Người mẹ điên

  • Thread starter cam_to_80
  • Ngày gửi
cam_to_80

cam_to_80

Nghỉ mất sức !
31/3/04
588
7
18
43
Hà đông
Hai mươi ba năm trước, có một người con gái trẻ lang thang qua làng tôi, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng cười cười, cũng chả ngại ngần ngồi tè trước mặt mọi người.

Vì vậy, đàn bà trong làng đi qua cô gái thường nhổ nước bọt, có bà còn chạy lên trước dậm chân, đuổi "Cút cho xa!". Thế nhưng cô gái không bỏ đi, vẫn cứ cười ngây dại quanh quẩn trong làng.

Hồi đó, cha tôi đã 35 tuổi. Cha làm việc ở bãi khai thác đá bị máy chém cụt tay trái, nhà lại quá nghèo, mãi không cưới được vợ.

Bà nội thấy con điên có sắc vóc, thì động lòng, quyết định mang cô ta về nhà cho cha tôi, làm vợ, chờ bao giờ cô ta đẻ cho nhà tôi "đứa nối dõi" sẽ đuổi đi liền.

Cha tôi dù trong lòng bất nhẫn, nhưng nhìn cảnh nhà, cắn răng đành chấp nhận. Thế là kết quả, cha tôi không phải mất đồng xu nào, nghiễm nhiên thành chú rể.

Khi mẹ sinh tôi, bà nội ẵm cháu, hóp cái miệng chẳng còn mấy cái răng vui sướng nói: "Cái con mẹ điên này, mà lại sinh cho bà cái đứa chống gậy rồi!". Có điều sinh tôi ra, bà nội ẵm mất tôi, không bao giờ cho mẹ đến gần con.

Mẹ chỉ muốn ôm tôi, bao nhiêu lần đứng trước mặt bà nội dùng hết sức gào lên: "Đưa, đưa tôi..." bà nội mặc kệ. Tôi còn trứng nước như thế, như khối thịt non, biết đâu mẹ lỡ tay vứt tôi đi đâu thì sao? Dù sao, mẹ cũng chỉ là con điên.

Cứ mỗi khi mẹ khẩn cầu được bế tôi, bà nội lại trợn mắt lên chửi: "Mày đừng có hòng bế con, tao còn lâu mới đưa cho mày. Tao mà phát hiện mày bế nó, tao đánh mày chết. Có đánh chưa chết thì tao cũng sẽ đuổi mày cút!".

Bà nội nói với vẻ kiên quyết và chắc chắn. Mẹ hiểu ra, mặt mẹ sợ hãi khủng khiếp, mỗi lần chỉ dám đứng ở xa xa ngó tôi. Cho dù vú mẹ sữa căng đầy cứng, nhưng tôi không được một ngụm sữa mẹ nào, bà nội đút từng thìa từng thìa nuôi cho tôi lớn. Bà nói, trong sữa mẹ có "bệnh thần kinh", nếu lây sang tôi thì phiền lắm.

Hồi đó nhà tôi vẫn đang giãy giụa giữa vũng bùn lầy của nghèo đói. Đặc biệt là sau khi có thêm mẹ và tôi, nhà vẫn thường phải treo niêu. Bà nội quyết định đuổi mẹ, vì mẹ không những chỉ ngồi nhà ăn hại cơm nhà, còn thỉnh thoảng làm thành tiếng thị phi.

Một ngày, bà nội nấu một nồi cơm to, tự tay xúc đầy một bát cơm đưa cho mẹ, bảo: "Con dâu, nhà ta bây giờ nghèo lắm rồi, mẹ có lỗi với cô. Cô ăn hết bát cơm này đi, rồi đi tìm nhà nào giàu có hơn một tí mà ở, sau này cấm không được quay lại đây nữa, nghe chửa?".

Mẹ tôi vừa và một miếng cơm to vào mồm, nghe bà nội tôi hạ "lệnh tiễn khách" liền tỏ ra kinh ngạc, ngụm cơm đờ ra lã tã miệng. Mẹ nhìn tôi đang nằm trong lòng bà, lắp bắp kêu ai oán: "Đừng... đừng...".

Bà nội sắt mặt lại, lấy tác phong uy nghiêm của bậc gia trưởng nghiêm giọng hét: "Con dâu điên mày ngang bướng cái gì, bướng thì chả có quả tốt lành gì đâu. Mày vốn lang thang khắp nơi, tao bao dung mày hai năm rồi, mày còn đòi cái gì nữa? Ăn hết bát đấy rồi đi đi, nghe thấy chưa hả?".

Nói đoạn bà nội lôi sau cửa ra cái xẻng, đập thật mạnh xuống nền đất như Dư Thái Quân nắm gậy đầu rồng, "phầm!" một tiếng. Mẹ sợ chết giấc, khiếp nhược lén nhìn bà nội, lại chậm rãi cúi đầu nhìn xuống bát cơm trước mặt, có nước mắt rưới trên những hạt cơm trắng nhệch.

Dưới cái nhìn giám sát, mẹ chợt có một cử động kỳ quặc, mẹ chia cơm trong bát một phần lớn sang cái bát không khác, rồi nhìn bà một cách đáng thương hại.

Bà nội ngồi thẫn thờ, hoá ra, mẹ muốn nói với bà rằng, mỗi bữa mẹ sẽ chỉ ăn nửa bát, chỉ mong bà đừng đuổi mẹ đi. Bà nội trong lòng như bị ai vò cho mấy nắm, bà nội cũng là đàn bà, sự cứng rắn của bà cũng chỉ là vỏ ngoài.

Bà nội quay đầu đi, nuốt những giọt nước mắt nóng đi, rồi quay lại sắt mặt nói: "Ăn mau ăn mau, ăn xong còn đi. Ở nhà này cô cũng chết đói thôi!". Mẹ tôi dường như tuyệt vọng, đến ngay cả nửa bát cơm con cũng không ăn, thập thễnh bước ra khỏi cửa, nhưng mẹ đứng ở bậc cửa rất lâu không bước ra.

Bà nội dằn lòng đuổi: "Cô đi, cô đi, đừng có quay đầu lại. Dưới gầm trời này còn nhiều nhà người ta giàu!". Mẹ tôi quay lại, đưa một tay ra phía lòng bà, thì ra, mẹ muốn được ôm tôi một tí.

Bà nội lưỡng lự một lúc, rồi đưa tôi trong bọc tã lót cho mẹ. Lần đầu tiên mẹ được ẵm tôi vào lòng, môi nhắp nhắp cười, cười hạnh phúc rạng rỡ. Còn bà nội như gặp quân thù, hai tay đỡ sẵn dưới thân tôi, chỉ sợ mẹ lên cơn điên, quăng tôi đi như quăng rác. Mẹ ôm tôi chưa được ba phút, bà nội không đợi được giằng tôi trở lại, rồi vào nhà cài chặt then cửa.

Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới phát hiện, ngoài tôi ra, bọn trẻ chơi cùng tôi đều có mẹ. Tôi tìm cha đòi, tìm bà đòi, họ đều nói, mẹ tôi chết rồi. Nhưng bọn bạn cùng làng đều bảo tôi: "Mẹ mày là một con điên, bị bà mày đuổi đi rồi".

Tôi tìm bà nội vòi vĩnh, đòi bà phải trả mẹ lại, còn chửi bà là đồ "bà lang sói", thậm chí hất tung mọi cơm rau bà bưng cho tôi. Ngày đó, tôi làm gì biết "điên" nghĩa là cái gì đâu, tôi chỉ cảm thấy nhớ mẹ tôi vô cùng, mẹ trông như thế nào nhỉ? mẹ còn sống không?

Không ngờ, năm tôi sáu tuổi, mẹ tôi trở về sau 5 năm lang thang.

Hôm đó, mấy đứa nhóc bạn tôi chạy như bay tới báo: "Thụ, mau đi xem, mẹ mày về rồi kìa, mẹ bị điên của mày về rồi!" Tôi mừng quá đít nhổng nhổng, co giò chạy vội ra ngoài, bà nội và cha cũng chạy theo tôi.

Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ, kể từ khi biết nhớ. Người đàn bà đó vẫn áo quần rách nát, tóc tai còn những vụn cỏ khô vàng khè, có trời mới biết là do ngủ đêm trong đống cỏ nào.

Mẹ không dám bước vào cửa, nhưng mặt hướng về phía nhà tôi, ngồi trên một hòn đá cạnh ruộng lúa trước làng, trong tay còn cầm một quả bóng bay bẩn thỉu.

Khi tôi và lũ trẻ đứng trước mặt mẹ, mẹ cuống cuồng nhìn trong đám tôi tìm con trai mẹ. Cuối cùng mẹ dán chặt mắt vào tôi, nhìn tôi chòng chọc, nhếch mép bảo: "Thụ... bóng... bóng...".

Mẹ đứng lên, liên tục giơ lên quả bóng bay trong tay, dúi vào tôi với vẻ lấy lòng. Tôi thì liên tục lùi lại. Tôi thất vọng ghê gớm, không ngờ người mẹ ngày đêm tôi nhớ thương lại là cái hình người này.

Một thằng cu đứng cạnh tôi kêu to: "Thụ, bây giờ mày biết con điên là thế nào chưa? Là mẹ mày như thế này đấy!".

Tôi tức tối đáp lại nó: "Nó là mẹ mày ấy! Mẹ mày mới là con điên ấy, mẹ mày mới là thế này!" Tôi quay đầu chạy trốn. Người mẹ bị điên này tôi không thèm. Bà nội và bố thì lại đưa mẹ về nhà.

Năm đó, bà nội đuổi mẹ đi rồi, lương tâm bà bị chất vấn dày vò, bà càng ngày càng già, trái tim bà cũng không còn sắt thép được nữa, nên bà chủ động đưa mẹ về, còn tôi lại bực bội, bởi mẹ đã làm tôi mất thể diện.

Tôi không bao giờ tươi tỉnh với mẹ, chưa bao giờ chủ động nói với mẹ, càng không bao giờ gọi "Mẹ!", khi phải trao đổi với mẹ, tôi gào là chủ yếu, mẹ không bao giờ dám hé miệng.

Nhà không thể nuôi không mẹ mãi, bà nội quyết định huấn luyện cho mẹ làm việc vặt. Khi đi làm đồng, bà nội dắt mẹ đi "quan sát học hỏi", bà bảo mẹ không nghe lời sẽ bị đánh đòn.

Sau một thời gian, bà nội nghĩ mẹ đã được dạy dỗ tương đối rồi, liền để mẹ tự đi cắt cỏ lợn. Ai ngờ mẹ chỉ cắt nửa tiếng đã xong cả hai bồ "cỏ lợn".

Bà nội vừa nhìn đã tá hỏa sợ hãi, cỏ mẹ cắt là lúa giống vừa làm đòng trỗ bông trong ruộng nhà người ta. Bà nội vừa sợ vừa giận phát cuồng chửi rủa: "Con mẹ điên lúa và cỏ mà không phân biệt được..."

Bà nội còn đang chưa biết nên xoay xở ra sao, thì nhà có ruộng bị cắt lúa tìm tới, mắng bà cố ý dạy con dâu làm càn. Bà nội tôi lửa giận bốc phừng phừng, trước mặt người ta lấy gậy đánh vào eo lưng con dâu, chửi: "Đánh chết con điên này, mày cút ngay đi cho bà..."

Mẹ tuy điên, nhưng vẫn biết đau, mẹ nhảy nhỏm lên chạy trốn đầu gậy, miệng phát ra những tiếng lắp bắp sợ hãi: "Đừng... đừng...". Sau rồi, nhà người ta cũng cảm thấy chướng mắt, chủ động bảo: "Thôi, chúng tôi cũng chẳng bắt đền nữa. Sau này giữ cô ta chặt một tí là được...".

Sau khi cơn sóng gió qua, mẹ oại người dưới đất thút thít khóc. Tôi khinh bỉ bảo: "Cỏ với lúa mà cũng chả phân biệt được, mày đúng là lợn!" Lời vừa dứt, gáy tôi bị một cái tát lật, là bà. Bà trừng mắt bảo tôi: "Thằng ngu kia, mày nói cái gì đấy? Mày còn thế này nữa? Đấy là mẹ mày đấy!" Tôi vùng vằng bĩu môi: "Cháu không có loại mẹ điên khùng thế này!".

"A, mày càng ngày càng láo. Xem bà có đánh mày không!". Bà nội lại giơ tay lên, lúc này chỉ thấy mẹ như cái lò xo bật từ dưới đất lên, che giữa bà nội và tôi, mẹ chỉ tay vào đầu mẹ, kêu thảng thốt: "Đánh tôi, đánh tôi!".

Tôi hiểu rồi, mẹ bảo bà nội đánh mẹ, đừng đánh tôi. Cánh tay bà trên không trung thõng xuống, miệng lẩm bẩm: "Con mẹ điên này, trong lòng nó cũng biết thương con đây!".

Tôi vào lớp một, cha được một hộ chuyên nuôi cá làng bên mời đi canh hồ cá, mỗi tháng lương 50 tệ. Mẹ vẫn đi làm ruộng dưới sự chỉ bảo của bà, chủ yếu là đi cắt cỏ lợn, mẹ cũng không còn gây ra vụ rầy rà nào lớn nữa.

Nhớ một ngày mùa đông đói rét năm tôi học lớp ba, trời đột ngột đổ mưa, bà nội sai mẹ mang ô cho tôi. Có lẽ trên đường đến trường tôi mẹ đã ngã ì oạch mấy lần, toàn thân trông như con khỉ lấm bùn, mẹ đứng ở ngoài cửa sổ lớp học nhìn tôi cười ngớ ngẩn, miệng còn gọi tôi: "Thụ... ô...".

Có mấy đứa bạn tôi cười khúc khích, tôi như ngồi trên bàn chông, oán hận mẹ khủng khiếp, hận mẹ không biết điều, hận mẹ làm tôi xấu hổ, càng hận thằng Hỷ cầm đầu trêu chọc.

Trong lúc nó còn đang khoa trương bắt chước mẹ, tôi chộp cái hộp bút trước mặt, đập thật mạnh cho nó một phát, nhưng bị thằng Hỷ tránh được. Nó xông tới bóp cổ tôi, chúng tôi giằng co đánh nhau.

Tôi nhỏ con, vốn không phải là đối thủ của nó, bị nó dễ dàng đè xuống đất. Lúc này, chỉ nghe một tiếng "vút" kéo dài từ bên ngoài lớp học, mẹ giống như một đại hiệp "bay" ào vào, một tay tóm cổ thằng Hỷ, đẩy ra tận ngoài cửa lớp.

Ai cũng bảo người điên rất khỏe, thật sự đúng là như vậy. Mẹ dùng hai tay nhấc bổng thằng bắt nạt tôi lên trên không trung, nó kinh sợ kêu khóc gọi bố mẹ, một chân béo ị khua khoắng đạp loạn xạ trên không trung. Mẹ không thèm để ý, vứt nó vào ao nước cạnh cổng trường, rồi mặt thản nhiên, mẹ đi ra.

Mẹ vì tôi gây ra đại họa, mẹ lại làm như không có việc gì xảy ra. Trước mặt tôi, mẹ lại có vẻ khiếp nhược, nhìn tôi vẻ muốn lấy lòng. Tôi hiểu ra đây là tình yêu của mẹ, dù đầu óc mẹ không tỉnh táo, thì tình yêu của mẹ vẫn tỉnh táo, vì con trai của mẹ bị người ta bắt nạt.

Lúc đó tôi không kìm được kêu lên: "Mẹ!" đây là tiếng gọi đầu tiên kể từ khi tôi biết nói. Mẹ sững sờ cả người, nhìn tôi rất lâu, rồi y hệt như một đứa trẻ con, mặt mẹ đỏ hồng lên, cười ngớ ngẩn. Hôm đó, lần đầu tiên hai mẹ con tôi cùng che một cái ô về nhà.

Tôi kể sự tình cho bà nội nghe, bà nội sợ rụng rời ngã ngồi lên ghế, vội vã nhờ người đi gọi cha về. Cha vừa bước vào nhà, một đám người tráng niên vạm vỡ tay dao tay thước xông vào nhà tôi, không cần hỏi han trắng đen gì, trước tiên đập phá mọi bát đũa vò hũ trong nhà nát như tương, trong nhà như vừa có động đất cấp chín.

Đây là những người do nhà thằng Hỷ nhờ tới, bố thằng Hỷ hung hãn chỉ vào cha tôi nói: "Con trai tao sợ quá đã phát điên rồi, hiện đang nằm nhà thương. Nhà mày mà không mang 1000 tệ trả tiền thuốc thang, mẹ mày tao cho một mồi lửa đốt tan cái nhà mày ra".

Một nghìn tệ? Cha đi làm một tháng chỉ 50 tệ! Nhìn những người sát khí đằng đằng nhà thằng Hỷ, cha tôi mắt đỏ lên dần, cha nhìn mẹ với ánh mắt cực kỳ khủng khiếp, một tay nhanh như cắt dỡ thắt lưng da, đánh tới tấp khắp đầu mặt mẹ.

Một trận lại một trận, mẹ chỉ còn như một con chuột khiếp hãi run rẩy, lại như một con thú săn đã bị dồn vào đường chết, nhảy lên hãi hùng, chạy trốn, cả đời tôi không thể quên tiếng thắt lưng da vụt lạnh lùng lên thân mẹ và những tiếng thê thiết mẹ kêu.

Sau đó phải trưởng đồn cảnh sát đến ngăn bàn tay bạo lực của cha. Kết quả hoà giải của đồn cảnh sát là: Cả hai bên đều có tổn thất, cả hai không nợ nần gì nhau cả. Ai còn gây sự sẽ bắt luôn người đó.

Đám người đi rồi, cha tôi nhìn khắp nhà mảnh vỡ nồi niêu bát đũa tan tành, lại nhìn mẹ tôi vết roi đầy mình, cha tôi bất ngờ ôm mẹ tôi vào lòng khóc thảm thiết. "Mẹ điên ơi, không phải là tôi muốn đánh mẹ, mà nếu như tôi không đánh thì việc này không thể dàn xếp nổi, nhà mình làm gì có tiền mà đền cho người. Bởi nghèo khổ quá mà thành họa đấy thôi!".

Cha lại nhìn tôi nói: "Thụ, con phải cố mà học lên đại học. Không thì, nhà ta cứ bị người khác bắt nạt suốt đời, nhé!". Tôi gật đầu, tôi hiểu.

Mùa hè năm 2000, tôi thi đỗ vào trung học với kết quả xuất sắc. Bà nội tôi vì làm việc cực nhọc cả đời mà mất trước đó, gia cảnh ngày càng khó khăn hơn. Cục Dân Chính khu tự trị Ân Thi (Hồ Bắc) xếp nhà tôi thuộc diện đặc biệt nghèo đói, mỗi tháng trợ cấp 40 tệ. Trường tôi học cũng giảm bớt học phí cho tôi, nhờ thế tôi mới có thể học tiếp.

Vì học nội trú, bài vở nhiều, tôi rất ít khi về nhà. Cha tôi vẫn đi làm thuê 50 tệ một tháng, gánh tiếp tế cho tôi đặt lên vai mẹ, không ai thay thế được. Mỗi lần bà thím nhà bên giúp nấu xong thức ăn, đưa cho mẹ mang đi.

Hai mươi ki lô mét đường núi ngoằn ngoèo ruột dê làm khổ mẹ phải tốn sức ghi nhớ đường đi, gió tuyết cũng vẫn đi. Và thật là kỳ tích, hễ bất cứ việc gì làm vì con trai, mẹ đều không điên tí nào. Ngoài tình yêu mẫu tử ra, tôi không còn cách giải thích nào khác. Y học cũng nên giải thích khám phá hiện tượng này.



27/4/2003, lại là một Chủ nhật, mẹ lại đến, không chỉ mang đồ ăn cho tôi, mẹ còn mang đến hơn chục quả đào dại. Tôi cầm một quả, cắn một miếng, cười hỏi mẹ: "Ngọt quá, ở đâu ra?" Mẹ nói: "Tôi... tôi hái..." không ngờ mẹ tôi cũng biết hái cả đào dại, tôi chân thành khen mẹ: "Mẹ, mẹ càng ngày càng tài giỏi!". Mẹ cười hì hì.

Trước lúc mẹ về, tôi theo thói quen dặn dò mẹ phải cẩn thận an toàn, mẹ ờ ờ trả lời. Tiễn mẹ xong, tôi lại bận rộn ôn tập trước kỳ thi cuối cùng của thời phổ thông.

Ngày hôm sau, khi đang ở trên lớp, bà thím vội vã chạy đến trường, nhờ thầy giáo gọi tôi ra ngoài cửa. Thím hỏi tôi, mẹ tôi có đến đưa tiếp tế đồ ăn không? Tôi nói đưa rồi, hôm qua mẹ về rồi. Thím nói: "Không, mẹ mày đến giờ vẫn chưa về nhà!" Tim tôi thót lên một cái, mẹ tôi chắc không đi lạc đường? Chặng đường này mẹ đã đi ba năm rồi, có lẽ không thể lạc được.

Thím hỏi: "Mẹ mày có nói gì không?" Tôi bảo không, mẹ chỉ cho cháu chục quả đào tươi. Thím đập hai tay:" Thôi chết rồi, hỏng rồi, có lẽ vì mấy quả đào dại rồi!"

Thím kêu tôi xin nghỉ học, chúng tôi đi men theo đường núi về tìm. Đường về quả thực có mấy cây đào dại, trên cây chỉ lơ thơ vài quả cọc, bởi nếu mọc ở vách đá mới còn giữ được quả. Chúng tôi cùng lúc nhìn thấy trên thân cây đào có một vết gãy cành, dưới cây là vực sâu trăm thước.

Thím nhìn tôi rồi nói: "Chúng ta đi xuống khe vách đá tìm!" Tôi nói: "Thím, thím đừng doạ cháu...". Thím không nói năng kéo tôi đi xuống vách núi...

Mẹ nằm yên tĩnh dưới khe núi, những trái đào dại vương vãi xung quanh, trong tay mẹ còn nắm chặt một quả, máu trên người mẹ đã cứng lại thành đám màu đen nặng nề.

Tôi đau đớn tới mức ngũ tạng như vỡ ra, ôm chặt cứng lấy mẹ, gọi: "Mẹ ơi, Mẹ đau khổ của con ơi! Con hối hận đã nói rằng đào này ngọt! Chính là con đã lấy mạng của mẹ... Mẹ ơi, mẹ sống chẳng được hưởng sung sướng ngày nào..."

Tôi sát đầu tôi vào khuôn mặt lạnh cứng của mẹ, khóc tới mức những hòn đá dại trên đỉnh núi cũng rớt nước mắt theo tôi.

Ngày 7/8/2003, một trăm ngày sau khi chôn cất mẹ, thư gọi nhập học dát vàng dát bạc của Đại học Hồ Bắc đi xuyên qua những ngả đường mẹ tôi đã đi, chạy qua những cây đào dại, xuyên qua ruộng lúa đầu làng, "bay" thẳng vào cửa nhà tôi.

Tôi gài lá thư đến muộn ấy vào đầu ngôi mộ cô tịch của mẹ: "MẸ, con đã có ngày mở mặt mở mày rồi, MẸ có nghe thấy không? MẸ có thể ngậm cười nơi chín suối rồi!".
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
*****winer

*****winer

Bushido
Một bài văn cực hay, nhiều ý nghĩa và đầy lòng nhân bản....em chỉ có thể nhận xét được như thế. Thanks bác Cam_to đã up bài này lên
 
Sửa lần cuối:
A

act

Guest
29/11/05
85
1
0
TP Hồ Chí Minh
Khóc mất rồi




Tôi muốn dệt những vần thơ về mẹ
Ðể đọc lên cho nước mắt trào rơi
Vì có gì đẹp đẽ nhất trên đời
Thiêng liêng nhất phải chăng là tình mẹ.

Những kỷ niệm xa xưa còn lưu dấu
Chiếc nôi êm tôi ngủ mẹ ngồi đưa
Hồn ca dao phảng phất giấc ban trưa
Mẹ tôi đã ru tôi vào sông núi.

Những miếng khoai tôi ăn tranh phần mẹ
Ðói năm nào ... khổ cực quá mẹ ơi
Mẹ cho con, mẹ nhịn, mẹ vẫn vui
Giờ nghĩ đến tôi buồn khôn xiết kể.

Tôi đau ốm, tôi vướng vòng tù tội
Tôi vượt biên, tôi đối diện tử sinh
Hoàn cảnh nào, mẹ cũng khổ triền miên
Mẹ ơi mẹ, mẹ vì con mẹ khổ.

Nay dâng mẹ mấy vần thơ sầu muộn
Mẹ đi rồi ... kỷ niệm vẫn trong con
Trên thiên đàng con biết chắc mẹ còn
Theo sát bước chân con nơi trần thế.
 
nguyenductho

nguyenductho

Guest
3/9/04
153
0
0
45
Ho Chi Minh city
Bài văn nghe cảm động wá.
Suốt cuộc đời, lặng lẽ và cô độc
Mất mẹ rồi, chẳng còn tiếng yêu thương.
 
W

white_black

Guest
16/6/06
2
0
0
40
TP.HCM
đúng là bài văn này sâu sắc & cảm động thật.
 
maitrinh

maitrinh

Cao cấp
14/11/06
313
0
16
TPHCM
Cảm ơn Bác Cam_To_80, bài văn thật hay, sâu sắc, tình cảm biết bao nhiêu.
 
letmyha

letmyha

Hư không
18/5/04
815
6
0
43
The land of the living
Đây là lần thứ 3 tôi được đọc bài này! :thanx:
 
cam_to_80

cam_to_80

Nghỉ mất sức !
31/3/04
588
7
18
43
Hà đông
Những lời thương yêu của cha

Ăn cơm xong, con liền gọi điện thoại liên tục, gọi một tiếng không thưa, gọi hai tiếng cũng không thưa, gọi đến ba lần cũng vẫn không thưa, cho đến khi ba phải quát lên: “Nếu con muốn gọi điện thoại, thì hãy ra ngoài mà gọi!” Con đã ra khỏi nhà sau tiếng kéo cửa rầm một cái.

Ngoài trời tuyết rơi thật nhiều, bà nội con vội chạy ra xem mắc áo ngoài cửa, và hốt hoảng khi con không mặc áo khoác ngoài. Mẹ con đứng bên cửa sổ, dõi theo xem con đi về hướng nào. Còn ba ngồi lặng nguời trong phòng khách, nhớ lại một cảnh trong một bộ phim mà ba đã xem:
Thầy giáo quát cậu học trò cưng của mình: “Mày cút đi cho khuất mắt tao!” Cậu học trò theo thầy dã mười mấy năm nay, giờ quay đầu bỏ đi thật.

Đến tận bây giờ, ba vẫn nhớ như in giọng nói run rẩy của diễn viên Vương Dẫn: “Nuôi nó mười mấy năm trời, chỉ một câu thôi, mà nó bỏ đi thật!”

Vương Diễn diễn xuất thật xuất sắc! Sự phẫn nộ, tê tái và hụt hẫng trong con mắt ông chẳng phải là tâm trạng của ba lúc này hay sao?

Con ơi, hai ba con mình đã to tiếng bao nhiêu lần chỉ vì việc gọi điện thoại của con! Lẽ nào điện thoại lại đáng để con làm tổn thương tình cảm giữa con và ba mẹ hay sao?

Có thể là do giận dỗi, con nói rồi quên, nhưng con có biết điều đó đã khiến ba mẹ đau lòng lắm không?

Ba còn nhớ hai hôm trước, ba mẹ trách con đã tiêu tốn quá nhiều tiền điện thoại, vậy mà con nỡ nói: “Gọi hết bao nhiêu tiền, con sẽ tự trả, được chưa?”

Con có nhớ mẹ con nhờ con đánh giúp một bức thư, con đã phàn nàn như thế nào không? Con nói: “Trời ạ, của con, con phải tự đánh, của ba mẹ, con cũng lại phải đánh nữa!”

Ba nghĩ, có thể một ngày nào đó khi con kiếm được nhiều tiền rồi, trong lúc bực bội với ba mẹ, chắc con sẽ nói:
“Như thế này vậy! Ông bà thử tính xem từ nhỏ cho đến lớn, tôi tiêu mất bao nhiêu tiền của ông bà? Uống bao nhiêu sữa, mặc bao nhiêu bộ quần áo, tôi sẽ viết chi phiếu, trả một lần cho xong, không có nợ nần gì nữa!”

Và sau đó có thể con cũng giống như cậu học trò đó – rũ bỏ tất cả mà ra đi, thực sự được độc lập tự do! Chẳng phải vậy sao?

Trước đây, ba đã từng đọc cuốn sách nói về sự trưởng thành của con cái, rằng con cái khi trưởng thành rồi chỉ muốn xa rời cha mẹ, và khi xa cha mẹ rồi, lại muốn hòa hợp cùng với một cá thể khác, trở thành một gia đình mới. Khi đó, đọc những dòng trên, ba chẳng có cảm xúc gì, nhưng hôm nay trông thấy con từng bước rời xa ba mẹ, ba mới tự an ủi mình bằng lý luận của cuốn sách đó: “Đó là lẽ thường tình mà, con cái lớn rồi, nó có chủ kiến và tính phản kháng của bản thân, để thoát khỏi cha mẹ, trở thành kẻ độc lập!”

Vấn đề là ở chỗ, thoát ly ba mẹ là có thể phủ nhận tình yêu của ba mẹ sao? Tình yêu ba mẹ dành cho con suốt mười mấy năm qua, lẽ nào lại có thể đo được bằng giá trị của sữa và quần áo? Sao con không cộng thêm cả cuộc sống của con nữa?

Khi ba bằng tuổi con, ba cũng có tính ngang ngạnh, thường tự đem so sánh mình với nguời khác, than vãn gia cảnh nhà mình không tốt, trách cha mẹ quá nghiêm khắc, nhưng có một hôm ba đọc được vở kịch “Kết cục” của Samuel Beckett, trong đó có đoạn cậu con trai hét lên với cha mình:

“Thật đốn mạt! Tại sao ông lại sinh ra tôi?”

Cha: “Ta không biết”

Con: “Sao? Ông không biết cái gì?”

Cha: “Ta không biết được kẻ được sinh ra lại chính là mày!”

Ba bắt đầu hiểu ý nghĩa trong đó, hiểu được quan hệ giữa cha mẹ và con cái không thể lựa chọn được. Điều quan trọng nhất là tầng quan hệ này vĩnh viễn không thể tách rời được.

Vì vậy con có thể oán trách ba mẹ đã quản lý giáo dục con bằng quan niệm của nguời Châu Á, trách ba mẹ không phải là nhà triệu phú, thậm chí con có thể trách ba mẹ không quan tâm.

Nhưng, con không thể trách chúng ta là cha mẹ của con.
Và cũng như vậy, chúng ta không thể ân hận vì đã sinh ra con.

Có được con, ba mẹ chỉ có thể nói lời cảm ơn. Ba nhớ khi con còn bé, ba mẹ thường nói lứa tuổi đi nhà trẻ là đáng yêu nhất, lúc ấy con hoàn toàn thuộc về ba mẹ, và con đi học rồi sẽ không được như thế nữa.

Thế nhưng khi con học tiểu học, ba mẹ lại nói: Trước khi vào trung học thì con cái vẫn còn ngây thơ vô tư.

Và đến khi con học trung học, ba mẹ lại nói: Con cái lớn rồi, có thể nói chuyện với con như một nguời bạn, thật thú vị biết bao!

Và sau này khi con xa nhà, vào đại học, ba mẹ đã để con tuột khỏi tay mình!

Thế nhưng ba tin rằng, cho đến tận khi con xây dựng gia đình riêng, thì ba mẹ sẽ vẫn nói: “Mặc dù nó hiếm khi về thăm nhà một lần, nhưng nghĩ đến nó, mình cảm thấy rất ấm lòng!”

Đó chính là tình yêu da diết, tự thân, tự nhiên, không bao giờ khiến nguời ta phải hối hận!

Chỉ có điều, ba không biết rằng, khi con lớn dần lên, con có cảm nhận thấy ở mỗi giai đoạn thì tình yêu của ba mẹ đều có những điểm khác nhau? Hay con sẽ nói càng ngày càng đáng ghét và phiền phức, con chỉ muốn trả ba mẹ hết nợ nần, để không còn bị quản thúc nữa?

Con hãy cứ yên tâm! Dù con có lớn, có vĩ đại, có thành công, có thất bại thế nào đi chăng nữa, thì ba mẹ vẫn chăm lo cho con, yêu con nhường ấy!

Khi con gọi điện thoại công cộng xong và trở về nhà, nếu tinh ý, con sẽ nhận ra mặc dù ba mẹ dường như đang ngủ say, không để ý đến con, nhưng đám tuyết trước cửa nhà vẫn còn mờ mờ dấu chân của ba và mẹ con...
 
letmyha

letmyha

Hư không
18/5/04
815
6
0
43
The land of the living
Ước gì...

Hic, từ nhỏ chị em nhà tôi thường hay nói câu: "Ra đường thấy papa nhà người ta thèm chảy nước... miếng, về nhà thấy papa nhà mình thèm chảy nước... mắt!" Papa tôi là người rất gia trưởng và nghiêm khắt! Papa hướng gia đình tôi sống theo nguyên tắc: "Người lớn luôn luôn đúng" nên lớn nói nhỏ phải nghe. Tôi không bao giờ phục cái nguyên tắc này! :wall:
 
Va Anh Toi

Va Anh Toi

Guest
Thân gửi tất cả những người đàn ông có gia đình.

Kính gửi Mẹ, người đẻ ra chồng của con!



Con cứ nghĩ mãi, rốt cuộc mẹ có ý nghĩa gì với con? Mẹ chẳng qua chỉ là mẹ của chồng con. Trước khi con lấy anh ấy, mẹ chẳng có chút ý nghĩa nào đối với cuộc sống của con. Cuộc sống của con là do bố mẹ đẻ của con cho con. Kiến thức, năng lực, sự giáo dục,cách đối nhân xử thế v.v...của con ngày hôm nay đều là do con thừa hưởng từ bố mẹ con, chẳng có tý tẹo tèo teo nào cống hiến của mẹ. Thế nên con mới không tài nào hiểu nổi, rằng vì sao ngay sau khi kết hôn, bao nhiêu ngày tháng của suốt hai mươi năm con sống trong cuộc đời này tất tật lại phải trở về số không, rồi phải trở thành người của nhà mẹ, mà đúng hơn là người nhỏ nhất trong nhà mẹ. Nói nhỏ nhất là vì địa vị của con trong nhà còn bé nhỏ hơn cả đứa con trai hai tuổi của con.
Nói thật là con cảm thấy rất bất công. Bố mẹ con nuôi dạy con hơn hai mươi năm ròng rã, còn mẹ thì nhặt nhạnh lấy thành quả kết tinh của hai mươi năm ấy, nói trắng ra là mẹ không làm mà hưởng, ngồi mát ăn bát vàng. Thế nên những việc con làm cho mẹ, mẹ nên cảm ơn bố mẹ con và công sức con bỏ ra. Nếu mẹ không thấy cảm kích thì cũng đành vậy, nhưng mẹ cũng đừng nên cố tạo ra ý nghĩa này nọ đới với con, đừng nên lấy kính hiển vi ra mà xăm xoi những việc con làm, khác nào bới lông tìm vết, nhặt xương trong trứng gà, rõ ràng là vừa được ăn vừa được nói. Ban ngày con có công việc của riêng con, kinh tế trước nay vẫn độc lập, nên con chẳng hề phải dựa dẫm vào con trai mẹ, và cũng chưa một ngày nào phải sống nhờ vào đồng lương của con trai mẹ. Khả năng kiếm tiền của con ngày hôm nay là nhờ công giáo dục của bố mẹ con và công sức con không ngày nào ngừng nỗ lực học tập mà thành. Cho nên con không thể chịu đựng nổi cái ý nghĩ là đồng tiền con kiếm ra nghiễm nhiên phải cống hiến cho nhà mẹ, và sau đó tiêu đồng tiền của chính mình lại cứ phải nhìn xem sắc mặt của mẹ thế nào. Làm gì có chuyện đấy? Con không hề nợ nần gì mẹ, cũng chẳng cần mẹ phải nuôi, càng chưa xin mẹ một xu một chinh nào.
Con có thể tôn trọng ý kiến của mẹ nhưng không thể để mẹ quyết định được. Cho nên bây giờ con phải chính thức nói trắng ra để mẹ hay: tiền điện là con trả, nên trong những ngày hè nóng bức ngột ngạt con bật điều hoà đi ngủ mẹ không được có ý kiến. Hôm sau con còn phải đi làm nữa mẹ ạ, chất lượng giấc ngủ rất quan trọng đối với con. Còn nữa, "Phật có thiếp vàng, người có quần áo", con cần mua mấy bộ quần áo hay mấy đôi giầy thì đấy là việc của con, xin mẹ nhớ cho, tiền đó là do con kiếm được, con tiêu thế nào thì con cũng tự có chuẩn mực của con, nếu mẹ muốn quản lý thì xin đi mà quản lý tiền nong của con trai mẹ. Con kiếm tiền bằng công sức và khả năng của mình, nên quả thực không hề muốn phải đi thăm dò sắc mặt của mẹ thế nào.
Lại nữa, mẹ đừng nên một mực cho rằng con trai mẹ giỏi giang ghê gớm lắm, nếu mà con không đi làm thì thử hỏi chuyến đi Trung quốc du lịch hai tuần năm ngoái của mẹ là tiền ở đâu ra. Con càng nghĩ càng thấy thực ra mẹ chả có bất kỳ ý nghĩa nào đối với con cả, nếu mà có một ý nghĩa nào đó về hình thức thì mẹ chẳng qua chỉ là mẹ của chồng con thôi. Tất cả công sức tình cảm của mẹ đều dồn cho anh ấy, người báo đáp công lao mẹ là anh ấy. Tương tự như vậy,người mà con cần báo đáp cũng chỉ có bố mẹ con thôi. Nếu hôm nay bố mẹ con cũng soi mói con trai mẹ như vậy thì mẹ có cảm thấy dễ chịu không? Và con trai mẹ sẽ đáp ứng được mấy phần yêu cầu của bố mẹ con đây ?
Cho nên về sau này nếu mẹ muốn ăn hoa quả thì sai con trai mẹ đi gọt cho mẹ ăn, vì đây là việc anh ấy đáng phải làm, quần áo thì cũng sai anh ấy giặt, đằng nào thì mẹ cũng đã giặt quần áo cho anh ấy hơn hai mươi năm kia mà (còn con thì đến một đôi tất cũng chưa bao giờ phải phiền mẹ cả). nếu mẹ muốn đi khám bệnh thì bảo con trai mẹ xin nghỉ mà đưa đi, con không muốn năm nào cũng bị cơ quan cắt tiền thưởng không nghỉ phép năm. Trong khi hễ con bị cảm cúm thì mẹ bóng gió mát mẻ rằng con sức khoẻ kém. Bởi vậy,khi mẹ bị ốm con chẳng có cách nào để động lòng trắc ẩn. Nói tóm lại, anh ấy hiếu thảo với mẹ là đúng, còn con, con phải đem cái hiếu thảo của con báo đáp cho người đã sinh thành ra con. Nếu mẹ muốn con làm việc gì thì mẹ làm ơn bớt bới móc đi một tí và thầm cảm ơn con, vì rằng con đâu có thiếu nợ mẹ, làm giúp mẹ là làm giúp một người trên danh nghĩa là mẹ đẻ của chồng con, tất cả chỉ có vậy thôi. Nếu anh ấy không phải là chồng con, mẹ tưởng mẹ sẽ có vinh hạnh ấy sao? Hơn nữa mẹ cũng nên chịu khó xem thời sự vào, bây giờ là thời đại trả tiền thuê người làm việc nhà rồi, mẹ đã không trả lương cho con thì mỗi lúc con làm giúp mẹ, mẹ nên mỉm cười mới đúng chứ!
Cuối cùng, con viết thư này chắc chắn mẹ sẽ cho con là phường nghịch tử vô luân, nhưng giữa người với người là phải tôn trọng nhau, và con đối xử với mẹ cũng trên nguyên tắc cơ bản như vậy. Nếu mẹ không thể tôn trọng những cảm nhận của con thì coi như con cũng xin nhường mẹ một chút vì mẹ dù sao cũng là người đi trước, nhưng con vẫn cứ phải nói cho hết nhẽ. Chắc mẹ sẽ bảo "làm dâu nhà người phải hiểu đạo lý", nhưng về phía con cũng vẫn phản đối, con không phải do mẹ nuôi dạy, càng không nợ nần gì mẹ, và con cũng đã phát huy tối đa khả năng nhẫn nhục và tôn trọng của mình. Còn những điều cần học hỏi thêm là ở phía mẹ. Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình mẹ ạ !

Con dâu :wall::wall::wall:
 
letmyha

letmyha

Hư không
18/5/04
815
6
0
43
The land of the living
Hê hê thư được viết hay quá! :p Có khi lại phải học hỏi thôi! :dance2:
 
cam_to_80

cam_to_80

Nghỉ mất sức !
31/3/04
588
7
18
43
Hà đông
CHA VÀ CON

Ông già cùng ngồi với người con trai có học thức ngoài sân nhà. Đột nhiên một con quạ đáp xuống đậu trên bức tường nhà. Người cha hỏi con trai:

- Con gì vậy con?

Người con trả lời:

- Một con quạ, thưa cha!

Một lát sau người cha lại hỏi:

- Con gì vậy con?

Người con đáp:

- Một con quạ ạ.

Sau vài phút người cha hỏi tiếp lần thứ ba:

- Con gì vậy con?

Người con đáp:

- Cha ơi, nãy giờ con đã nói rồi. Đó là một con quạ.

Nhưng không lâu sau người cha lại hỏi con mình lần thứ tư:

- Con gì thế con?

Lần này người con trả lời dứt khoát nhưng trong giọng nói đã có chút ít cáu gắt:

- Cha ơi! Một con quạ. Con quạ.

Lát sau người cha lại hỏi:

- Gì thế con?

Lần này người con trả lời cha một cách tức giận:

- Cha ơi. Sao cha cứ hỏi mãi câu hỏi này dù con đã nói rất nhiều lần rằng đó là một con quạ. Bộ cha không hiểu hay sao?

Người cha đứng dậy bước vào phòng, sau đó quay ra trên tay cầm một quyển nhật ký đã lâu năm. Lật sang một trang, ông bảo người con hãy đọc lên. Trang nhật ký ấy ghi như sau: "Hôm nay, khi con trai bé bỏng cùng ngồi với tôi trong sân nhà thì một con quạ bay đến. Con đã hỏi tôi những hai mươi lăm lần rằng đó là con gì và tôi đã trả lời hai mươi lăm lần rằng đó là con quạ mà hoàn toàn không cảm thấy tức giận.
 
C

Cẩm Thúy 82

Guest
17/7/07
14
0
0
Tp.HCM
Sao anh camto có nhiều bài văn hay thế?
 
D

dolphin2705

Guest
28/7/05
33
0
0
Ha Noi
NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐIÊN

Ở xóm tôi có một người đàn bà điên. Người đàn bà điên ấy sống một mình, nhưng không biết có ai đó vẫn thường xuyên cho bà ta tiền để sống. Điên mà biết xài tiền thì kể cũng lạ.

Bà chủ quán cơm trong xóm nói với tôi:

- Tháng nào cũng có một người đến đây đưa tiền cho tôi, biểu nấu cơm cho bà ấy ăn, nhín cho bà ít tiền bỏ túi. Lúc là người đàn ông, lúc là người đàn bà, có lúc lại là một anh hay một chị thanh niên nào đó. Có lẽ là người nhà của bà ta. Hỏi thì họ nói, cứ nhận tiền là được rồi.

Người đàn bà điên ấy có gương mặt lúc nào cũng như chảy nhểu ra một nỗi buồn u ẩn, nhưng coi cũng không đến nỗi nào. Có điều nhìn vào mắt của bà ta thì sợ lắm. Nó sâu hun hút và vô hồn tới lạnh lẽo. Bà ta thường ngày vẫn bắc ghế ngồi trước cửa, luôn mồm lẩm nhẩm đôi môi như đang nói thầm một điều gì đó.

Trẻ con trong xóm rất sợ lại gần bà ta, bởi đứa nào đến gần, thế nào bà ấy cũng nắm tay kéo ghì vào lòng, hôn chùn chụt lên má lên cổ chúng nó. Những đứa tò mò đứng ở xa, bao giờ bà ta cũng ngoắt tay gọi lại. Lạ một điều là trẻ con trong xóm không hề có một đứa nào dám hỗn với bà, như ném đá, như lêu lêu bà ta chẳng hạn. Và bởi bà ta suốt ngày bắc ghế ngồi trước cửa, nên hết thảy người lớn cũng như trẻ con, không hề một ai biết được, trong căn nhà lá lụp xụp ấy có những gì.

Lối xóm đồn đãi rằng, bà ấy bị bội tình nên hóa điên, bỏ nhà mà đi. Còn tại sao gia đình bà ấy không đi tìm đưa bà về, dân xóm tự lý giải rằng, gia đình bà ta ở bạc, không một ai muốn chứa chấp người điên trong nhà.

Khi bà ấy đến xóm tôi, bà ấy chỉ có độc một bộ đồ rách te tua, hở hết cả da thịt ra ngoài. Hàng ngày bà ta ngồi chầu chực ở một xó trong quán cơm để vét những chỗ cơm thừa trên dĩa của khách. Tối đến, bà ta mò vào ngủ lăn lóc ở một góc đình. Mới đầu, những người giữ đình không thấy ai nói gì. Nhưng rồi một đêm, lối hơn mười giờ một chút, bỗng bà ta hét lên thất thanh. Ông lão giữ đình thức dậy chạy ra khỏi chỗ ngủ của mình, thấy rành rành người đàn bà điên không còn một miếng vải trên người. Lối xóm đốt đuốc tìm lòng vòng một hồi thì túm được một gã trai làng say rượu đang núp ở góc bờ tường nhà vệ sinh sau đình. Gã trai này cũng trần như nhộng. Gã ta ngồi thụp xuống, chắp tay lạy như tế sao, thề rằng gã chưa làm được gì cả. Do chuyện này mà dân làng sợ ngôi đình bị ô uế, xúm nhau dựng cho người đàn bà điên một ngôi nhà lụp xụp.

Căn nhà ấy tựa vào một cây dừa cành lá xum xuê, cặp theo mé một con xẻo, sát ngay bên ngôi đình thờ tổ của làng. Chỗ ấy là chỗ tận cùng của con đường nhỏ ăn ra mí nước con xẻo rộng chừng năm sáu thước, xung quanh rậm rì lau sậy. Những trưa nóng nực, thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp người đàn bà điên trần truồng từ căn nhà lội xuống con xẻo để tắm. Mới đầu còn có nhiều người tò mò, rình núp đâu đó bên kia con xẻo để coi trộm bà ta. Nhưng rồi hầu hết đám đàn ông, con trai trong xóm đều được các bà, các cô dạy cho đến nơi đến chốn bởi những sự chửi bới độc địa, khiến họ bỏ dần được thói tò mò khốn khổ ấy.

Người đàn bà điên được đưa về sống trong căn nhà ấy chừng hơn một tháng thì có người tìm đến quán cơm gởi tiền nhờ nuôi bà ta. Do chuyện này mà dân xóm đồn rằng, gia đình người đàn bà điên là gia đình giàu có; còn họ giàu thế nào, giàu ở đâu thì không ai biết được. Mọi chuyện cứ kín bưng như trong ống trúm.

Một hôm tôi đang ngồi ăn dĩa cơm ba ngàn trong quán, tình cờ thấy một cô gái rất trẻ, ăn vận rất mốt bước vào. Cô ta đưa cho bà chủ quán một mớ tiền, rồi quay qua vẫy xe ôm đi ngay lập tức. Phần tôi, ăn xong dĩa cơm bình dân, tôi cũng đón honda ôm để lên chợ huyện mua đồ cho bà ngoại. Tới chợ huyện, đang lội lòng vòng kiếm mua đồ, thốt nhiên tôi nhận ra cô gái trẻ ăn vận rất mốt ấy đang ngồi ăn cơm với hai chàng trai cũng đang độ tuổi như cô. Họ vừa ăn cơm vừa uống bia. Có lẽ nhờ vậy mà tôi mới gặp lại được cô gái. Thấy trước cửa nhà có một chiếc xe hơi đời mới mang biển số thành phố màu xanh, tôi nghĩ chắc là xe của họ. Tò mò, tôi ghé vào quán nước đối diện bên kia đường, gọi một ly nước đá me để chờ. Quả nhiên, ăn uống xong xuôi, cô gái với hai chàng trai bước lên xe, chạy thẳng về hướng thành phố.

Sau khi biết chuyện này, trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ rằng, người đàn bà điên chắc hẳn phải là con của một ông bự nào đó trên thành phố. Chứ chẳng lẽ người dưng ở đâu xa lơ xa lắc, đang không lại biết mà tìm tới cho tiền. Tôi đem điều thắc mắc ấy kể lại cho ông từ giữ đình nghe.

Ông từ lắc đầu:

- Chuyện thiên hạ, người ta biết người ta thương, cũng là lẽ thương tình. Hơi đâu mà lo cho nhọc xác.

Năm xảy ra cơn bão số 8, nghe đâu dân miệt biển Cà Mau, Kiên Giang chết nhiều lắm. Ở làng tôi, đi tới đâu cũng nghe bàn tán về sự chết chóc. Mỗi người một ít, ai cũng tìm cách đóng góp bạc tiền gởi về dưới ấy. Bấy giờ tôi làm thư ký ủy ban nhân dân ấp. Một hôm đang ngồi cộng sổ đóng góp cứu trợ đồng bào bị bão lũ, thốt nhiên tôi nghe có tiếng bà chủ quán cơm trong xóm đang nói chuyện rổn rảng với ai đó ngoài sân. Tôi với bà chủ quán cơm vốn có họ hàng xa về bên nội, nên tôi bước ra chào bà.

- Mầy hay gì chưa (bà chủ quán cơm nói với tôi)? Có ai đó lén bỏ đứa con đỏ hỏn vào giường người đàn bà điên, lúc bà ấy đang ngủ.

Quả là chuyện động trời.

Hội Phụ nữ xã cử người xuống họp với Ban Phụ nữ ấp. Cuộc họp kết luận, phải kiếm người khá giả đứng ra tự nguyện nuôi đứa con ấy, cùng lắm thì đưa đứa bé bị bỏ rơi về cơ sở nuôi trẻ sơ sinh của tỉnh. Và cuối cùng, mọi người nhất trí cử tôi đứng ra lo chuyện này, bởi tôi là cán bộ phụ nữ của ấp.
Do có sự phân công của tổ chức, tôi nhờ một dì tương đối lớn tuổi cùng tôi đến căn nhà của người đàn bà điên. Hai chúng tôi ngồi lại bàn bạc cả tiếng đồng hồ, sau đó quyết định, ngay buổi chiều phải đến gặp người đàn bà điên, bởi không thể để đứa bé sống lâu hơn với người điên; điều đó rất nguy hiểm cho tính mạng của đứa bé.

Khi chúng tôi đến nơi, một cảnh tượng rất thương tâm hiện ra trước mắt.

Người đàn bà điên đang ngồi ôm đứa trẻ trong lòng. Bà ta ngồi trên chiếc võng bện bằng dây bẹ chuối xiêm, vừa đung đưa chiếc võng nhè nhẹ, vừa hát ru khe khẽ:

Ầu ơ ơ
Ngủ đi trời nắng trời mưa
Con cò con vạc đi đâu
Gió to ướt rụi lá trầu
Ầu ơ ơ
Ầu ơ ơ

Dưới chân chị ta, chơ vơ một tộ nước cơm trên mặt đất. Trong tộ có chiếc muỗng nhỏ. Không biết chị ta kiếm đâu ra những thứ đó. Lại còn lụ khụ cơ man không biết bao nhiêu là giẻ rách. Cả một con búp bê nhựa đã sứt mất hai tay, hai chân, chỉ còn có cái đầu và cái thân móp méo.

Chợt nhận ra chúng tôi, chị ta lập tức ôm ghì đứa bé vào lòng, hai mắt trố ra hoảng loạn. Chị ta ghì chặt đến mức, đứa bé đang ngủ yên, bỗng khóc ré lên ngàn ngạt.

Người dì lớn tuổi cùng đi với tôi, bước lên một bước, chìa hai cánh tay về phía trước. Lập tức người đàn bà điên đứng dậy, ẵm xiết đứa bé vào lòng, chạy tới góc nhà ngồi thụp xuống. Hai mắt chị ta vẫn trố ra, thăm thẳm nỗi hoảng loạn tới tột cùng.

- Về thôi mầy ơi (người dì lớn tuổi nói với tôi)! Không giằng được đứa bé ra khỏi vòng tay bà ấy đâu! Về tính cách khác!

Tôi với người dì ấy hùn tiền mua một bình sữa, một cái bình thủy, một ít đường sữa đem đến cho người đàn bà điên. Chúng tôi người đi kiếm củi, người nhóm bếp nấu nước sôi. Rồi chúng tôi ngồi pha sữa cho chị ấy xem. Chị ấy nhìn chúng tôi chòng chọc bằng đôi mắt vô hồn sâu hun hút. Nhưng chúng tôi không tài nào cho đứa bé bú được. Cứ hễ chúng tôi bước tới gần chị, chìa bình sữa ra, y như rằng chị ta lại ôm ghì lấy đứa bé, chạy tới ngồi sụp xuống núp ở góc nhà. Thành thử cuối cùng chúng tôi phải ra về.

Sáng hôm sau, tôi với người dì lớn tuổi ấy lại đến với chị ta. Hai chúng tôi rón rén bước tới ngôi nhà khép kín cửa. Ghé nhìn vào trong, cả hai chúng tôi cùng bàng hoàng như không tin được vào mắt mình. Người đàn bà điên lót giẻ, đặt đứa bé nằm trên đó. Chị ta đã dời ba ông Táo đến sát cái võng. Củi cháy lom rom trong lòng ông đầu rau. Cái bình sữa đã pha đầy đến tận miệng. Người đàn bà điên ngồi xệp dưới đất, tay trái quơ quơ một nùi giẻ như thể đang đuổi muỗi cho đứa bé. Rất lâu, rất lâu sau đó, chúng tôi tận mắt thấy chị ta cầm lấy bình sữa, dúi cái núm cao su vào miệng đứa bé. Đứa bé bú chùn chụt; hết bình sữa còn nghe tiếng chóp chép khát thèm, thương tới trào nước mắt.

Tôi lặng lẽ nắm tay người dì lớn tuổi bước trở ra. Sau đó tôi giật máy coler chạy lên xã.

Chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã phê bình tôi hữu khuynh, thiếu cương quyết trong hành động. Chị chỉ ra cho tôi thấy một đứa trẻ chưa đầy tháng tuổi không thể nào sống nổi với một người đàn bà điên. Nào là ăn uống, tắm giặt. Nào là thuốc thang khi đứa trẻ bệnh hoạn. Phân tích xong xuôi cặn kẻ mọi điều, chị biểu tôi cứ về đi, chị sẽ điện lên huyện Hội xin ý kiến giải quyết.

Trên đường về tôi hay tin chú Út bị bệnh nặng, liền chạy ghe qua cù lao thăm chú. Nhà chú neo đơn nên tôi phải ở lại qua đêm. Đáng lẽ tôi phải cùng thím Út đưa chú đi viện, nhưng vì biết tôi còn kẹt vụ đứa trẻ, thím Út biểu tôi cứ về lo cho tròn công việc của Hội.

Về tới xóm, điều đầu tiên tôi nhận ra là quán cơm của người cô có họ xa với tôi hôm nay đóng cửa không bán. Điều thứ hai tôi nhận ra là xóm tôi dường như đang vắng tanh vắng ngắt thế nào. Và điều tiếp theo là tôi nghe rõ tiếng trống đám ma cất lên âm âm từ phía đình làng, phía có căn nhà của người đàn bà điên cất một mình trơ trọi.

Linh tính mách bảo cho tôi có điều gì không hay về người đàn bà điên ấy. Không có lẽ bà ta đang khỏe mạnh như vậy mà chết được? Ông từ giữ đình lại càng không phải. Hai hôm trước ông đã nhờ một người trong xóm đến trông nom đình làng để ông về đám giỗ bên quê ngoại, cách cả mấy trăm cây số. Hay là đứa trẻ? Nhưng là đứa trẻ thì ai người ta rước đạo tì đến để làm gì?

Tôi đẩy mũi ghe, giật máy chạy thẳng về con xẻo. Ghe mới trờ qua khúc ngoặt, chưa tới bến cây còng, tôi đã thấy người bà con xa bán quán cơm xấp xải chạy ra.

- Bây biết gì không? Người đàn bà ấy chết rồi! Bà ta điên cuồng lên, té từ trên cầu khỉ xuống con xẻo này mà chết.

Hai mắt đỏ hoe, bà chủ quán cơm nắm tay tôi lôi xềnh xệch về căn nhà lá của người đàn bà điên xấu số. Hình như dân tất cả xóm tôi, từ người già đến con nít đều tập trung ở đó. Khói nhang mờ mịt, trống tế rợn người. Tiếng sư già tụng kinh rì rầm không ngữ điệu, trải ra hàng chuỗi âm thanh phẳng lì vô vọng.

- Bây không biết gì sao? Lúc nhập nhoạng mặt người chiều qua, đứa nào lén bắt mất con nó đem đi, nó khóc gào lên chạy kiếm. Lúc tối thùi tao đem khăn, đem xà bông tới tắm cho con nó, thấy nó bò lổm ngổm kiếm con trong nhà, nước mắt nước mũi tèm hem. Từ bữa người ta vứt con cho nó, đêm nào xong việc mà tao không đến giúp nó nuôi con. Hồi trưa hôm qua, tao đã gởi người ta mua trên huyện cho con nó hai chục cái tã lót với cái xe nôi. Nó bịnh hoạn như vậy, dân xóm mình ai không thương, ai không lo cho nó, có điều người ta không ra mặt, không nói ra. Phải tao nghỉ bán buổi cơm chiều, đem đến sớm cho nó… thì đâu đến nỗi…

Bà chủ quán cơm nói tới đó thì tu lên khóc hù hụ.

Tôi nắm lấy cánh tay của bà cô có họ xa mà hỏi:

- Sao lúc đó cô không kêu người qua phụ đưa cô ấy về?

- Kêu gì kịp con ơi! Tao vừa thấy nó bò lổm ngổm, tao đã nhào ra ôm lấy nó. Nó cắn tao tới nát cả hai bả vai. Tao vừa buông nó ra, nó đã ù té chạy. Nó chạy đi tìm con nó. Mà nó điên thì nó chạy qua cầu khỉ sao được con ơi!.. Hức, hức… hu u…

Bà cô bán quán cơm ôm chầm lấy tôi mà khóc rống lên như chính con gái bà bị chết.

Mắt tôi nhòa đi không thấy được gì. Chỉ nghe rõ sự trống vắng của không gian như mỗi lúc mỗi chìm lỉm vào nổi đau thăm thẳm của tiếng khóc thương tâm ấy.

Một hồi trống bùng lên nức nở.
 
S

Scorpio

Guest
30/12/04
144
0
0
43
Somewhere with U :)
Ôi, bạn Cam_to thật là rất thanh cao khi pốt mốt bài xúc động như thế này. Nghe phảng phất giọng văn của các bạn Tàu khựa, nhờ!
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA