VI. Xử lý vi phạm về quản lý thu BHXH , BHYT bắt buộc.
1. Các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH:
1.1. Đối với người sử dụng lao động và người lao động:Không đóng, đóng không đúng thời gian quy định, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH.
1.2. Đối với tổ chức BHXH: Cố tình gây khó khăn hoặc cản trở việc tham gia BHXH, BHYT, phiền hà nhũng nhiễu đối với người sử dụng lao động và người lao động.
2. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm về đóng BHXH nêu tại tiết 1.1, điểm 1, mục này, ngoài việc phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải đóng số tiền lãi do chưa đóng, chậm đóng.
2.1. Các trường hợp tính lãi: Trừ số tiền 2% người sử dụng lao động được giữ lại và số tiền phải đóng BHYT trong kỳ, còn lại tất cả số tiền chưa đóng, chậm đóng đều phải tính lãi.
2.1.1. Thời điểm tính: Sau ngày thứ 30 kể từ ngày hết hạn phải đóng BHXH.
2.1.2. Lãi suất tính: Theo tỷ lệ (%) lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm.
2.1.3. Công thức tính: L= D x (K/365) x t
Trong đó:
+ L: Số tiền lãi phải nộp do chưa đóng, chậm đóng.
+ D: Số tiền chưa đóng, chậm đóng thuộc các trường hợp phải tính lãi.
+ K: Tỷ lệ lãi suất của hoạt động đầu tư quỹ BHXH trong năm.
+ t: Số ngày chưa đóng, chậm đóng phải tính lãi.
Ví dụ: Đơn vị A chưa đóng, chậm đóng số tiền 100 triệu đồng (D), lãi suất của hoạt động đầu tư quỹ BHXH trong năm là 8,4%/năm (K). Thời gian đóng chậm, đóng thiếu phải tính lãi là 60 ngày (t).
Như vậy, Số tiền lãi chưa đóng, chậm đóng của đơn vị là L = 100.000.000 x 8,4%/365 x 60 = 1.380.822 đồng.
2.2. Các trường hợp không tính lãi:Các khoản tiền BHXH chậm đóng do Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu hoặc sửa đổi chế độ tiền lương hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định nâng lương chậm, nâng lương có thời hiệu trở về trước ngày ban hành quyết định.
2.3. Số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng được nộp vào quỹ BHXH mở tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.