Thấu hiểu quỹ đầu tư mạo hiểm Venture Capital VC 1

  • Thread starter Webketoan Hub
  • Ngày gửi
Được nhen nhóm ý tưởng vào thập niên 50 ở vùng đất hoang dã California nuôi dưỡng sự liều lĩnh và giấc mơ Mỹ, ngành đầu tư mạo hiểm là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển thần tốc không chỉ của kinh doanh hiện đại mà còn của công nghệ và đổi mới sáng tạo trên khắp thế giới. Những công ty công nghệ ngày nay hướng tới các quỹ đầu tư mạo hiểm để chia sẻ ý tưởng, tìm kiếm sự kết nối, hỗ trợ tài chính và góc nhìn chiến lược.

Việc thấu hiểu nguồn gốc lịch sử, động lực đầu tư, mong muốn lợi nhuận và hoạt động thường nhật của các công ty quản lý Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital VC) là yếu tố then chốt giúp (1) các nhà sáng lập có chiến lược gọi vốn phù hợp, (2) các nhà đầu tư truyền thống có thêm cách tiếp cận đầu tư mới và (3) nhà hoạt định chính sách có cách thức thu hút đầu tư hiệu quả trong bối cảnh công nghệ đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế. Loạt bài THẤU HIỂU QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM nhằm mục đích đưa ra những góc nhìn chính thống về ngành đầu tư mạo hiểm và phân tích các yếu tố liên quan, phục vụ cho 3 nhóm đối tượng nêu trên.

Ở mỗi nơi trên thế giới, tuỳ theo độ phát triển của nền kinh tế, chất lượng doanh nghiệp và chính sách của nhà nước, các VC sẽ vận hành theo một số cách khác nhau và phục vụ các đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, một quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ (1) huy động vốn từ các tổ chức khác để (2) đầu tư vào vốn chủ sở hữu của (3) các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hoặc Startups có tốc độ tăng trưởng cao.

Phần 1: Nguồn vốn của VC

Những công ty quản lý VC (venture investment firm) không dùng toàn bộ tiền của chính họ để đầu tư mà họ là những nhà quản lý nguồn vốn chuyên nghiệp, sử dụng nguồn vốn của nhiều tổ chức khác nhằm đầu tư sinh lời.

Các đối tác đầu tư vào VC thường là các tổ chức như:

Quỹ lương hưu (Pension Fund): Thông thường là quỹ của nhà nước và quản lý nguồn lương hưu của người lao động. Các quỹ này là đối tác quen thuộc của các VC, đặc biệt là khu vực Âu Châu do khả năng thống nhất trong một số mục tiêu công nghệ và phát triển bền vững. Không có nhiều VC Đông Nam Á tiếp cận được nguồn quỹ này. AP4 và AP6 của chính phủ Thuỵ Điển là một trong số những quỹ điều phối tỷ lệ vốn vào các VC nhiều nhất hiện nay với khoảng 11% đến 15% tổng lượng tài sản được quản lý (Asset Under Management AUM).

quy-dau-tu-mao-hiem-ventured-capital-2


Theo quan điểm chúng tôi, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư hiệu quả, các nước trong khu vực cần mở rộng khả năng hợp tác giữa các quỹ lương hưu với các VC. Điều này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đào tạo nhân lực liên quan và thể chế hoá để tăng hiệu quả quản lý nguồn vốn này.

Quỹ hiến tặng của các đại học (University Endowment UE): Các quỹ hiến tặng của Đại học góp phần phát triển những nghiên cứu khoa học nền tảng. Các quỹ này cùng với nguồn tri thức dồi dào từ đại học là cơ sở để tăng thêm khả năng kết nối và giải quyết vấn đề của các công ty trong danh mục đầu tư của VC. Trong năm 2019, nguồn vốn đầu tư vào các VC của UE được đánh giá là có hiệu quả cao nhất, mang lại lợi nhuận trung bình 13.4%/năm, theo The National Association of College and University Business Officers - 2019 NACUBO-TIAA Study of Endowments.

Các đaị học trong khu vực đa số tập trung dòng tiền vào tối ưu cơ sở hạ tầng và các hoạt động nghiên cứu, chúng ta chưa có đủ dòng vốn lâu đời và bền vững như các nền kinh tế phương Tây để có thể tăng tỷ lệ đóng góp vào UE để từ đó điều hướng vào các VC. Trường hợp thành công nhất của dạng quỹ này là National University of Singapore Endowment đầu tư theo phong cách của Đại học Yale: dài hạn, đa dạng tài sản, đa dạng nguồn ngoại tệ và đối tượng đầu tư toàn cầu. Quỹ này cũng chỉ dành 20% cho các dạng đầu tư vốn chủ sở hữu, một phần rất nhỏ trong đó là VC.

Ngân hàng: Là nhóm nhạy cảm với rủi ro, ngân hàng duy trì một lượng rất nhỏ vốn của họ đầu tư vào các quỹ VC trong suốt lịch sử của ngành này. Hiện nay, một số ngân hàng như Goldman Sachs đầu tư trực tiếp vào các Startups như trường hợp gần đây là dẫn dắt Series C 81 triệu USD vào startup fintech Amount trụ sở tại Chicago, IL. Các ngân hàng quan tâm đến các Startup FinTech vì khả năng hợp tác chiến lược hơn là lợi nhuận trực tiếp. Nhóm ngân hàng đầu tư đóng góp nổi bật vào ngành VC trong các hoạt động niêm yết IPO hơn là một nhà đầu tư.

Các ngân hàng Châu Á đặc biệt chưa áp dụng nhiều sự tương tác với các VC vào hoạt động của mình. Lý do chủ yếu là khả năng chấp nhận rủi ro của cả các chuyên viên ngân hàng được đào tạo bài bản lẫn nhà hoạch định chính sách tài chính đều không cao. Thị trường này cũng đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng tài chính có ảnh hưởng lâu dài khiến cho hành vi đầu tư của số đông vẫn hướng vào những lựa chọn truyền thống và ít rủi ro. Hơn nữa, số lượng và chất lượng các startups ở khu vực chưa cao bằng phương Tây.

Cá nhân có tài sản lớn (High Net Worth Individuals HNWI) và Family Offices: Các quỹ VC Âu Châu thường sử dụng nguồn vốn từ các tỷ phú dầu mỏ Trung Đông do mối quan hệ lịch sử và sự thiếu thốn nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp tại khu vực này. Tuy nhiên, việc quản lý mối quan hệ với nhiều nhà đầu tư dạng này sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực của VC. Các VC lớn có xu hướng huy động vốn từ một số ít nhà đầu tư lớn hơn là nhiều HNWI. Các VC nhỏ thường sẽ huy động vốn HNWI cho tới khi họ có đủ uy tín và kinh nghiệm để huy động từ các đối tác lớn hơn. Một số nhân vật nổi tiếng như Jared Leto, vai Joker trong Suicide Squad, ca sĩ chính của band 30 Seconds to Mars, sở hữu danh mục đầu tư ấn tượng bao gồm Uber, Airbnb, Spotify, Nest, Reddit, Slack, Snapchat.

HNWI tại khu vực châu Á khá nhiều và lượng tiền họ có đủ để tạo động lực rất tốt cho các VC và startups. Tuy nhiên, đa số các HNWI có nhu cầu đầu tư sang các khu vực Âu Mỹ để hưởng lợi từ các chính sách nhập cư cũng như tin tưởng hơn vào các nhà quản lý quỹ phương Tây. Bản thân các HNWI trong khu vực gặt hái được lượng vốn như hiện tại từ các ngành truyền thống, khiến cho khoảng cách niềm tin giữa họ và các quỹ mạo hiểm vào công nghệ cách khá xa nhau.
Các tổ chức/cá nhân này khi góp vốn vào VC sẽ được gọi là Limited Partner (LP).

Một số VC được hình thành bởi các nhà sáng lập từng thoái vốn (exit) thành công khỏi các công ty startups sẽ có khuynh hướng sử dụng dòng tiền của chính mình để khởi tạo nguồn vốn ban đầu cho VC đó. Ví dụ như VC Andreessen Horowitz được thành lập năm 2009 với AUM ban đầu là 300 triệu USD từ Marc Andreessen sau khi thoái vốn khỏi Netscape.

Một nguyên tắc quan trọng để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư là đa dạng hoá danh mục đầu tư. Nguyên tắc này được phát biểu như kiểu “không bao giờ bỏ trứng trong cùng một rổ”.

Các tổ chức nêu trên có nguồn tiền lớn cần phải quản lý. Ngoài việc đầu tư vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu truyền thống, họ có nhu cầu đưa một phần nhỏ của lượng tiền mình huy động được vào các tài sản thay thế (alternative assets) có rủi ro cao với kỳ vọng lợi nhuận cao như các quỹ Phòng hộ (Hedge Fund) hoặc các quỹ đầu tư Vốn chủ sở hữu phi đại chúng (Private Equity), mà VC là một trong số đó.

Thông thường, phần vốn được uỷ quyền hoặc góp vào các VC sẽ chiếm khoảng 2-5% tổng AUM. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang ngày càng tăng bởi sự quan tâm vào tác động của công nghệ đến sự phát triển quốc gia và những trường hợp thoái vốn thành công của các VC. Quỹ lương hưu AP6 của Thuỵ Điển hiện đang duy trì tỷ lệ 11% trong 2 tỷ USD AUM để đầu tư vào các VC. Một trường hợp thành công của quỹ này là nền tảng âm nhạc và truyền thông Spotify thông qua VC Northzone.

Ngoài ra, các quỹ lương hưu có vòng đời dài, rất phù hợp với vòng đời của các VC, đa số là 10 năm.

VC ĐƯỢC GÌ KHI QUẢN LÝ NGUỒN TIỀN TỪ CÁC TỔ CHỨC NÀY?

quy-dau-tu-mao-hiem-ventured-capital


VC thường thu phí với nguyên tắc “2 and 20”. 2% phí quản lý (Management Fee) hàng năm trên tổng AUM và 20% phí hiệu suất (Performance Fee hoặc Carried Interest) dựa trên tổng tăng trưởng của quỹ VC. Tuỳ thị trường và chiến lược của các VC mà số phí này có thể thay đổi. So với một số nguồn vốn khác, đặc biệt là vốn vay, VC được cho là nguồn vốn đắt đỏ. Tuy nhiên, các LP luôn nắm được rằng ngành này đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tập trung cao độ, thực chiến cùng các công ty trong danh mục đầu tư và một hệ thống những kiến thức, kỹ năng đặc thù. Đó là lý do các LP vẫn tin tưởng và ngày càng có nhiều VC ra đời.

Để đảm bảo quyền lợi của các LPs, VC phải chịu những ràng buộc pháp luật liên quan đến nghĩa vụ của người được uỷ thác (Fiduciary Duty). Trong trường hợp này, VC được uỷ thác quản lý nguồn quỹ do các LPs sở hữu hoặc huy động được theo một số mục đích và phạm vi được thống nhất giữa các bên. Ràng buộc pháp lý này khiến VC phải thực hiện nghĩa vụ chuyên môn của mình một cách tốt nhất có thể, phục vụ cho lợi ích của các LP. Trong trường hợp ngược lại, các LP có thể kiện VC ra toà và các cá nhân gây sai phạm sẽ phải bồi thường tuỳ theo thiệt hại. Tuy nhiên, các vụ kiện được công bố khá ít và các bên liên quan thường chọn cách thương lượng để giải quyết vấn đề. Cái giá phải trả lớn nhất của VC là không thể kêu gọi thêm các nguồn vốn mới nếu như thể hiện khả năng quản lý quỹ và tạo lợi nhuận kém.

Trong phần 2, chúng tôi sẽ phân tích đặc tính chỉ lựa chọn đầu tư vào vốn chủ sở hữu của các VC những kỳ vọng của họ trong quá trình đầu tư.

Xem thêm : Dịch vụ Kế Toán trưởng cho doanh nghiệp chỉ với 3 triệu đồng

Nguồn: Vietnam Venture Capital Community
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA