Hãy chọn cách nào thông minh nhất và được chấp nhận nhất, con gái nhé

  • Thread starter kienls
  • Ngày gửi
Sự “khôn ngoan” kiểu con trẻ: đối phó
1. Bố đến lớp đón con sớm hơn mọi ngày. Gần đây hơn 5h chiều bố mới đến đón con, thấy cảnh con ngồi một mình một góc chẳng chơi với ai mà thấy tội. Nhìn thấy bố ngoài cửa lớp con cũng chẳng còn hét toáng lên và lao vào bố như mọi lần, chỉ dơm dớm nước mắt rồi lẳng lặng về góc lớp xách cặp ra bố. Gặng hỏi con mãi con nói lý do tại sao dạo này con buồn như vậy, con không nói gì. Bố hỏi cô giáo thì cô cho biết: tại con gái đợi bố lâu quá mà con gái thì không muốn lên lớp trên (lớp dành cho bé có phụ huynh đến đón muộn sau 5h). Thì ra là vậy.
2. Hôm nay bố đến đón con đúng giờ và bố sẽ cố gắng các lần sau cũng vậy, con gái ạ. Bố thích được nghe giọng con hồ hởi reo vang khi thấy bố ngoài cửa lớp, bố thích vòng tay bé xíu của con lao vào quàng cổ bố, bố thích nụ cười của con rạng rỡ trên môi, bố thích con vừa cười vừa khoe các bạn: bố tớ đến đón sớm tớ đấy, bố thích…thích nhiều nhiều nữa những gì làm con vui, con gái ạ..
Nhưng hôm qua đón con bố vui bao nhiêu thì nghe cô giáo nói chuyện của con thì bố lại thấy buồn bấy nhiêu. Cô kể cho bố nghe như lời kết tội con vậy: “bố Nam Anh biết không, hôm nay con gái đến giờ uống sữa uống rất nhanh, nhưng em thấy lạ là mọi lần con uống rất chậm vậy mà, kiểm tra lại thì hoá ra con vào nhà vệ sinh uống một tí rồi đổ hết sữa đi, thảo nào mà con uống nhanh thế, đấy bố thấy con gái bố chưa?”. Nghe cô nói vậy, bố chỉ có thể cười trừ: con trẻ mà….Lúc đó bố cúi xuống ôm con và hỏi: có phải vậy không con? Con không dám trả lời mà chỉ cúi mặt một lúc rồi “lảng” tránh câu trả lời bằng cách rất trẻ con: bố ơi, cái dép của con hôm nay cứ bị làm sao ấy, đi mãi không được? rồi con cúi xuống ra chiều sửa dép. Huuuuu. Bố xin lỗi cô như một lời nhận lỗi thay cho con rồi đưa con ra xe.
Con gái bảo bố phải làm thế nào đây?
3. Lên xe rồi, bố thấy giận trong lòng, muốn làm một cái gì đó để trút giận vào con. Rồi bố kìm lòng lại, bố thấy bố làm được vậy và làm như vậy là đúng. Giận thì quả là đáng giận lắm chứ, lỗi con rành rành ra đấy còn gì? bố có quyền và bố cho rằng bố được quyền giận con và được cái quyền ngoài quát nạt hay dạy dỗ con bằng lời nói nữa chứ? Yêu cho doi cho vọt…Nhưng bố đã không làm vậy, ít nhất là cho đến tận hôm nay bố cũng chưa phải làm vậy, dù có thể chỉ bằng những chiếc doi “báo”. Dọc đường về trong đầu bố phải đấu tranh và tìm ra cách giải quyết nào tốt nhất và có được sự đồng tình nhất của con, của mẹ con và cả bố cũng chấp nhận được. Bố nghĩ và thực hiện những gì bố vừa nghĩ đến. Bố đưa con đi thật chậm vừa đi bố vừa giải thích cho con nghe những cái chưa đúng của con vừa gợi mở cho con ý kiến riêng của con. Con vẫn chỉ lặng ngồi yên trên xe nghe và trả lời cầm chừng vừa dò xét ý bố, vừa thận trọng kiểu trẻ con. Bố gợi chuyện về các bạn trong lớp con, các bạn khoẻ mạnh, tóc dài, xinh đẹp. Ai cũng muốn chơi cùng các bạn ấy chứ mấy ai chơi cùng bạn nào yếu đuối gầy gò, con gái nhỉ. Rồi bố lại chuyển sang chuyện về cuộc sống, về những vất vả của bố mẹ khi đi làm, về tình yêu thương bố mẹ dành cho con, về việc dành dụm tiền để mua sữa cho con, rồi nhanh chóng khi biết con đã và đang nghe bố đi vào việc mà bố và con quan tâm: con biết không con gái, sáng nay khi con đi lớp, mẹ đã pha sẵn sữa cho con vậy mà con không uống, con biết không, cả cốc sữa đó nếu đổ đi thì thật đáng tiếc, và con biết ai đã phải uống cốc sữa đó của con không?. Đúng, không phải con, không phải bố…em Bi đấy con ạ. Em Bi con còn trẻ con lắm đâu biết thế nào là tiết kiệm, đâu biết thế nào là thừa, đâu biết thế nào là lãng phí, em con chỉ biết: nếu có sữa có thức ăn bố mẹ đưa cho thì em con sẽ cố ăn, cố uống. Bố mẹ chỉ có thể mong và mang lại điều tốt lành cho các con thôi mà. Con gái bố thì khác, con đã lớn rồi, có có cách từ chối những gì con không muốn như cách : đau bụng, rồi cách buồn tè, cách nói nước cam chua, cách con nhăn mặt như đau thực sự, cách con xoa xoa bụng khi cuối bữa ăn còn vài thìa….bố biết, mẹ biết. Đó là cách con đang thể hiện việc khó tiếp nhận những gì bố mẹ đang làm cho con. Nó giống như cách đối phó của người lớn vậy. Nhưng cách mà con làm hôm nay thì bố thấy bất ngờ. Có thể con chọn cách trẻ con mà theo con nghĩ là thông minh nhất, cách con chọn có thể những trẻ khác không nghĩ và làm được nhưng như bố nói: con hãy cố thông minh hơn những đứa trẻ khác nhưng đừng để chúng biết con thông minh hơn. Sắp đến nhà rồi, bố chợt thấy có mấy đứa trẻ chạc tuổi con đang tha thẩn ngoài đường: đấy con biết không, các bạn kia không có được một thìa sữa để được uống, được thưởng thức cái vị ngọt của sữa, các bạn ấy phải tự đi tìm cho mình cái ăn đấy, bố mẹ các bạn ấy đâu ư? họ cũng giống bố giống mẹ cũng đang đi kiếm tiền mua sữa cho con họ đấy. Vậy mà con thì sao, con đã mang cả những gì bố mẹ dành cho để đổ đi. (Câu này thật trùng hợp khi tối về mẹ con cũng nói như vậy.hì). Về đến cổng nhà, bố đã định nói với con như một giao kèo của 2 người lớn: bố sẽ không kể chuyện này với ai và chuyện này sẽ là bí mật của riêng bố con mình nhưng với một điều kiện: từ nay về sau bố sẽ không phải nghe bất cứ lời phàn nàn hay kể tội nào về con ở trường trong việc ăn uống. Ok? Bố tin là con sẽ OK ngay. Vậy mà bố không nói vậy, chỉ im lặng và buổi tối đó mẹ đã biết chuyện. Khi thấy con gái lấm lét nhìn bố và thấy cái bực mình, khó chịu của bố nhất là việc bố ra mệnh lệnh với con: nghiêm cấm không được xem hoạt hình trong 3 ngày. Thật khổ cho con gái và thật thấm đẫm những bài giảng của mẹ cho con trong cả buổi tối đó.
Nếu con muốn “đối phó” hãy chọn cách nào thông minh nhất và được chấp nhận nhát, Con nhé.
4. Mong con trưởng thành và khôn hơn lớn hơn, cả thể chất lẫn suy nghĩ, con gái ạ.
 
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA