử dụng dịch vụ 'Karaoke ''ôm'' nhiều nhất nếu không phải là các quan tham nhũng và những vị chuyên tiêu tiền "chùa". Những người lao động chân chính mấy ai biết đến Karaoke ''mỏi tay'', Karaoke ''bàn tay vàng'', Karaoke ''giải toả đến đâu đền bù đến đấy''? Một bạn đọc tỏ ra ''bức xúc" rằng, có nhiều người phản đối chuyện cấm Karaoke một cách thái quá. Có nhiều ý kiến đồng tình với việc cấm Karaoke ''phản hồi'', không có Karaoke chẳng lẽ không có loại hình giải trí nào khác? Chẳng nhẽ thiếu Karaoke giới trẻ ''không thể sống đúng mình" được ư?
Ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT) trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, cho rằng, khắc phục tiêu cực trong kinh doanh Karaoke không phải dễ! Các cán bộ cơ sở đều biết quán nào tiêu cực, quán nào tích cực nhưng không ngăn chặn được. Người kinh doanh muốn kiếm được nhiều tiền, họ phải mua chuộc một số cán bộ có chức năng kiểm tra, giám sát. Việc bảo kê, tiếp tay là có, thể hiện ở chỗ định kiểm tra ở đâu là chỗ ấy đã biết trước và hiện tượng ấy nhiều, góp phần làm một số bộ phận cán bộ thoái hoá, biến chất. Thêm vào đó, Karaoke cũng là nguyên nhân gây bất hoà cho một số gia đình. Về các biện pháp quản lý theo NĐ 87/CP, ông Tuyến cho biết ,lực lượng thanh tra văn hoá cũng thường xuyên kiểm tra, đã bắt và xử lý nhiều vụ vi phạm nhưng tiêu cực vẫn tồn tại.
Về những tiêu cực của Karaoke, ông Tuyến nhận định, đây là mặt trái của cơ chế thị trường, một số người nhiều tiền sử dụng Karaoke với nhu cầu giải trí không lành mạnh. Người ta đưa nhau đến quán Karaoke ôm để chiêu đãi nhau, để ký kết hợp đồng làm ăn, để gặp gỡ đối tác. Có nhu cầu đó, một bộ phận người kinh doanh tìm cách đáp ứng, bất chấp luật pháp, bất chấp truyền thống văn hoá. Dù có dùng nhiều biện pháp, song bộ máy quản lý dịch vụ này chỉ có mức độ. Ví dụ, cả nước có trên 2.000 điểm kinh doanh Karaoke nhưng lực lượng thanh tra chuyên ngành văn hoá chỉ có 300, lại kiêm nhiệm cả hoạt động kiểm tra quảng cáo, băng đĩa hình, lễ hội... ''Biên chế và ngân sách cho hoạt động này lại không thể phình mãi được. Kết hợp cả lý do chủ quan và khách quan thấy nếu cho nó tiếp tục tồn tại thì hậu quả xấu vẫn tiếp tục xảy ra!''- Ông Tuyến khẳng định.
Khi còn đương chức, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có ý kiến đề cập tới những vấn đề xung quanh hoạt động, công tác quản lý Karaoke trong một kỳ họp Quốc hội. Bà Bình cho rằng chúng ta cần có quy hoạch Karaoke. Bà dẫn chứng, ngay ở cả Nhật Bản, cội nguồn của Karaoke, cũng không phát triển tràn lan như Việt Nam. Bà Bình từng nhấn mạnh đến việc quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh Karaoke. Từ những tiêu cực của Karaoke cho thấy các cơ quan chức năng không quản lý được. Karaoke được xếp vào loại hình kinh doanh ''nhạy cảm'', dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
Theo Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT), hiện chưa có công trình nghiên cứu nào xác định được tỷ lệ tích cực và tiêu cực của Karaoke nhưng theo dư luận nhân dân đánh giá, phần tích cực chỉ chiếm 10-20%, còn lại là tiêu cực. Nếu một hoạt động đã 20 năm, đã dùng các biện pháp quản lý mà tiêu cực nhiều như thế thì hậu quả xấu rất nhiều.
Vụ Pháp chế nhận định về Karaoke:
- Phần đông lao động trong loại hình kinh doanh là nữ tiếp viên, là loại lao động không lành mạnh, không tạo ra giá trị vật chất gì cho xã hội và hoàn toàn trái với truyền thống văn hoá, đạo đức dân tộc.
- Thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước không đáng bao nhiều. Vì nó quá ít nên ngành thuế không tách riêng mà gộp chung với các loại hình giải trí khác.
- Gây ảnh hưởng cho xã hội, nhiều người dân phàn nàn dịch vụ này gây ồn ào đến 24h khiến nhiều người không ngủ được.
Cấm Karaoke hay không mới chỉ là đề xuất. Rõ ràng Karaoke có cả ''công'' lẫn ''tội''. ''Công'' nhiều hay ''tội'' nhiều đều chỉ là ước lượng. Dư luận cho rằng, các bộ ngành liên quan đến... Karaoke ngồi lại với nhau bàn về... Karaoke một cách thẳng thắn, nhiều chiều và thực tiễn thì mới... ''ra được vấn đề''. Với một loại hình giải trí như Karaoke, trước khi ra quyết định ''để'' hay ''diệt'' các cơ quan chức năng liên quan nên hết sức thận trọng!
theo thời bào vietnam net. conan nghĩ rằng loại hình giải trí nào cũng có hai mặt cả nếu nhà nước không quản lý tốt thì sẽ trở thành mặt xấu. nếu quản lý tốt thì sẽ rất có lợi cho người dân sau những giờ làm việc và học tập cực nhọc. vì vậy thay vì cấm đoán thì hãy quản lý cho tốt. :f_o
epsi: