Bạn đọc thông tư Số: 76/2002/TT-BTC phần này nhé:
III. Xử lý tài chính từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển sang công ty cổ phần
1. Căn cứ vào quyết định công bố giá trị doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền, doanh nghiệp phải điều chỉnh sổ kế toán và bảng cân đối kế toán theo chế độ kế toán Nhà nước quy định, đồng thời có trách nhiệm tiếp tục theo dõi và xử lý các khoản nợ và tài sản được loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá; hạch toán đầy đủ các khoản chi phí liên quan đến việc thực hiện cổ phần hoá phát sinh trong kỳ.
2. Đến thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải chủ động lập báo cáo tài chính, tiếp tục xử lý những vấn đề về tài chính theo qui định tại Mục II Thông tư này và thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế để xác định lại giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm cổ phần hoá và thực hiện bàn giao giữa doanh nghiệp Nhà nước với công ty cổ phần.
3. Khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần với giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được xử lý như sau:
a. Trường hợp có chênh lệch tăng thì nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cùng cấp.
b. Trường hợp có chênh lệch giảm thì doanh nghiệp phải làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm để xử lý như sau:
- Xử lý bồi thường vật chất theo quy định hiện hành đối với phần chênh lệch giảm thuộc trách nhiệm cá nhân, tập thể.
- Toàn bộ khoản chênh lệch giảm sau khi bồi thường vật chất (nếu có) thì cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá quyết định giảm giá trị doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước cùng cấp bổ sung vốn để đảm bảo tỷ lệ cổ phần Nhà nước cần thiết nắm giữ trong cơ cấu vốn điều lệ của Công ty cổ phần.
4. Đối với các khoản nợ và tài sản được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp:
a. Trong giai đoạn chưa chính thức chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm tiếp tục theo dõi và tổ chức thu hồi công nợ, thanh lý, nhượng bán tài sản nói trên (bao gồm cả việc bán lại cho các tổ chức có chức năng kinh doanh mua bán nợ và tài sản tồn đọng) và nộp toàn bộ số tiền thu được về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước .
b. Trường hợp đến thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần vẫn chưa xử lý xong các khoản nợ và tài sản trên thì cơ quan quyết định cổ phần hoá xem xét, quyết định chuyển giao việc xử lý các khoản nợ và tài sản được loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá cho doanh nghiệp khác hoặc uỷ quyền cho công ty tiếp tục bảo quản và xử lý. Công ty cổ phần được hưởng 10% tổng số tiền thu được từ việc nhượng bán, thanh lý tài sản và thu hồi công nợ để bù đắp chi phí và có trách nhiệm nộp số thu còn lại về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước .
Công ty cổ phần phải tổ chức thanh lý, nhượng bán tài sản này trong thời hạn 6 tháng, nếu quá thời hạn trên phải báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá để xử lý. Nếu Công ty cổ phần có nhu cầu sử dụng thì báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá để thuê hoặc mua theo giá thị trường.