Mình tặng các bạn cái này để tham khảo xây dựng thang, bảng lương. Hi vọng hữu ích:
Một số khái niệm:
Thang lương: dùng để xác định quan hệ tỷ lệ về tiền lương giữa những công nhân cùng nghề khi họ đảm nhiệm những công việc có mức độ phức tạp khác nhau.
Mỗi thang lương gồm các bậc lương nhất định và các hệ số lương phù hợp với các bậc lương ấy.
Thông thường, số bậc của thang lương và hệ số lương giữa các bậc phụ thuộc vào đặc điểm sản xuất (mức độ phức tạp công việc, trình độ lành nghề công nhân, yếu tố trách nhiệm, điều kiện lao động).
Hệ số mức lương: chỉ rõ rằng lao động của công nhân bậc nào đó phải được trả cao hơn mức lương tối thiểu bao nhiêu lần.
Bội số thang lương: là sự so sánh giữa bậc cao nhất và bậc thấp nhất trong một thang lương, hay nói cách khác mức lương công nhân bậc cao nhất cao gấp mấy lần bậc thấp nhất (bậc 1)
Mức lương: là số lương tiền tệ được quy định để trả công lao động trong một đơn vị thời gian (giờ, ngày, tháng) phù hợp với các hệ số trong thang lương.
Bảng lương: cũng như thang lương có số bậc và hệ số lương nhưng áp dụng chủ yếu cho cán bộ chuyên môn nghiệp vụ trong doanh nghiệp, cho một số công việc mà mức độ thành thạo (chênh lệch giữa các bậc) chủ yếu dựa vào yếu tố thâm niên nghề. Ví dụ như lái xe, lái tàu, vận hành, điều hành hệ thống điện, thợ lặn, nhân viên bưu chính viễn thông...
Quy định hiện hành về hệ thống thang lương, bảng lương trong các công ty Nhà nước.
- Ngày 14/12/2004, Chính phủ có Nghị định số 205/2004/NĐ-CP quy định hệ thống thang lương, bảng lương trong các công ty Nhà nước gồm các đối tượng:
- Công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh
- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban Kiểm soát
- Tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng.
- Viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành, phục vụ.
(Chi tiết cụ thể tham khảo thêm Nghị định 205/2004 NĐ-CP, ở đây chỉ giới thiệu những điểm cơ bản để hiểu khi vận dụng đối với doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)).
1- Bảng lương chuyên gia cao cấp và nghệ nhân:
Đối với chuyên gia cao cấp có 3 bậc lương:
- Hệ số lương: 7,00 – 7,50 – 8,00
Mức lương từ 1/10/2004: 2.030 – 2.175 – 2.320 ngàn đồng
Đối với nghệ nhân có 2 bậc lương:
- Hệ số lương: 6,25 – 6,75
Mức lương từ 1/10/2004: 1.812,5 – 1.957,5 ngàn đồng
2- Bảng lương của Tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng
Được thiết kế theo lương chức vụ, mỗi chức danh có 2 bậc lương theo hạng doanh nghiệp:
Đối với Tổng công ty có 2 dạng:
- Tổng công ty đặc biệt và tương đương
- Tổng công ty và tương đương
Đối với Công ty có 3 hạng: hạng I, hạng II và hạng III
- Cao nhất là Tổng giám đốc Tổng công ty đặc biệt và tương đương có 2 bậc lương với hệ số là 7,85 và 8,2
- Thấp nhất là kế toán trưởng Công ty hạng III có 2 bậc lương với hệ số là 4,33 và 4,66.
3- Bảng lương viên chức chuyên môn nghiệp vụ: gồm có 4 chức danh
- Chuyên viên cao cấp, kinh tế viên cao cấp, kỹ sư cao cấp : có 4 bậc lương: 5,58 – 5,92 – 6,26 – 6,60
- Chuyên viên chính, kinh tế viên chính, kỹ sư chính: có 6 bậc: 4,0 – 4,33 – 4,66 – 4,99 – 5,32 – 5,65
- Chuyên viên, kinh tế viên, kỹ sư: có 8 bậc: 2,34 - 2,65 – 2,96 – 3,27 – 3,58 – 3,89 – 4,2 – 4,51
- Cán sự, kỹ thuật viên: 12 bậc: bậc 1: hệ số 1,80; bậc 12: 3,89
4- Bảng phụ cấp chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng
Đối với chức danh này, theo quy định chỉ hưởng lương chuyên môn nghiệp vụ và cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hạng công ty.
- Hệ số phụ cấp : cao nhất là Tổng công ty hạng đặc biệt:
+ Trưởng phòng hệ số 0,7
+ Phó phòng hệ số 0,6
- Thấp nhất công ty hạng III
+ Trưởng phòng hệ số 0,3
+ Phó phòng hệ số 0,2
5- Thang lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh:
a) Thang lương 7 bậc: áp dụng cho 12 ngành, mỗi ngành có 3 nhóm (I, II, III) ví dụ:
Ngành chế biến lâm sản:
Nhóm I: chế biến dầu thảo mộc, trang trí bề mặt gỗ : 7 bậc lương với hệ số lương các bậc là: 1,45 – 1,71 – 2,03 – 2,39 – 2,83 – 3,34 – 3,95
Nhóm II: sản xuất cót ép, mây tre, trúc, chế biến cánh kiến đỏ : 7 bậc lương với hệ số là: 1,55 – 1,83 – 2,16 – 2,55 – 3,01 – 3,56 – 4,20
Nhóm III: cưa xẻ máy, mộc máy, mộc tay, chạm khảm, khắc gỗ, sản xuất ván dăm, ván sợi, gỗ dán với hệ số lương các bậc: 1,67 – 1,96 – 2,31 – 2,71 – 3,19 – 3,74 – 4,9
b) Thang lương 6 bậc: dùng cho các ngành chế biến lương thực, thực phẩm; dệt, thuộc da, giầy may; nông nghiệp thuỷ lợi, thuỷ sản; lâm nghiệp; xây dựng; dầu khí; khai thác hầm lò, ví dụ:
Ngành dệt, thuộc da, giả da, giầy may: chia 3 nhóm theo mức độ nặng nhọc và tính phức tạp của công việc:
Nhóm I: hệ số lương các bậc là : 1,55 – 1,85 – 2,22 – 2,65 – 3,18 – 3,8
Nhóm II: 1,67 – 2,01 – 2,42 – 2,9 – 3,49 – 4,2
Nhóm III: 1,78 – 2,13 – 2,56 – 3,06 – 3,67 – 4,4
6- Bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh
Gồm 15 loại khác nhau:
Ví dụ: Bảng lương công nhân viên sản xuất điện (đối với trưởng ca vận hành các nhà máy điện, kỹ sư điều hành hệ thống điện) có 5 bậc lương, các bậc có hệ số lương tăng đều là 0,4: 4,00 – 4,40 – 4,8 – 5,2 – 5,6
Đối với công nhân lái xe: có 4 bậc và chia 6 loại :
Loại 1: xe con : 2,18 – 2,57 – 3,05 – 3,60
Loại 6: xe tải, xe cẩu 40 tấn trở lên: 3,2 – 3,75 – 4,39 – 5,15
Quy định và hướng dẫn xây dựng thang, bảng lương đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI:
Được vận dụng, áp dụng thang, bảng lương theo quy định đối với công ty Nhà nước
Nếu doanh nghiệp tự xây dựng thang lương, bảng lương thì theo quy định tại điều 57 của Bộ Luật lao động, Thông tư 13 - 14/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể là:
Điều 57 Bộ Luật lao động: “ khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, người sử dụng lao động phải thảm khảo ý kiến BCH công đoàn cơ sở, thang lương, bảng lương phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động và công bố công khai trong doanh nghiệp.
Thông tư 13 và 14/2003?TT hướng dẫn: Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, tiêu chuẩn cấp bằng kỹ thuật, công nhân, chức danh tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, viên chức làm cơ sở ký kết HĐLĐ và thoả ước lao động tập thể, xác định quỹ lương, trả lương và giải quyết các chế độ khác cho người lao động.
Xây dựng thang, bảng lương phải đảm bảo nguyên tắc:
- Thang lương, bảng lương được xây dựng cho lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo công việc và ngành nghề được đào tạo.
- Bội số của thang lương, bảng lương là hệ số mức lương cao nhất của người lao động có trình độ quản lý chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao nhất so với người có trình độ thấp nhất.
- Số bậc, thang lương, bảng lương phụ thuộc vào mức độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc đòi hỏi, khoảng cách của bậc lương liền kề phải đảm bảo khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ các tài năng tích luỹ, kinh nghiệm.
- Mức lương bậc 1 của thang lương, bảng lương phải cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Mức lương của nghề hoặc công việc độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại nguy hiểm phải cao hơn mức lương của nghề hoặc công việc có điều kiện lao động bình thường.
- Gần đây, Nghị định 03/2006/NĐ-CP ngày 06/01/2006 của Chính phủ cũng quy định cụ thể cho doanh nghiệp FDI là : mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu quy định cho doanh nghiệp FDI hiện nay./.