NHNN kiểm soát lạm phát????

  • Thread starter seprain
  • Ngày gửi
S

seprain

Guest
16/10/04
19
0
0
Hà Nội
seprain có thắc mắc nho nhỏ..........tại sao NHNN lại chọn kiểm soát lạm phát bằng việc tăng dự trữ bắt buộc nhỉ??? vì khi đó sẽ làm thu hẹp tín dụng----> sản xuất bị thu hẹp-----> cung giảm mà cầu vẫn tăng đều đều----> thế thì có mà lạm phát lại cằng tăng thêm ấy chứ???
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
G

Gia Linh

Guest
30/1/05
357
2
0
24
VN
Bạn định nghĩa thế nào là lạm phát, bạn sẽ thấy giải pháp đó của NHNN là giải pháp tích cực nhất trông hệ thống các giải pháp kiểm soát lạm phát.
 
M

minhphuong123

Guest
22/10/05
7
0
0
39
hanoi
Dự trữ bắt buộc là một trong những công cụ của chính sách tiền tệ mà NHNN sử dụng để tác động lên lượng tiền cung ứng trong nền kinh tế , đúng không nhỉ?( bao gồm | nghiệp vu thị trường mở, lãi suất tái chiết khấu và dự trữ bắt buộc).
Theo em thì nhìn vào công thức số nhân tiền hì có thể thấy nguyên căn của tác động của dự trữ bắt buộc đối với lượng tiền Ms trong nền kinh tế .
Tuy nhiên theo đánh giá chủ quan của em ( thực ra cúng là sách vở nói thôi) thì công cụ này có tác động tức thời đến Ms nhưng lại rất "tốn kém"---> không phải công cụ hữu hiệu nhất , mà có lẽ công cụ hữu hiệu nhất phải là OMO mới đúng.
 
lequanghuy

lequanghuy

Giang hồ lãng tử
8/4/05
1,107
9
38
Hải Phòng
Việc khuyến khích gửi tiền vào ngân hàng và hạn chế phát hành nhiều tiền trong lưu thông là biện pháp hữu hiệu đẻ kiểm soát lạm phát của ngân hàng.
 
M

minhphuong123

Guest
22/10/05
7
0
0
39
hanoi
Phát hành tiền tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao , điều này thì em đồng ý.
Phát huy vai trò tạo tiền của hệ thống ngân hàng thương mại để kiểm soát lượng tiến trong lưu thông em cũng đổng ý.
Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay cả hai điểu này có vẻ không khả thi lắm.
 
lequanghuy

lequanghuy

Giang hồ lãng tử
8/4/05
1,107
9
38
Hải Phòng
Còn có nhiều cách kiểm soát lạm phát hữu hiệu các bạn tham khảo trong tài liệu " lý thuyết tài chính tiền tệ " hay " tín dụng và thanh toán trong kinh doanh" nhé.
 
L
ổn định Lạm Phát: Cái Giá Phải Trả

Tôi đã từng đọc bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Tp HCM hiện ông còn tham giảng dạy chương trình giảng dạy kinh tế của trường Fulbright (Chương trình hợp tác giữa Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvarda vào của Đại học).
Một bài nghiên cứu rất hay năm 2004 những tôi hiểu rằng đặt trong bối cảnh hiện nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Tôi xin mạn phép trích đăng bài viết này cho moị người tham khảo.

ỔN ĐỊNH LẠM PHÁT: CÁI GIÁ PHẢI TRẢ

TS. Nguyễn Trọng Hoài

Ổn định lạm phát là một vấn đề cực kỳ quan trọng, bởi lẽ lạm phát là một trong những chỉ tiêu vĩ mô đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế bên cạnh các chỉ tiêu tăng trưởng và thất nghiệp. Khi giá dầu thô trên thế giới lên gần tới 50 USD/thùng cộng với vài sự kiện đã tích lũy từ trong quá khứ như dịch SARS, cúm gia cầm . . . thì lạm phát trở thành một vấn đề gây tác động thực sự từ chính phủ cho đến những người dân thông thường. Trong 9 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã lên tới 8,6%, dựa trên mức tăng CPI hàng tháng trung bình là 0,6 % thì dự báo chỉ số CPI của năm nay có thể lên xấp xỉ 10%. Theo dự báo của Thứ trưởng Tài chánh Nguyễn Ngọc Tuấn thì lạm phát cả năm có thể dao động từ 10 – 12%, con số nhạy cảm này vượt quá dự kiến lạm phát của quốc hội đề ra là 5%. Lạm phát lại càng trở thành vấn đề thời sự của Việt Nam từ nay cho đến cuối năm 2004 khi bóng ma lạm phát ba con số vào những năm 1980 vẫn còn ám ảnh trong tâm khảm nhiều người. Nỗi lo tăng giá của dân chúng và chức năng ổn định lạm phát của chính phủ vì thế đã trở thành một chủ đề nhạy cảm và nóng bỏng.
Lạm phát: lý thuyết và thực tiễn


Lạm phát là sự gia tăng liên tục (persistent) của mức giá chung (price level) trong nền kinh tế (Dermot McAleese, 2002). Như vậy sự tăng giá của một vài mặt hàng cá biệt nào đó trong ngắn hạn ngoài thị trường thì cũng không có nghĩa đã có lạm phát. Các nhà kinh tế thường đo lạm phát bằng hai chỉ tiêu cơ bản là CPI (Consumer price index) và chỉ số khử lạm phát GDP (GDP deflator). Cách tính thứ nhất sẽ dựa trên một rổ hàng hóa tiêu dùng (goods basket) và giá cả của những hàng hóa trong rổ ở hai thời điểm khác nhau. Còn cách tính thứ hai thì căn cứ vào toàn bộ khối lượng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong một năm và giá cả ở hai thời điểm khác nhau, thông thường theo ngôn ngữ thống kê là giá cố định (constant price) và giá hiện hành (current price). Về cơ bản thì hai cách tính này không có sự khác biệt lớn. Phương pháp GDP deflator sẽ tính lạm phát chính xác hơn theo định nghĩa của lạm phát. Tuy nhiên CPI sẽ có ưu điểm là tính được lạm phát tại bất kỳ thời điểm nào căn cứ vào rổ hàng hóa, còn GDP deflator thì chỉ tính được lạm phát của một năm sau khi có báo cáo về GDP của năm đó.

Như vậy, những thông tin về thước đo lạm phát đến dân chúng hàng ngày chủ yếu được tính từ phương pháp CPI. Nhưng CPI lại không thể đo lạm phát một cách chính xác bởi nó bị tác động bởi hai yếu tố gây sai lệch. Những yếu tố gây sai lệch này chủ yếu đến từ rổ hàng hóa được qui định trước. Sai lệch cơ cấu (composition bias) vì rổ hàng hóa chậm thay đổi, nó không bao gồm những hàng hóa tiêu dùng mới phát sinh nhưng được đa số người tiêu dùng sử dụng. Ví dụ ở TP.HCM khi mọi người đều có mobile phone, giá của mặt hàng này đang giảm theo thời gian nhưng nó lại không nằm trong rổ hàng hóa. Sai lệch thứ hai là sai lệch thay thế (substitution bias), khi giá cả một loại hàng hóa nào đó trong rổ gia tăng, dân chúng sẽ chuyển sang tiêu dùng mặt hàng hóa thay thế với giá rẻ hơn. Ví dụ khi thịt gà trở nên mắc hơn do dịch cúm thì người tiêu dung sẽ chuyển sang ăn cá biển với mục đích là cung cấp chất đạm cho cơ thể. Từ hai sai lệch trên chúng ta nhận thấy rằng, nếu tính lạm phát từ CPI thì có thể dẫn đến một dự báo lạm phát quá mức (overstated inflation) vì những mặt hàng trong rổ đang tăng giá còn những mặt hàng ngoài rổ lại đang giảm giá.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ (Boskin và cộng sự, 1995) thì CPI đã dự báo lạm phát cao hơn mức lạm phát thực tế trung bình 1,1% so với cách tính GDP deflator. Tại Việt Nam, khi CPI đang tăng gần 10 % tính đến cuối tháng 9 năm nay nhưng chính phủ và Ngân hàng nhà nước vẫn cho rằng lạm phát cơ bản vẫn ở mức kiểm soát được và đưa ra con số thấp hơn là 3% cho 06 tháng đầu năm. Điều này có thể lý giải rằng CPI đã tính cao hơn so với thực tế ở một mức độ nào đó và cách tính của chính phủ cũng như Ngân hàng nhà nước dựa vào một thước đo cơ bản hơn. Tuy nhiên đừng vội lạc quan và đổ thừa cho những yếu tố làm sai lệch lạm phát từ chỉ tiêu CPI. Trong rổ hàng hóa tính CPI tại Việt Nam thì hàng lương thực - thực phẩm chiếm 48%, các mặt hàng này thực sự đã tăng giá khá cao trong những tháng vừa qua. Ví dụ như chỉ số giá lương thực đã tăng trên 10% do thất bát vụ mùa ở miền Trung, thu hoạch lúa muộn ở miền Bắc, giá thực phẩm tăng cao hơn do dịch cúm gia cầm (theo số liệu 5 tháng đầu năm thì giá lương thực tăng 10,9%, giá thực phẩm tăng 12,6 %). Chỉ số giá hàng lương thực thực phẩm tăng cao như vậy có tác động rất sâu sắc đến đời sống dân chúng vì những người dân có thu nhập thấp chi tiêu cho lương thực thực phẩm có khi lên đến 70% trong tổng chi tiêu. Nỗi lo tâm lý về lạm phát từ phía công chúng ngoài nguyên nhân lịch sử thì nguyên nhân khác có lẽ đã bắt đầu từ đây và ổn định lạm phát là một nhiệm vụ quan trọng đặt nặng trên vai chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Chỉ ổn định lạm phát khi biết nguyên nhân gây ra nó

Ổn định lạm phát là một hành vi của chính phủ và Ngân hàng Nhà nước điều trị cho một nền kinh tế khi có lạm phát xảy ra. Muốn bình ổn hiệu quả thì nên tìm ra những nguyên nhân của lạm phát và từ đó có những liệu pháp thích hợp. Điều cần khẳng định ở đây là không có liệu pháp nào hoàn hảo, mọi liệu pháp bình ổn lạm phát đều có cái giá phải trả của nó, vấn đề là chính phủ đang theo đuổi một chiến lược phát triển vĩ mô nào?

Có ba loại lạm phát chủ yếu trong nền kinh tế. Loại lạm phát thứ nhất là lạm phát tiền tệ (monetary inflation). Loại lạm phát này xảy ra khi tốc độ tăng trưởng cung tiền vượt quá tốc độ tăng trưởng thực sự của nền kinh tế. Đơn giản hơn là tiền trong lưu thông tăng nhanh hơn số lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế. Ví dụ như tốc độ tăng trưởng cung tiền là 10% nhưng tốc độ tăng trưởng thực của nền kinh tế 7% thì lạm phát tiền tệ là 3%. Loại lạm phát này thường xảy ra tại các nước đang phát triển khi các nước này theo đuổi cơ chế áp chế tài chính (Financial repression) hoặc trong trường hợp quốc gia đang theo đuổi chính sách tiền tệ mở rộng. Áp chế tài chính là tình trạng ngân hàng trung ương tài trợ cho thâm hụt ngân sách chính phủ bằng cách in tiền, quá nhiều tiền trong lưu thông vượt quá tốc độ tăng trưởng thực sẽ dẫn đến lạm phát. Chính sách tiền tệ mở rộng sẽ kích thích tổng cầu hang hóa dịch vụ trong nền kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng tổng cầu cao hơn tốc độ tăng trưởng tổng cung, thì cũng dẫn đến lạm phát.

Lạm phát thứ hai là lạm phát cầu kéo (Demand pull – inflation). Loại lạm phát này xuất phát từ sự thay đổi hành vi tổng cầu mang tính đột biến trong nền kinh tế. Các nguyên nhân có thể là do chính phủ chi tiêu quá mức khi thực hiện chính sách thu chi ngân sách mở rộng, hoặc tăng chi tiêu tiêu dùng quá mức bình thường do khu vực hộ gia đình quá lạc quan, hoặc do khu vực hộ gia đình có nguồn thu nhập từ trên trời rơi xuống (winfalls) như viện trợ nước ngoài, thu nhập do giá cả xuất khẩu tăng đột biến . . .

Loại lạm phát thứ ba là lạm phát chi phí đẩy (cost push – inflation). Lạm phát chi phí đẩy là loại lạm phát do thu hẹp tổng cung hoặc do các doanh nghiệp buộc lòng phải nâng cao giá bán sản phẩm vì những lý do bất lợi. Khác với hai loại lạm phát trên, thì loại lạm phát này chủ yếu đến từ phía cung và nguyên nhân chủ yếu từ xuất phát từ hiện tượng tăng chi phí sản xuất không mong đợi từ phía các doanh nghiệp. Tăng chi phí không mong đợi từ phía doanh nghiệp tạo ra những cú sốc tổng cung bất lợi. Công nhân đình công đòi tăng lương ở diện rộng, giá nguyên liệu gia tăng đột biến, thảm họa tự nhiên làm đình trệ hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp là những ngòi nổ của loại lạm phát này.

Khi giá dầu thô tăng từ 30 USD lên 50 USD / thùng sẽ dẫn đến chi phí sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp khác đều tăng theo. Ví dụ giá phân bón, thuốc trừ sâu, giá vận chuyển, giá sắt thép và cement sẽ tăng lên do giá nhiên liệu tăng và chi phí sản xuất lúa của nông dân sẽ tăng lên là điều hiển nhiên. Phản ứng dây chuyền này sẽ làm cho doanh nghiệp đứng trước hai lựa chọn, hoặc đóng cửa nếu giữ giá bán như cũ, hoặc tăng giá nếu muốn giữ nguyên sản lượng như cũ. Việc đóng cửa doanh nghiệp sẽ làm thiếu hụt hàng hoá so với cầu và kéo theo tăng giá chung trong nền kinh tế và lạm phát xảy ra. Việc tăng giá ở nhiều doanh nghiệp sẽ dẫn đến lạm phát vì tăng giá diện rộng sẽ làm tăng mức giá chung trong nền kinh tế. Hệ quả là nền kinh tế sẽ rơi vào một tình trạng tồi tệ mà các nhà kinh tế học gọi là “Đình đốn - lạm phát” (Stagflation) vì vừa có thất nghiệp do cắt giảm sản lượng và vừa có lạm phát do tăng mức giá chung.

Ổn định lạm phát và giá phải trả

Khi biết được đích xác nguồn gốc của từng loại lạm phát thì việc chữa trị nó là điều khả thi. Tuy nhiên, trong từng phương thuốc kê đơn cho căn bịnh lạm phát bao giờ cũng có tác dụng phụ. Có nghĩa là không có một chính sách ổn định lạm phát nào hoàn chỉnh và lý tưởng cả.

Lạm phát tiền tệ có thể được kiểm soát bằng một chính sách tiền tệ thắt chặt (tighten monetary policy) và chính sách thu chi ngân sách nghiêm ngặt (contrationary fiscal policy). Tuy nhiên nếu theo đuổi chính sách này quá liều lượng thì mục tiêu tăng trưởng và việc làm sẽ khó đạt được. Đơn giản là bởi vì chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ hướng tới thu hẹp tín dụng trong nền kinh tế và làm cho giá trị đồng tiền trong nước cao hơn so với đồng tiền nước ngoài. Một khi đồng tiền trong nước bị lên giá như vậy sẽ làm giảm trình độ cạnh tranh ngoại thương và làm cho cán cân ngoại thương bị thâm hụt. Ngoài ra, khi thu hẹp tín dụng cũng sẽ làm cho lãi suất trong nước gia tăng và như vậy chi phí đầu tư tăng hơn trước do đó sẽ làm giảm nhiệt tình mở rộng chi tiêu đầu tư. Hơn nữa, trong khi khống chế lạm phát thì đòi hỏi chính phủ phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu bằng các giải pháp tăng thuế thu nhập, giảm chi tiêu. Tăng thuế làm giảm nhiệt tình làm việc và giảm chi tiêu đầu tư khu vực doanh nghiệp. Giảm chi tiêu chính phủ sẽ có khả năng giảm chi tiêu phát triển và điều này làm chậm tăng trưởng của những nước đang phát triển trong quá trình công nghiệp hóa.

Lạm phát nào có khả năng xảy ra cho Việt Nam?

Theo ba cách mô tả ba loại lạm phát nói trên thì khả năng lạm phát tại Việt Nam từ đây đến cuối năm là lạm phát chi phí đẩy (cost push inflation). Lý do đơn giản là các nguyên nhân gây ra lạm phát chủ yếu từ phía cung. Giá dầu thô trên thế giới tăng lên từ 27USD/thùng đến 50USD/thùng trong 9 tháng đầu năm có thể là một tác động chủ yếu. Cho dù người ta mong đợi giá dầu thô trên thế giới có thể êm dịu hơn, nhưng đó là điều khó và phải mất thời gian. Mọi người không còn nghi ngờ gì nữa về ảnh hưởng của cú sốc giá dầu thô vì chính phủ đã buộc lòng điều chỉnh giá xăng tiêu dùng từ 6000đồng lên 7000đồng/lít. Dữ liệu về giá xăng dầu tại Việt Nam cũng như tại các nước khác trên thế giới đã chứng minh rằng sự điều chỉnh giá này chỉ theo xu hướng tăng lên chứ ít bao giờ giảm. Cúm gia cầm cũng là một nguyên nhân về phía cung gây ra lạm phát chi phí đẩy, khi giảm nguồn cung về thực phẩm gà trong ngắn hạn làm dân chúng dịch chuyển cầu dưới tác động thay thế (substitute effect) sang các loại thực phẩm khác, sự dịch chuyển cầu sang các sản phẩm khác làm cho cung các loại sản phẩm này thiếu hụt tương đối so với cầu và dẫn đến tăng giá. Trong hai nhân tố tác động đến khía cạnh cung ở đây thì giá dầu thô gây ảnh hưởng nhiều nhất trong việc gây ra lạm phát của các nước trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Dự báo diễn tiến lạm phát chi phí đẩy

Theo Viện Dầu mỏ Pháp (Institute of France Petroleum - IFP) cho rằng rất khó có trường hợp giá dầu quay lại mức giá dưới 30 USD/thùng. IFP nêu ra ba kịch bản về giá dầu thô trên thế giới. Kịch bản thứ nhất dự báo giá dầu có thể giảm một chút so với hiện nay (từ 35 – 40 USD/thùng) khi mà tình hình của Venezuela trở nên bình ổn, xuất khẩu dầu Iraq trở lại bình thường, vụ Jukos ở Nga và tình hình các nước tiểu vương quốc Ả Rập được dàn xếp ổn thỏa. Kịch bản thứ hai có thể xảy ra một cú sốc dầu như thời kỳ 1979-1982 khi mà các tình hình chính trị nước xuất khẩu dầu nói trên trở nên lộn xộn và giá dầu thô có thể lên đến 80USD/thùng vào cuối năm khi mùa đông đến. Kịch bản thứ ba là một kịch bản nhiều quốc gia mong đợi là giá dầu thô trở về mức 30USD/thùng khi Mỹ, Trung Quốc, các nước Châu Âu hạ nhiệt về chiến lược nhập khẩu dầu. Ba kịch bản trên đều có xác suất xảy ra, nhưng căn cứ vào diễn biến kinh tế chính trị phức tạp như hiện nay thì kịch bản thứ hai vẫn có xác suất xảy ra cao hơn và lúc đó lạm phát các nước trên thế giới sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Như vậy, nỗi lo lạm phát không chỉ riêng Việt Nam mà còn bao hàm cả những nước cực kỳ phát triển như Nhật và các nước Châu Âu.

Giá phải trả cho lạm phát “chi phí đẩy”

Kỳ vọng về một nền kinh tế tăng trưởng cao là mong đợi của tất cả các quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, điều hiển nhiên ở đây là hầu hết các nước đều tăng trưởng chậm hơn khi giá dầu thô tăng cao. Hai lý do dẫn đến hậu quả giảm sút tăng trưởng khi có sốc giá dầu. Đầu tiên xuất phát từ hệ quả của bàn thân lạm phát chi phí đẩy đã nói ở trên, đó là giảm sản lượng hang hóa từ phía cung. Kế đến là hệ quả từ chính sách chống lạm phát từ phía chính phủ. Chính phủ sử dụng các công cụ tiền tệ và thu chi ngân sách thắt chặt có khả năng bình ổn lạm phát nhưng giá phải trả ở đây là nền kinh tế sẽ thất nghiệp cao hơn vì chi tiêu đầu tư và tiêu dùng ít hơn vì lãi suất và mức thuế áp dụng vì chống lạm phát cao hơn. Bằng chứng về hai cú sốc dầu thô giai đoạn 1972-1973 và 1979-1980, thất nghiệp tại Mỹ cho hai giai đoạn này là tăng lên so với trước đó là khoảng 6% và 7% và ở các nước EU là 3% và 6%, và cho dù sau khi giá dầu bình ổn cũng như kiểm soát được lạm phát thì thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng lên ít nhất cho 3 đến 4 năm sau đó. Theo dự báo của chuyên gia kinh tế hàng đầu của ADB, ông Ifzal Ali cho rằng GDP Châu Á sẽ tăng trưởng chậm hơn 0,8% nếu giá dầu tăng đến mức 40USD/thùng và 1,1% nếu giá dầu tăng đến mức 50USD/thùng (xem cụ thể bảng 1). Ngoài ra theo cơ quan Năng lượng quốc tế (International Energy Agency) cũng dự báo rằng chỉ với mức giá dầu thô 35USD/thùng thôi thì tăng trưởng GDP các nước Châu Phi sẽ giảm 3%, Nhật 0,4%, Mỹ 0,2% và các nước EU giảm 0,5%.

Bảng 1: Dự báo sút giảm tăng trưởng vì sốc dầu thô

40 USD/thùng 50 USD/thùng

Trung Quốc 0,8% 1,1%

Ấn Độ 0,8% 1,2%

Thái Lan 3,1%

Philippines 2,6%

Cả khu vực châu Á 0,8% 1,1%

Nguồn: ADB (2004)

(còn nữa)
 
L
(tiếp theo)

Thảo luận về các giải pháp bình ổn lạm phát chi phí đẩy

Cho dù cú sốc dầu vào thời điểm này được giả thuyết rằng không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam khi nó được bù vào bằng lợi ích lượng dầu thô xuất khẩu hàng năm đã lên tới đỉnh điểm (khoảng 17 triệu tấn / năm 2003) thì theo dự báo của Bộ Công nghiệp thì đến năm 2013 Việt Nam sẽ chính thức trở thành một nước nhập khẩu năng lượng. Điều này càng làm cho các nhà làm chính sách phải có những liệu pháp cân nhắc khi sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế cột chặt vào sự biến động của giá năng lượng thế giới.

Neo tỉ giá (Exchange rate anchor) là một giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện. Rất phấn khởi khi nghe đến việc mất giá đồng tiền qua tỉ giá giữa VNĐ/USD chỉ biến động 0,2% trong 7 tháng đầu năm cho dù đồng tiền mệnh giá 100.000 bằng Polyme đã được phát hành. Trong khi đó thì bản thân đồng USD đang mất giá và giá cả hàng hóa dịch vụ và đặc biệt là giá vàng bên ngoài tăng mà mọi người đều có thể cảm nhận được. Cố định tỉ giá trong điều kiện như vậy có khả năng bình ổn lạm phát nhưng cái giá phải trả ở đây là vô hình trung chúng ta nâng giá đồng tiền VNĐ vốn dĩ giá trị nó đã cao khi chúng ta theo đuổi cơ chế tỉ giá thả nổi có quản lý (managed float). Hệ quả là trình độ cạnh tranh với các nước khác bị sút giảm trong điều kiện Việt Nam đang nhập siêu khoảng 6 tỉ USD (trong năm 2003, mức thâm hụt này đã chiếm gần 13,5% GDP của Việt Nam). Ngoài ra khi cố định tỉ giá và lãi suất chậm thay đổi thì suất sinh lợi của việc giữ USĐ cũng không còn hấp dẫn. Hệ quả là mọi người dân trong nước có tiền đổ hết vào đầu cơ bất động sản khi mà giá đất và nhà đắt gần bằng với Nhật Bản khi thu nhập Việt Nam chỉ bằng 2% so với họ. Lạm phát càng khó bị kiểm soát khi mà khối lượng tiền trong dân chúng sẽ tăng khi nhà nước thực hiện cách thanh toán lương mới (mỗi tháng chi thêm hàng ngàn tỉ đồng từ tháng 10 trở đi).

Chính sách tiền tệ thắt chặt được thực hiện bình ổn lạm phát. Trong tháng 7 - 2004, Ngân hàng Nhà nuớc đã tăng dự trữ bắt buộc từ 2% đến 5% đối với VNĐ và từ 4% đến 8% đối với ngoại tệ nhằm kiểm soát tín dụng trong nền kinh tế. Tuy nhiên tăng dự trữ bắt buộc trong điều kiện lãi suất tín dụng cũng như lãi suất tiền gởi chậm thay đổi sẽ làm tăng chi phí của hệ thống ngân hàng thương mại. Chưa kể sức ép của dân chúng yêu cầu một mức lãi suất tiền gởi danh nghĩa cao hơn khi họ nghĩ rằng có lạm phát trong nền kinh tế. Hiện nay tốc độ tăng trưởng tín dụng đã cao hơn tốc độ huy động tiền gởi. Lúc này hệ thống ngân hang thương mại đứng trước nguy cơ tính về mặt hiệu quả vì lãi suất tín dụng không tăng được và chi phí cho dự trữ bắt buộc và lãi suất tiền gởi tăng lên. Giả thuyết rằng Ngân hàng Nhà nước cho phép hệ thống ngân hàng thương mại gia tăng lãi suất tín dụng theo thị trường thì điều này sẽ làm cản trở đầu tư của khu vực doanh nghiệp. Như vậy, thắt chặt tiền tệ có thể bình ổn lạm phát nhưng nguy cơ về sự phát triển bền vững hệ thống tài chính cũng như cản trở đầu tư khu vực tư nhân là cái giá phải trả. Thắt chặt tiền tệ ngoài ra cũng làm tăng lãi suất trong nền kinh tế. Bằng chúng là khi Mỹ tăng lãi suất cơ bản trong tháng 8 lên 0,25% và tiếp tục tăng trong tháng 9 cùng mức như vậy. Điều này làm nền kinh tế Mỹ trong quí III tăng trưởng chậm hơn quí II 1,5%.

Giảm thuế nhập khẩu hoặc áp dụng giá trần (price ceiling) cho các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón cũng có thể tạm thời bình ổn được lạm phát. Thông thường hai công cụ này được chính phủ áp dụng đồng thời cho một loại hang hóa chiến lược nào đó. Ví dụ việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ kèm theo giá xăng dầu được chỉ đạo bởi chính phủ. Thuế nhập khẩu xăng dầu thấp hơn nhưng giá xăng bán ra thị trường cũng thấp hơn giá trị của nó (xăng tại Thái Lan 21 bạt/lít tương đương 8000 đồng/lít, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ bán với giá 7000đồng/lít). Một phép tính đơn giản cũng biết chắc rằng chính phủ hàng ngày chi ra hàng tỉ để ổn định lạm phát. Mức thuế thấp hơn sẽ làm thất thu ngân sách trong điều kiện những khoản chi bắt buộc vẫn tồn tại. Hệ quả là khoản vay nợ trong và ngoài nước sẽ tăng lên đáng kể. Ngoài ra khi duy trì một mức giá thấp hơn cân bằng thị trường thì sẽ có hiện tượng cầu vượt cung, điều này tất yếu dẫn đến một thị trường chợ đen và nạn đầu cơ xăng dầu.

Có lẽ có quá nhiều công cụ để chính phủ có thể bình ổn lạm phát chi phí đẩy. Tuy nhiên, trong thực tế hầu như không có một giải pháp nào hoàn hảo. Cho dù lạm phát là một chủ đề nhạy cảm với mọi người. Cho dù ở Việt Nam cũng như các nước đã phát triển khác đều có nỗi ám ảnh về một nền kinh tế siêu lạm phát. Chúng ta vẫn phải nhìn thẳng vào một thực tế rằng: khắc phục lạm phát luôn luôn có giá phải trả nếu lạm phát đã thực sự xảy ra. Áp dụng neo tỉ giá quá mức sẽ dẫn đến mất cạnh tranh ngoại thương. Thắt chặt tiền tệ quá liều lượng sẽ dẫn đến một hệ thống ngân hàng mong manh, giảm nhiệt tình đầu tư của khu vực tư nhân. Giảm thuế trong điều kiện chi ngân sách không thể kiểm soát thì có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng nợ nước ngoài. Áp dụng giá trần là một công cụ phi thị trường và dễ tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ trục lợi. Các hệ quả này dẫn đến chi phí đánh đổi của nền kinh tế khi khắc phục lạm phát là tăng trưởng chậm hơn, thất nghiệp nhiều hơn. Nói như thế thì không có nghĩa là nên làm ngơ với lạm phát mà hãy nhìn nhận lạm phát đang ở mức độ nào, thuộc loại nào để từ đó chính phủ và các nhà chính sách có những liệu pháp thích hợp nhưng không chủ quan để tiến đến ổn định nền kinh tế.
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA