THẤU HIỂU QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM PHẦN 2

  • Thread starter Webketoan Hub
  • Ngày gửi
Trong suốt chiều dài lịch sử của ngành tài chính, đồng tiền luôn đứng trước áp lực mất giá do lạm phát và phải tạo ra thặng dư từ chính giá trị của nó thông qua hoạt động tài chính. Nhằm sinh lời của nguồn vốn mà bạn quản lý, bạn có nhiều lựa chọn như cho vay lấy lãi, đầu tư vào các quỹ khác, mua cổ phiếu, mua trái phiếu chính phủ, mua dầu hoặc các kim loại hiếm,… Tuy nhiên, nếu bạn đang quản lý một quỹ mạo hiểm, bạn sẽ chủ yếu đầu tư vào vốn chủ sở hữu của một công ty khởi nghiệp.

Phần 2: Đầu tư vào vốn chủ sở hữu doanh nghiệp
Khi một VC đầu tư vào một doanh nghiệp, đa số là các khởi nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hoặc sở hữu công nghệ hứa hẹn sự vượt trội trong tương lai, VC sẽ mua phần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đó. Đó cũng là lý do vì sao các khởi nghiệp có định hướng huy động nguồn vốn từ các VC nên thành lập doanh nghiệp cổ phần để có thể chuyển giao phần vốn chủ sở hữu dễ dàng hơn.

Việc VC mua phần vốn chủ sở hữu trong một doanh nghiệp tương tự như việc mua cổ phiếu của một doanh nghiệp niêm yết, ngoại trừ việc sẽ có một số khác biệt sau:

Tính mở của thông tin: VC đa số đầu tư vào các công ty tư nhân (Private). Do đó, giá cổ phiếu và khối lượng đầu tư cho các khoản đầu tư này không bắt buộc phải được công bố cho công chúng như trường hợp mua cổ phần các công ty trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, một số thương vụ đầu tư của VC hiện nay được công bố kiểu như: “Công ty A được đầu tư 700,000 USD từ Quỹ X với định giá 7 con số”. Hoạt động này có mục đích truyền thông hơn là minh bạch thông tin đầu tư.

nha-dau-tu-mao-hiem


Tính thanh khoản: Không như cổ phiếu trên sàn chứng khoán, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân không có tính thanh khoản cao. Điều này có nghĩa là VC không thể dễ dàng bán đi phần vốn này để lấy tiền mặt hoặc các tài sản dễ thanh khoản hơn. Ngược lại, khi mua một cổ phiếu trên sàn HOSE chẳng hạn, bạn sẽ có thể thanh khoản nhanh hơn nhờ bán đi cổ phiếu đó hầu như bất cứ lúc nào ngay trên sàn với một mức giá được công bố.

Muốn thanh khoản phần đầu tư này, các VC sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian, thông thường là 3 đến 7 năm, và giá cả phải được thương lượng. Đa số các startups còn khó thanh khoản hơn bất động sản. Các VC, dựa trên kiến thức chuyên môn, kỹ năng giải quyết vấn đề và độ nhạy cảm thị trường cũng như một ít may mắn, sẽ có thanh khoản từ khoản đầu tư này thông qua việc bán cổ phần của họ cho các quỹ đầu tư khác, các công ty khác hoặc trong một số trường hợp hiếm hơn là bán ra công chúng nhờ IPO (initial public offering).

Vai trò chủ động: Khác với đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư chọn startups làm đối tượng đầu tư sẽ phải có vai trò chủ động hơn. Thông thường, họ sẽ phải sử dụng kiến thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ của mình để giúp startups thành công. Một VC thường sẽ đầu tư tương ứng 20-40% cổ phần một công ty khởi nghiệp để đảm bảo việc họ có ghế trong hội đồng quản trị và có tiếng nói trong các quyết định mang tính chiến lược.

Tạo ra cổ phần ưu đãi mới: Trong trường hợp mua bán cổ phiếu trên sàn, không có cổ phiếu mới được tạo ra. Ngược lại, khi một VC đầu tư vào một startup, một lượng cổ phiếu ưu đãi mới sẽ được tạo ra đổi lấy số tiền mặt mà VC chuyển vào tài khoản ngân hàng của startup thông qua nghiệp vụ góp vốn cổ đông. Lượng cổ phiếu tăng lên khiến cho quyền sở hữu doanh nghiệp của các nhà sáng lập (founders) và các nhà đầu tư trước đó bị pha loãng (dilute).

Ngoài ra, các cổ phiếu tạo mới này thường là cổ phiếu ưu đãi (preferred shares). Có nghĩa là cổ phiếu mà VC sẽ được ưu đãi hơn các cổ phiếu thường (common shares) ở một số điểm như: ưu tiên thoái vốn, ưu đãi biểu quyết, ưu tiên không bị pha loãng trong vòng gọi vốn sau, ưu tiên được tham gia vòng gọi vốn sau hoặc ưu đãi cổ tức. Các quyền lợi này sẽ được thảo luận bởi các bên và chúng tôi sẽ phân tích kỹ trong loạt bài tới về Term Sheet.

Ở khu vực châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á, các VC thường yêu cầu các startups thành lập công ty mới để nhận vốn đầu tư. Địa điểm công ty mới được thành lập sẽ là các quốc gia có hệ thống dịch vụ tài chính cởi mở và chuyên nghiệp, pháp lý về đầu tư chặt chẽ hoặc dễ lưu chuyển dòng tiền góp vốn. Các địa điểm thường được chọn là khu vực mà quỹ đó đặt trụ sở, Singapore, Hongkong hoặc các thiên đường thuế Virgin Islands, Cayman Islands,… Điều này đôi khi dẫn tới một số rủi ro về pháp lý khi huy động dòng tiền đến thị trường thực sự của startups. Do đó, các startups và VC cần thảo luận kỹ càng, cũng như cân đối lợi hại khi lựa chọn phương án thành lập công ty mới ở một quốc gia khác nhằm nhận vốn đầu tư.

quy-dau-tu-mao-hiem-ventured-capital

Vốn chủ sở hữu và nợ: Như đã thảo luận ở bài trước, đầu tư mạo hiểm là quá trình đòi hỏi nhiều thứ hơn là tiền với rủi ro cao, do đó, chi phí của các khoản đầu tư vào vốn chủ sở hữu rất đắt đỏ. Khi đứng trước lựa chọn vay hoặc gọi vốn 2 tỷ VND cho một startup, bạn sẽ phải cân nhắc một số thứ:

- Nếu vay, bạn sẽ ôm 1 khoản nợ cá nhân (vì một startup không có tài sản để thế chấp). Và nếu startup ấy thất bại, bạn buồn hai lần, một lần cho startup của mình và một lần nữa cho thời gian sắp tới phải cày cuốc trả nợ.

- Nếu gọi vốn, bạn sẽ (1) không phải trả nợ cho VC vì đây là đầu tư, cùng sở hữu doanh nghiệp với nhau, đồng hội đồng thuyền. Bạn (2) không dễ gì thoát khỏi VC chỉ bằng cách trả hết nợ cho họ. Nếu startup phát triển mạnh mẽ, VC sẽ hưởng lợi nhiều hơn khoản mà ngân hàng thu được từ bạn. Đây là điều hiển nhiên vì rủi ro của VC cao hơn nhiều. VC sẽ tạo (3) áp lực thoái vốn bởi vì họ sẽ chỉ có khả năng sinh lợi cao nhất từ việc thoái vốn. VC sẽ không ở lại startups để hưởng cổ tức thường niên vì số tiền đó quá nhỏ so với rủi ro họ đang chịu cũng như lợi nhuận mà các nhà đầu tư cho họ hy vọng.

Tạo mối quan hệ và thấu hiểu VC là cực kỳ quan trọng bởi vì rõ ràng là khi tranh chấp xảy ra, bạn không thể thoát khỏi VC một cách dễ dàng. Một ví dụ đình đám là vụ kiện năm 2017 của Benchmark Capital ra toà án Delaware buộc tội CEO UBER Travis Kalanick lừa đảo trục lợi cá nhân, vi phạm hợp đồng và vi phạm nghĩa vụ uỷ thác. Vụ này một năm sau được bãi bỏ theo một thoả thuận nội bộ liên quan tới hợp đồng mua lại một phần vốn lớn ở định giá 48 tỷ USD (thấp hơn 30% so với định giá gần nhất) của UBER và một nhóm nhà đầu tư khác, dẫn dắt bởi SoftBank.

Tuy nhiên, như đã nói, VC không chỉ đầu tư tiền. Họ là bệ phóng cho rất nhiều startups thành công nhờ kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ và tầm nhìn chiến lược.
Một Startup cần thấu hiểu và phân tích kỹ trước khi ra quyết định vay hay gọi vốn VC. Không bao giờ có nguồn vốn tốt nhất, chỉ có nguồn vốn nào phù hợp với doanh nghiệp nào vào một giai đoạn cụ thể mà thôi.

Trong phần 3, chúng tôi sẽ tập trung thảo luận về đối tượng được các quỹ đầu tư quan tâm nhất: Các công ty khởi nghiệp tăng trưởng nhanh.

Xem thêm : Dịch vụ Kế Toán trưởng cho doanh nghiệp chỉ với 3 triệu đồng

Nguồn: Vietnam Venture Capital Community
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA