Tại sao nên bỏ quy định về khấu trừ khống thuế

  • Thread starter HyperVN
  • Ngày gửi
H

HyperVN

<b>Phu hót rác</b>
17/3/03
1,833
16
0
47
Hải Phòng
www.webketoan.vn
Khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo tỷ lệ khống là một trong những quy định của Luật thuế GTGT nhằm giúp đỡ các cơ sở kinh doanh trong thời gian đầu mới thực hiện Luật thuế GTGT và khuyến khích các doanh nghiệp mua hàng hóa dịch vụ của nông dân, những người trực tiếp sản xuất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, quy định trên đã bị các doanh nghiệp lợi dụng để lập hồ sơ khống nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Ngân sách Nhà nước thông qua cơ chế hoàn thuế GTGT. Vấn đề loại bỏ quy định này ra khỏi Luật thuế GTGT trên thực tế đã được rất nhiều bài viết đề cập đến và đã được UBKT và NSQH đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi trong kỳ họp đang diễn ra tại Hà Nội. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn góp thêm tiếng nói, để một lần nữa khẳng định: việc khấu trừ khống thuế GTGT mặc dù nhằm những mục tiêu tốt đẹp nhưng lại không dựa trên những điều kiện cơ bản của việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo lý thuyết thuế GTGT.

Trước hết, ta đã biết rằng việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào xuất phát từ cách xác định thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (thuế GTGT phải nộp = thuế GTGT đầu ra - thuế GTGT đầu vào được khấu trừ). Khi nào phải tính thuế GTGT đầu ra, hàng hóa dịch vụ nào chịu thuế GTGT ... đã được quy định một cách cụ thể và khá rõ ràng trong Luật. Vấn đề là: toàn bộ thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào có được khấu trừ không và nếu không thì xác định thuế GTGT được khấu trừ như thế nào? Các quốc gia trên thế giới có áp dụng thuế GTGT, đều tuân thủ việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi hàng hóa mua vào thỏa mãn các điều kiện sau đây:

Điều kiện thứ nhất: hàng hóa mua vào phải là hàng hóa chịu thuế GTGT (tức là người mua đã trả thuế GTGT) và có hóa đơn GTGT. Trong trường hợp cụ thể, ví dụ: Ông X mua một chiếc máy tính về sử dụng, sau khi dùng một thời gian, ông ta lại bán cho công ty N để mua một chiếc máy mới. Chiếc máy tính do cá nhân ông X bán ra không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT (không thuộc phạm vi điều chỉnh của thuế GTGT) hay nói cách khác, công ty N khi mua chiếc máy tính đó cũng không phải trả thuế GTGT. Như vậy, công ty N sẽ không được tính và khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với chiếc máy tính này.

Điều kiện thứ hai: chỉ khấu trừ thuế GTGT đầu vào cho những hàng hóa mua sắm được sử dụng cho hoạt động kinh doanh, thuế GTGT đầu vào của những hàng hóa dịch vụ được sử dụng cho mục đích cá nhân thì không được khấu trừ. Cụ thể, nếu chủ DNTN A mua một đĩa mềm chương trình kế toán về phục vụ cho công việc kế toán của công ty thì thuế GTGT của hàng hóa này sẽ được khấu trừ, tuy nhiên, nếu ông ta mua về để tặng bạn thì lại được coi như sử dụng cho mục đích cá nhân và thuế GTGT đầu vào trong trường hợp này nếu khấu trừ sẽ được coi là không hợp lý.

Điều kiện thứ ba: chỉ có những khoản thuế GTGT đầu vào của những hàng hóa mua sắm được sử dụng để hình thành nên các hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT mới được phép khấu trừ. Nếu những hàng hóa này được sử dụng để hình thành nên hàng hóa dịch vụ không chịu thuế hoặc miễn thuế thì thuế GTGT đầu vào của chúng ta sẽ không được khấu trừ.

Như vậy, các điều kiện đặt ra là hết sức chặt chẽ, khá rõ ràng và có thể vận dụng trong mọi trường hợp. Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là số thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ thỏa mãn cả ba điều kiện nêu trên, nếu một trong các điều kiện trên bị vi phạm thì việc khấu trừ thuế GTGT là không đúng với bản chất kinh tế của thuế GTGT. Xem xét các trường hợp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo tỷ lệ khống trong Luật thuế GTGT ở Việt Nam, chúng ta thấy nổi lên một số vấn đề. Trước hết, ta có thể thấy rằng, quy định về việc khấu trừ khống thuế GTGT đã được quy định trong điểm d, khoản 1 điều 10 (Luật thuế GTGT do Quốc hội thông qua vào ngày 10/5/1997). Mức khấu trừ khống được quy định từ 1-5%. Tuy nhiên, Thông tư số 89/1998/TT-BTC ban hành ngày 27/6/1998 cho phép khấu trừ thuế GTGT theo tỷ lệ % tính trên giá trị hàng hóa mua vào với hai mức 5% và 3%. Đến Nghị định số 79/2000/NĐ-Chính phủ ban hành ngày 29/12/2000, tỷ lệ khấu trừ khống được giảm xuống còn ở hai mức 2% và 3% tùy theo từng trường hợp cụ thể. Sau hàng loạt vụ việc lập bảng kê khống trong hồ sơ hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đọat tiền của NSNN - Nghị định số 76/2002/NĐ-CP ra đời và quy định tỷ lệ khấu trừ khống chỉ còn là 1% cho tất cả các trường hợp và mới đây, Nghị định số 95/2002/NĐ-CP đã thu hẹp đối tượng được khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào. Các trường hợp cụ thể bao gồm: Nhóm 1, hàng hóa dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mua của cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT có hóa đơn bán hàng theo mẫu quy định.

Nhóm 2, hàng hóa là nông sản, lâm sản, thủy sản chưa qua chế biến mua của cơ sở sản xuất không chịu thuế GTGT ở khâu sản xuất sử dụng hóa đơn GTGT theo quy định. Nhóm 3, hàng hóa chịu thuế TTĐB cơ sở kinh doanh thương mại mua của cơ sở sản xuất (hoặc của đại lý bán đúng giá của cơ sở sản xuất) để bán ra có hóa đơn bán hàng. Nhóm 4, tiền bồi thường kinh doanh bảo hiểm của nghiệp vụ bảo hiểm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT (tính trên giá trị bồi thường bảo hiểm) thuộc trách nhiệm bồi thường của cơ sở kinh doanh bảo hiểm. Nhóm 5, hàng hóa mua vào (có bảng kê) là nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến, đất, cát, đá, sỏi, các phế liệu do cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại, xuất khẩu). Trường hợp nếu cơ sở sản xuất dùng các sản phẩm nông lâm thủy sản chưa qua chế biến không chịu thuế GTGT để tiếp tục sản xuất, chế biến ra các hàng hóa khác chịu thuế GTGT thì cũng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định trên giá thành sản xuất của mặt hàng đó.

Đối chiếu giữa các trường hợp được khấu trừ với các điều kiện đã nêu, chúng ta thấy rằng: Hàng hóa ở nhóm 2 và nhóm 5 thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (người bán không phải nộp thuế GTGT cho lượng hàng hóa bán ra) - hay nói cách khác những hàng hóa này khi mua vào không có thuế GTGT. (Theo lý thuyết, toàn bộ giá trị của những hàng hóa này cho đến lúc bán được coi là giá trị tăng thêm của chúng và chưa chịu bất kỳ khoản thuế GTGT nào). Như vậy, nếu giả định cả điều kiện 2 và 3 đều đã thỏa mãn thì thuế GTGT đầu vào trong trường hợp này cũng không được khấu trừ vì đối tượng này không đáp ứng được điều kiện 1.

Đối với nhóm 1, về thực chất, giá mua của những hàng hóa từ các cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp chính là giá thanh toán - giá đã có thuế GTGT. Như vậy, nếu điều kiện 2 và 3 thỏa mãn thì việc khấu trừ thuế GTGT cho nhóm hàng hóa dịch vụ này là khá hợp lý. Tuy nhiên, tỷ lệ khấu trừ 1% là chưa chính xác. Ta có thể thấy rõ vấn đề này qua ví dụ cụ thể sau: giả sử cơ sở A nộp thuế theo phương pháp trực tiếp với mức thuế suất là 10%. Cơ sở này mua vào mặt hàng M với giá 1.000 và bán ra với giá 1.200, số thuế GTGT cơ sở phải nộp là: (1.200 - 1.000)x10% = 20. Doanh nghiệp B mua mặt hàng trên của cơ sở A với mức giá 1200 và khi kê khai thuế doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào với tỷ lệ 1% trên giá mua. Số thuế GTGT được khấu trừ sẽ là: 1200x1% = 12. Như vậy, tỷ lệ khấu trừ 1% chỉ là một giải pháp tình thế, chưa thể hiện đúng số thuế GTGT mà doanh nghiệp B đã phải chịu.

Đối với nhóm 3, theo quy định hiện hành của Luật thuế GTGT ở Việt Nam - hàng hóa chịu thuế TTĐB thì không phải chịu thuế GTGT. Như vậy, giá mua vào của những hàng hóa dịch vụ chịu thuế TTĐB là giá chưa có thuế GTGT. Nếu dựa trên những điều kiện đã đưa ra thì việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo tỷ lệ 1% cho nhóm đối tượng là cũng không có cơ sở. Tuy nhiên, quy định này chưa thật phù hợp với thông lệ quốc tế vì giá mua vào của những hàng hóa dịch vụ chịu thuế TTĐB đã bao gồm cả số thuế GTGT đã nộp đối với các đầu vào được sử dụng để hình thành nên những hàng hóa này. Vì vậy, việc sử đổi đối tượng chịu thuế GTGT là việc làm cần thiết để vừa phù hợp với các thông lệ quốc tế, vừa tránh thiệt thòi cho các doanh nghiệp.

Trường hợp cuối cùng, tiền bồi thường kinh doanh bảo hiểm: Đối tượng nhận tiền bồi thường kinh doanh bảo hiểm có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp. (Ví dụ tiền bồi thường bảo hiểm phương tiện vận tải, xe cơ giới...). Tiền bồi thường bảo hiểm có thể được chi trả trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân nhận bồi thường hoặc chi trả cho những hóa đơn GTGT mua hàng hóa dịch vụ của tổ chức nhận bồi thường. Nếu tổ chức, cá nhân nhận tiền trực tiếp thì số tiền nhận được này cũng không phải nộp thuế GTGT vì nó không thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế GTGT. Như vậy, số tiền bảo hiểm này cũng chưa có thuế GTGT đầu vào. Mặt khác, nếu người nhận tiền bảo hiểm có hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ thì số thuế GTGT đã được xác định trên hóa đơn, việc khấu trừ theo tỷ lệ 1% là chưa chính xác.

Tóm lại, mục tiêu của những chính sách này là rất tốt đẹp, chỉ có điều, nó đã bị các đơn vị lợi dụng để làm lợi cho cá nhân mà quên đi lợi ích của cả nền kinh tế./.

Bộ tài chính.
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
E

emxinhtuoi

Guest
9/6/04
1
0
0
Cu thay doi lien tuc, den la met!
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA