Rộng mở - Con đường trở thành kiểm toán viên quốc tế

  • Thread starter ketoan@
  • Ngày gửi
ketoan@

ketoan@

Thành viên Cố vấn - Webketoan Mentors
24/5/04
317
6
18
Bụi mận gai...
ACCA-Hiệp hội Kế toán công chứng Anh đang có vai trò rất tích cực giúp Việt Nam tiếp cận, sử dụng chuẩn mực kế toán, kiểm toán theo thông lệ quốc tế và đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán. Vậy làm thế nào để nhận được chứng chỉ từ ACCA và thực tế nhu cầu nhân lực trong ngành kiểm toán tại Việt Nam? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Phương Mai ), Trưởng Văn phòng Đại diện ACCA tại Việt Nam.


* Theo bà điều gì là yêu cầu khó nhất đối với những người muốn theo học và nhận được chứng chỉ ACCA?


- Để nhận được một chứng chỉ có giá trị được công nhận toàn cầu như chứng chỉ ACCA, hai yếu tố quan trọng nhất mà thí sinh cần có là tính kỷ luật cao và lòng kiên trì. Nội dung các kỳ thi ACCA rất hóc búa vì những người ra đề tuân thủ một chuẩn mực hết sức chặt chẽ về chuyên môn. Với hai kỳ thi mỗi năm, 14 môn thi ACCA là thử thách thực sự đối với những ai đang phải vừa học, vừa làm. Nếu lơ là và không học liên tục, thí sinh sẽ khó vượt qua được các kỳ thi này.


* Được biết các bài thi ACCA hòan toàn bằng tiếng Anh, vậy đây có phải là trở ngại cho người Việt Nam?


- Trình độ Anh Văn là một yếu tố khiến nhiều người tại Việt Nam ngần ngại vì toàn bộ chương trình ACCA được thi bằng tiếng Anh. Tuy nhiên nếu học nghiêm túc từ những môn cơ bản, người học sẽ có những kiến thức vững chắc cả về chuyên môn lẫn Anh ngữ chuyên ngành từ sơ đẳng đến chuyên sâu, do đó chỉ cần kiên trì và quyết tâm là thí sinh có thể vượt qua được trở ngại về ngôn ngữ.


* PV: Muốn tham gia thi ACCA thí sinh thì phải học tại đâu, thưa bà?


- Là tổ chức ra đề thi và cấp chứng chỉ, ACCA không tham gia vào việc giảng dạy để đảm bảo tính khách quan cho tất cả các thí sinh. Thí sinh có thể tự học, học qua mạng, tham gia các khóa hàm thụ và học tại các trung tâm luyện thi. Hiện nay tại Việt Nam có một số trung tâm đã được ACCA công nhận chất lượng và ủy quyền đào tạo, đó là: FTMS, PACE và Singapore Raffles. Trừ PACE, hai trung tâm còn lại đều có các lớp luyện thi ở TP HCM và Hà Nội. ACCA cũng vừa hoàn tất các thủ tục kiểm tra trước khi công nhận một trung tâm mới tại Hà Nội là IFC.


* Xin bà cho biết, cơ hội thành đạt cho những người được cấp chứng chỉ ACCA sẽ như thế nào?


- Phương châm của ACCA là mang cơ hội thăng tiến nghề nghiệp đến cho bất cứ ai có đủ quyết tâm. Yêu cầu đầu vào tối thiểu là bằng đại học chỉ nhằm mục đích đảm bảo trình độ cơ bản của những người bắt đầu tham gia chương trình. Tuy nhiên nếu một người vì hoàn cảnh hoặc lý do nào đó không thể học đại học, chúng tôi vẫn tạo cơ hội để họ có thể tham gia thi và lấy chứng chỉ này. Có rất nhiều hội viên ACCA ở các nước đã khởi đầu từ con số không để sau khi có bằng ACCA đã đạt được nhiều thành công rực rỡ trong công việc.


Cơ hội cho những người có chứng chỉ ACCA rất đa dạng. Với chứng chỉ ACCA, hội viên có thể áp dụng kiến thức của mình trong rất nhiều lĩnh vực, ngoài lĩnh vực kiểm toán. Nhiều giám đốc điều hành hoặc giám đốc tài chính của hơn 200 công ty kinh doanh hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam là hội viên ACCA. ở nhiều nước, hội viên ACCA còn tham gia vào chính trường, nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Đối với 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới (thường được gọi là Big 4), ACCA cũng có hội viên là các chủ phần hùn và khoảng hơn 20.000 học viên và hội viên của ACCA đang làm việc tại đây.


* Bà có nhận định gì về nhu cầu sử dụng lao động kiểm toán của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới?


- Nhu cầu sử dụng lao động kiểm toán của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới rất cao. Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ dẫn đến nhu cầu cần có một lực lượng kiểm toán viên có đẳng cấp để có được những bản báo cáo tài chính đáng tin cậy và minh bạch cho các nhà đầu tư và giới thương mại trên toàn cầu. Báo cáo tài chính phải minh bạch và chính xác thì chúng ta mới có thể có một nền kinh tế ềkhỏe mạnhể, và để có những bản báo cáo như vậy, không thể thiếu một đội ngũ kiểm toán viên giỏi tay nghề và trong sạch.

* Xin cảm ơn bà.

Hàng năm ACCA tổ chức kỳ thi trên toàn thế giới vào đầu tháng 6 và tháng 12. Tại Việt Nam, ACCA có 2 trung tâm thi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thời gian thi từ 6/6 đến 15/6/2005 với 16 môn: tin học, quản lý thông tin kinh doanh, luật, kiểm toán và đảm bảo kết quả kiểm toán, thuế, thuế nâng cao, lập báo cáo tài chính, thông tin tài chính cho quản lý, quản lý hoạt động kinh doanh, quản lý nhân sự, xây dựng chiến lược kinh doanh, kiểm toán và kiểm toán nội bộ, báo cáo tài chính cấp tập đoàn, quản lý và giám sát tài chính, quản lý tài chính về chiến lược.


Đội ngũ kiểm toán Việt Nam sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế


Kể từ khi Bộ Tài chính Việt Nam ký kết biên bản hợp tác với ACCA trong việc phối hợp tổ chức thi kiểm toán viên Việt Nam và quốc tế vào năm 2003 đã mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp cho những người hoạt động kế toán, kiểm toán ở Việt Nam. Kỳ thi phối hợp sẽ áp dụng chương trình thi của ACCA, được Bộ Tài chính công nhận và cho phép hội viên ACCA có cơ hội nhận chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam sau khi đã có chứng chỉ quốc tế.


Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế nước ngoài, trình độ chuyên môn của đội ngũ kiểm toán viên Việt Nam không phải là kém, bằng chứng là có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đã và đang được giao trọng trách ở các công ty đa quốc gia và các hãng kiểm toán lớn. Tuy nhiên do ngành kiểm toán tại Việt Nam còn khá non trẻ, chúng ta chưa thực sự có nhiều kiểm toán viên có trình độ và kinh nghiệm quốc tế để có thể hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu của hội nhập.


Ngoài một số các kiểm toán viên có điều kiện làm việc với các tập đoàn đa quốc gia, có rất nhiều người chưa thực sự có điều kiện để được “cọ xát” với môi trường hoạt động chuyên nghiệp cấp khu vực hoặc quốc tế. Đó có thể là một hạn chế trong quá trình hội nhập. Để khắc phục những điểm yếu này, những người làm công tác chuyên môn cần phải tận dụng mọi cơ hội để học hỏi, nâng cao kiến thức của mình về môi trường chuyên môn quốc tế. Các khóa học ngắn hạn, thông tin trên mạng internet, học các chứng chỉ chuyên môn quốc tế như ACCA, tham gia các hội thảo chuyên ngành, v.v... là những cách mà các kiểm toán viên của chúng ta có thể hoàn thiện bản thân để đón đầu hội nhập.


Nhằm hỗ trợ đào tạo kế toán và phát triển ngành kiểm toán ở Việt Nam, ACCA đã cam kết hỗ trợ Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) để xây dựng hội vững mạnh, đồng thời cũng hỗ trợ các trường đại học trong việc đào đạo đội ngũ kế toán, kiểm toán tương lai. Trong năm 2003 và 2004, ACCA đã tiến hành tặng sách và tạp chí chuyên ngành cũng như tạp chí Saigon Times Weekly cho thư viện khoa kế toán kiểm toán trường Đại học kinh tế quốc dân và Học viện Tài chính. Chương trình tặng sách và báo này được tiếp tục trong năm 2005 và sẽ được mở rộng bao gồm cả trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Phương châm của ACCA là nỗ lực đóng góp vào sự phát triển nghề nghiệp tại bất cứ quốc gia nào có sự hiện diện của Hiệp hội.

Theo TBTC 62 ngày 25/05/2005
 
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA