Tinh khôi như búp sen

  • Thread starter VanChau
  • Ngày gửi
V

VanChau

Cao cấp
29/10/05
595
1
16
43
Ha Noi
www.prospace.com.vn
Tinh khôi như búp sen
(VietNamNet) - Những đứa trẻ ấy cũng có đứa như cu Đen, chưa bao giờ đến trường và cũng chưa bao giờ nghe câu Bác Hồ ví “Trẻ em như búp trên cành”, hay câu ca dao về bông sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chúng chưa biết vì có khi cha mẹ không nhắc, không biết hoặc không có cả cha mẹ để có thể được lắng nghe…



Bạn thân mến!



Bạn ở tận Nhật Bản, đất nước của hoa anh đào. Dịp hè bận bịu, không thể về quê, bạn cùng bốn, năm người bạn Việt Nam đi tàu hoả về những vùng quê nước Nhật, mua hoa, quà, sách vở, bút màu… tặng lũ trẻ. Bạn kể cho lũ trẻ nghe những câu chuyện thần thoại, cổ tích Việt Nam. Lũ trẻ Nhật cũng suýt xoa với cô Tấm, trầm trồ trước Thánh Gióng, bất bình và thương cảm cho cậu bé Tích Chu… Bạn gọi chuyến đi ấy là chuyến tàu cổ tích. Những chuyến đi mà bạn háo hức từ năm đầu sang du học cho tới giờ. Bạn bảo điều đẹp đẽ nhất là được ngắm những gương mặt thơ ngây. Trẻ em đất nước ấy tinh khôi như những đoá anh đào mới hé sớm mai vậy.


Hàng ngày cô bé có niềm vui thả thuyền giấy này vẫn ước mơ... Ảnh: Thu Hương


Mình hỏi bạn nghĩ trẻ em Việt Nam giống những đoá hoa gì? Bạn ngẫm nghĩ: Hoa đào à? Hay mai? À không… bạn lưỡng lự… rồi ngâm nga: “Trẻ em như búp trên cành”, nhưng phải là búp sen buổi sương mai là đẹp nhất.



Phải, đẹp tinh khôi như búp sen sương mai, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp, ở bất cứ gương mặt trẻ thơ nào. Từ những phận đời rất riêng.



Là cu Đen nhé. Cu Đen 13 tuổi nhưng người gầy đét, nhỏ thó bởi nó luôn phải nai lưng ra kéo hàng mớ rau quả theo bên người. Lúc đó trông nó giống một chú ốc sên chăm chỉ, cần mẫn chứ chẳng giống hoa gì hết. Nó là một trong những đứa trẻ bán sức lao động kiếm cơm trong khu chợ đầu mối luôn họp lúc 2, 3 giờ sáng này. Khả năng kéo hàng nhanh (do nó bé người, to miệng nên giỏi luồn lách) thì người lớn cả cái khu chợ đầu mối Hóc Môn cũng phải nể.

Chủ vựa thương cu Đen vì nó lang bạt một thân một mình từ những bến xe, lề đường, đánh giày, bán vé số, rồi dừng lại khu chợ này. Nó bảo nhà tui ở miền Tây, nhưng không có ai ở đó, người chết, người bỏ đi hết rồi. Tui cũng có cái tên là Quang, nhưng tên Đen hạp, vì tui đen, nên ai cũng gọi thế. Riết rồi không ai nhớ cái tên Quang. Mới gặp, nếu không phải là dân chợ này, có thể bạn sẽ khó chịu bởi thằng bé lúc nào cũng luôn miệng chửi thề, nói cộc lốc, mình trần, sẵn sàng trả miếng lại bất cứ ai khi không vừa ý. Nó có nước da đen, mắt một mí trông rất bướng. Đôi mắt ấy trong đêm sáng long lanh và tồi tội. Khi tôi bảo nó hôm nay là 1/6 đấy, nó vặc lại “1/6 là ngày chi?”, giải thích cho nó nghe, nó thở dài: “Sao tui không có ngày này vậy ta?”.





Mưu sinh với đời. Ảnh: Thu Hương
Một lần nó đạp phải túi tiền ai làm rơi hoặc bỏ quên trước vựa trái cây. Cu Đen thoáng hí hửng vì số tiền nhiều đến thế, toàn giấy (tiền) năm chục, một trăm ngàn. Chủ vựa bảo để bà giữ, không nói cho ai biết, và sẽ có phần cho nó. Thằng bé khựng lại, rồi dứt khoát đòi “Phải trả người ta chứ, Tết nhứt mà mất tiền là nhà họ mất Tết”. Bà chủ vựa “thoả thuận” không xong, sợ nó “báo công an” như nó nói đành phải trả. Người đánh rơi là một chủ sạp trái cây, khách quen, nghe thông báo nhận lại được tiền mà không tin nổi. Bà một mực gọi nó là con, bảo con bà bằng tuổi nó, đang bệnh, tiền này là tiền hàng vừa mới đòi nợ được để đưa thằng nhỏ vào bệnh viện chữa trị. Cho tiền, nó không lấy, bảo con bà cần tiền để chữa bệnh, đừng nghĩ ngợi chi. Cu Đen thì sau đó phải nghĩ ngợi mãi, không tin nổi vài ngày sau nó bị nghỉ việc vì không nghe lời.



Là Tư kem nhé. Trước đây nhà nó có một cái xe đạp để hàng ngày đạp xe mười mấy cây số đi lấy kem bán theo ba nó, nên mới có cái tên ấy. Về sau chiếc xe truyền từ đời cha sang đời con ấy hỏng mất, chỉ còn là đống sắt vụn, nó lại theo mẹ đi vác mì (củ sắn) thuê cho người ta mỗi vụ thu hoạch. Thu nhập cả nhà nó sáu miệng ăn, trung bình mỗi tháng không quá 500.000 đồng.



Nhà khó khăn là thế nhưng ba mẹ nó nhất định không cho nghỉ học, bởi “Học mới nên thân, mới lên bờ mở mày mở mặt được”. Cả ba lẫn má chỉ nói thế, và chỉ có thể nói thế. Bởi trong nhà, chỉ có nó rành rẽ cộng, trừ, nhân, chia nhất. Cái nhà nó ở là một cái bè cá, vừa là nơi buôn bán, giao lưu… không rộng quá 30m2. Cái "nhà - bè " ấy di động, tránh gió tránh bão theo mùa, tuyềnh toàng, thông thống, nhưng đã là nơi chui vào, chui ra cho tất cả hai thế hệ gia đình nó suốt 15 năm nay.



Có lần, một đoàn các nhà hảo tâm về phát học bổng khuyến học cho học sinh Bà Hào - Suối Tượng (Mã Đà, Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Quà của họ là chiếc xe đạp hoặc suất học bổng có giá trị bằng ngần ấy. Tư kem nằng nặc đòi xe đạp, không muốn nhận tiền. Hỏi ra mới biết, lấy tiền về “con đưa cho má hết, rồi cũng không dư ra nổi khi nhà nghèo độ ấy, lấy xe về má con con có xe chở mì đỡ cực”. Nghe câu trả lời mà mắt ai cũng cay cay. Với rất nhiều đứa trẻ ở Mã Đà, chiếc xe đạp là gia tài ngoài mơ ước, bởi hàng ngày chúng vẫn phải cuốc bộ đi học mươi, mười lăm cây số là bình thường. Sang hè lại nai lưng bẻ xoài, vác nặng. Tới mùa nhổ mì, vác nặng… Chiếc xe đạp vẫn lấp lánh ước mơ lũ trẻ…



Hằng ngày, buổi tối Tư kem vẫn bày cho Út Tâm, em gái nó học dưới ánh đèn dầu tù mù. Con bé chưa vào lớp 1 đã vẽ đẹp, viết đẹp. Hỏi nó: “Sao con không tô màu cho bức tranh đẹp thêm?”, rồi nhận ra mình vô tình khi nó đâu có những cây bút chì màu trong tay. Thế nhưng khi chào cả nhà ra về, con bé chạy theo dúi vào tay tôi cây bút bi khá đẹp: “Cô quên cây bút này này”. Bảo cho nó, con bé lắc đầu ngại ngùng, chỉ khi bị nài nỉ và có sự đồng ý của má nó mới sung sướng nhận lấy.


Khám bệnh cho các bé ở Mã Đà nhân ngày 1/6. Ảnh: Thành Tiến


Và nữa, những cô bé, cậu bé trong một lần tôi gặp khi đi cùng đoàn bác sĩ phát thuốc, khám bệnh miễn phí, cũng ở Mã Đà. Thuốc đưa về, vài tháng sau tái khám, bác sĩ hỏi thăm, có đứa mới ngại ngần: “Nhà con không ai biết đọc cái giấy ghi thuốc uống”, mà những gì bác sĩ chỉ dặn một lần nên nó lỡ quên. Có đứa hồn nhiên nói với bạn: “Mày có hai viên thuốc vàng vàng, đỏ đỏ đẹp thế, cho tao một viên, không thì đổi cũng được”. Đoàn bác sĩ tình cờ nghe, tá hoả vì sự hồn nhiên đổi chác của lũ trẻ. Có “bài học kinh nghiệm”, các bác sĩ phải dặn dò thật kĩ lũ trẻ, phải nhớ uống thuốc và không được… đổi thuốc, cho thuốc.


Nhưng cũng những đứa trẻ hồn nhiên ấy, chưa quá chín tuổi đã là “trợ thủ” lao động cho ba mẹ những lúc nghỉ học. Những cô bé, cậu bé không có khái niệm nghỉ hè, nghỉ mát… khi mùa hè kề bên. Chúng chỉ có thể thơ ngây mà nói rằng: “Bọn con nghỉ tới tháng 9 đi học lại. Thời gian đó con lên rẫy mần (làm việc) giúp má”.



Chỉ trong một khu chợ, hoặc một vùng đất nhỏ thôi đấy bạn ạ. Lũ trẻ ấy, có đứa đã thấy hoa sen, có đứa chưa thấy. Ai nói với nó rằng nó giống hoa sen, búp sen hẳn nó sẽ rất ngạc nhiên và chỉ tin mình lem nhem, đen nhẻm như… củ sen mà thôi.



Những đứa trẻ ấy cũng có đứa như cu Đen, chưa bao giờ đến trường và cũng chưa bao giờ nghe câu Bác Hồ ví “Trẻ em như búp trên cành”, hay câu ca dao về bông sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chúng có thể cũng chưa biết vì cha mẹ không nhắc, không biết hoặc không có cả cha mẹ để có thể được lắng nghe…



Nhưng bọn trẻ vẫn lớn lên hồn nhiên, trong lành đến vậy. Chúng hệt những búp sen trong sương mai, bạn nhỉ. Chỉ thương cuộc đời của chúng và n hiều đứa trẻ khác nữa, liệu cứ long đong, vất vả, tuổi thơ bị "đánh cắp" mãi như vậy sao. Liệu xã hội, người lớn chúng ta, bạn, tôi, có cách gì giúp chúng?

Mai Anh

(Sưu tầm)
 
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA