Công văn 4215 Tổng cục thuế đặt mình lên trên pháp luật?

  • Thread starter Khuatquangthin
  • Ngày gửi
Khuatquangthin

Khuatquangthin

0034APC
Doanh nghiệp ấm ức

Việc cơ quan thuế không giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo đúng qui định của pháp luật không chỉ xảy ra ở Tây Ninh mà tại các tỉnh thành khác cũng có nhiều trường hợp tương tự.

Tại TP.HCM, chúng tôi đã liên hệ với nhiều doanh nghiệp nằm trong danh sách không được giải quyết hoàn thuế GTGT, thời gian ngắn thì một năm, dài thì từ 2-3 năm. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp này đều e ngại, cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm” nên không dám phát ngôn chính thức (đều xin giấu tên và địa chỉ công ty).

Song cũng có những trường hợp mà doanh nghiệp không thể nào né tránh “đụng chạm” mãi được, bởi sự nhùng nhằng giữa các công ty này và cơ quan thuế không còn nằm ở phạm vi giải quyết nội bộ giữa một cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp mà đã trở thành những vụ tranh chấp, không tự giải quyết được nên phải kéo nhau ra toà án.

Điển hình là vụ củaChi nhánh Công ty cổ phần Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Nam Hà (CN Nam Hà) tại TP.HCM. Cuối năm 2006 vừa qua công ty đã bị Cục Thuế TP.HCM ra quyết định truy thu thuế GTGT, phạt một lần thuế GTGT và phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực thuế đối với CN Nam Hà, với số tiền hơn 2,67 tỷ đồng, vì cho rằng chi nhánh công ty này sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của một đã bỏ trốn.

Cụ thể, tháng 02/2003 CN Công ty Nam Hà đã kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào tờ hoá đơn có ký hiệu BV/02-B số 55763 lập ngày 28/02/2003, do Công ty TNHH TM-DV-TH Nam Định phát hành. Trị giá hàng hoá chưa thuế gần bằng 13,4 tỷ đồng, số tiền thuế GTGT tương đương 1,34 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Quảng Trị, Công ty TNHH TM-DV-TH Nam Định không có hàng hóa tại cơ sở kinh doanh, kê khai hàng hoá mua vào, bán ra có dấu hiệu không trung thực và doanh nghiệp này đã bỏ trốn khỏi địa bàn kinh doanh.

Do vậy, ngày 24/11/2006 Cục Thuế TP.HCM đã phát hành Quyết định xử lý số 9198/QĐ-XPVP với nội dung như sau: Căn cứ vào Công văn số 4215/TCT-PCCS ngày 18/11/2005 của Tổng cục Thuế về việc xử lý vi phạm đối với các hành vi mua, bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, quyết định truy thu thuế GTGT đối với CN Nam Hà khoảng 1,34 tỷ đồng, đồng thời phạt bằng số tiền truy thu (tương đương 1,34 tỷ đồng), và phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng. Tổng cộng gần 2,7 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, mặc dù xử lý vụ việc này vào thời điểm cuối năm 2006 và căn cứ theo Công văn 4215 ra đời ngày 18/11/2005 nhưng các cán bộ của Cục thuế TP.HCM lại sực nhớ đến tờ hoá đơn GTGT mà CN Nam Hà đã kê khai thuế đầu vào từ hơn 3 năm trước đây (từ 14/3/2003) và mời giám đốc lên lập biên bản vi phạm. Sử dụng văn bản của tháng 11/2005 để xử lý một hành vi đã thực hiện từ tháng 3/2003 thì liệu có hợp pháp và đúng thẩm quyền?

Bức xúc, Chi nhánh Công ty Nam Hà đã kiện Cục Thuế TP.HCM ra Tòa Hành chính (Tòa án nhân dân TP.HCM).

“Chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về sổ sách kế toán, hợp đồng kinh tế, chứng minh hàng hóa là có thực với chứng từ nhập kho, xuất kho và tồn kho... chỉ thiếu duy nhất một chứng từ thanh toán là phiếu thu, phiếu chi do bị thất lạc sau 3,5 năm lưu trữ. Tuy nhiên, Cục Thuế TP.HCM đã không công nhận toàn bộ nghiệp vụ kinh tế phát sinh này, mà đã tiến hành xử lý bằng việc truy thu và phạt ẩn lậu thuế GTGT, chúng tôi không chấp nhận kiểu xử lý như vậy” - Đại diện CN Nam Hà cho hay.

Cục Thuế TP.HCM thua kiện

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện này vị thẩm phán cũng đã nhận định, việc Cục Thuế TP.HCM căn cứ vào Công văn 4215 để không khấu trừ thuế GTGT cho Chi nhánh Công ty Nam Hà là không đúng với quy định của pháp luật, những hành vi vi phạm (nếu có) của doanh nghiệp đối tác của Chi nhánh Công ty Nam Hà không thuộc trách nhiệm của công ty này.

Hơn nữa, Cục thuế TP.HCM không thể xử lý một hoạt động kinh tế phát sinh từ tháng 3/2003 dựa trên một công văn mới phát hành vào cuối năm 2005. Kết quả, Cục Thuế TP.HCM thua kiện.

Mới đây, một doanh nghiệp khác tại TP.HCM (Công ty TNHH Viễn thông - Tin học Thuận Khánh, địa chỉ 648 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) cũng đã tuyên bố sẽ kiện cơ quan quản lý thuế, nguyên nhân cũng vì “ông”... 4215.

Theo đại diện Công ty Thuận Khánh, Cục Thuế TP.HCM và Chi cục Thuế quận Bình Thạnh căn cứ vào Công văn 4215 để ra quyết định không chấp thuận đơn khiếu nại của công ty. Cụ thể, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho rằng doanh nghiệp đối tác (mua - bán hàng) của Thuận Khánh vi phạm pháp luật về hóa đơn GTGT, quyết định sử phạt và truy thu thuế đối với công ty Thuận Khánh. Công ty này khiếu nại lên Cục Thuế TP.HCM nhưng cơ quan này không chấp thuận đơn khiếu nại của công ty.

Ông Phạm Quốc Thuận, Giám đốc Công ty Thuận Khánh cho biết, trong quá trình hoạt động kinh doanh, công ty ông đã tuân thủ theo các quy định của Luật Thương mại, đồng thời thực hiện đầy đủ các yêu cầu về hợp đồng kinh tế, hóa đơn GTGT (mua vào, bán ra), phiếu thu, phiếu chi, phiếu xuất kho, nhập kho và hệ thống sổ sách kết toán hợp lệ…

“Chúng tôi không có quyền và chức năng kiểm tra các doanh nghiệp mua/bán hàng với mình có vi phạm pháp luật về hóa đơn GTGT hay không, do vậy không thể vì lỗi của doanh nghiệp khác mà chúng tôi phải gánh chịu hậu quả” - ông Thuận nói. Để giải oan, ông Thuận cho hay công ty ông sẽ đâm đơn lên Tòa án Nhân dân TP.HCM để khởi kiện cơ quan thuế vì quyết định sử phạt và truy thu thuế đối với công ty ông.

"Hung thần" 4215

Có thể nói, dây dưa đến cơ quan thuế là điều mà không có doanh nghiệp làm ăn chân chính nào mong muốn. Song vì sao doanh nghiệp lại tỏ ra bức xúc với “hung thần” 4215 như vậy?

Theo giới doanh nhân, Thông tư số 41/2004/TT-BTC ngày 18/5/2004 của Bộ Tài chính nêu rõ, các cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế khi có vi phạm tại Điều 1, Nghị định 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004 của Chính phủ. Và Thông tư số 61/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính có quy định, các cá nhân, tổ chức chỉ bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế khi có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đã được quy định tại các luật thuế, pháp lệnh về thuế và nghị định quy định hướng dẫn chi tiết thi hành các luật thuế, pháp lệnh về thuế tại Chương XII, Luật Quản lý thuế và Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ.

Như vậy, việc áp dụng nội dung công văn 4215/TCT-PCCS để “xử” doanh nghiệp như trên phải chăng cơ quan thuế đã đặt công văn của ngành mạnh hơn cả các văn bản quy phạm pháp luật?

Bên cạnh đó, theo Quyết định 218/2003/QĐ-TTg ngày 28/10/2003 và Quyết định số 76/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ thì Tổng cục Thuế có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý thuế; đề xuất, tham gia việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thuế; và tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định này liệu Tổng cục Thuế có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xử lý vi phạm về thuế? Và liệu công văn 4215 có sai quy định, vượt quá thẩm quyền?
 
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA