Quay trở lại với câu hỏi của chủ topic: Mục đích, sản phẩm của kế toán tài chính là gì?
Trước tiên phải định nghĩa xem kế toán tài chính là gì. Theo sách giáo khoa thì có nhiều định nghĩa khác nhau. Kế toán tài chính thường được hiểu là kế toán nhằm mục đích báo cáo thông tin cho các đối tượng bên ngoài.
Theo chuẩn mực kế toán thì báo cáo tài chính không hướng đến phục vụ cho nhà quản trị. Theo Dự thảo Chuẩn mực chung (tinh thần chuẩn mực chung hiện tại):
Mục đích, lợi ích và giới hạn của các Báo cáo tài chính
1.2 Mục đích của Báo cáo tài chính là cung cấp các thông tin tài chính về đơn vị báo cáo giúp
cho các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng,
các chủ nợ có cơ sở để quyết định việc cung cấp các nguồn lực cho đơn vị (như: Mua, bán hoặc nắm giữ vốn chủ sở hữu, các công cụ nợ, và cung cấp hoặc thanh toán các khoản vay, các khoản tín dụng khác)
... 1.9
Ban lãnh đạo đơn vị báo cáo cũng quan tâm đến thông tin tài chính của đơn vị,
nhưng không nhất thiết phải dựa vào Báo cáo tài chính mà có thể thu thập được thông tin tài chính trong nội bộ đơn vị.
Sản phẩm của kế toán tài chính là các Báo cáo tài chính (VAS 1): (1) Bảng cân đối kế toán (TT 133 đổi tên theo IFRS là Báo cáo tình trạng tài chính); (2) Báo cáo kết quả kinh doanh (Các công ty chứng khoán gọi là Báo cáo thu nhập tổng hợp toàn diện - Gồm cả báo cáo lãi lỗ và báo cáo thu nhập toàn diện khác - OCI, OCI chỉ phát sinh khi áp dụng mô hình giá trị hợp lý); (3) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; (4) Thuyết minh báo cáo tài chính.
Các DN nhỏ và vừa áp dụng TT 133 (QĐ 48) không bắt buộc phải lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Theo IFRS thì ngoài 4 báo cáo trên còn có thêm Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu (Tại Việt Nam thì báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu nằm trong Thuyết minh).
Đó là Chuẩn mực kế toán. Còn trong thực tế như thế nào?
Ở các quốc gia phát triển thì nhiều công ty (tất nhiên không đến 90%) vẫn dựa vào hệ thống thông tin kế toán tài chính để ra các quyết định quản trị và điều này bị phê phán là không thích hợp, không đảm bảo tính kịp thời (và phù hợp trong các quyết định quản trị).
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thừa nhận chính thức nhưng đa số các công ty thường có 2 sổ: Sổ sách kế toán thuế (kế toán tài chính) và sổ sách kế toán nội bộ. Thông thường các nhà quản lý công ty này dựa vào thông tin kế toán nội bộ để ra các quyết định quản trị, và sổ kế toán thuế chỉ là công cụ để lách thuế của doanh nghiệp. Như vậy quan điểm của các
DN nhỏ và vừa thì mục đích chủ yếu của kế toán tài chính là
cung cấp thông tin cho việc tính thuế, và
sản phẩm của nó là các báo cáo tài chính.
Đối với các DN có lợi ích công chúng tại Việt Nam thì đối tượng sử dụng báo cáo tài chính rộng rãi hơn, không chỉ giới hạn ở việc tính thuế. Kế toán tại các công ty này có trình độ nhất định nhưng đa số các công ty này chưa thiết kế được hệ thống kế toán quản trị để cung cấp thông tin thích hợp cho nhà quản lý trong việc hoạch định và kiểm soát. Mặc dù báo cáo tài chính của các DN này bắt buộc phải kiểm toán nhưng chất lượng báo cáo tài chính của các DN Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề, và không ít các công ty vẫn còn tình trạng 2 sổ.
Tại các nước phát triển thì các công ty lớn họ thiết kế hệ thống thông tin kế toán để phục vụ mục tiêu quản trị tốt thì thông tin trên báo cáo tài chính cung cấp ra bên ngoài không có giá trị nhiều cho quản trị, và thậm chí ngay khi sử dụng các thông tin tài chính thì các báo cáo tài chính cần phải được điều chỉnh để phục vụ mục tiêu quản trị vì
hệ thống báo cáo tài chính có rất nhiều các hạn chế (có thể tham khảo ở đây:
https://www.boundless.com/finance/t...33/limitations-of-the-balance-sheet-189-3875/ và ở đây
https://www.boundless.com/finance/t...limitations-of-the-income-statement-180-3904/ )
Các thông tin kế toán để phục vụ quản trị ngoài thông tin tài chính thì cần rất nhiều các thông tin phi tài chính (sử dụng BSC).
Tóm lại: Theo chuẩn mực kế toán thì mục đích của báo cáo tài chính là để cung cấp thông tin hữu ích cho các đối tượng cung cấp nguồn lực cho công ty trong việc ra quyết định, sản phẩm của nó là các báo cáo tài chính (không chỉ bằng số mà còn cả bằng chữ).
Trong thực tế tại Việt Nam: mặc dù chưa có các nghiên cứu chính thức nhưng đa số các DN nhỏ coi kế toán tài chính là công cụ để tính thuế, và báo cáo tính thuế này không phản ánh đúng thực chất hoạt động của công ty. Các công ty có lợi ích công chúng thì đối tượng sử dụng rộng rãi hơn: nhà đầu tư, người cho vay, cơ quan thuế. Các công ty này đã thực hiện hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán nhưng chất lượng thông tin báo cáo chưa thật sự cao, vẫn còn rất nhiều các gian lận trong các báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Nhiều công ty vẫn dựa vào các thông tin kế toán tài chính để phục vụ các quyết định quản trị mà chưa thiết kế được một hệ thống kế toán quản trị thực sự phù hợp.
Quan điểm của các nhà lập quy chính sách kế toán: Các nhà lập quy cho rằng chế độ kế toán Việt Nam (TT 200, 133) không phục vụ tính thuế (Điều 2 TT 200, Điều 1 TT133), hệ thống được thiết kế phục vụ nhiều hơn cho mục đích quản lý (khi các nhà xây dựng chính sách đi giảng, thuyết trình về TT 133). Các quan điểm này có đúng không?
Theo Khuôn khổ lập báo cáo tài chính thì đúng là Báo cáo tài chính vì mục đích chung không hướng đến cho mục đích tính thuế nhưng báo cáo tài chính là cơ sở để thực hiện các điều chỉnh, xác lập nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp. Hơn nữa nhiều quy định trong chế độ kế toán Việt Nam hiện hành gắn với việc đơn giản cho tính thuế hơn là bám sát theo Khuôn khổ (ví dụ về hạch toán trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ,...). Các báo cáo tài chính vì mục đích chung không hướng đến phục vụ mục đích quản trị. Khi thiết kế hệ thống kế toán trong các DN nhỏ, các DN có thể thiết kế sao cho vừa đáp ứng nhu cầu quản trị, vừa đảm bảo cung cấp thông tin trên báo cáo tài chính phù hợp và trình bày trung thực (relevance & faithfull representation), chứ kế toán tài chính theo pháp quy không phải để phục vụ cho nhà quản lý như trong một số tài liệu giới thiệu TT 133!