Tại sao trên báo cáo lãi lỗ (P/L) không còn chỉ tiêu doanh thu xuất khẩu nữa?
Chế độ kế toán 1141 được xây dựng từ năm 1995, cái thời mà khái niệm về kế toán vẫn còn lờ mờ giữa thống kê và kế toán. Yêu cầu về công khai thông tin tài chính hồi đó chủ yếu là phục vụ cho thống kê các chỉ tiêu ngành chứ không mang tính rộng rãi ra công chúng như ngày nay (cho dù ngày nay, tính công khai thông tin tài chính vẫn còn mang nặng tính hình thức). Để vẽ lên bức tranh về tình hình tài chính của doanh nghiệp, chỉ tiêu về doanh thu hàng xuất khẩu không phải là nét vẽ chính và cũng không phải là những nét tô màu hay nói cách khác, việc công bố thông tin này không mấy ý nghĩa trong xu thế nền kinh tế hiện nay, khi mà hoạt động thương mại không còn gói gọn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Thông tin này có thể là quan trọng với một số người đọc BCTC nhưng nói chung không phải là mối quan tâm của đông đảo quần chúng.
Theo thông lệ và chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính thì doanh nghiệp cũng không có nghĩa vụ phải công bố thông tin này và đương nhiên, nguyên tắc xây dựng chuẩn mực kế toán của VN cũng dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế.
Trong nội bộ doanh nghiệp, việc phải phân định các loại doanh thu theo khu vực địa lý là quan trọng và cần thiết nhưng đó là công tác kế toán cung cấp thông tin cho việc quản trị nội bộ doanh nghiệp chứ không phải là cho mục tiêu báo cáo tài chính thông thường nên việc chế độ không yêu cầu không có nghĩa là kế toán không quan tâm đến vấn đề đó.
Tại sao TSCĐVH không còn mục chi phí thành lập doanh nghiệp nữa?
Cái này đơn giản vì xuất phát từ quy định mới về tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định vô hình. Xem lại các quy định của chế độ kế toán trước đây (tài liệu đào tạo và chế độ kế toán - tài chính) có thể thấy khái niệm về tài sản cố định vô hình không rõ ràng và người ta chỉ bám vào cái khái niệm “không có hình thái vật chất” của chế độ mà phân các khỏan chi phí lớn và có vẻ liên quan đến hơn một kỳ kế toán là TSCĐVH. Ngày nay, chi phí thành lập doanh nghiệp rõ ràng là không thoả mãn các tiêu chí để được ghi nhận là tài sản cố định vô hình, tiêu biểu nhất là khoản chi này không thoả mãn điều kiện về việc mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai hay có thể thu hồi khoản chi phí này trong tương lai (một doanh nghiệp được thành lập và việc nó có tiếp tục hoạt động trong một thời gian ít nhất là 1 năm tới hay không hoàn toàn không phụ thuộc vào các khoản chi phí để thành lập doanh nghiệp đó).
Giờ người ta (chế độ) cho phép phân bổ dần khỏan chi phí trên, đấy là cách phù phép để làm đều kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và bạn có thể thắc mắc là việc không khấu hao mà thay vào đó là phân bổ thì khác gì nhau nhưng thực tế là có khác vì khỏan mục này không có khả năng trao đổi trên thị trường như là tài sản cố định, nếu doanh nghiệp thanh lý thì chi phí đó không thể mang đi thanh lý như là TSCĐ VH.