Đời ông chủ

  • Thread starter thanhvunt
  • Ngày gửi
thanhvunt

thanhvunt

http://thanhvunt.com
22/1/06
2,078
10
0
Nha Trang
thanhvunt.com
Điểm sáng đáng ghi nhận nhất trong tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam hơn 30 năm qua là sự ra đời của Luật doanh nghiệp, người dân đã được quyền kinh doanh những gì luật pháp không cấm.

Tuy nhiên, trước khi có cột mốc đáng nhớ ấy, nhiều ông chủ doanh nghiệp VN đã trải qua lắm gian nan, lặn lội tìm cách "bung ra" trong chiếc áo cơ chế chính sách bắt đầu chật chội. Với họ, đời ông chủ cũng "ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh"...

Kỳ 1: Khởi sự từ xà bông không tên

Luật doanh nghiệp ra đời mở ra cơ hội làm ăn cho tất cả người dân, người dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Đó là điểm sáng đáng ghi nhận nhất trong tiến trình phát triển kinh tế VN hơn 30 năm qua.

Tuy nhiên, trước khi có cột mốc đáng nhớ ấy, nhiều ông chủ doanh nghiệp VN đã trải qua lắm gian nan, lặn lội tìm cách “bung ra” trong những chiếc áo cơ chế chính sách chật chội.

Sau năm 1975, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh như một cơn gió lốc đã quét qua cuộc đời của nhiều ông chủ doanh nghiệp tư nhân. Có những “cây cổ thụ” đã bị đánh bật gốc trong cơn lốc ấy, nhưng cũng có đám cỏ non vừa mới nhú, mềm mại uốn cong theo chiều gió và lớn lên.

Trong giới doanh nhân VN, tên ông Trịnh Thành Nhơn - tổng giám đốc Công ty hóa mỹ phẩm quốc tế ICC (Khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương) - của ngày hôm nay không được nhắc đến nhiều bằng thời ông ngang dọc thị trường Nam Bắc với nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan cách nay 20 năm.

Nhưng ông Nhơn bảo Dạ Lan không phải “người tình đầu” trong cuộc đời làm kinh tế của ông. Trước đó, ông đã cho ra đời một loại xà bông không nhãn hiệu, khi từ khe cửa sổ be bé của nhà mình ông nhìn thấy cả một thị trường rộng lớn bên ngoài. Ông gọi đấy là giai đoạn đấu tranh thầm lặng để giành lấy quyền kinh doanh cho mình.

Chỉ cần làm đúng, không cần làm tốt!

Sau năm 1975, cả gia đình ông Nhơn sống nhờ vào cửa hàng bán xà bông ở chợ Bình Tây, TP.HCM. Hàng hóa, trong đó có xà bông, hết sức khan hiếm. Đang là sinh viên năm 3, ông Nhơn còn tính cả chuyện chạy ra Bắc kiếm hàng về cho người chị bán kiếm sống.

Nhưng rồi ông nghĩ nhiều chủ hãng xưởng đã bỏ đi, sao mình không lấp vào thị trường? Nghĩ là làm. Ông gom góp 3.000 đồng, dẹp một góc trong nhà, kiếm ba cục gạch và một thùng phuy, mời ông thợ cả người Hoa của một hãng xà bông sang giúp. Thế là xưởng sản xuất xà bông không tên ra đời năm 1976.

Hàng làm ra không có chợ để bán. Thị trường của ông Nhơn là mấy hợp tác xã và công ty thương nghiệp của nhà nước. Ký hợp đồng rồi chẳng cần lo cạnh tranh, cứ cắm đầu sản xuất.

Nhưng làm cứ trốn chui trốn nhủi, ngày nào cũng nơm nớp lo sợ cơ quan quản lý thị trường ghé đến, chi cục đo lường sang kiểm tra, ủy ban phường qua hỏi thăm… Thành phẩm bán cho hợp tác xã được xem là hợp pháp, nhưng nguyên vật liệu lưu thông trên đường về xưởng lại là bất hợp pháp. Ông Nhơn mua dừa từ Mỹ Tho, Bến Tre, cho vào mấy cái bịch nilông nho nhỏ khi đi qua các trạm kiểm soát, vẫn chưa hết run khi đặt chân về đến nhà.

Ngày ấy, xà bông của ông Nhơn bán cho ngành thương nghiệp với giá do ủy ban vật giá duyệt. Để cho ra 1kg xà bông cần bỏ 7-8 đồng vốn, trong khi ủy ban chỉ duyệt giá bán 3,6 đồng, thế là các hãng sản xuất xà bông ăn gian nguyên liệu, tung ra thị trường những hàng kém chất lượng.

Hãng của ông Nhơn không là ngoại lệ. “Nhiều cán bộ nhà nước bảo với tôi họ chỉ yêu cầu tôi làm đúng, không cần tôi làm tốt. Nhưng với các qui định tréo ngoe như vậy, tôi làm đúng sao được. Nếu hàng làm đúng chất lượng, lỗ tụi tôi biết kêu ai bây giờ?” - ông Nhơn nhớ lại.

Khát vọng được sản xuất

Công việc kinh doanh ngày càng mở rộng, ông Nhơn sắm thêm máy móc, tuyển thêm công nhân. Mỗi ngày ông sản xuất đến 5 tấn xà bông, có ngày lên đến 10 tấn.

Năm 1979, một đoàn thanh tra bất ngờ xuất hiện, kiểm kê cả cửa hàng ở Bình Tây lẫn xưởng ở nhà. Ông thầm nghĩ chắc đến lúc phải chia tay với hãng xà bông này rồi, nhưng bất ngờ ông nhận ra một thành viên trong đoàn là “lính” của ông thời hoạt động học

sinh - sinh viên ngày xưa. “Thầy trò” nhận ra nhau, “trò” xúi “thầy” làm đơn xin phường xét lại. Ông Nhơn mừng quýnh, làm ngay. Vậy mà đoàn thanh tra cũng ở trong nhà ông cả tháng trời để canh giữ tài sản.

Đoàn thanh tra đi, ông Nhơn khởi động lại việc sản xuất. Chưa kịp mừng, ông bí thư phường xuống lệnh yêu cầu ông ngưng hợp đồng cung ứng cho công ty thương nghiệp, tất cả sản phẩm phải chuyển sang bán cho hợp tác xã phường.

Ông Nhơn nghe mà như sấm nổ bên tai. Hàng mới giao được hai ngày, kho của phường hết chỗ chứa. Cầm cự được nửa tháng, ông Nhơn quyết định thuê xe chở đi bán. Xe vừa ra khỏi phường thì bị phát hiện và tịch thu toàn bộ.

Đầu năm 1980, ông Nhơn bị phường gọi lên, bảo qui mô hãng của ông lớn quá, phải “phát triển” lên thành xí nghiệp đời sống của phường. Phường cấp cho ông cái nhà, kêu ông chuyển hết nguyên liệu, lao động, máy móc... vào đấy sản xuất.

Phường cử người làm giám đốc, ông được giao phụ trách kỹ thuật. “Ngay từ đầu tôi đã thấy không ổn. Mấy ổng chẳng hiểu gì về sản xuất kinh doanh gì cả, tôi làm thế này mấy ổng cứ chỉ đạo làm thế khác. Hai bên cứ lo cãi nhau thì làm ăn gì được” - ông Nhơn lắc đầu. Các mối bỏ nguyên liệu thấy ông Nhơn “làm cho nhà nước” đều lảng đi hết. Xí nghiệp hoạt động eo sèo được hai năm thì giải tán, ai trở về nhà nấy. Bước ra khỏi cổng phường, vốn liếng ông Nhơn cũng bay sạch.

Đến năm 1989, với sự ra đời của nghị quyết 16, cánh cửa cho tư nhân làm kinh tế mở ra. Khát vọng về việc được bận rộn, được sản xuất, được bắt mạch thị trường trỗi dậy trong ông. Ông thành lập doanh nghiệp Sơn Hải, và nổi đình nổi đám với kem đánh răng Dạ Lan vào đầu thập niên 1990.

Bây giờ mỗi lần gặp khó khăn, những hình ảnh gian nan làm ăn buổi đầu lại hiện lên trong ông. Ông hỏi ngày xưa khó khăn thế vẫn đeo đuổi được, bây giờ chính sách đã mở ra hơn ngàn vạn lần, chẳng lẽ khó khăn không giải quyết được? Và ông bước tiếp.
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
thanhvunt

thanhvunt

http://thanhvunt.com
22/1/06
2,078
10
0
Nha Trang
thanhvunt.com
Tìm lại 100 lượng vàng đã mất

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cuộc cải tạo công thương nghiệp kéo dài hơn 10 năm đã không thể triệt tiêu được sản xuất tư nhân do mô hình kinh tế quốc doanh và hợp tác xã không phát huy hiệu quả.

Nhưng điều lo lắng nhất của các ông chủ tư nhân thời ấy là họ có thể bị gạt ra khỏi cuộc chơi bất cứ lúc nào.

Chuông điện thoại reng. Ông Nguyễn Lâm Viên - tổng giám đốc Công ty Vinamit - cầm máy, xổ một tràng tiếng Hoa. Tưởng ông là người Hoa chính gốc nhưng không phải.

Ông Viên bảo ông đã cần mẫn học tiếng Hoa bao năm qua vì đó là ngôn ngữ của thị trường mà ông đang chinh phục. Thị trường ấy ông đeo đuổi từ lúc còn trẻ, khi cơ sở sản xuất của ông bị hợp tác hóa và ông phải dừng lại khi mong ước kinh doanh còn dang dở.

Chốn cũ

Ông Viên kể đã nhiều lần ông cố ý ghé xe ngang qua Xí nghiệp chế biến thực phẩm Nhabexims (Q.7, TP.HCM) chỉ để nhìn lại chốn cũ. Hình ảnh văn phòng cũ, gian nhà xưởng quen thuộc mà một thời ông đã lặn lội cùng nó cứ nhói lên trong ông. Ngày ấy, đích thân ông đi chọn từng khúc gỗ, từng cây sắt để dựng nghiệp.

Hồi ấy, 1 tấn mít bán sang Đài Loan với giá 6.000 USD, trong khi gạo xuất khẩu chỉ ở mức 200 USD/tấn. Ông biết nông sản chế biến đang có thị trường, người trồng mít sẽ có lợi.

Năm 1989, ông quyết định đem công nghệ mít sấy từ Đài Loan về VN và tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Hơn chục năm trước đó, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã đưa chàng trai chưa đầy 20 tuổi khỏi bàn tay che chở của mẹ để lao vào kiếm sống.

Gia đình ông Viên trước năm 1975 sống nhờ vào cửa tiệm tạp hóa bán giày dép, nón mũ ngang dài đều 4m ở Gò Vấp. Tiền ăn học của chín anh em ông trông chờ vào cửa tiệm đó. Giải phóng miền Nam được vài năm, có người đến bảo cửa tiệm nhà ông rộng quá, phải chia bớt cho người khác.
Cửa tiệm bị xén còn lại ngang 1,5m, dài 2m, không buôn bán gì được. Mẹ ông buồn quá, nằm viện mất mấy năm. Ông thấy mẹ rầu rĩ, không đành lòng, nghĩ mình trai tráng sao lại không thể kiếm miếng cơm được. Thế là bỏ học, lên rừng.

Vào làm nhân viên phòng kế hoạch Nông trường Sông Ray (Đồng Nai) được vài năm, ông Viên được thăng chức làm trưởng phòng kế hoạch. Nhưng rồi ông bỏ nhiệm sở, về Sài Gòn. Được mấy người bạn học cũ khuyến khích, kinh nghiệm bốn năm làm việc với gỗ, mây… được ông mang ra tận dụng để mở cơ sở sản xuất đồ nội thất.

Phúc họa song hành

Tổ hợp mây tre lá Đồng Tâm ra đời ở Nhà Bè năm 1985. Chỉ trong vòng hai năm, số lao động của tổ hợp Đồng Tâm lên đến 100 người. Vốn liếng nguyên liệu, hàng hóa thành phẩm cũng đã lên đến cả 100 lượng vàng.
Tuy vậy, xưởng sản xuất vẫn không khác gì nhà lá, hàng làm xong không biết chất đâu phải phơi nắng, phơi mưa ngoài trời. Bởi vậy, khi chính quyền yêu cầu đưa Đồng Tâm vào liên doanh với nhà nước và giao cho ông khu đất rộng 10.000m2 để phát triển, ông đồng ý ngay.

Tổ hợp Đồng Tâm chuyển về nhà mới, Xí nghiệp liên doanh mây tre lá Nhà Bè ra đời năm 1987, trực thuộc Công ty liên hiệp Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Nhà Bè (Nhabexims). Lãi chia Nhà nước 49%, ông Viên 51%.
Ông Nguyễn Minh Trí, giám đốc Nhabexims giai đoạn 1989-1990, kể: “Anh Viên được giao chức giám đốc, được tự chủ kinh doanh vì chúng tôi biết chỉ có anh mới nắm được kỹ thuật và thị hiếu thị trường.

Lúc đó, tôi có nói thẳng với cấp dưới rằng những ai không có khả năng thì không nên can thiệp vào công việc kinh doanh của xí nghiệp kẻo hỏng hết việc”. Hàng của xí nghiệp chạy ào ào. Nhưng cái họa cũng đến từ đó.
Ông Viên được ban giám đốc Nhabexims gọi lên, thông báo sẽ cho ông thuyên chuyển công tác. Linh cảm cho ông Viên hay có chuyện không lành bởi từ hôm trước dư luận đã phong thanh rằng ông đang mượn danh nghĩa nhà nước để làm giàu cho cá nhân.

Ông Viên biết đã đến lúc người ta không cần đến mình nữa. Lao động đã có sẵn, công nghệ sản xuất mít sấy đang vận hành tốt, sản phẩm mây tre cũng đã có thị trường. Đấu tranh để ở lại cũng tốt nhưng sẽ được gì?
Vậy là ông thẳng thừng: “Tôi là giám đốc thuê, không phải là cán bộ nhà nước. Muốn xài thì xài, không xài nữa tôi nghỉ”. Vài ngày sau, ông nhận được quyết định cách chức.

Vậy là ông Viên ra đi, hành trang nhẹ tênh, nỗi buồn nặng trĩu. Nằm nhà được vài hôm, ông nhận ra chẳng ai có thể gặm nhấm nỗi ai oán mà sống được. Ông ngồi dậy, đi bỏ mối đồng hồ, buôn xe máy, góp từng đồng chờ ngày tái khởi nghiệp.

Cuối năm 1992, ông quyết tâm dựng lại nhà máy. Như con chim sợ làn cây cong, lần này ông chứa nguyên liệu ở Bình Dương, sơ chế ở An Phú Đông, chế biến ở Thủ Đức…

Ông giải thích: “Tôi cố tán nhỏ cơ sở ra để không ai nhìn thấy mình, không biết mình là ai. Tư nhân mà, mặc dù lúc đó đã được thừa nhận nhưng mà người ta vẫn có xu hướng “thương” những “thằng” nhỏ nhỏ, nghèo”.

Năm 1995, ông Viên quyết định xây nhà máy ở xã Tân Định (Tân Uyên, Bình Dương). Nhiều người thân bảo ông té đau một lần rồi mà vẫn chưa tỉnh ngộ. Nhưng ông nghĩ mình đã có tâm huyết, tại sao không thể đi tới cùng?

Niềm vui của ông là ngày hôm nay trên thương trường, sản phẩm sấy khô Vinamít đang cạnh tranh bình đẳng với sản phẩm sấy khô của Nhabexims. “Tôi vẫn thầm lặng theo dõi sự phát triển của Nhabexims, bởi ở nơi ấy tôi đã để lại một phần đời của mình, và có cả một phần tài sản của mình” - ông Viên thở ra thật nhẹ.

150 triệu để “ly hôn”

Với ông Nguyễn Văn Bôn, giám đốc doanh nghiệp tư nhân điện cơ Bình Đông (Bifan, Q.8, TP.HCM), ông Nguyễn Lâm Viên tuy mất cả 100 lượng vàng nhưng vẫn thuộc dạng “may mắn” vì không bị nợ nần khi rời khỏi xí nghiệp.

Trong giai đoạn ấy, sau khi cuộc “hôn nhân” gượng ép bị đổ vỡ, nhiều ông chủ tư nhân muốn ra đi phải mang theo lời thề trả nợ. Ông Bôn là một trong số ấy.

Năm 1983, cơ sở sản xuất quạt của ông bị “ép” trở thành Xí nghiệp hợp doanh Điện cơ quận 8, ông được đề cử làm giám đốc. Sau vài năm hoạt động, xí nghiệp thiếu vốn, hàng bán ra không thu được tiền, đến năm 1987 ngừng hoạt động.

Ông Bôn bày tỏ nguyện vọng xin ra đi. Một đoàn thanh tra được thành lập, kiểm kê tài sản xí nghiệp, phải mất đến gần hai năm mới có kết luận: các khoản thất thoát và nợ phải trả lên đến 150 triệu đồng.

Ông Bôn được đưa ra hai sự chọn lựa: hoặc tiếp tục làm giám đốc xí nghiệp, hoặc nộp lại 150 triệu đồng nếu muốn “ly hôn”. Ông Bôn quyết định ra ngoài, vay mượn tiền sản xuất quạt lại từ đầu.
 
thanhvunt

thanhvunt

http://thanhvunt.com
22/1/06
2,078
10
0
Nha Trang
thanhvunt.com
Kê biên tài sản

Sau tháng 4-1975, nhà báo Đinh Phong cùng nhóm phóng viên truyền hình túc trực ngày đêm theo những tổ công tác làm công việc “kê biên tài sản” của những nhà tư sản Sài Gòn ở chợ Bến Thành, chợ Tạ Thu Thâu... Bây giờ, những câu chuyện cũ trở về trong ông như một đoạn phim quay chậm, buồn bã.

Những chuyện ai cũng muốn quên

Đó là một thời điểm khó quên nhưng ai cũng muốn quên. Ông Đinh Phong (ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, nguyên phó giám đốc Đài truyền hình TP.HCM) hồi tưởng về những ngày ông và nhiều đồng nghiệp được ban tuyên huấn giao những nhiệm vụ đặc biệt nhưng bí mật đến phút cuối cùng. Ngay cả cái tên của những chiến dịch này cũng được mã hóa thành X1, X2...

Những tổ công tác mật được gấp rút thành lập, bắt đầu rà soát, lên danh sách những hộ gia đình kinh doanh, những gia đình giàu có phải “cải tạo tư sản”. Nguyên tắc hàng đầu của chiến dịch này là bí mật. Những nhà tư sản chỉ bàng hoàng nhận biết những gì xảy ra khi cửa mở và tổ công tác đặc biệt bất ngờ có mặt, đọc quyết định “kê biên tài sản”.

Từng làm phóng viên tuyên truyền về cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc những năm 1960 khi còn công tác ở báo Nhân Dân, sau năm 1975 ông Đinh Phong lại là một trong những chứng nhân của một giai đoạn lịch sử mới. Trong ký ức của mình sau gần ba thập niên kể từ ngày ấy, nhà báo Đinh Phong trầm ngâm: “Chúng tôi vác máy đi tuyên truyền mà lòng trĩu nặng, ngơ ngác nhìn nhau hỏi tại sao lại như vậy?

Có lần, chúng tôi mang máy ra chợ Tạ Thu Thâu quay cảnh niêm phong tài sản một hộ kinh doanh hàng điện tử. Chưa kịp ghi hình ảnh nào, ông chủ hộ kinh doanh bước ra gạt máy, rồi chỉ vô mặt tôi bảo: “Chú về mà hỏi Huỳnh Văn Tiểng (giám đốc đài truyền hình lúc bấy giờ - NV) xem ngày xưa tôi đã gửi linh kiện vô chiến khu lắp ráp đài phát thanh như thế nào, hỏi coi thời chống Mỹ tôi đã giúp đỡ các ông những gì? Bây giờ tôi buôn bán, có tội tình gì mà bay bắt tôi về làm ruộng hả?”. Thời gian sau tôi có trở lại tìm ông chủ ấy nhưng không gặp, chỗ cũ đã trở thành một cửa hàng quốc doanh”.

Ông Đinh Phong kể tiếp: “Một tối, tôi tiếp hai vợ chồng anh bạn trong cơ quan. Họ đến bảo rằng cả gia đình là cơ sở điệp báo của ta trước năm 1975, họ dùng chính cửa hàng vải sợi của mình làm bình phong cho cơ sở liên lạc của cách mạng. Những câu chuyện ấy chưa kịp được xác nhận sau năm 1975 thì gia đình trở thành điểm “cải tạo” với cửa hàng vải sợi.
Tài sản bị niêm phong, mọi người trong nhà chuẩn bị nhận quyết định đi “xây dựng vùng kinh tế mới”. Tôi nghe mà toát mồ hôi, ngay trong đêm chạy đến gặp ông Dương Văn Đầy (lúc ấy là chủ tịch Q.1, TP.HCM), bảo: “Họ sắp đưa một gia đình có công với cách mạng đi kinh tế mới”. Ông Đầy nói: “Đâu được”. Tôi bảo: “Họ hẹn sáng sớm 5 giờ là phải đi rồi”. Tờ mờ sáng hôm sau, ông Đầy phải đến chặn ngay trước cửa nhà can thiệp cho trường hợp này. Vậy là quyết định mới được hủy bỏ”.

Mầm sống mới mọc lên

Chương trình thời sự khoảng 30 phút của Đài truyền hình TP.HCM ngày ấy tập trung nhiều thời lượng để tuyên truyền cho công cuộc cải tạo công thương nghiệp trên địa bàn. Đằng sau những hình ảnh ấy, các nhà báo là những người đã chứng kiến những giọt nước mắt, những cái nhìn ngạc nhiên, thảng thốt của đồng bào mình. Lần đầu tiên trong đời nhà báo Đinh Phong mới biết thế nào là mảnh “vàng lá”. Ông ngơ ngác với hình ảnh những rổ kim cương, vàng... được mang ra niêm phong, cất lại. Số tài sản dư ra được xử lý bằng cách tịch thu, trưng thu, trưng mua...

Ông Đinh Phong kể rằng có lần được hỏi chuyện với ông Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) lúc bấy giờ là ủy viên Bộ Chính trị phụ trách phía Nam về công cuộc cải tạo công thương nghiệp, ông thấy ông Mười Cúc rất ưu tư. Trong hồi ký của mình, ông Đinh Phong kể: “Thời mới giải phóng, trong một lần gặp gỡ các nhà tư sản, ông Mười Cúc đã nói: “Các bạn đã đi với chúng tôi trong cách mạng dân tộc dân chủ nên gọi là tư sản dân tộc, nay các bạn đi với chúng tôi lên thời kỳ quá độ lên XHCN, không biết gọi các bạn là gì cho phù hợp?”. Sau đó, khi nhắc đến chuyện “ngăn sông cấm chợ”, ông Mười Cúc hay trầm tư, thậm chí có lúc muộn phiền: Sắp có quyết định lập trạm mới nữa rồi...”.

Những nhà tư sản lớn của Sài Gòn thời đó phần lớn đã ra nước ngoài, thành phố chỉ còn các doanh nghiệp loại vừa như chủ nhà in, chủ các xưởng thủ công, các cửa hàng... Các ông chủ này bị buộc phải kê khai tài sản, vốn liếng rồi trưng thu, tịch thu, trưng mua và buộc họ không được kinh doanh, phải chuyển qua sản xuất nông nghiệp, nhiều người phải rời khỏi thành phố. Nhiều cửa hàng nhỏ, vốn liếng chẳng có bao nhiêu, một số tiệm ăn, tiệm cà phê... cũng bị niêm phong, định giá và chuyển qua sản xuất.

Trong số này có các anh chị vốn là cán bộ kháng chiến bị mất liên lạc, phải làm ăn, buôn bán... để đợi dịp liên lạc với cách mạng. Đó là những người yêu nước, quyết không rời bỏ quê hương, ở lại và mong muốn đóng góp xây dựng đất nước. Ông Đinh Phong nhớ lại: “Lúc đó tôi biết chúng ta đã làm một điều gì đó chưa thật sự hợp với lòng dân”.

Ông Đinh Phong kể: “Tôi lại gặp ông Mười Cúc và tiếp tục những câu chuyện về “cải tạo tư sản”: Sao người ta kêu nhiều quá anh Mười ơi! Ông Mười Cúc đăm chiêu nhiều lắm. Tôi nghĩ đó là một thời điểm quá khó khăn giữa cái cũ, cái mới và những hướng đi cho đất nước.
Nhưng tôi nhìn thấy những mầm sống mới đã mọc lên từ những chiếc lá rơi xuống của ngày hôm trước...”.

Cho đến ngày giải phóng 1975, Sài Gòn đã có một cơ sở vật chất, kinh tế kỹ thuật lớn nhất miền Nam, nơi tập trung hơn 80% năng lực sản xuất công nghiệp cả miền Nam. Nơi đây tập trung hơn 38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ, trong đó có 766 công ty và 8.548 cơ sở công nghiệp tư nhân.

Để công hữu hóa tư liệu sản xuất và đưa công nhân lao động làm chủ nhà máy, xí nghiệp, sau năm 1975 chính quyền cách mạng đã tiến hành vận động hai đợt cải tạo công thương nghiệp. Kết quả là đã quốc hữu hóa tài sản của 171 tư sản mại bản, 59 tư sản thương nghiệp cỡ lớn, khôi phục 400 xí nghiệp quốc doanh, 14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thu hút 27 vạn công nhân và lao động, vận động hồi hương lập nghiệp và từng bước phân bố lại lao động.
 
Sửa lần cuối:
thanhvunt

thanhvunt

http://thanhvunt.com
22/1/06
2,078
10
0
Nha Trang
thanhvunt.com
“Nhảy rào" làm y tế tư nhân

Ngày ấy, người ủng hộ bảo ông Phan Thanh Hải giống con sóc, ý khen ông thông minh, năng động. Kẻ dè bỉu gọi ông là con đỉa, nhẫn tâm kiếm sống bằng cách bóc lột dân nghèo.

Mạnh dạn đi trước chính sách cả chục năm, tất cả những gì ông làm chỉ để chứng minh rằng không có văn bản nào có thể trói buộc được sự vận động nền kinh tế, mà bản thân nó sẽ tự điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường.

Phòng khám “ba lợi ích”

Có một thời ông Phan Thanh Hải là đề tài của những cuộc tranh luận về đạo đức của người thầy thuốc. Ấy là giai đoạn sau giải phóng 1975, một giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế Sài Gòn. Viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung ngày ấy được giao tiếp quản ngành y tế TP.HCM sau giải phóng gọi đó là giai đoạn “thiếu đủ thứ”.

Sau một đêm thức dậy, người dân bỗng thấy thành phố vắng bóng hơn một ngàn mấy trăm nhà thuốc - kết quả của đợt cải tạo công thương nghiệp. Nhà thuốc không còn nhưng người dân vẫn bệnh nên chợ trời mới ra đời, chỉ khác là người mua kẻ bán đều sợ sệt, lén lút. Nhân lực cho ngành y tế cũng rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì nhiều bác sĩ, dược sĩ xếp hành lý bỏ ra nước ngoài.

Các bệnh viện thiếu kim tiêm, thiếu chỉ, thiếu thuốc... Người bệnh xếp hàng chờ chực khám từ ngày này qua ngày khác để xin được vài viên thuốc. Các bác sĩ thì chỉ đợi tan giờ làm việc để về nhà nuôi heo, trồng rau... cải thiện đời sống.

Đang làm việc tại Bệnh viện Bình Dân, ông Hải loay hoay mãi với ý nghĩ nếu chỉ ngồi đợi thì không biết đến khi nào mới hết khổ. Khi đó, ông là đại biểu HĐND khóa I (1977-1981). “Ông nghị” trẻ quyết định “vào trận” bằng việc đề đạt lên cấp trên xin mở một phòng khám do chính các bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân đảm nhiệm để phục vụ người bệnh sau giờ hành chính.

Vào cuối những năm 1970, đụng chạm đến hai chữ “thị trường” đã là điều cấm kỵ, nói gì đến “kinh tế tư nhân” và nhạy cảm hơn nữa là “y tế tư nhân”. Ý kiến của ông Hải đưa ra lập tức bị “phản pháo”. Khi ông bảo vệ quan điểm của mình, nhiều người thẳng thừng bảo ông tệ hơn con đỉa, “hút máu nhân dân mà sống”.

Cuối cùng, với sự ủng hộ của chủ tịch UBND TP.HCM Mai Chí Thọ, giám đốc Sở Y tế Nguyễn Duy Cương và giám đốc Bệnh viện Bình Dân Nguyễn Trọng Nhân, phòng khám cũng ra đời năm 1980 trên cơ sở phòng phóng xạ của Bệnh viện Bình Dân trên đường Trương Định. Khoảng 10 bác sĩ “cùng chí hướng” với bác sĩ Hải sau khi kết thúc công việc ở bệnh viện lại về với phòng khám.

Thiết bị hiện đại nhất của phòng khám là mấy cái ống nghe nên khám bệnh vẫn “sờ nắn” là chính. Doanh thu được chia theo tỉ lệ bệnh viện 30%, bác sĩ 70%. Theo ông Hải, phòng khám “đứng” được vì hoạt động dựa trên nguyên tắc “ba lợi ích”: bác sĩ có đồng ra đồng vào để nuôi sống bản thân và gia đình, bệnh viện có thêm khoản thu nhập để trang trải chi phí điều trị, và bệnh nhân được khám nhanh, về nhanh. Số lượng bệnh đến ngày
càng đông, nhiều khi không còn đủ chỗ để chờ đợi.

Sự lựa chọn của dân

Phòng khám tồn tại được sáu năm thì phải trả về cho Bệnh viện Ung bướu sau khi khoa ung bướu tách ra khỏi Bệnh viện Bình Dân để thành lập bệnh viện riêng. Năm 1986 cũng là năm đánh dấu những thay đổi trong đường lối chính sách của Đảng để mở đường cho tư nhân làm kinh tế.

Tuy nhiên, kinh tế y tế với những nét đặc thù riêng vẫn là một cụm từ hoàn toàn xa lạ với giới doanh nhân thời ấy. Ông Hải cũng không ngoại lệ. Nhưng ông nghĩ qui mô phòng khám ngày càng lớn là qui luật tất yếu của sự phát triển nếu như những người điều hành đáp ứng được sự mong đợi của người dân.

Cùng với các cộng sự, ông gói ghém đồ đạc chuyển về một cơ sở khang trang hơn ở số 428 Điện Biên Phủ, đối diện Bệnh viện Bình Dân. Phòng khám mới có một cái tên “tươm tất” hơn là Khu chẩn đoán bệnh viện Bình Dân, được trang bị một số trang thiết bị như máy chụp X-quang, máy siêu âm...

Theo viện sĩ Dương Quang Trung, phòng khám Điện Biên Phủ lúc đó tuy “khoác vỏ” nhà nước nhưng hoạt động tương đối độc lập. Các khoản thu chi tài chính được hạch toán kinh tế nội bộ với bệnh viện, báo sổ gửi lên Sở Y tế. Nhưng bệnh nhân lại cảm nhận được sự khác biệt của nó. Với họ, các bác sĩ ở đó dường như thao tác nhanh hơn, giải thích bệnh cũng nhiệt tình hơn, thái độ cũng mềm mỏng hơn. Đang bệnh nên ai cũng muốn nhận được sự đối xử ân cần và chu đáo nhất. Người này rỉ tai người kia, cứ thế mà phòng khám khấm khá dần.

Phòng khám hoạt động được ba năm thì nhiều vị chức sắc bắt đầu “ngộ” ra mô hình này không đơn giản như họ tưởng: có vẻ như nó đang giúp cho một số người trở nên giàu có, tích lũy tài sản nhiều hơn kẻ khác. Thế là một ngày, cán bộ thanh tra xuất hiện để kiểm kê tài sản.

Mục đích của chuyến viếng thăm là họ muốn làm cho ra lẽ khởi đầu các ông bác sĩ có cái gì, bây giờ có cái gì. Đoàn thanh tra khẳng định tài sản đó từ đâu ra nếu không phải là tích lũy của nhân dân, bóc lột của người nghèo? “Giải pháp họ đưa ra là chúng tôi bị buộc phải ra đi để lại tài sản cho nhân dân! Tôi ra đi, xem như xếp lại giấc mơ của mình” - ông Hải thở dài, nhớ về hơn 15 năm về trước khi ông từ giã chức trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bình Dân, bước vào một lối rẽ mới khi bước qua tuổi 40.

Năm 1990, ông Hải lập Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic tại Hòa Hảo dưới sự bảo trợ của Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM. Trung tâm y khoa tư nhân hiện đại bậc nhất VN này ra đời với sự tin tưởng tuyệt đối của ông: nền kinh tế thị trường vận động theo nhu cầu, nơi nào đáp ứng được thì người dân đến. “Nơi nào người dân đã chọn, chắc chắn Đảng sẽ đến soi đường” - ông Hải cười tự tin.

Viện sĩ Dương Quang Trung, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM lúc ấy, nhìn nhận cái phòng khám be bé của Bệnh viện Bình Dân - “cái nôi” của ngành y tế tư nhân VN - đã được khai sinh trong sự không đồng tình của nhiều người trong ngành. “Một số vị lãnh đạo ủng hộ, nhưng đa số lại quan niệm ngành y tế phải là xã hội chủ nghĩa, cái gì cũng phải bao cấp miễn phí cho người dân. Giữa bác sĩ và người bệnh mà có hơi đồng tiền vào là phi đạo đức. Nhưng lúc đó tôi nghĩ là cho phép bác sĩ đi làm thêm sau giờ làm việc thì có lợi hơn là bắt họ ở nhà... nuôi heo chứ!” - ông Trung kể.
 
thanhvunt

thanhvunt

http://thanhvunt.com
22/1/06
2,078
10
0
Nha Trang
thanhvunt.com
Tuần trăng mật

Năm 1987, với nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, lần đầu tiên kinh tế tư nhân được thừa nhận. Những chính sách sơ khởi về kinh tế tư nhân ra đời, cũng là lần đầu tiên các cơ quan nhà nước làm việc với doanh nhân bằng tư cách mới: đối tác. Và “tuần trăng mật” đã có nhiều kỷ niệm ngọt ngào.

“Hợp hôn”

“Nhà nước cho dân mở công ty riêng! Tôi đã thốt lên trong lòng như vậy khi lần đầu tiên đọc bản quyết định số 27 của Chính phủ cho phép tư nhân mở xí nghiệp”, ông Vũ Duy Thái - một trong 10 chủ doanh nghiệp tư nhân được thành lập tại Hà Nội sau năm 1975 - nhớ lại.

Ông nói: “Doanh nghiệp tư nhân - danh từ này nay đã bình thường với bất cứ ai, nhưng cách nay 30 năm vẫn là một khái niệm đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ: Nhà nước chưa bao giờ cho phép sản xuất buôn bán tư nhân, thậm chí chỉ tiêu diệt nó”. Đó là các cuộc cải tạo công thương nghiệp mà gia đình ông Thái cũng đã từng là nạn nhân.

Thật ra lúc đó ông Thái đã là một ông chủ sản xuất - chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) xây dựng. Chỉ có điều tiền và quyền không tương xứng với vốn, sức lao động và chất xám ông bỏ ra.

Chuyện như sau: năm 1983, ông rời cơ quan nhà nước, nhắm hướng tốt nhất có thể phát huy tư chất kinh doanh của mình là thành lập HTX. Ngành mới và được cho là “dễ xơi” nhất lúc đó là xây dựng. Ông Thái rủ một người bạn chung tiền, dẫn nhau tìm thuê trụ sở, gọi bạn bè vào làm xã viên rồi viết đơn xin thành lập HTX xây dựng 27-7.

Khác với mọi người thường chỉ xây thuê, ông Thái nhận thầu dạng chìa khóa trao tay. HTX của ông lên như diều. Thấy vậy phòng xây dựng quận ra quyết định chuyển ông sang làm chủ nhiệm một HTX khác đang tan rã tên Phúc Thành.

Cuộc “phẫu thuật” HTX mới của ông Thái rất đơn giản, vì thật ra đó chỉ còn là cái xác không hồn. Thú vị là sau sáu tháng HTX Phúc Thành có trụ sở mới, có việc làm cho 50 xã viên, có quĩ tích lũy...

Đúng lúc này ông Thái đọc được quyết định 27 cho phép các HTX chuyển sang xí nghiệp tư nhân. Thực hiện đủ các thủ tục để chia tay với HTX, ông Thái khấp khởi “hợp hôn” với doanh nghiệp của mình. Các thủ tục xin chuyển từ HTX sang doanh nghiệp tư nhân thời đó khá đơn giản và thuận tiện. Ngày 19-10-1988, doanh nghiệp của ông Thái ra đời với tên Xí nghiệp xây dựng và sản xuất vật liệu tư doanh Thái Thành.

Những người dám làm ăn lớn

Gần 20 năm trôi qua, nhưng ông Thái vẫn còn giữ nguyên bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp đầu tiên của mình. Đó là hai tờ giấy đánh máy, mực giấy than rất khó đọc. Ông nói: “Đấy là tôi đã tự “sang trọng hóa” lên rồi!”.
Bởi thời đó, ông giải thích, sau khi biết HTX có thể chuyển thành doanh nghiệp tư nhân, ông tự thảo một lá đơn. Nội dung, hình thức do ông tự nghĩ ra chứ không ai hướng dẫn và cũng chẳng có qui định biểu mẫu nào. Đơn ông Thái gửi lên UBND quận, quận trình thành phố.

Ít ngày sau, thành phố cho cán bộ xuống kiểm tra thực địa rồi phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ra quyết định thành lập xí nghiệp. Quyết định bổ nhiệm cả giám đốc, ghi rõ vốn, trụ sở và ngành nghề giống như việc thành lập một doanh nghiệp nhà nước.

Đến năm 1988, ông Thái mua được một chiếc ôtô tải. Ngày đó có xe, có bằng nhưng không có phép sử dụng thì cũng chịu. Ông Thái lại trình một đơn xin sử dụng xe. Một lần nữa, một xí nghiệp tư nhân lại phải nhờ phó chủ tịch UBND TP.

Và cứ như vậy, mọi vấn đề của Nhà nước về thành lập, quản lý doanh nghiệp tư nhân cứ nảy sinh việc gì thì làm việc ấy tùy theo hoàn cảnh cụ thể, làm đến đâu sửa và hoàn thiện đến đó. Các chính sách, qui định, cơ chế... hầu như chưa có gì. Và thường là những việc đó do thành phố giải quyết, thậm chí đích thân lãnh đạo cấp cao vào cuộc.

Vì chưa có công cụ pháp lý quản lý doanh nghiệp, lại là thành phần rất mới, thậm chí “khó lường của xã hội” nên các cơ quan chính quyền đặc biệt quan tâm. Hàng chục đoàn cán bộ thuộc nhiều ngành liên tục xuống xí nghiệp kiểm tra tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh... Thậm chí nhiều cán bộ trên đường đi qua xí nghiệp cũng ghé vào, cũng lập biên bản, văn bản làm việc với đơn vị.

Ông Thái nói: “Ngày đó doanh nghiệp tư nhân được Nhà nước quản lý một cách hết sức thô sơ nên họ lấy tần số kiểm tra làm công cụ chính. Thủ tục rườm rà, phức tạp và chồng chéo gấp hàng chục lần sau này nhưng thực tế không một doanh nghiệp nào kêu ca”.

Xí nghiệp Thái Thành của ông cũng không lấy đó làm ngán ngẩm khó chịu, bởi vì tuy quản lý quá chặt, sát sườn nhưng các cơ quan công quyền không hề sách nhiễu doanh nghiệp, họ làm việc vì lợi ích đôi bên, nắm bắt thông tin cho cấp trên và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bây giờ ông Thái đã có trong tay nhiều công ty tư nhân và đã gần 20 năm theo nghề kinh doanh, thế nhưng ông vẫn nhớ mãi hai cán bộ là chuyên viên phụ trách kinh tế của Ban kinh tế Thành ủy và UBND TP Hà Nội.
Hai anh tên là Châu và Ngọc, là những người thay mặt chính quyền trực tiếp theo dõi xí nghiệp của ông. Hầu như tuần nào các anh ấy cũng đến làm việc với xí nghiệp. Họ thường đến bằng chiếc xe đạp cũ và cái cặp đen, rất chân thành và chia sẻ mọi tâm tư với ông mà không hề có một đòi hỏi vật chất. Khi thành lập doanh nghiệp, ông Thái đi đăng ký mã số thuế, xin con dấu, xác nhận của phường, quận... đều được mọi người tiếp đón niềm nở, làm việc khẩn trương với thái độ trọng thị người dám làm ăn lớn.

Ông không tốn một điếu thuốc, có khi còn được cán bộ mời trà, hỏi chuyện động viên rất chân thành. Đơn xin thành lập doanh nghiệp, mở rộng doanh nghiệp, mua sắm phương tiện gửi lên quận chưa quá một tuần đã được chuyển lên thành phố. 5-7 ngày sau, phó chủ tịch thành phố đã có chữ ký giải quyết. Nếu ông chưa kịp đến, cán bộ cấp dưới đã đem tới tận nhà.

Ông Thái gọi thời kỳ này là “tuần trăng mật” của công chức và doanh nhân! Và tuần trăng mật nào chẳng ngọt ngào, mãi nhớ!
 
thanhvunt

thanhvunt

http://thanhvunt.com
22/1/06
2,078
10
0
Nha Trang
thanhvunt.com
Trong thế giới giấy phép

Khi soạn Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân lúc đó, tất cả mọi người tham gia đều có chung quan điểm: kinh tế tư nhân có buôn bán, phe phẩy, móc ngoặc, gian dối hoặc ít nhất cũng có sản phẩm chất lượng không cao vì công nghệ, máy móc, trình độ, qui mô thấp, chỉ chạy theo lợi ích riêng.

Cho nên luật ra đời phải có khả năng khống chế những nguy cơ đó để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích công, bảo vệ chủ nợ... Để đạt mục đích ấy, Nhà nước phải quản lý càng nhiều, càng chặt, càng chi tiết càng tốt. Cách quản lý tốt nhất là làm cái gì cũng phải trình báo xin phép, xin chứng nhận cái đó. Cơ chế cũng kiểm tra, thanh tra càng sát càng tốt...

Luật ra đời và đến nhiều năm sau khi chuẩn bị làm Luật doanh nghiệp, ông Cung mới thấy tác động của người làm luật khi có quan điểm, nhận thức không xuất phát từ nguyện vọng nhân dân, từ hoàn cảnh thực tiễn thì đáng tiếc mức nào.

Trong Luật doanh nghiệp tư nhân, ông viết (đại ý): các công dân VN phải đủ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự mới được thành lập doanh nghiệp... Câu văn nghe bình thường, qui định về một việc đơn giản, nhưng trên thực tế khi xin thành lập doanh nghiệp, người dân đã phải đi xin chứng nhận mình trên 18 tuổi với nhiều chữ ký, con dấu khác nhau.
Họ phải xin chứng nhận của công an nơi đăng ký hộ khẩu, nơi công tác, nơi cư trú để chứng minh không bị truy nã, không phạm tội. Họ phải xin chứng nhận của bác sĩ rằng mình không bị tâm thần (đủ năng lực hành vi dân sự)... Rồi việc quản lý thật chặt khắc dấu, mở tài khoản, mua hóa đơn, giấy phép hành nghề, điều kiện hành nghề... còn làm khổ người dân gấp bội phần.

Đó cũng là những bước thực tập ban đầu và cũng là những kinh nghiệm thực tiễn quí báu trong quá trình làm luật, để các nhà soạn thảo “bồi thường lịch sử” khi bắt tay vào soạn thảo Luật doanh nghiệp và các qui định sau này liên quan đến kinh tế tư nhân.

Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân ra đời năm 1990 nhằm thể chế hóa chính thức và đầy đủ hơn chủ trương phát triển kinh tế tư nhân.

Thế nhưng cũng từ đây, hàng ngàn qui định, văn bản dưới luật, không phải luật của các cơ quan nhà nước ban hành một cách vô tổ chức nhằm quản lý doanh nghiệp, không phát huy được tác dụng tích cực mà đã hạn chế, ràng buộc quyền khai sinh và hoạt động của doanh nghiệp tư nhân.

“Đoạn trường” phải trải qua

“Trải qua hơn 27 tháng, chầu chực gặp hàng trăm cán bộ, tốn hơn 4 lượng vàng “bồi dưỡng”, xin hơn 50 con dấu, chữ ký... tôi mới khai sinh được doanh nghiệp của mình”, ông Nguyễn Văn Tiến - trước đây là giám đốc Xí nghiệp Bình Minh có trụ sở tại Thanh Trì, Hà Nội - kể.

Năm 1996, ông muốn thành lập xí nghiệp sản xuất bao bì, hộp cactông. Việc đầu tiên là ông Tiến phải đến UBND xã xin xác nhận lý lịch, song vì không có hộ khẩu tại nơi cư trú nên ông phải về quê Thanh Hóa xin xác nhận.

Lý lịch chuyển qua công an xã, sau đó chuyển qua chủ tịch xã. Ra Hà Nội, ông lại phải đến UBND xã sở tại xin xác nhận cư trú, nhân thân. Đem hồ sơ lên huyện hai lần ông mới được gặp cán bộ chủ quản là phòng công nghiệp.

Sau khi “bồi dưỡng”, ông được hẹn ba tuần sau nhận hồ sơ. Toàn bộ giấy tờ này phải đem đi công chứng. Không muốn chờ, ông Tiến phải mất tiền cho cò công chứng. Ôm hồ sơ đến ngân hàng, ông xin đặt cọc một khoản tiền, mở một tài khoản nhưng chỉ để ngân hàng phong tỏa số tiền này cho Nhà nước... làm tin.

Sau 10 ngày, việc hoàn tất, ông lại đem chúng đến Sở Công nghiệp. Sở “ngâm cứu” hơn hai tháng rồi mới chuyển lên UBND thành phố. Lại ngóng đợi, nhưng rồi được trả lời là: vì có ít hồ sơ quá nên chưa họp xét duyệt, phải chờ. “May mắn” cho ông Tiến là chờ... bốn tháng thì có đủ hồ sơ.

Nhận được giấy phép thành lập Xí nghiệp Bình Minh, ông Tiến bắt đầu xin đăng ký kinh doanh. Đầu tiên là ôm tất cả những giấy vừa xin được quay lại phòng công chứng xin chứng nhận. Quay lại ngân hàng xin cho bỏ lệnh phong tỏa để tài khoản có hiệu lực.

Nộp thêm bản điều lệ xí nghiệp, bản danh sách có chữ ký, số chứng minh thư, hộ khẩu của ban lãnh đạo (kiểm soát viên) xí nghiệp. Lại đến xã xin chứng nhận trụ sở xí nghiệp trên địa bàn. Xã cho người xuống kiểm tra, phải mất mấy ngày ông Tiến mới có giấy.

Lồng giấy phép thành lập vào hồ sơ, ông Tiến gõ cửa Sở Kế hoạch - đầu tư. Chờ hơn hai tháng nữa, ông được cấp “lá bùa” quan trọng thứ hai là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp của ông lúc này mới chính thức ra đời.

Xí nghiệp ra đời nhưng mới là cái tên gọi. Muốn hoạt động được ông Tiến còn phải qua 6-10 khúc đoạn trường tương tự như vừa rồi mới xong. Đó là việc xin khắc dấu, đăng ký mã số thuế, mua hóa đơn, mở tài khoản ở ngân hàng.

Rồi đến giai đoạn ông Tiến sợ hãi nhất là để có được mặt bằng sản xuất. Có đất rồi lại xin phép xây dựng nhà xưởng, mỗi khâu lại phải có hồ sơ. Lại phải xin 2-10 con dấu, chữ ký, qua nhiều cửa, đợi nhiều ngày...

Ông phải mất nhiều phí trong qui định cũng như ngoài qui định, những khoản tiền “đi đêm” không biết bao nhiêu thì đủ, đưa xong rồi cũng vẫn chưa biết bao giờ xong việc.

Mê hồn trận giấy phép

Năm 1999, Xí nghiệp tư nhân Trung Hải (Hải Phòng) bước vào giai đoạn cuối của cuộc cầm cự chống khủng hoảng. Đây là một doanh nghiệp hàng đầu về qui mô, uy tín trong hệ thống doanh nghiệp tư nhân đóng tàu ở Hải Phòng.

Giám đốc Lê Đoàn Trung kể: Công nghệ, phương thức, kỹ thuật đánh bắt hải sản ngày một nâng cao; đòi hỏi về bảo vệ nguồn lợi thủy sản khắt khe hơn, ngư dân từng bước thay thế tàu nhỏ bằng tàu công suất lớn.

Đáp ứng thị trường, ông tuyển thêm cán bộ, vay ngân hàng đầu tư máy móc thiết bị để đáp ứng nhu cầu đó. Có được khá nhiều hợp đồng hấp dẫn nhưng xí nghiệp lại không thể vào cuộc.

Lý do: giấy phép đóng tàu của ông chỉ được đóng những tàu 200 tấn trở xuống, loại tàu này không ai đặt mới nữa. Ông Trung lên cơ quan đăng kiểm, Sở Giao thông công chính, UBND thành phố Hải Phòng làm hồ sơ xin giấy phép khác.

Mọi chạy vạy uổng công vì cấp phép cho đóng tàu trên 200 tấn là thẩm quyền của bộ! Theo thủ tục, ông Trung phải mời cơ quan đăng kiểm đến xí nghiệp xác nhận năng lực đóng tàu, sau đó gửi bộ.

Sau nhiều tháng đợi chờ, bộ trả lời: không! Lý do: là doanh nghiệp tư nhân! Ông Trung choáng váng. Nợ thì lãi mẹ đẻ lãi con, dây chuyền máy móc mua rồi không bán được. Hợp đồng xếp trong tủ, khách hàng giục giã thì khất lần khất lữa... May sao đúng thời điểm đó Luật doanh nghiệp ra đời (1999), hàng trăm giấy phép “con” bị quét.

Ông Cao Bá Khoát - nguyên thành viên tổ soạn thảo Luật doanh nghiệp, đồng thời là nhóm trưởng điều tra giấy phép “con” của Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - kể: năm 1996, nhân tham gia dự án hướng dẫn các cơ quan đăng ký kinh doanh, ông đã đi tìm hiểu nhiều doanh nghiệp tư nhân trong Nam ngoài Bắc và phát hiện nỗi ám ảnh lớn nhất của các doanh nghiệp chính là các loại giấy phép.

Các loại giấy này có rất nhiều tên, giống nhau ở một điểm: nếu thiếu nó, doanh nghiệp không thể hoạt động. Làm nghề photocopy, đánh máy chữ cũng phải có phép. Rồi giấy phép cho thu lượm vỏ chai, giấy phép nuôi chim cảnh, giấy phép kinh doanh trò chơi điện tử, giấy phép kinh doanh bida, giấy phép khoan giếng thuê, giấy phép sửa chữa đàn piano...

Đó là các loại giấy phép có sẵn. Ngoài ra còn có nhiều loại giấy phép... cho phép, tên của nó là giấy cho phép, phê duyệt, công văn đồng ý, chấp thuận... Còn có các loại giấy phép bất thành văn, tức là chỉ đạo miệng của các vị lãnh đạo không cho phép hay cho phép người dân sản xuất kinh doanh một mặt hàng, dịch vụ nào đó.

Các cơ quan ban hành giấy phép là các bộ, tổng cục, cục, sở, UBND tỉnh, thành phố, thậm chí có nơi huyện cũng có quyền cấp phép. Một ngành nghề, một lĩnh vực, thậm chí một hoạt động cụ thể có tới 4-5 cơ quan cùng quản lý bằng giấy phép.

Chạy hàng chục cửa, chờ đợi nhiều tháng trời, chủ doanh nghiệp mới được cầm trên tay một tờ giấy để hành nghề, bỗng hãi hùng vì “tuổi thọ” của nó, tức là thời hạn có hiệu lực sắp hết hoặc ngắn đến đáng sợ. Một số giấy phép do bộ ban hành, về đến địa phương, UBND tỉnh, thành, các sở “bổ sung” thêm “thời hạn hiệu lực” để... quản lý cho chặt!

Giấy phép “con” nhiều và phức tạp đến mức cho đến tận hôm nay chưa một cơ quan nào thống kê đầy đủ hết số lượng của nó. Chỉ biết rằng vào thời điểm Luật doanh nghiệp vừa ra đời, ước tính có tới 480 giấy phép “con” bao phủ lên đời sống doanh nghiệp.

Và qua ba lần bãi bỏ giấy phép “con”, đến nay số giấy phép “con” cũ chưa bị kịp “già” đã có hàng loạt giấy phép “con” khác mọc lên.

* Một doanh nghiệp tư nhân ở Châu Đốc (An Giang) thành lập mới và xin kéo điện. Họ phải ký hợp đồng với Sở (nay là công ty) Điện lực tỉnh. Nhưng để kéo dây về, họ phải có mặt bằng và xin ý kiến UBND huyện. Huyện không chấp thuận vì không có thẩm quyền duyệt dự án và chỉ lên Sở Xây dựng.
Sở Xây dựng không đồng ý với thiết kế đường dây của Sở Điện lực và yêu cầu vẽ lại theo qui hoạch của ngành xây dựng. Theo qui hoạch đó, đường điện đi qua một số nhà dân. Sở Xây dựng gợi ý doanh nghiệp nên mua đất của dân mà kéo điện về.

* Một nhà đầu tư nước ngoài đến Hà Tây lập dự án đầu tư. Vì họ sử dụng con dấu hình vuông, mực xanh nên bị trả lại hồ sơ và yêu cầu làm con dấu tròn, màu đỏ như ở VN. Nhà đầu tư này đã ra đi không trở lại...
 
Sửa lần cuối:
N

Nguyễn Bình

Đại ngố
22/11/05
308
2
0
TP HCM
Thôi, đừng nói chuyện cũ nữa, đề nghị bạn nói chuyện mới đi, sắp gia nhập WTO rồi mà k thay đổi thì chỉ có nước chết hoặc ngắc ngoải thôi chứ sống cô lập mãi thế nào được.
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA