Tính giá thành cho công ty dược phẩm

  • Thread starter Kế Toán Già Gân
  • Ngày gửi
Kế Toán Già Gân

Kế Toán Già Gân

Già mà ham
Đặc điểm ngành sản xuất dược phẩm: Dược phẩm là loại hàng hoá đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược phẩm không chỉ phải đáp ứng mục tiêu lợi nhuận mà phải đáp ứng cả mục tiêu y tế và mục tiêu xã hội. Do đặc thù của sản phẩm dược nên việc tổ chức sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm cũng có những nét khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp sản xuất khác. Quá trình sản xuất sản phẩm dược đòi hỏi các điều kiện môi trường sản xuất khắt khe, theo những tiêu chuẩn nhất định về vệ sinh, không khí, độ ẩm, nguồn nước… để bảo đảm cho thuốc sản xuất ra không bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng.

Qui trình sản xuất sản phẩm dược cũng có những đặc thù khác biệt so với các ngành sản xuất khác. Sản xuất sản phẩm dược được tiến hành theo các lô sản xuất. Kích cỡ mỗi lô sản xuất cũng rất đa dạng tuỳ thuộc vào loại thuốc và tuỳ thuộc vào khả năng tiêu thụ. Thời gian của mỗi lô sản xuất cũng khác nhau tuỳ thuộc vào loại thuốc sản xuất, thuốc viên chỉ từ 1 đến 2 ngày nhưng thuốc tiêm phải 2 tuần do phải kiểm tra chỉ tiêu chất lượng vi sinh vật. Để tránh sự lây nhiễm chéo, thông thường tại một thời điểm chỉ có một lô sản xuất trên một dây chuyền sản xuất. Đặc thù của quá trình sản xuất sản phẩm dược là bất cứ một lô sản xuất nào cũng cần kiểm nghiệm chất lượng cả trong và sau quá trình sản xuất.

Phương pháp tính giá thành sản xuất sản phẩm trong các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm hiện nay là phương pháp chi phí thực tế cho từng loại sản phẩm với kỳ tính giá thành là theo tháng hoặc theo quí. Phương pháp này có nhược điểm là không cung cấp kịp thời các thông tin về giá phí sản phẩm sản xuất cho các nhà quản lý. Hơn nữa, đối tượng tính chi hiện nay là từng loại sản phẩm sản xuất chưa thật sự phù hợp với đặc điểm qui trình công nghệ sản xuất sản phẩm dược cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm soát chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm. Để đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin cho quản trị doanh nghiệp và phù hợp với đặc điểm qui trình công nghệ sản xuất sản phẩm dược, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nên xác định đối tượng tính giá thành là từng lô sản xuất và áp dụng phương pháp chi phí thông thường để tính giá thành sản xuất sản phẩm .

Tính giá thành sản xuất sản phẩm theo phương pháp xác định chi phí thông thường
Để áp dụng phương pháp chi phí thông thường, trên cơ sở dự toán chi phí sản xuất chung hàng năm, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm sẽ xác định được tỷ lệ phân bổ chi phí sản xuất chung ước tính cho các sản phẩm sản xuất. Vấn đề đặt ra là cần xác định cơ sở hợp lý để phân bổ chi phí sản xuất chung cho các sản phẩm. Việc sử dụng chi phí nguyên vật liệu trực tiếp hoặc chi phí nhân công trực tiếp để phân bổ chi phí sản xuất chung như hiện nay trong các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm không đáp ứng được mục đích của kế toán quản trị chi phí vì nó không phản ánh đúng mức chi phí phí sản xuất chung mà lẽ ra các sản phẩm phải gánh chịu. Việc phân bổ chi phí sản xuất chung cho từng lô sản xuất trong các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nên đổi mới như sau:

+Trong quá trình sản xuất các sản phẩm dược có rất nhiều chi phí phục vụ sản xuất với mức độ liên quan theo phạm vi lô sản xuất. Thí dụ như các chi phí kiểm nghiệm dược phẩm, chi phí làm vệ sinh thiết bị dụng cụ sản xuất, chi phí đóng gói lô sản xuất… Tuy nhiên, trong số các khoản chi phí này chỉ có chi phí kiểm nghiệm dược phẩm là có thể theo dõi tách biệt được dễ dàng nhất, do mỗi doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đều có bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm riêng. Mỗi lô dược phẩm sản xuất đều phải kiểm tra chất lượng cả trong quá trình sản xuất và trước khi nhập kho thành phẩm với chi phí kiểm nghiệm không phải là nhỏ. Rõ ràng là chi phí kiểm nghiệm dược phẩm không phụ thuộc vào chi phí nguyên vật liệu trực tiếp hay chi phí nhân công trực tiếp sản xuất sản phẩm mà phụ thuộc số lô sản xuất. Do chi phí của bộ phận kiểm nghiệm dược phẩm hoàn toàn có thể theo dõi tách biệt nên cần dự toán tách biệt phần chi phí này trong chi phí sản xuất chung và xác định tỷ lệ phân bổ ước tính cho từng lô sản xuất trong kỳ trên cơ sở tổng số lô sản xuất ước tính trong kỳ, theo công thức sau:

Tỷ lệ phân bổ chi phí kiểm nghiệm dược phẩm ước tính = Tổng chi phí kiểm nghiệm dược phẩm ước tính/Số lượng lô sản xuất ước tính.

Đối với phần chi phí sản xuất chung còn lại (được lập dự toán và theo dõi tách biệt cho từng phân xưởng, và từng dây chuyền sản xuất), tiêu thức phân bổ chi phí cho từng lô sản xuất sẽ là số giờ máy hoạt động của từng lô sản xuất (nếu phân xưởng sử dụng nhiều máy móc thiết bị) hoặc số giờ lao động trực tiếp (nếu phân xưởng sử dụng nhiều nhân công). Sở dĩ cần áp dụng linh hoạt tiêu thức số giờ máy hoạt động hoặc tiêu thức số giờ lao động trực tiếp làm tiêu thức phân bổ chi phí sản xuất chung, thay vì phân bổ theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp như hiện nay tại các doanh nghiệp dược phẩm là do thực tế hiện nay trình độ và năng lực của các doanh nghiệp dược không đồng đều. Tại các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm qui mô lớn, chi phí sản xuất chung chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng chi phí sản xuất sản phẩm dược và trong chi phí sản xuất chung tỷ trọng chi phí khấu hao tài sản cố định không phải là nhỏ. Để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trên thị trường dược phẩm, các doanh nghiệp dược phẩm ngày càng phải đầu tư nhiều máy móc thiết bị hiện đại, điều kiện nhà xưởng theo đúng tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) của các nước ASEAN cũng như WHO. Với một dây chuyền sản xuất thuốc hiện đại đạt tiêu chuẩn ASEAN, các doanh nhiệp sản xuất dược phẩm phải đầu tư tổi thiểu khoảng 20 tỷ đồng. Chính vì vậy, sử dụng tiêu thức chi phí nguyên vật liệu trực tiếp hay chi phí nhân công trực tiếp để phân bổ chi phí sản xuất chung đều không hợp lý. Phần chi phí sản xuất chung còn lại (sau khi tách riêng chi phí kiểm nghiệm dược phẩm) nên được phân bổ cho các lô sản xuất theo mức độ sử dụng tài sản cố định là số giờ máy hoạt động. Tỷ lệ phân bổ phần chi phí sản xuất chung này được xác định như sau:

Tỷ lệ phân bổ chi phí sản xuất chung (ngoại trừ chi phí kiểm nghiệm dược phẩm) ước tính = Tổng chi phí sản xuất chung (ngoại trừ chi phí kiểm nghiệm dược phẩm) ước tính/Tổng số giờ máy ước tính.

Chi phí sản xuất chung (ngoại trừ chi phí kiểm nghiệm dược phẩm) phân bổ cho lô sản xuất = Số giờ máy của lô sản xuất x Tỷ lệ phân bổ chi phí sản xuất chung (ngoại trừ chi phí kiểm nghiệm dược phẩm) ước tính.


+ Bên cạnh các doanh nghiệp dược phẩm được đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất hiện đại, vẫn còn khá nhiều các doanh nghiệp dược phẩm sử dụng các thiết bị còn lạc hậu, và sử dụng nhân công là chủ yếu. Tại các công ty này, tiêu thức hợp lý để phân bổ chi phí sản xuất chung là số giờ lao động trực tiếp với phương pháp phân bổ giống như phân bổ theo số giờ máy hoạt động như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên khi các công ty này đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất dược phẩm, thì cần xem xét thay đổi tiêu thức phân bổ chi phí sản xuất chung cho hợp lý.

Tính giá thành cho từng lô sản xuất
Việc tính giá thành sản phẩm theo từng lô sản xuất là sự vận dụng linh hoạt phương pháp xác định chi phí theo công việc. Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm có qui trình công nghệ sản xuất theo lô và kết thúc hoàn toàn lô sản xuất này thì mới bắt đầu một lô sản xuất mới, mỗi lô sản xuất đòi hỏi sự theo dõi nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như định mức nguyên vật liệu. Chính vì vậy, nhằm tăng cường việc kiểm soát chi phí sản xuất trong các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, cần thiết phải tính giá thành sản phẩm theo từng lô sản xuất.

Với đối tượng tính giá thành là từng lô sản xuất, chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ sẽ là tổng chi phí tập hợp được cho các lô sản xuất còn đang làm dở.

Để phục vụ cho việc tính giá thành sản phẩm theo lô sản xuất, kế toán tiến hành lập phiếu tính giá thành lô sản xuất. Phiếu tính giá thành lô sản xuất sẽ tổng hợp và cung cấp các thông tin chi tiết về các chi phí sản xuất trực tiếp cũng như chi phí chung phân bổ cho từng lô sản xuất.

Tổ chức kế toán
Để có thể tiến hành tính giá thành sản phẩm của từng lô sản xuất theo phương pháp chi phí thông thường như trình bày ở trên, về mặt tổ chức hạch toán cần tiến hành như sau:
+Về chứng từ kế toán, các chứng từ xuất nguyên vật liệu và theo dõi thời gian lao động, thời gian sử dụng máy cần chi tiết cho từng lô sản xuất như trình bày ở trên. Đây là cơ sở quan trọng để có thể hạch toán trực tiếp chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhân công cho từng lô sản xuất, cũng như có cơ sở để tiến hành phân bổ chi phí sản xuất chung cho từng lô sản xuất.

Về tài khoản kế toán, tài khoản 627 trước tiên cần được chi tiết thành 2 tài khoản cấp II, tài khoản 6271 – Chi phí kiểm nghiệm dược phẩm và tài khoản 6272 – Chi phí sản xuất chung khác sau đó mới tiếp tục mở chi tiết các tài khoản cấp III theo yếu tố chi phí để phục vụ cho mục đích phân bổ riêng 2 nhóm chi phí này theo hai tiêu thức phân bổ khác nhau cho từng lô sản xuất và cung cấp số liệu thực tế để đánh giá hiệu quả sử dụng từng loại chi phí đó.

Về phương pháp kế toán, để tính giá thành sản phẩm theo phương pháp chi phí thông thường cho từng lô sản xuất, việc hạch toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp cho từng lô sản xuất không có gì khó khăn và khác biệt so với kế toán tài chính. Tuy nhiên việc hạch toán chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung có những điểm khác biệt nhất định so với các hướng dẫn thực hiện kế toán tài chính hiện hành. Theo hướng dẫn thực hiện kế toán tài chính hiện hành chi phí nhân công trực tiếp bao gồm tiền lương và các khoản trích theo lương (phần được tính vào chi phí) của công nhân trực tiếp sản xuất và các khoản trích theo lương này không phải được tính theo tỷ lệ % nhất định so với tổng số tiền lương tính theo đơn giá giờ công của doanh nghiệp mà được tính theo tỷ lệ % với tiền lương cấp bậc, hoặc lương hợp đồng, tức là nó có tính ổn định qua các kỳ. Chính vì vậy, khó có thể hạch toán trực tiếp các khoản trích theo lương của công nhân sản xuất vào chi phí của từng lô sản xuất. Để có thể thực hiện được việc tính giá thành cho từng lô sản xuất, các khoản trích theo lương của công nhân sản xuất cần được hạch toán tách biệt khỏi chi phí nhân công trực tiếp, bằng cách hạch toán vào khoản mục chi phí sản xuất chung. Bên cạnh đó, do trong kỳ chi phí sản xuất chung được phân bổ cho từng lô sản xuất theo tỷ lệ ước tính từ đầu kỳ, nên thường sẽ phát sinh phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất chung thực tế phát sinh với phần chi phí sản xuất chung đã phân bổ. Phần chênh lệch này sẽ được hạch toán vào tài khoản 632 (nếu nhỏ) hoặc phân bổ cho các tài khoản 632, 155 và 154 (nếu lớn). Quá trình hạch toán này được khái quát qua sơ đồ sau:

Điều kiện thực hiện
Về phía doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, để có thể áp dụng được phương pháp xác định chi phí thông thường và tính giá thành cho từng lô sản xuất, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm phải tiến hành phân loại chi phí theo mối quan hệ với mức độ hoạt động cũng như khả năng qui nạp chi phí cho các đối tượng chịu phí, trên cơ sở đó sẽ tiến hành lập dự toán chi phí. Dự toán chi phí nên được lập tổng quát cho toàn doanh nghiệp trong một kỳ cũng như cần cụ thể cho từng lô sản xuất, đó sẽ là một trong những cơ sở để doanh nghiệp đánh giá hiệu quả sử dụng chi phí.

Có thể nhận thấy những đề xuất đổi mới phương pháp tính giá thành sản xuất sản phẩm trong các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm như trên sẽ làm tăng đáng kể khối lượng công việc kế toán so với hiện tại. Nhằm nâng cao tính khả thi của các đề xuất đổi mới này, cần có các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi và giảm nhẹ khối lượng công việc cho bộ máy kế toán. Trên phương diện lý luận, các phương pháp và kỹ thuật kế toán quản trị nội bộ không nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc của kế toán tài chính.

Tuy nhiên nếu để tồn tại song song hai phương pháp kế toán: phương pháp chi phí thực tế như hiện tại để phục vụ mục tiêu của hệ thống kế toán tài chính và phương pháp chi phí thông thường như đề xuất để phục vụ mục tiêu của kế toán quản trị chi phí thì cả các nhà quản trị doanh nghiệp và nhân viên kế toán đều cảm thấy ít có tính khả thi do quá cồng kềnh. Hơn nữa, cần khẳng định rằng, việc tính giá thành theo phương pháp chi phí thông thường không vi phạm các chuẩn mực kế toán về hàng tồn kho cũng như thông tin trên các báo cáo tài chính. Chính vì vậy, Bộ Tài chính (Vụ Chế độ kế toán và Tổng cục Thuế) cần có sự chấp thuận chính thức bằng văn bản đối với phương pháp chi phí thông thường trong hệ thống kế toán tài chính cũng như kế toán thuế, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp dược khi xây dựng và vận hành hệ thống kế toán quản trị chi phí.

Bên cạnh đó, việc hạch toán các khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn cho công nhân sản xuất, theo các hướng dẫn của kế toán tài chính hiện nay là tính vào chi phí nhân công trực tiếp, nhưng để có thể tính được giá thành cho từng lô sản xuất như đề xuất thì sẽ gây khó khăn cho công tác kế toán tại đơn vị. Tuy nhiên việc hạch toán các khoản này vào chi phí sản xuất chung cũng không phải là vi phạm các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán và cũng đã được hệ thống kế toán của nhiều nước áp dụng, như tại Mỹ và Anh. Hoặc tại Việt Nam, các đơn vị xây lắp cũng được phép hạch toán các khoản này vào chi phí sản xuất chung cũng xuất phát từ thực tế lập dự toán chi phí cho các công trình. Vì vậy, Bộ Tài chính cũng nên cho phép các doanh nghiệp dược, hạch toán các khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn cho công nhân sản xuất vào chi phí sản xuất chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế toán quản trị trong các doanh nghiệp.

Sưu tầm : Nguồn Diễn đàn ERP Việt Nam - by Finalstyles
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
P

putinvn

Guest
28/1/08
32
0
0
AG
www.finalstyles.com
Bài viết mình đang cần. Thank for your share
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA