Vai trò tham mưu của kế toán cho CEO và Hội đồng quản trị

  • Thread starter erp2011
  • Ngày gửi
E

erp2011

T&G Tư vấn quản trị tài chính chiến lược
Tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ về vai trò tham mưu của kế toán cho CEO và Hội đồng quản trị trong các hoạch định chiến lược của doanh nghiệp, mong được sự góp ý trao đổi của anh chị em.

CÙNG NHAU XÓA BỎ ĐỊNH KIẾN VỀ NGƯỜI LÀM KẾ TOÁN - BEAN COUNTER - "KẾ TOÁN TRUYỀN THỐNG BÓP NGHẸT SỰ PHÁT TRIỂN"

Qua nhiều năm công tác trong nghề kế toán, tôi nhận thấy quan hệ giữa các nhân viên kế toán và nhân viên các bộ phận khác như tiếp thị, bán hàng, sản xuất, mua hàng,... thường xuyên có định kiến, không gặp thuận lợi, đôi khi có mâu thuẫn, ít nhất là khó tìm thấy tiếng nói chung hoặc hiểu lầm dẫn đến hạn chế hiệu quả hoạt động của cả tổ chức.

Có thể tổng kết một số định kiến về kế toán với góc nhìn từ cộng đồng xã hội và từ phía các bộ phận khác về những người làm nghề kế toán:
- Không cởi mở, khô khan, luôn nghi ngờ, khó giao tiếp, không hỗ trợ, gây khó khăn cho các bộ phận khác trong và ngoài công ty
- Đo đếm quá chi tiết, giải quyết công việc máy móc, nguyên tắc cứng nhắc
- Thông tin cung cấp không phù hợp cho quản trị chiến lược
- Bảo thủ, hạn hẹp nhận thức với các số liệu nội bộ và lỗi thời
- Lạc hậu với môi trường bên ngoài đầy biến động
- Hạn chế trong mối quan hệ trong nội bộ, thiếu nhạy cảm với các mối quan hệ bên ngoài
- Tập trung kiểm soát chi phí dựa trên dự toán khô cứng dẫn đến kiềm chế sự phát triển
- Hạn chế trong đàm phán, trình bày, thuyết trình
- Thiếu tầm nhìn chiến lược phát triển doanh nghiệp

Trong khi có không ít kế toán phát huy tốt chuyên môn trong vai trò tham mưu trong những quyết định chiến lược của doanh nghiệp thì có một bộ phận không nhỏ chưa làm tốt vai trò này. Vì nhiều lý do, một phần do quá chú trọng đến vai trò kiểm soát tài chính hoặc quá chú trọng đến việc tuân thủ các chính sách chế độ quy định, chuẩn mực, pháp luật về kế toán, kiểm toán, thuế mà dẫn đến những ý kiến tham mưu hạn chế sự phát triển của tổ chức. Có thể là do các kế toán viên thường xuyên làm việc với các qui định, chính sách, các con số cụ thể, chứng từ, sổ sách chi tiết mà dẫn đến kế toán có thói quen giải quyết công việc một cách máy móc và thiếu tầm nhìn xa trông rộng. Có thể một số kế toán quan niệm lệch lạc về vị trí " kiểm soát tài chính quan trọng" mà dẫn đến chuyên quyền, cố tình áp đặt mà kìm hãm sự phát triển chung của tổ chức.

Kế toán hiện đại làm gì để góp phần phát triển và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp:
Ngoài vai trò là người kiểm soát tài chính, kế toán còn là người tham mưu cho các quyết định quản lý điều hành và quyết định chiến lược phát triển doanh nghiệp liên quan đến đầu tư mới, sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất dịch vụ, chuỗi giá trị. Mọi quyết định mà bạn tham mưu đều phải tính đến lợi ích lâu dài của tất cả các bên có liên quan: khách hàng, chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động, nhà cung cấp, chính quyền và nhân dân sở tại, thậm chí là đối thủ cạnh tranh. Muốn vậy, kế toán nên lưu ý xây dựng quan hệ tốt với đồng nghiệp và đối tác vì không thể hoàn thành tốt công việc nếu không có sự ủng hộ của mọi người từ các bộ phận khác trong và ngoài tổ chức. Nếu không có người ủng hộ mọi sáng kiến đều đi vào ngăn kéo tủ! kế toán nên dành thời gian đến thăm các phân xưởng sản xuất, kho hàng, cửa hàng, khách hàng, nhà cung cấp, ngân hàng...Bạn không thể tham mưu ra quyết định tốt được nếu không hiểu khó khăn và thuận lợi của khách hàng, của bộ phận sản xuất, của người bán hàng, của nhà cung cấp! Ví dụ: Một quyết định tiết kiệm chi phí có những ảnh hưởng gì đến chất lượng phục vụ hoặc chất lượng sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp?

CEO điều hành doanh nghiệp không chỉ dựa vào những con số lịch sử trong sổ sách kế toán. Vì vậy, kế toán lưu ý thường xuyên cập nhật các vấn đề chính trị, xã hội, luật pháp, môi trường, vấn đề toàn cầu hóa cùng với dự báo các ảnh hưởng đối với sự phát triển của ngành cũng như của bản thân doanh nghiệp. Ví dụ: thông tin của kế toán quản trị ngoài số thực tế còn phải có số dự báo, phải phản ánh kịp thời tình hình cạnh tranh và xu hướng tiêu dùng, xu hướng công nghệ... từ đó đề xuất các biện pháp duy trì vị trí cạnh tranh của tổ chức. Ngoài ra, báo cáo kế toán quản trị nên bao gồm các vấn đề cốt yếu tạo ra giá trị cho công ty, ví dụ: vì sao giá thành sản xuất/ dịch vụ của doanh nghiệp cao hơn mức bình quân của ngành?

Áp dụng các lý thuyết, kỹ thuật hiện đại của kế toán trong tham mưu cho lãnh đạo các quyết định chiến lược, bao gồm: chiến lược thuế, chiến lược sản phẩm, thị trường, khách hàng, nhà cung cấp, phân tích chuỗi giá trị, phân tích chi phí vòng đời sản phẩm, cấu trúc vốn tối ưu, tham mưu xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp và thị trường và môi trường xung quanh.

Ngoài ra, kế toán còn là người tham mưu quản trị rủi ro. Ví dụ : Tình hình tài chính của doanh nghiệp sẽ như thế nào nếu có sự biến động mạnh về lãi suất, tỷ giá, giá cả đầu vào, hàng rào thuế quan, chính sách thuế mới, khả năng nợ xấu? Tham mưu cho lãnh đạo xây dựng phương án giảm thiểu rủi ro.

426730_103665893117805_1402085888_n.jpg


Nguyễn Sơn Xuyên CPA ( Australia)
Mob: 0904-811-700
Email: xuyen.nguyenson829@gmail.com
http://nguyensonxuyen.blogspot.com
 
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA