Công văn 12568/BTC-CĐKT Giải thích nội dung Thông tư 200/2014

  • Thread starter Hien
  • Ngày gửi
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 12568/BTC-CĐKT
V/v: Giải thích nội dung Thông tư số 200/2014/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2015
[TBODY] [/TBODY]

Kính gửi:

- Công ty TNHH Deloitte Việt Nam
- Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam
- Công ty TNHH KPMG Việt Nam
- Công ty TNHH PwC Việt Nam
[TBODY] [/TBODY]

Trả lời công văn không số ngày 26/6/2015 của các công ty kiểm toán Deloitte, E&Y, KPMG, PwC đề nghị giải thích rõ một số nội dung quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là Thông tư 200) về hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Các doanh nghiệp có hoạt động bán hàng và mua hàng chủ yếu bằng ngoại tệ và thỏa mãn điều kiện sử dụng đồng ngoại tệ làm đồng tiền ghi sổ kế toán thì vẫn có thể được lựa chọn VNĐ làm đồng tiền ghi sổ kế toán mà không bắt buộc phải lựa chọn đồng ngoại tệ.

2. Doanh nghiệp được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày 1/1/2015 để chuyển đổi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 1/1/2015 trong phần thuyết minh BCTC do năm 2015 là năm đầu tiên áp dụng Thông tư 200 và không có yêu cầu hồi tố vấn đề này.

Việc chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ sang VNĐ được thực hiện tương tự như quy định tại VAS 10 và Thông tư 161/2007/TT-BTC khi chuyển đổi BCTC của công ty con ở nước ngoài. Không thể viện dẫn lí do phần mềm kế toán không đáp ứng được yêu cầu này thì gây khó khăn vì phần mềm chỉ được coi là công cụ hỗ trợ và khi chính sách kế toán thay đổi thì công cụ hỗ trợ phải thay đổi theo để thực hiện đúng chính sách. Lưu ý rằng quy định nêu trên của Thông tư 200 là hoàn toàn phù hợp với IAS 21 nên các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi BCTC theo thông lệ quốc tế.

3. Về việc ghi nhận doanh thu, giá vốn của các giao dịch mua, bán, điều chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nội bộ
Ngoài Khoản 2 Điều 8 Thông tư 200 thì vấn đề này còn được quy định tại Điểm e Khoản 3.2 Điều 20 như sau: “e) Khi bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp, tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động và phân cấp của từng đơn vị, doanh nghiệp có thể ghi nhận doanh thu tại thời điểm chuyển giao hàng hóa dịch vụ cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc hoặc tại thời điểm khi đơn vị hạch toán phụ thuộc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra bên ngoài”.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, việc ghi nhận doanh thu, giá vốn đối với các giao dịch mua, bán hàng giữa các đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc trong nội bộ một doanh nghiệp là do doanh nghiệp quyết định mà không phụ thuộc vào hình thức chứng từ xuất ra là hóa đơn hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ. Quy định tại Điều 8 Thông tư 200 mang tính khuyến cáo, không mang tính bắt buộc.

4. Về thuyết minh giá trị hợp lý và suy giảm giá trị

- Về giá trị hợp lý của các khoản đầu tư tài chính
Căn cứ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 15 và Điểm a Khoản 1.2 Điều 45 Thông tư 200 thì khi xác định giá trị hợp lý của chứng khoán kinh doanh để trình bày trên thuyết minh BCTC, doanh nghiệp có thể căn cứ vào giá trị thị trường của các loại chứng khoán mà doanh nghiệp đang nắm giữ.

Đối với các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị chưa niêm yết, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này được xác định dựa trên các kỹ thuật định giá. Trường hợp nếu giá trị hợp lý của các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác không xác định được một cách đáng tin cậy thì doanh nghiệp giải trình lý do tại mục 2c phần VI về thông tin bổ sung cho khoản mục đầu tư tài chính trên thuyết minh BCTC.

- Về suy giảm giá trị của Bất động sản đầu tư
Tại Khoản 1.6 Điều 39 Thông tư 200 về bất động sản đầu tư (BĐSĐT) quy định “1.6. Doanh nghiệp không trích khấu hao đối với BĐSĐT nắm giữ chờ tăng giá. Trường hợp có bằng chứng chắc chắn cho thấy BĐSĐT bị giảm giá so với giá trị thị trường và khoản giảm giá được xác định một cách đáng tin cậy thì doanh nghiệp được đánh giá giảm nguyên giá BĐSĐT và ghi nhận khoản tổn thất vào giá vốn hàng bán (tương tự như việc lập dự phòng đối với hàng hóa bất động sản)”.

Như vậy, việc đánh giá suy giảm giá trị chỉ phải thực hiện khi có dấu hiệu và bằng chứng chắc chắn. Nếu việc suy giảm giá trị của BĐSĐT không xác định được giá trị suy giảm một cách đáng tin cậy thì doanh nghiệp không ghi nhận khoản tổn thất do suy giảm giá trị của BĐSĐT nhưng cần thuyết minh và giải trình khác tại mục 12 phần VI về thông tin bổ sung cho khoản mục đầu tư tài chính trên thuyết minh BCTC.

5. Về hạch toán khoản chi phí hoàn nguyên môi trường
Thông tư 200 chỉ quy định việc trích trước chi phí hoàn nguyên môi trường và sử dụng tài khoản 3524 để kế toán. Mức trích, thời điểm bắt đầu và kết thúc việc trích... phải thực hiện theo cơ chế chính sách áp dụng cho từng ngành nghề, từng đơn vị. Ví dụ việc trích trước chi phí thu dọn mỏ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam hoặc trích trước chi phí hoàn nguyên môi trường của Tập đoàn Than và Khoáng sản phải thực hiện theo quy định cụ thể của pháp luật áp dụng cho từng ngành.

6. Khi tính EPS thì số trích quỹ khen thưởng, phúc lợi được tính của năm nào?
Theo Thông tư 200, khi tính EPS phải điều chỉnh đối với số đã hoặc sẽ trích quỹ khen thưởng, phúc lợi. Số trích quỹ khen thưởng, phúc lợi kỳ trước không được dùng để xác định EPS kỳ này. Khoản chênh lệch (nếu có) giữa số dự kiến trích của kỳ trước và số trích theo thực tế (có thể tại kỳ sau) được điều chỉnh vào EPS kỳ trước (báo cáo lại) và thuyết minh trên BCTC.

7. Các vấn đề về tỷ giá hối đoái
a) Về quy định áp dụng tỷ giá hối đoái cho các giao dịch liên quan đến ngoại tệ: Theo quy định tại Điều 69 Thông tư 200, doanh nghiệp phải sử dụng các loại tỷ giá hối đoái khác nhau liên quan đến các giao dịch bằng ngoại tệ. Nếu quy định chỉ áp dụng 1 loại tỷ giá hối đoái cho các loại giao dịch khác nhau sẽ không đúng với bản chất tài chính và nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh và doanh nghiệp sẽ gặp phải những vướng mắc sau:

- Theo quy định tại Thông tư số 103/2005/TT-BTC một trong những tiêu chuẩn của phần mềm kế toán là phải có khả năng nâng cấp, có thể sửa đổi, bổ sung phù hợp với những thay đổi nhất định của chế độ kế toán và chính sách tài chính mà không ảnh hưởng đến cơ sở dữ liệu đã có. Thực tế cho thấy, đây không phải là vướng mắc của tất cả các doanh nghiệp (kể cả là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài) khi thực hiện quy định về tỷ giá hối đoái tại Thông tư 200 mà chỉ có một số doanh nghiệp có phần mềm kế toán chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định.

- Việc đề nghị được áp dụng chỉ 1 tỷ giá hối đoái cho tất cả các loại giao dịch trong ngày sẽ gặp phải những vướng mắc sau đây:
+ Việc áp dụng 1 loại tỷ giá duy nhất của 1 ngân hàng thương mại hoặc 1 tổ chức ban hành đáng tin cậy để kế toán không phản ánh đúng thực tế giao dịch vì doanh nghiệp giao dịch ở ngân hàng này mà áp dụng tỷ giá công bố của ngân hàng khác (mà mình không giao dịch) là không phù hợp.

+ Nếu áp dụng tỷ giá bình quân liên ngân hàng như quy định trước đây (Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC) thì chỉ có tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ dẫn đến quy định tỷ giá áp dụng cho các đồng tiền khác sẽ bị vướng mắc do phải quy đổi chéo nên giảm mức độ hợp lý của số liệu.

+ Nếu chỉ áp dụng theo tỷ giá mua hoặc tỷ giá bán của ngân hàng thương mại cho các giao dịch khác nhau sẽ là không phù hợp với thực tế. Ví dụ, đối với một giao dịch mua chịu hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp phải ghi nhận một khoản nợ phải trả tương ứng với các khoản mục liên quan, khi trả nợ cho nhà cung cấp, doanh nghiệp phải mua ngoại tệ của ngân hàng theo tỷ giá bán do đó giao dịch này sẽ được ghi nhận theo tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng. Ngược lại, doanh nghiệp thu tiền bán hàng bằng ngoại tệ, doanh nghiệp phải ghi nhận một khoản tiền tương ứng với khoản doanh thu bán hàng, theo quy định về quản lý ngoại hối, doanh nghiệp phải bán lại ngoại tệ cho ngân hàng để thu về bằng VNĐ theo tỷ giá mua.

+ Trong điều kiện tình hình tỷ giá biến động phức tạp như hiện nay, việc áp dụng 1 tỷ giá mua hoặc tỷ giá bán hoặc tỷ giá bình quân mua và bán không đảm bảo phản ánh đúng tình hình tài chính và chênh lệch tỷ giá hối đoái của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mà có giao dịch phát sinh bằng ngoại tệ lớn.

b) Về việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và việc sử dụng tỷ giá hối đoái của công ty con có công ty mẹ ở nước ngoài

- Việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ để ghi nhận chênh lệch tỷ giá hối đoái tại thời điểm lập BCTC thì việc kết chuyển lãi/lỗ về chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại cũng sẽ thực hiện tại thời điểm lập BCTC, không phải chỉ là cuối năm tài chính (Do sơ suất Thông tư số 200 bị sai lỗi chính tả).

- Việc công ty con được sử dụng tỷ giá do công ty mẹ quy định để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ chỉ áp dụng đối với công ty con có công ty mẹ tại Việt Nam. Đối với công ty con có công ty mẹ ở nước ngoài thì chỉ áp dụng quy định này cho BCTC dùng để hợp nhất, không áp dụng đối với BCTC công bố tại Việt Nam.

8. Các vấn đề về trái phiếu chuyển đổi

Thông tư 200 hướng dẫn 02 phương pháp ghi nhận và phân bổ chi phí phát hành trái phiếu nên:

+ Đối với trường hợp chi phí phát hành trái phiếu được phân bổ theo phương pháp đường thẳng thì việc xác định giá trị hiện tại của dòng tiền trong tương lai phải loại trừ chi phí phát hành trái phiếu (nên là dấu trừ).

+ Đối với trường hợp chi phí phát hành trái phiếu được phân bổ theo phương pháp lãi suất thực thì việc xác định giá trị hiện tại của dòng tiền trong tương lai bao gồm cả chi phí phát hành (sẽ là dấu cộng).
Tuy nhiên, do sơ suất nên Thông tư 200 chưa nói rõ sự khác biệt của 2 tình huống này. Đề nghị các công ty kiểm toán phối hợp hướng dẫn rõ cho doanh nghiệp nhận biết sự khác biệt của 2 trường hợp.

- Do trái phiếu phát hành luôn được xác định thành 02 cấu phần là cấu phần nợ gốc và quyền chọn. Nợ gốc luôn là giá trị hiện tại của khoản thanh toán trong tương lai (đã được chiết khấu dòng tiền) nên không còn khái niệm chiết khấu hoặc phụ trội nữa. Chiết khấu hoặc phụ trội chỉ áp dụng đối với trái phiếu thường.

- Do trái phiếu là công cụ tài chính được giao dịch trên thị trường và thường là các giao dịch đa phương nên thường chỉ phát sinh đối với các đơn vị có lợi ích công chúng. Vì vậy, việc hạch toán đối với chi phí phát hành trái phiếu cần tuân thủ ngay chuẩn mực kế toán quốc tế.

Đối với các khoản vay theo khế ước vay là song phương, nếu áp dụng phương pháp hạch toán tương tự chi phí phát hành trái phiếu sẽ chưa thể phù hợp ngay với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Mặt khác, chi phí của khoản vay song phương thường nhỏ hơn chi phí phát hành trái phiếu. Do đó, để đơn giản nên chế độ kế toán hiện nay mới chỉ yêu cầu hạch toán chi phí phát hành trái phiếu theo chuẩn mực kế toán, quốc tế. Trong tương lai có thể sẽ nhất thể hóa phương pháp kế toán chi phí liên quan trực tiếp đến khoản vay (chi phí thu xếp khoản vay ngoài lãi vay) của cả 2 hình thức vay nêu trên.

9. Các vấn đề về chi phí phải trả và dự phòng phải trả

- Theo Chuẩn mực kế toán quốc tế số 37 mà Thông tư 200 đã tiếp cận thì khoản dự phòng phải trả là khoản phải trả khi:

+ Người mua chưa được nhận dịch vụ cung cấp (công việc chưa được thựchiện);
+ Giá trị phải trả được xác định một cách đáng tin cậy nhưng chưa hoàn toàn chắc chắn;
+ Thời gian thanh toán nợ phải trả chưa xác định được một cách chắc chắn.

Vì vậy, trên tinh thần tiếp cận với IAS 37, Thông tư 200 đã quy định việc trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật của TSCĐ là nghĩa vụ hiện tại để đảm bảo tài sản có thể hoạt động được bình thường theo tiêu chuẩn thiết kế là khoản dự phòng phải trả do đáp ứng cả 3 yêu cầu của Chuẩn mực quốc tế. Đồng thời cũng không mâu thuẫn với VAS 18 vì VAS 18 chưa đề cập vấn đề này.

- Việc trích Quỹ phát triển khoa học công nghệ được thực hiện (mặc dù doanh nghiệp có thể lựa chọn) theo quy định của pháp luật (tức là có nghĩa vụ pháp lý) và đã được thực hiện từ năm 2009 theo quy định của Thông tư 244 nên quy định của Thông tư 200 là mang tính kế thừa (không phải là quy định mới) nên không trái với các Chuẩn mực kế toán Việt Nam.

10. Hướng dẫn lập BCLCTT
Theo quy định TK 242 bao gồm cả khoản trả trước một lần tiền thuê đất không đủ tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình. Xét về bản chất, dòng tiền trả trước một lần tiền thuê đất hay dòng tiền phát sinh từ việc mua quyền sử dụng đất có thời hạn đều là dòng tiền hoạt động đầu tư. Tuy nhiên nếu việc trả trước được thực hiện nhiều lần thì được phân loại là luồng tiền hoạt động kinh doanh. Do đó, chỉ tiêu “tăng, giảm chi phí trả trước” không bao gồm chênh lệch giữa số dư cuối kỳ với số dư đầu kỳ của tiền thuê đất trả trước một lần không đủ tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình (Thông tư 200 bị lỗi chính tả thiếu chữ “không”).

11. Hướng dẫn lập BCKQKD
- Thông tư 200 có lỗi chính tả là thừa chữ “BĐSĐT”. Chỉ có chênh lệch thu - chi về thanh lý, nhượng bán TSCĐ mới được trình bày là theo số thuần trên ở chỉ tiêu thu nhập khác còn doanh thu về BĐSĐT được trình bày ở chỉ tiêu doanh thu, không trình bày ở chỉ tiêu thu nhập khác.

12. Về chi phí trả trước
Đối với khoản mục chi phí trả trước thì việc phân loại ngắn hạn và dài hạn căn cứ vào kỳ hạn gốc của từng khoản chi phí trả trước mà không căn cứ vào kỳ hạn còn lại để phân loại ngắn hạn, dài hạn. (Không tái phân loại chi phí trả trước dài hạn thành ngắn hạn).

13. Về thuyết minh BCTC
Việc thuyết minh BCTC cũng có thể áp dụng khái niệm trọng yếu để quyết định thuyết minh. Do câu hỏi của quý công ty chưa rõ nên Bộ Tài chính chưa thể ý kiến. Cần lưu ý rằng khi áp dụng khái niệm trọng yếu thì phải thuyết minh trong phần “Những thông tin khác” tại mục IX.7 của TMBCTC.

14. Về ghi nhận doanh thu
Về nguyên tắc, doanh thu phải ghi nhận tương ứng với nghĩa vụ đã phát sinh. Vì vậy doanh nghiệp không được ghi nhận doanh thu của hàng tặng, khuyến mại khi chưa giao hàng do chưa đảm bảo điều kiện ghi nhận doanh thu bán hàng và theo đó DN không được ghi nhận một khoản trích trước giá vốn hàng bán đối với hàng tặng, khuyến mại.

15. Về trích trước khoản giảm trừ doanh thu
- Theo nguyên tắc thận trọng chỉ có thể trích trước chi phí mà không thể trích trước khoản giảm trừ doanh thu vì nếu đã xác định được số doanh thu bị giảm trừ thì phải ghi nhận doanh thu theo số thuần ngay.

- Trường hợp kỳ trước bán hàng, kỳ sau mới phát sinh khoản giảm trừ doanh thu thì áp dụng chuẩn mực kế toán về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán (Điều 81 Thông tư 200). Nếu khoản giảm trừ doanh thu thỏa mãn sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán thì được coi là sự kiện cần điều chỉnh và được điều chỉnh vào doanh thu kỳ bán hàng. Ngược lại, khoản giảm trừ doanh thu được điều chỉnh vào kỳ mà việc chiết khấu, giảm giá phát sinh.

16. Về TK 413

- Đối với giao dịch mua sắm tài sản hoặc thanh toán các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua TK phải trả) áp dụng theo tỷ giá mua (vì DN không phải chi tiền VNĐ để mua ngoại tệ mà sử dụng ngoại tệ ở quỹ hoặc ngoại tệ là TGNH để thanh toán). Quy định này nhằm đảm bảo tài sản không ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi.

- Đối với giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí phát sinh nhưng chưa trả tiền thì về doanh nghiệp ghi nhận khoản nợ phải trả theo tỷ giá bán của ngân hàng để đảm bảo nguyên tắc nợ phải trả không ghi nhận thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán.

17. Về Bất động sản đầu tư
Thông tư 200 không yêu cầu hồi tố nên giá trị khấu hao lũy kế của BĐSĐT nắm giữ chờ tăng giá trước đây vẫn được trình bày trong chỉ tiêu “Hao mòn lũy kế” và thuyết minh thành một dòng riêng trên TM BCTC (vì sẽ phù hợp với quy định tại đoạn 25 VAS 05 và Khoản 1.8 Điều 39 là việc chuyển đổi mục đích sử dụng BĐSĐT không làm thay đổi nguyên giá của BĐSĐT trong việc xác định giá trị hay để lập BCTC).

18. Thông tư 200 quy định doanh nghiệp phải ghi nhận tổn thất do suy giảm giá trị của BĐSĐT để phù hợp với thông lệ quốc tế và khi BĐSĐT tăng trở lại thì doanh nghiệp được hoàn nhập tối đa bằng số đã ghi giảm trước đây.

19. Về tuân thủ Chế độ kế toán Việt Nam
Theo Thông tư 200 thì không bắt buộc sổ kế toán của DN phải có cột tài khoản đối ứng vì Thông tư cho phép doanh nghiệp được tự quyết định biểu mẫu sổ kế toán miễn là doanh nghiệp phải phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp.

20. Về thông tin so sánh trên BCTC
- Tại Điểm d Khoản 4.2 Điều 69 thì khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái của giai đoạn trước hoạt động của các doanh nghiệp (theo Thông tư 179) chưa phân bổ hết trên TK 3387/242 đến trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì phải kết chuyển toàn bộ số còn lại chưa phân bổ vào TK 515/635 ngay trong năm 2015 trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Việc kế toán trái phiếu chuyển đổi theo quy định của Thông tư 200 được thực hiện từ năm 2015 trở đi, đối với trái phiếu chuyển đổi đã phát hành từ những năm trước không bắt buộc phải hồi tố để tính toán lại số dư.

21. Về vốn hóa chi phí lãi vay
- Theo quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 54 Thông tư 200 quy định “Việc xác định chi phí lãi vay được vốn hóa phải tuân thủ Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay”. Việc vốn hóa lãi vay trong một số trường hợp cụ thể như sau: Đối với khoản vay riêng phục vụ việc xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, lãi vay được vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng dưới 12 tháng”.

Thông lệ quốc tế không quy định cụ thể về thời gian đối với việc xây dựng tài sản dở dang là trên hay dưới 12 tháng nên để đảm bảo phản ánh đúng bản chất và phù hợp với thông lệ quốc tế là TSCĐ, BĐSĐT thường không phải là các tài sản sản xuất hàng loạt như hàng tồn kho. Vì vậy Thông tư 200 quy định vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng của tài sản dưới 12 tháng.

Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán doanh nghiệp đều do Bộ Tài chính ban hành, vì vậy theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản do cùng một cơ quan ban hành quy định về cùng 1 vấn đề thì văn bản ban hành sau sẽ
thay thế văn bản đã ban hành trước đó.

Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ Tài chính, đề nghị Quý Công ty nghiên cứu thực hiện./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, Vụ CĐKT (8)

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN




Đặng Thái Hùng
[TBODY] [/TBODY]
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
nguoilysu

nguoilysu

Amư Minh Khuê
Ấn tượng đầu tiên là TT 200 bị "lỗi đánh máy" nhiều quá, :)

Hiện nay, có 1 số ý kiến đều chưa đồng tình với việc cho phép trích trước chi phí sửa chữa TSCĐ trong TT 200 vì không phù hợp với quy định của Quốc tế.

Nay lý do của BTC cho phép trích trước đã được nêu trong Mục 9. Để cho mọi người hiểu hơn, anh @Hien có thể nói rõ hơn về Điều kiện 2, 3 theo giải thích Chuẩn mực Quốc tế trong trường hợp này như thế nào được không ah. Thanks anh nhiều.
 
Sửa lần cuối:
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên
Hiện nay, có 1 số ý kiến đều chưa đồng tình với việc cho phép trích trước chi phí sửa chữa TSCĐ trong TT 200 vì không phù hợp với quy định của Quốc tế.

Nay lý do của BTC cho phép trích trước đã được nêu trong Mục 9. Để cho mọi người hiểu hơn, anh @Hien có thể nói rõ hơn về Điều kiện 2, 3 theo giải thích Chuẩn mực Quốc tế trong trường hợp này như thế nào được không ah. Thanks anh nhiều.

VAS 18 tương tự IAS về ghi nhận khoản dự phòng phải trả. Có thể nói phần này VAS 18 áp dụng y nguyên IAS 37.

VAS 18: Các khoản dự phòng
11. Một khoản dự phòng chỉ được ghi nhận khi thoả mãn các điều kiện sau:
a) Doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ hiện tại (nghĩa vụ pháp lý hoặc nghĩa vụ liên đới) do kết quả từ một sự kiện đã xảy ra;
b) Sự giảm sút về những lợi ích kinh tế có thể xảy ra dẫn đến việc yêu cầu phải thanh toán nghĩa vụ nợ; và
c) Đưa ra được một ước tính đáng tin cậy về giá trị của nghĩa vụ nợ đó.


IAS 37: Provisions
14 A provision shall be recognised when:
(a) an entity has a present obligation (legal or constructive) as a result of a past event;
(b) it is probable that an outflow of resources embodying economic benefits will be required to settle the obligation; and
(c) a reliable estimate can be made of the amount of the obligation.

If these conditions are not met, no provision shall be recognised.


Các đoạn giải thích sau đoạn này của VAS 18 cũng vận dụng 100% IAS 37.

Áp dụng vào với việc trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ có tính chu kỳ

Điều kiện a):
Doanh nghiệp không tồn tại nghĩa vụ phải trả tại ngày lập báo cáo tài chính phát sinh từ quá khứ.

Việc doanh nghiệp đã sử dụng tài sản thì doanh nghiệp đã sử dụng lợi ích kinh tế từ tài sản và việc khấu hao TSCĐ đã được thực hiện để phản ánh vấn đề này.

Việc doanh nghiệp sẽ sửa chữa tài sản trong tương lai thì việc sửa chữa đó sẽ đem lại các lợi ích kinh tế trong tương lai. Do đó chi phí sửa chữa lớn khi phát sinh thỏa mãn định nghĩa tài sản khi phát sinh.

Có người sẽ lập luận: VAS quy định nếu việc sửa chữa để khôi phục lại hiện trạng ban đầu của tài sản thì không vốn hóa. Tuy nhiên nhận định này không hoàn toàn đúng. Mặc dù sửa chữa để khôi phục lại hiện trạng ban đầu nhưng việc sửa chữa này cũng thường đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai nên chi phí sửa chữa này nên vốn hóa và phân bổ cho các kỳ sau đó.

Điều kiện a) không thỏa mãn thì đương nhiên các điều kiện b), c) cũng không thỏa mãn.

IASB và FASB quy định như thế nào với chi phí sửa chữa lớn này?

Trong BC 5 của IAS 16 (phiên bản 2003, sau phiên bản mà VAS 3 dịch ra để áp dụng) IASB giải thích như sau:

In considering potential improvements to the previous version of IAS 16, the Board reviewed its subsequent expenditure recognition principle for two reasons. First, the existing subsequent expenditure recognition principle did not align with the asset recognition principle in the Framework. Second, the Board noted difficulties in practice in making the distinction it required between expenditures that maintain, and those that enhance, an item of property, plant and equipment. Some expenditures seem to do both.

Tạm dịch: Trong quá trình xem xét việc hoàn thiện phiên bản trước của IAS 16, Hội đồng soạn thảo xem xét lại nguyên tắc ghi nhận chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu bởi hai lí do. Thứ nhất, nguyên tắc ghi nhận hiện hành đối với các chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu không tuân thủ nguyên tắc ghi nhận tài sản trong Khuôn mẫu lý thuyết. Thứ hai, Hội đồng cũng nhận thấy các khó khăn trong thực hành kế toán trong việc phân biệt giữa chi phí để duy trì, và các chi phí để tăng cường (lợi ích kinh tế thu được) từ một tài sản cố định. Một số chi phí có cả hai đặc điểm.

Và IASB quyết định là áp dụng một nguyên tắc ghi nhận cho các chi phí đối với TSCĐ: Nếu chi phí đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai thì sẽ vốn hóa.

Trước năm 2006, các công ty hàng không của Mỹ thực hiện trích trước chi phí sửa chữa lớn với các bút toán tương tự như kế toán Việt Nam. Từ năm 2006 FASB cũng cấm các công ty áp dụng kế toán Mỹ trích trước chi phí sữa lớn TSCĐ:
5. This FSP prohibits the use of the accrue-in-advance method of accounting for planned major maintenance activities in annual and interim financial reporting periods.
Nguồn: FASB ASC 360-10-25-5. [Predecessor literature: “Accounting for Planned Major Maintenance Activities,” FASB Staff Position AUG-AIR-1 (Norwalk, Conn.: FASB, September 2006), par. 5.]

Lý do có thể được giải thích (tương tự như tớ nói ở trên):
FASB concluded that application of this method resulted in recognition of a liability in periods prior to the occurrence of an event that obligated the entity to perform the overhaul. Until the performance of the overhaul is actually required to be performed, the reporting entity will not have incurred a present obligation to perform the overhaul and, therefore, under the CON 6 definition of a liability, the liability had not yet been incurred as the hours were flown.
Nguồn: Wiley GAAP 2011, p.450.

Tạm dịch đoạn này: FASB kết luận rằng việc áp dụng phương pháp này (trích trước chi phí sửa chữa lớn) dẫn đến việc ghi nhận nợ phải trả trong các kỳ trước khi phát sinh sự kiện làm cho nghĩa vụ sửa chữa lớn phải thực hiện. Cho đến khi việc thực hiện sửa chữa lớn thực sự cần phải được thực hiện, đơn vị kế toán không phát sinh nghĩa vụ hiện tại để tiến hành sửa chữa lớn và, chính vì vậy, theo định nghĩa nợ phải trả trong CON 6, nghĩa vụ nợ phải trả không phát sinh theo số giờ bay đã thực hiện (với ngành hàng không, tương tự cho các ngành khác).
 
nguoilysu

nguoilysu

Amư Minh Khuê
Điều kiện a):
Doanh nghiệp không tồn tại nghĩa vụ phải trả tại ngày lập báo cáo tài chính phát sinh từ quá khứ.

Việc doanh nghiệp đã sử dụng tài sản thì doanh nghiệp đã sử dụng lợi ích kinh tế từ tài sản và việc khấu hao TSCĐ đã được thực hiện để phản ánh vấn đề này.

Việc doanh nghiệp sẽ sửa chữa tài sản trong tương lai thì việc sửa chữa đó sẽ đem lại các lợi ích kinh tế trong tương lai. Do đó chi phí sửa chữa lớn khi phát sinh thỏa mãn định nghĩa tài sản khi phát sinh.

Có người sẽ lập luận: VAS quy định nếu việc sửa chữa để khôi phục lại hiện trạng ban đầu của tài sản thì không vốn hóa. Tuy nhiên nhận định này không hoàn toàn đúng. Mặc dù sửa chữa để khôi phục lại hiện trạng ban đầu nhưng việc sửa chữa này cũng thường đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai nên chi phí sửa chữa này nên vốn hóa và phân bổ cho các kỳ sau đó.

Điều kiện a) không thỏa mãn thì đương nhiên các điều kiện b), c) cũng không thỏa mãn.

Tạm dịch đoạn này: FASB kết luận rằng ... nghĩa vụ nợ phải trả không phát sinh theo số giờ bay đã thực hiện...

Thanks anh @Hien: Việc sửa chữa TSCĐ để đảm bảo TSCĐ có thể hoạt động bình thường trong tương lai nhằm thu lại lợi ích trong tương lai chứ trong quá khứ thì Lợi ích kinh tế và Khấu hao đã "phù hợp" với nhau rồi còn gì.

Có người sẽ lập luận: VAS quy định nếu việc sửa chữa để khôi phục lại hiện trạng ban đầu của tài sản thì không vốn hóa.

Việc trích trước sửa chữa TSCĐ này không thể giống như chi phí để hoàn nguyên môi trường, trả lại mặt bằng và chấm dứt khai thác. Ở đây TSCĐ tiếp tục hoạt động sau khi sửa chữa mà. Nếu suy nghĩ như trích dẫn trên, thì sẽ xảy ra trường hợp sửa chữa xong thanh lý tài sản luôn, quá vô lý :)
 
  • Like
Reactions: phantuannam
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên
Việc trích trước sửa chữa TSCĐ này không thể giống như chi phí để hoàn nguyên môi trường và chấm dứt khai thác.

Trích trước chi phí phục hồi môi trường là đúng vì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải phục hồi môi trường khi kết thúc hoạt động.
Việc hạch toán chi phí phục hồi môi trường khi kết thúc hoạt động là một vấn đề khá phức tạp và có sự khác biệt giữa IFRS và US GAAP. Ngó qua BCTC của mấy công ty niêm yết thì nhiều công ty chưa trích chi phí này, có công ty vốn hóa vào tài sản hết (như US GAAP), có công ty thì ghi hết vào giá thành (gần giống với IFRS). Năm 2011 mình có viết bài về vấn đề này nhưng chưa đăng và đang cố gắng chỉnh sửa để đăng.
 
nguoilysu

nguoilysu

Amư Minh Khuê
Trích trước chi phí phục hồi môi trường là đúng vì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải phục hồi môi trường khi kết thúc hoạt động.
Việc hạch toán chi phí phục hồi môi trường khi kết thúc hoạt động là một vấn đề khá phức tạp và có sự khác biệt giữa IFRS và US GAAP. Ngó qua BCTC của mấy công ty niêm yết thì nhiều công ty chưa trích chi phí này, có công ty vốn hóa vào tài sản hết (như US GAAP), có công ty thì ghi hết vào giá thành (gần giống với IFRS). Năm 2011 mình có viết bài về vấn đề này nhưng chưa đăng và đang cố gắng chỉnh sửa để đăng.
Anh "làm" 1 bài gửi cho BTC đi anh :), áp dụng phương pháp này thì vừa gây ra tranh cãi vừa không có lợi cho thuế, không lẽ BTC "thương" DN đến như vậy hay sao? hay là lỡ quy định rồi nên cố mà cãi thôi nhỉ???
 
  • Like
Reactions: phantuannam
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên
Anh "làm" 1 bài gửi cho BTC đi anh :), áp dụng phương pháp này thì vừa gây ra tranh cãi vừa không có lợi cho thuế, không lẽ BTC "thương" DN đến như vậy hay sao? hay là lỡ quy định rồi nên cố mà cãi thôi nhỉ???
Trích trước chi phí sửa chữa lớn à? Thực ra khi ban hành chế độ kế toán bị ảnh hưởng từ nhiều phía lắm (các nước khác cũng vậy). BTC chắc sẽ không thay đổi quan điểm về trích trước này đâu.

Trích trước chi phí phục hồi môi trường thì IFRS và US GAAP đều quy định phải trích mà, vì rõ ràng có tồn tại nghĩa vụ phải thực hiện do phát sinh từ các sự kiện đã qua. Có điều là theo IFRS thì chi phí này vốn hóa vào tài sản, trừ những chi phí phát sinh trong các kỳ sản xuất hàng tồn kho. Còn US GAAP thì ghi nhận ban đầu hết vào nguyên giá tài sản rồi khấu hao. Ảnh hưởng cuối cùng đến lợi nhuân là như nhau như IASB bảo làm như họ hợp lý hơn.
 
  • Like
Reactions: phantuannam
amtich

amtich

Mơ về nơi xa...
14/10/11
1,483
261
83
37
TP Vinh - TP HCM
Em tham gia chút vào cái chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, vần đề này thì trước giờ em cũng đồng ý với quan điểm của anh Hiền là nó phục vụ lợi ích kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên em thấy BTC vẫn giữ quan điểm cho phép trích trước, nên em đang cố gắng hiểu theo nghĩa khác. Đại khái là ngay cả khi một tài sản đang hoạt động bình thường, nó vẫn phải có trách nhiệm gánh một phần chi phí cho việc sửa chữa (theo yêu cầu kỹ thuật) sau này.

Ví dụ 1 dàn khoan dầu có tuổi thọ 20 năm, nguyên giá 100 tỷ, trong điều kiện bình thường để dàn khoan này hoạt động đúng 20 năm nó bắt buộc phải phát sinh chi phí bảo dưỡng định kỳ 5 năm/lần - mỗi lần ước tính 10 tỷ - tổng 3 lần trong suốt 20 năm là 30 tỷ. Như vậy 30 tỷ này sẽ dàn đều ra cho 20 năm hoạt động mới hợp lý, vì thực tế 5 năm đầu tiên nó đang hoạt động mà ko chịu gánh vác cái chi phí này là ko công bằng so với các chu kỳ tiếp theo, các chu kỳ tiếp theo phải gánh vác khoản chi phí cao hơn do hậu quả của việc sử dụng 5 năm đầu tiên ko phải bảo dưỡng.

Ý em là vậy ah mà ko biết mình suy luận vậy có đúng hay không nữa, :).
 
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên
Em tham gia chút vào cái chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, vần đề này thì trước giờ em cũng đồng ý với quan điểm của anh Hiền là nó phục vụ lợi ích kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên em thấy BTC vẫn giữ quan điểm cho phép trích trước, nên em đang cố gắng hiểu theo nghĩa khác. Đại khái là ngay cả khi một tài sản đang hoạt động bình thường, nó vẫn phải có trách nhiệm gánh một phần chi phí cho việc sửa chữa (theo yêu cầu kỹ thuật) sau này.

Ví dụ 1 dàn khoan dầu có tuổi thọ 20 năm, nguyên giá 100 tỷ, trong điều kiện bình thường để dàn khoan này hoạt động đúng 20 năm nó bắt buộc phải phát sinh chi phí bảo dưỡng định kỳ 5 năm/lần - mỗi lần ước tính 10 tỷ - tổng 3 lần trong suốt 20 năm là 30 tỷ. Như vậy 30 tỷ này sẽ dàn đều ra cho 20 năm hoạt động mới hợp lý, vì thực tế 5 năm đầu tiên nó đang hoạt động mà ko chịu gánh vác cái chi phí này là ko công bằng so với các chu kỳ tiếp theo, các chu kỳ tiếp theo phải gánh vác khoản chi phí cao hơn do hậu quả của việc sử dụng 5 năm đầu tiên ko phải bảo dưỡng.

Ý em là vậy ah mà ko biết mình suy luận vậy có đúng hay không nữa, :).
Quan điểm của bạn là đứng về nguyên tắc phù hợp. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện nguyên tắc này bằng việc là trích khấu hao với một tỷ lệ lớn hơn cho phần tài sản sẽ phải thay thế, sửa chữa.

Vấn đề quan trọng theo quan điểm của FASB là việc trích trước này không hợp lý do việc ghi nhận một khoản nợ phải trả không thỏa mãn định nghĩa và điều kiện ghi nhận (theo cả Khuôn mẫu lý thuyết và Chuẩn mực cụ thể, ví dụ ở VN là Chuẩn mực số 1 và Chuẩn mực số 18).

Nếu năm nay Việt Nam ra chuẩn mực mới về TSCĐ mà áp dụng y nguyên IAS 16 version 2003 thì sẽ không còn trích trước như thế này nữa. Khi đó các chi phí sau ghi nhận ban đầu áp dụng cùng một nguyên tắc với các chi phí khi ghi nhận ban đầu.
 
nguoilysu

nguoilysu

Amư Minh Khuê
@Hien
Vấn đề quan trọng theo quan điểm của FASB là việc trích trước này không hợp lý do việc ghi nhận một khoản nợ phải trả không thỏa mãn định nghĩa và điều kiện ghi nhận (theo cả Khuôn mẫu lý thuyết và Chuẩn mực cụ thể, ví dụ ở VN là Chuẩn mực số 1 và Chuẩn mực số 18).

Tiếp theo ý của anh trong bài trên, em thấy như sau:

Theo chuẩn mực chung:

Nợ phải trả
26. Nợ phải trả xác định nghĩa vụ hiện tại
của doanh nghiệp khi doanh nghiệp nhận về một tài sản, tham gia một cam kết hoặc phát sinh các nghĩa vụ pháp lý.
...
28. Nợ phải trả phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua, như mua hàng hoá chưa trả tiền, sử dụng dịch vụ chưa thanh toán, vay nợ, cam kết bảo hành hàng hoá, cam kết nghĩa vụ hợp đồng, phải trả nhân viên, thuế phải nộp, phải trả khác

Như vậy, Nợ phải trả phải xuất phát từ 1 nghĩa vụ liên đới (ví dụ cam kết sẽ bảo hành cho khách hàng) hoặc nghĩa vụ pháp lý (phải bồi thường theo quyet dinh toà án...) mà DN bắt buộc phải thanh toán.

Trường hợp chi phí sửa chữa trích trước nó không thuộc 2 "nghia vu" trên mà nó là "ý chí" chủ quan của DN mà thôi. Ví dụ: do thay đổi cách sử dụng tài sản nên việc hư hao, sửa chữa định kỳ có thể khác đi so với dự tính ban đâu, hoặc DN có thể bán TS đó đi thay thế bằng 1 TS khác... => không phải là 1 nghĩa vụ hiện tại và DN không bắt buộc phải thanh toán => không ghi nhận là 1 khoản phải trả.

ý của em là như vậy.
 
Sửa lần cuối:
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên
Cũng liên quan đến việc ghi nhận nợ phải trả thì công văn này có giải thích là trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ là hợp lý. BTC giải thích rằng DN có nghĩa vụ pháp lý phải thanh toán nếu đã trích quỹ này để giảm trừ lợi nhuận.

Theo quan điểm của mình thì việc trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ hạch toán vào TK 356 và xem nó như là Nợ phải trả là không đúng.

Theo Chuẩn mực chung:
26. Nợ phải trả xác định nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp khi doanh nghiệp nhận về một tài sản, tham gia một cam kết hoặc phát sinh các nghĩa vụ pháp lý.

42. Nợ phải trả được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán khi có đủ điều kiện chắc chắn là doanh nghiệp sẽ phải dùng một lượng tiền chi ra để trang trải cho những nghĩa vụ hiện tại mà doanh nghiệp phải thanh toán, và khoản nợ phải trả đó phải xác định được một cách đáng tin cậy.


Khi doanh nghiệp trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đạt được lợi ích về thuế chỉ làm phát sinh chênh lệch tạm thời chứ không hề phát sinh nghĩa vụ phải thanh toán. Khi doanh nghiệp thực hiện mua sắm thiết bị, chi trả cho nghiên cứu thì đơn giản là làm tăng tài sản hoặc chi phí kế toán, không thể xem là thực hiện thanh toán cho nghĩa vụ đã tồn tại trước đây.

Việc quy định như Thông tư 200 có thể là chấp nhận được để cho đơn giản về mặt kế toán và thuận lợi cho việc tính thuế chứ không thể xem đó là cách thức xử lý kế toán phản ánh đúng bản chất được.
 
  • Like
Reactions: phantuannam
nguoilysu

nguoilysu

Amư Minh Khuê
...Khi doanh nghiệp trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đạt được lợi ích về thuế chỉ làm phát sinh chênh lệch tạm thời chứ không hề phát sinh nghĩa vụ phải thanh toán. Khi doanh nghiệp thực hiện mua sắm thiết bị, chi trả cho nghiên cứu thì đơn giản là làm tăng tài sản hoặc chi phí kế toán, không thể xem là thực hiện thanh toán cho nghĩa vụ đã tồn tại trước đây.

Việc quy định như Thông tư 200 có thể là chấp nhận được để cho đơn giản về mặt kế toán và thuận lợi cho việc tính thuế chứ không thể xem đó là cách thức xử lý kế toán phản ánh đúng bản chất được.

Ở VN thường không rạch ròi, hay lẫn lộn giữa các mục đích Khoa học, Kinh tế, Chính trị..., như TT 200 luôn có những quy định khác dành cho DN có vốn nhà nước :)

Cho nên việc trích Quỹ này cũng vậy thôi, chính tác giả thông tư này cũng nói là áp lực, cản trở rất nhiều khi muốn tiếp cận với quy định Quốc tế.
 
  • Like
Reactions: phantuannam
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên
Ở VN thường không rạch ròi, hay lẫn lộn giữa các mục đích Khoa học, Kinh tế, Chính trị..., như TT 200 luôn có những quy định khác dành cho DN có vốn nhà nước :)

Cho nên việc trích Quỹ này cũng vậy thôi, chính tác giả thông tư này cũng nói là áp lực, cản trở rất nhiều khi muốn tiếp cận với quy định Quốc tế.

Kế toán nước nào cũng bị ảnh hưởng bởi các nhân tố xã hội cả. Dù sao ở các nước phát triển thì tính nguyên tắc vẫn được đề cao hơn, và minh bạch hơn (Mỹ trước đây đa số là rule based nhưng cũng đang chuyển sang principle based). Mấy quỹ khen thưởng phúc lợi với quỹ phát triển khoa học và công nghệ này theo Thông tư là chưa phù hợp với quy tắc chung.
 
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên
Xin phép chị Tham Bui copy các trao đổi của chị trên WKTADFB về đây để các bạn trao đổi tiếp:

DÒNG TIỀN BẤT ĐỘNG SẢN ĐẦU TƯ LÀ DÒNG TIỀN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH HAY DÒNG TIỀN HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ?

Hôm nay chị trở lại nôi dung này sau CV 12568/BTC trả lời Big 4. Trong đó có nội dung này:

"11. Hướng dẫn lập BCKQKD
- Thông tư 200 có lỗi chính tả là thừa chữ “BĐSĐT”. Chỉ có chênh lệch thu - chi về thanh lý, nhượng bán TSCĐ mới được trình bày là theo số thuần trên ở chỉ tiêu thu nhập khác còn doanh thu về BĐSĐT được trình bày ở chỉ tiêu doanh thu, không trình bày ở chỉ tiêu thu nhập khác."

Chỉ cảm thấy lăn tăn. Như vậy cái đoạn này chị trích ở trên có gì thay đổi không :"Trong phần hướng dẫn lập BCLCTT trong đó có cái dòng tiền từ hoạt động đầu tư, trong đó có :" Tiền thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác (Mã số 22). Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là chênh lệch giữa số tiền thu và số tiền chi cho việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và các tài sản dài hạn khác. Số tiền thu được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 711, 5117, 131 (chi tiết tiền thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐS đầu tư và các tài sản dài hạn khác) trong kỳ báo cáo. Số tiền chi được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 632, 811 (Chi tiết chi về thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐS đầu tư) trong kỳ báo cáo ".
 
  • Like
Reactions: xuantham
nguoilysu

nguoilysu

Amư Minh Khuê
@Hien, @xuantham
Em thấy phần lập BC LCTT không phải thay đổi gì cả. Do TSCD, BDS đầu tư là tài sản dài hạn thuộc hoạt động đầu tư nên các dòng tiền liên quan đến nó đuợc trình bày trong Dòng tiền hoạt động đầu tư là hợp lý.

Còn tại sao thanh lý BDS đầu tư không ghi vào thu nhập khác như khi thanh lý TSCD, theo em nghĩ là do:

1. Đối với TSCĐ: DN mua về để tham gia vào HĐ SXKD của DN chứ không phải để bán, nên thu nhập từ thanh lý TSCĐ nó là hoạt động khác.
2. Đối với BĐS đầu tư: DN mua về để chờ tăng giá bán kiếm lời hoặc cho thuê hoạt động... cho nên, thu nhập từ từ bán BDSDT là Doanh thu (BCKQKD) và dòng tiền này là tiền thu từ hoạt động đầu tư (BCLCTT).
 
  • Like
Reactions: amtich and Hien
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên
Thực ra nếu phân tích kỹ thì dòng tiền liên quan đến bất động sản đầu tư có thể thuộc 1 trong 2 dòng tiền:

- Nếu các khoản chi/thu liên quan đến đầu tư, mua sắm, thanh lý, nhượng bán BĐS đầu tư: Đây là dòng tiền hoạt động đầu tư.

- Nếu các khoản chi/thu liên quan đến cho thuê hoạt động BĐS đầu tư: Dòng tiền hoạt động kinh doanh.

Khoản lãi lỗ từ bán bất động sản đầu tư đã hạch toán vào doanh thu (5117) và giá vốn (632) rồi nên không còn ở phần thu nhập khác nữa là đương nhiên. Đoạn giải thích về "lỗi đánh máy" của BTC có thể chấp nhận được :)
 
  • Like
Reactions: nguoilysu
nguoilysu

nguoilysu

Amư Minh Khuê
... Đoạn giải thích về "lỗi đánh máy" của BTC có thể chấp nhận được :)

Theo như giải thích của người soạn thảo ra Thông tư trong bữa em đi dự tập huấn, thì việc lấy số Thông tư và ngày ban hành thông tư đều có ý nghĩa chứ không phải chỉ là số thứ tự và ngày ký ban hành đơn thuần: Thông tư số 200 (số đẹp và dễ nhớ) và ngày 22/12 (ngày QDND Việt Nam) thể hiện tinh thần mạnh mẽ, quyết tâm trong việc tiệm cận với quy định của thế giới. Cho nên, em nghĩ đây là lỗi đánh máy thiệt chứ không phải lỗi đánh máy trong dấu ngoặc kép đâu :)
 
  • Like
Reactions: Hien
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên
Theo như giải thích của người soạn thảo ra Thông tư trong bữa em đi dự tập huấn, thì việc lấy số Thông tư và ngày ban hành thông tư đều có ý nghĩa chứ không phải chỉ là số thứ tự và ngày ký ban hành đơn thuần: Thông tư số 200 (số đẹp và dễ nhớ) và ngày 22/12 (ngày QDND Việt Nam) thể hiện tinh thần mạnh mẽ, quyết tâm trong việc tiệm cận với quy định của thế giới. Cho nên, em nghĩ đây là lỗi đánh máy thiệt chứ không phải lỗi đánh máy trong dấu ngoặc kép đâu :)
Quy trình ban hành chế độ kế toán như BTC đang làm thì làm sao tránh được các sai sót, kể cả chuyên môn lẫn đánh máy.

Thông thường quá trình ban hành một quy định mới của IASB hay FASB gồm rất nhiều bước rất kỹ lưỡng.

Mỗi điểm mới khi Ban soạn thảo chọn phương án nào trong số nhiều phương án tranh cãi thì đều có giải thích rất rõ ràng trong Cơ sở cho kết luận (Basic for Conclusions). Đọc các văn bản pháp quy về kế toán của Việt Nam thì chỉ có nước ngồi mà phán mò ra cái cơ sở cho kết luận của BTC thôi.
 
  • Like
Reactions: nguoilysu
nguoilysu

nguoilysu

Amư Minh Khuê
Sẵn nói về BC LC
... nhiều phương án tranh cãi thì đều có giải thích rất rõ ràng trong Cơ sở cho kết luận (Basic for Conclusions). Đọc các văn bản pháp quy về kế toán của Việt Nam thì chỉ có nước ngồi mà phán mò ra cái cơ sở cho kết luận của BTC thôi.

Cái này cũng khó cho thực tế tại Việt Nam, không lẽ ghi nhằm mục đích không làm cho số liệu tài chính của các DN nhà nước quá xấu hoặc có bất lợi cho các DN sân sau nên Ban soạn thảo quyết định chọn phương án ... ? :)
 
  • Like
Reactions: Hien
Hien

Hien

WKTER
Thành viên BQT
18/2/05
4,303
1,509
113
Hà Nội - Thái Nguyên
Sẵn nói về BC LC


Cái này cũng khó cho thực tế tại Việt Nam, không lẽ ghi nhằm mục đích không làm cho số liệu tài chính của các DN nhà nước quá xấu hoặc có bất lợi cho các DN sân sau nên Ban soạn thảo quyết định chọn phương án ... ? :)
Chỉ cần Cơ sở cho kết luận cho các điểm mới thôi. Các cái cũ thì ai cũng biết (hoặc tự phải biết :) ) tại sao như vậy rồi.

Mấy vụ thay đổi trong TT 200 và 202 do không giải thích rõ gây một số tranh cãi trong thực hành kế toán.
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA