Kế toán chiết khấu thương mại theo chế độ kế toán Việt Nam và IFRS 15

  • Thread starter Hien
  • Ngày gửi
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên
Chiết khấu thương mại (Volume Discount Incentive) là khoản mà người bán giảm trừ cho người mua do mua hàng với số lượng lớn. Việc giảm trừ này có thể thực hiện trong trường hợp (1) mua hàng 1 lần với số lượng lớn được hưởng chiết khấu và trừ vào hóa đơn ngay khi mua, và (2) khoản chiết khấu này được thực hiện theo định kỳ (người mua hàng mua nhiều lần mới đạt chiết khấu). Bài viết này bàn về các hạn chế trong quy định hạch toán hiện hành trong chế độ kế toán Việt Nam về khoản chiết khấu thương mại do người mua nhiều lần mới được hưởng chiết khấu và cách hạch toán hợp lý hơn theo quy định và hướng dẫn của IFRS 15.

HẠCH TOÁN CHIẾT KHẤU THƯƠNG MẠI THEO CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN VIỆT NAM HIỆN HÀNH

Chế độ kế toán Việt Nam hiện hành quy định hạch toán chiết khấu thương mại đối với bên bán như sau: Trường hợp người mua hàng nhiều lần mới đạt được lượng hàng mua được hưởng chiết khấu thì khoản chiết khấu thương mại này được ghi giảm trừ vào giá bán trên “Hoá đơn GTGT” hoặc “Hoá đơn bán hàng” lần cuối cùng (Theo thông tư 39 thì việc điều chỉnh trên hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hoá đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hoá đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh). Trường hợp khách hàng không tiếp tục mua hàng, hoặc khi số chiết khấu thương mại người mua được hưởng lớn hơn số tiền bán hàng được ghi trên hoá đơn lần cuối cùng thì phải chi tiền chiết khấu thương mại cho người mua. Khoản chiết khấu thương mại trong các trường hợp này được hạch toán vào Tài khoản 521.
Căn cứ vào Hóa đơn điều chỉnh để bên bán hạch toán:

Phản ánh số chiết khấu thương mại thực tế phát sinh trong kỳ, ghi:

Nợ TK 521 - Chiết khấu thương mại
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (Nếu có)
Có các TK 111, 112, 131,...

Hướng dẫn hạch toán này xem ra có vẻ hợp lý vì khoản chiết khấu thương mại này là khoản giảm doanh thu nên cần được hạch toán như một khoản giảm trừ doanh thu. Tuy nhiên trong một số tình huống dưới đây thì cách hạch toán này không thật sự logic:

1. Trường hợp chiết khấu thương mại của kỳ này nhưng trừ vào hóa đơn của kỳ sau

Chẳng hạn công ty A có chính sách: Nếu trong năm khách hàng nào đạt doanh số từ 10 tỷ trở lên sẽ chiết khấu 2%. Trong năm 2014, khách hàng X mua của công ty A số hàng trị giá 12 tỷ, trải đều trong 4 quý, khoản chiết khấu này được trừ vào hóa đơn đầu tiên của tháng 1/2015. Nếu hạch toán theo Hóa đơn có chiết khấu thì khoản chiết khấu thương mại (2% x 12 tỷ = 240 triệu) sẽ hạch toán giảm doanh thu của năm 2015, trong khi đó khoản chiết khấu này là cho năm 2014!

2. Trường hợp công ty có lập báo cáo giữa niên độ

Với tình huống trên nhưng giả định là công ty A thực hiện chiết khấu cho khách hàng vào hóa đơn cuối cùng của năm 2014. Với cách hạch toán theo quy định của chế độ kế toán hiện hành thì doanh thu thuần của năm 2014 sẽ được phản ánh chính xác vì khoản chiết khấu này làm giảm doanh thu của năm 2014. Tuy nhiên báo cáo tài chính các quý không phản ánh một cách đúng đắn doanh thu thuần của từng quý: Khoản chiết khấu 240 triệu này là cho cả 4 quý chứ không chỉ riêng quý IV!


HẠCH TOÁN CHIẾT KHẤU THƯƠNG MẠI THEO IFRS 15

Theo IFRS 15 (par. 70-72), công ty hạch toán doanh thu theo giá đã trừ khoản sẽ phải trả cho khách hàng (ở đây là khoản chiết khấu thương mại là khoản sẽ phải trả cho khách hàng). Trong trường hợp công ty A ở trên khi trong các quý công ty xác định một cách tương đối chắc chắn là công ty sẽ phải thực hiện chiết khấu thương mại cho khách hàng vào cuối năm thì công ty phải ghi nhận khoản phải trả đó ngay trong các quý, bút toán như sau:

Nợ TK Tiền, phải thu 3,3 tỷ
Có TK Doanh thu 2,94 tỷ
Có TK Chiết khấu thương mại phải trả khách hàng 0,06 tỷ
Có TK Thuế GTGT phải nộp: 0,3 tỷ

Đến cuối năm hay đầu năm sau khi thực hiện chiết khấu cho khách hàng hạch toán:
Nợ TK Chiết khấu thương mại phải trả khách hàng 0,24 tỷ
Nợ TK Thuế GTGT đầu ra 0,024 tỷ
Có TK Phải thu, Tiền 0,264 tỷ

Trường hợp thay đổi ước tính ban đầu về khoản chiết khấu thương mại

Để đơn giản trong ví dụ dưới đây bỏ qua thuế GTGT. Công ty B ký hợp đồng với khách hàng vào 1/1/2014 để bán sản phẩm Y với giá 100/sản phẩm. Nếu trong năm dương lịch mà khách hàng mua của công ty từ 1.000 sản phẩm trở lên sẽ được chiết khấu 10% (đơn giá là 90).

Trong quý I/2014, công ty B bán 75 sản phẩm Y cho khách hàng C. Công ty B ước tính rằng khách hàng C sẽ không mua quá 1.000 sản phẩm Y trong năm dương lịch. Do đó trong quý I công ty hạch toán doanh thu như sau:

Nợ TK Tiền, phải thu 7.500
Có TK Doanh thu 7.500

Tháng 5/2014, công ty C mua một công ty khác và quý II/2014, công ty B bán cho công ty C thêm 500 sản phẩm Y. Theo các sự kiện mới, công ty B ước tính rằng khách hàng C sẽ mua hơn 1.000 sản phẩm Y trong năm dương lịch và giá bán cần được điều chỉnh giảm xuống 90/sản phẩm.

Do đó trong quý II/2014, công ty B sẽ ghi nhận doanh thu như sau:
- Trị giá số hàng đã bán trong quý II theo giá 90/sản phẩm: 500 x 90 = 45.000
- Trừ đi khoản giảm doanh thu do đã ghi nhận doanh thu trong quý I với giá cao hơn giá mà công ty thực tế nhận được: 75 x 10 = 750

Như vậy doanh thu quý II/2014 là 45.000 - 750 = 44.250

Bút toán ghi nhận có thể như sau:

Cách 1: Hạch toán vào tài khoản điều chỉnh doanh thu
Nợ TK Tiền, phải thu: 50.000
Nợ TK Điều chỉnh doanh thu: 750
Có TK Doanh thu: 45.000
Có TK Chiết khấu thương mại phải trả khách hàng 5.750

Cách 2: Hạch toán theo số doanh thu thuần:
Nợ TK Tiền, phải thu: 50.000
Có TK Doanh thu: 44.250
Có TK Chiết khấu thương mại phải trả khách hàng 5.750

Quý III/2014, công ty B bán cho công ty C 400 sản phẩm Y và bút toán như sau:
Nợ TK Tiền, phải thu: 40.000
Có TK Doanh thu: 36.000
Có TK Chiết khấu thương mại phải trả khách hàng 4.000

Quý IV/2014, công ty B bán cho công ty C 600 sản phẩm Y và bút toán như sau:
Nợ TK Tiền, phải thu: 60.000
Có TK Doanh thu: 54.000
Có TK Chiết khấu thương mại phải trả khách hàng 6.000

Tổng số sản phẩm Y mà B bán cho C trong năm 2014 = 1.575. Khi thực hiện khoản chiết khấu trên hóa đơn cho khách hàng công ty B ghi nhận như sau:

Nợ TK Chiết khấu thương mại phải trả khách hàng: 15.750
Có TK Tiền, phải thu 15.750

Qua phân tích trên có thể nhận thấy rằng cách hạch toán theo quy định của IFRS 15 làm cho số liệu về doanh thu và các khoản nợ trên các báo cáo tài chính của doanh nghiệp được phản ánh một cách đúng đắn hơn so với quy định trong chế độ kế toán Việt Nam hiện hành. Do đó mặc dù chưa ban hành chuẩn mực kế toán Việt Nam tương ứng với IFRS 15 nhưng khi sửa đổi chế độ kế toán Việt Nam, các nhà soạn thảo chế độ nên tham khảo các nội dung đã sửa đổi của IFRS 15 về doanh thu để đưa ra các quy định hạch toán doanh thu một cách đúng đắn hơn.
 
  • Like
Reactions: amtich
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA