Sự đời ăn uống

  • Thread starter TAT
  • Ngày gửi
TAT

TAT

Thành viên Tình Nguyện
6/8/05
1,014
11
0
45
Làng Cà
Có người bảo: lấy ăn để sống. Cũng có người nói: sống để mà ăn.

Đối với hạng người ăn để sống thì bất kể vật thực gì bỏ vào mồm mà không ngộ độc nguy hại là được.

Còn đối với hạng người sống để ăn thì cũng chẳng khác hạng người ở trên là bao nhiêu. Chỉ biết ăn và ăn. Thậm chí còn phàm phu tục tử hơn cả hạng người thứ nhất. Ăn lấy ăn để, cho cho đẫy miệng mới thôi.

Nhưng thú thực là trên đời này mấy kẻ không ăn mà sống đâu? Kiểu gì cũng phải ăn mới tồn tại và bốc phét với thiên hạ được.

Thiên hạ lắm kẻ sành ăn, lọc lõi trong cách ăn uống. Những người không mở mồm thốt ra thì nhiều lắm. Chỉ có vài người viết lách lại là nổi tiếng nhiều người biết mà thôi. Ông nhà văn Băng Sơn hay cố nhà văn Nguyễn Tuân là một ví dụ điển hình.

Tôi chẳng phải là kẻ sành ăn đúng điệu, cũng chẳng có cái tài múa bút như Nguyễn Tuân hay Băng Sơn. Có chăng chỉ là mỗi thứ biết 1 chút. Cũng bởi tính tham mà ra như vậy.

Mấy ông sành ăn đúng điệu thì chỉ chăm chăm tìm món ngon mà ăn. Không đúng điệu thì kiên quyết lắc đầu. Thậm chí uống nước lọc đun sôi thôi cũng cầu kỳ chẳng kém nem công chả phượng.

Còn mấy ông nhà văn lại văn hóa cái sự đời ăn uống thành ra VĂN HÓA ẨM THỰC. Mô tả món ăn khiến người đọc phải tứa nước miếng, mới ăn món ngon tức thì mà cứ ngỡ nó xa lạ lắm.

Tôi chỉ là hạng phàm phu. Cái gì cũng ăn được. Ngon cũng ăn mà dở cũng ăn. Ăn thanh cảnh lấy lệ cũng có. Ăn cho tới kỳ bội thực cũng có. Đến khi viết về ăn uống cũng chẳng dám lấy ngôn từ văn hoa mỹ miều gì. Chỉ dám dùng cái từ SỰ ĐỜI ĂN UỐNG ra mà kể thôi.

Ăn uống cho nhiều kiểu lắm. Và hình như kiểu nào cũng đúng, cũng có cái ngon riêng. Hạng dùi đục chấm mắm cáy cũng có kiểu sướng cái lỗ miệng của hạng dùi đục mắm cáy. Hạng nho nhã phong lưu cũng có cái tài biến nước trắng thành ra Thanh Thủy. Và cũng có hạng người ăn tuốt tuồn tuột. Ăn xong bỗ bụng thốt những câu xanh rờn: Ngon hoặc Đếch Ngon!!!

Cũng là thứ thịt chua lên men nhưng lại do vùng khác nhau làm, nó có cái vị riêng của nó. Ấy thế mà có người phát biểu: Thịt Chua Phú Thọ ăn kém xa Nem Chua Thanh Hóa quê tớ. Ối cái sự đời, thế nào cũng có người nói được. Và dĩ nhiên theo cái lý của họ là họ đúng trăm phần trăm.

Cái thằng ăn Mắm đi so sánh với vị mặn của Muối thì có khác đếch gì Thịt Chó chấm với Tương Bần hay Bánh Đúc chấm sốt Mayonnaise.

Cái Món Rượu Ngán đích thực phải gọi là Rượu Tiết Ngán. Cái con Ngán còn sống nguyên trong vỏ, dội qua nước sôi cho nó hơi tai tái là dùng dao tách ra bỏ vào bát rượu trắng. Mỗi thằng 1 bát rượu vừa nhai nhồm nhoàm cho máu huyết ứa ra thấm vào vị rượu mới ngon. Chứ đem hấp chín rồi dầm nát với rượu thì còn ra cái vị chết tiệt gì nữa.

Cá Rô Đồng nướng mọi phải nướng bằng thứ rơm nếp tươi còn oi nồng vị khói mới ngon và thấm vị đồng quê. Chứ nướng trên than hoa cho cháy vàng, thậm chí là nướng trên bếp gas, bếp điện thì còn gọi gì là nướng mọi?

Có cái món Bún Chả ăn ở đâu ngon cũng khiến nhiều người loay hoay mãi mà chẳng tìm ra được câu trả lời chính xác. Ngon hay dở tùy vị, tùy miệng từng người. Thời thế đổi thay cái vị cũng khác trước. Thế cho nên hỏi ăn ở đâu ngon chẳng bằng hỏi ăn theo kiểu nào mới ngon? Ăn Bún Chả cách tân giống như cô hoa hâu xúng xính bộ áo đầm hay ăn Bún Chả quần thâm áo yếm?

Người Hà Nội hay những người tự nhận mình là người Hà Nội hay khoe món Phở với bạn bè phương xa. Mở miệng ra là kêu: Phở Hà Nội mới đúng vị và đúng chất của Phở. Cái loại Phở nơi khác nấu chỉ là thứ Phở nửa mùa mà thôi.

Còn mấy người biết Phở nhiều như cụ Nguyễn Tuân? Có lẽ bây giờ cụ Nguyễn Tuân có sống lại cũng chịu thua với mấy người khẩu khí ngông cuồng.

Tôi được cái đi được nhiều nơi. Ăn Phở cũng đủ ba miền Nam - Trung - Bắc. Phở Miền Xuôi, Phở Miền Núi, Phở Vùng Sâu, Phở Vùng Xa, Phở Đất Liền, Phở Hải Đảo cũng gần như nếm đủ cả.

Cái miệng chưa nếm hết vị ngon nhưng đã nếm ra sự khác biệt. Nên đôi khi cũng vỗ ngực tự hào cho rằng mình sành điệu.

Phở Hà Giang, Lào Cai ở miền núi phía bắc ngon ở cái vị gây gây của nước béo. Những người chê vị nồng và hôi hôi của thịt bò chắc hẳn sẽ chê, cho rằng nó thiếu sự tinh tế. Họ hay quên bỏ vào bát Phở thứ dưa muối chua từ cây Cải Làn đặc sản xứ cao.

Phở Cà Mau, Bạc Liêu tít cực nam tổ quốc lại có vị ngọt lờ lợ của đầu tôm, của cá biển và của cả thứ đường thốt nốt đặc trưng. Dĩ nhiên là khi bưng bát Phở ra sẽ chẳng thấy mấy thứ đó ngoài vài miếng thịt bò tươi đâu. Nhiều người không quen ăn ngọt sẽ chê nó đầu nước.

Phở ở Nha Trang có 1 quán đề rõ: Phở Nam - Phở Bắc đảm bảo đúng vị. Đúng vị ở đâu khi chỉ có duy nhất 1 nồi nước dùng? Sự khác biệt nằm ở chỗ gia giảm gia vị sau khi bánh phở được trần xong. Phở Bắc à? Cho thêm 1 muôi nhỏ Mỳ Chính. Còn Phở Nam ư? Thay muôi mỳ chính bằng muôi Đường là xong. Kể ra cũng lạ và có vị ngon đặc biệt của riêng nó.

Phở Sài Gòn nên chọn loại nào nhỉ? Chắc chắn phải chọn Phở Sốt Vang mới thấy được cái ngon của Phở Nam. Bò nấu sốt vang cho bỏ thêm củ cái trắng và củ cải đỏ. Sốt Vang thơm và ngòn ngọt béo ngậy mà không gây ngán.

Trước khi quay về Hà Nội nói về Phở, có lẽ phải chạy qua Nam Định trước một chút. Cùng là Phở Bắc như nhau nhưng ở Hà Nội thì quán phở ghi danh: Phở Bò Nam Định Chính Hiệu. Ở Nam Định thì ghi Phở Hà Nội Chính Gốc. Vì sao lại thế? Sao không thế này mà lại là thế kia?

Nam Định là thành phố công nghiệp lớn tại Miền Bắc, lại là xứ đạo nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ruộng đất tuy nhiều nhưng chẳng chú trọng phát triển nông nghiệp nhiều như Thái Bình hàng xóm. Các tỉnh lân cận, trâu bò chủ yếu chăn nuôi lấy sức kéo, chẳng mấy khi giết thịt. Duy có ở Nam Định là sẵn Trâu Bò. Thành Phố Công Nghiệp Dệt May, có thêm cả nghề thuộc da nên Nam Định giết mổ đại gia súc nhiều nhất so với mấy tỉnh đồng bằng.

Phở Nam Định ngon ở cái vị thịt tươi. Giết xong đã đem bỏ mối cho các quán phở. Tái Lăn mà Phở ngon nhất ở Nam Định.

Về Hà Nội - nơi nhiều người tự hào là Phở Ngon hơn cả. Phở Hà Nội là Phở gì? Phở Tái? Tái Lăn? Sốt Vang? Phở Gân? Phở Gàu? Phở Chín? Phở Gà?

Ở Hà Nội hầu như có đủ các thứ Phở. Thậm chí còn có Phở Cuốn, Phở Chiên Phồng, Phở Xào mà ít nơi có được.

Thời xa xưa, quãng vài chục năm về trước. Trâu Bò hiếm lắm. Chẳng phải ngày nào cũng thịt con Bò mới. Thịt chẳng có thịt tươi thì làm gì có Tái Chín, Tái Sống mà thưởng thức. Phở Hà Nội gốc chính là thứ Phở Chín mà bây giờ chẳng mấy người ăn. Từng tảng thịt lớn được luộc, rồi đem móc treo trước quán, mỗi khi có người ăn, mới được thái mỏng bày lên trên bánh phở rồi múc nước dùng dội lên.

Phở Hà Nội còn đặc biệt ở cái bí quyết nấu nước dùng. Chỉ dùng duy nhất xương ống chân Bò, đem cạo sạch thịt rồi ngâm trong nước, cho tới khi sạch hẳn tủy mới bỏ vào nồi xào chung với hoa hồi và quế chi. Còn có cả hành khô nướng cháy, mực khô, đầu tôm khô bỏ vào cái túi nhỏ treo trong nồi nước dùng. Nước trong, thơm và không có tí váng mỡ nào cả.

Phở Gà Hà Nội là thứ xuất hiện sau. Xuất hiện cũng bởi sự khan hiếm của thịt trâu bò mà ra. Ăn Phở Hà Nội nhìn người sành ăn là biết họ hiểu hay không hiểu về Phở. Có câu: "Dấm Thanh, Chanh Gắt" ám chỉ độ chua của Dấm và Chanh.

Ăn Phở Gà thì không ăn với Dấm, còn ăn Phở Bò Tái thì chẳng thể thiếu lọ dấm tỏi ớt được. Phở gà vắt 1 ít chanh tươi, rồi thêm vài lát ớt tươi xắt nhỏ tất lẽ dĩ ngẫu là phải ngon và đúng vị hơn dấm và tương ớt. Nói về cái sự ăn lại cầu kỳ lắm.

Phở Hà Nội bây giờ người ta hay nói tới Phở Lý Quốc Sư, Phở Thìn Lò Đúc hay Phở Thìn Bờ Hồ. Phở Lý Quốc Sư chuyên về Phở Gà. Phở Thìn Bờ Hồ ngay xưa chính là Phở Bô Đê Ga, giờ chuyển về Lê Văn Hưu chuyên Phở Chín. Còn Phở Thìn Lò Đúc thì ngon nhất là Phở Tái Lăn.

Khắp nơi đề Phở Nam Định gia truyền đóng đô ở Hà Nội. Một điểm chung của Phở những quán này là có thêm món Phở Xào. Đôi khi đói lòng ăn cũng được.

Rồi còn vô số món ăn khác nhau nữa. Có người bảo ngon, kháo nhau là đặc sản. Một đồn mười, mười đồn trăm. Nhiều người ăn xong nghe hỏi ngon không? Gật đầu cái rụp. Chẳng nhẽ bảo không ngon ư? Cả thiên hạ bảo ngon và e chừng họ sành ăn lắm, mình nhỡ bảo khác thì bị đổ oan cho cái tiếng "Nhà Quê". Cái sự đời ăn uống nó thế đấy.

Tôi tính tham nên cái gì cũng tọng vào miệng. Ngon hay dở tọng hết. Nhưng cũng bởi cái tính tham nên mày mò đủ kiểu. Lúc rảnh rỗi cũng thích phân biệt sự ngon dở trong ăn uống. Coi như không thẹn với lòng tham của chính mình....
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
G

girl

Ôi cái cuộc đời này!
28/4/09
769
1
18
HD
Dọc được 1/3 thôi dài quá ko dám đọc nữa, giwof em nhìn thấy nhiều chữ là sợ rồi.
@ TAT: Anh giỏi thật đấy cái gì cũng có thể viết thành chuyện đc.
 
thaohp

thaohp

Bà già xinh gái!
30/11/05
138
5
18
45
Hải Phòng
Đọc bài của lão TAT lại thèm phở, dạo trước cứ lên HN là xơi tái 2 bát phở ngon lành, he he
 
TAT

TAT

Thành viên Tình Nguyện
6/8/05
1,014
11
0
45
Làng Cà
Bún Chả tinh tế thời bao cấp

Đất Nước đổi mới, có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Nhưng trong ẩm thực thì có lẽ nhiều món lại đi theo chiều hướng ngược lại.

Hòa nhập văn hóa vùng miền, quốc gia khác nhau khiến cho cái bản sắc riêng bị hòa tan. Ẩm thực thiếu đi sự tinh tế vốn có.

Đương nhiên không phải tất cả các món ăn đều xuống cấp. Chỉ vài món đặc trưng là thay đổi mà thôi.

Lấy Bún Chả để đơn cử.

Vài quán Bún Chả nổi tiếng tại Hà Nội như Bún Chả Hàng Mành, Bún Chả Sinh Từ hay Bún Chả Lê Văn Hưu nghe có vẻ là ngon. Ăn thử cũng tặc lưỡi cho rằng là được là ngon.

Bún Chả Hàng Mành giữ được 1 chút nguyên gốc Bún Chả Hà Nội cũ là chỉ dùng Đu Đủ Xanh ngâm dấm, dùng thứ Bún Lá độc quyền chứ không dùng Bún Rối. Nhưng rau sống ăn kèm thì có thay đổi, bổ sung thêm nhiều thứ rau lạ.

Bún Chả Sinh Từ không thay đổi hương vị, cách chế biến từ những năm đầu tiên. Nhưng quả thực nó mới chỉ đạt được 1/2 sự tinh tế và đúng gốc Bún Chả Hà Nội xưa.

Bún Chả Lê Văn Hưu nằm giữa dãy phố được coi là Ẩm Thực Mới tại Hà Nội: Bún Chả Lê Văn Hưu, Bún Ốc Thi Sách, Bún Cá Hàn Thuyên, Bún Chân Giò Phan Chu Trinh, cùng với hàng loạt Hàng Phở Lò Đúc, Lê Văn Hưu, Phở 24. Quả cũng có ngon vì quán bán kèm Bún Chả là Nem Cua Bể.

Thịt chế biến tại các quán Bún Chả khá giống nhau: đều là thịt ba dọi thái vừa đủ ướp với gia vị, 1 chút mắm tôm và kẹo đắng nướng vàng trên bếp than hồng. Đó là chả miếng, còn chả viên thì cùng làm từ thứ thịt nạc vai ăn mềm không bị khô.

Khi có khách gọi, chủ quán sẽ nướng lại 1 lượt cho nóng rồi thả luôn vào bát nước mắm chua ngọt hãy còn ấm, múc thêm chút đu đủ xanh (su hào) ngâm dấm. Kèm theo bát thịt thả nước mắm là đĩa bún rối (ít quán dùng bún lá đúng kiểu), cộng thêm rổ rau sống là xong 1 xuất. Khách nào gọi thêm nem thì bổ sung thêm đĩa nem dăm cái. Kể ra thì cũng ngon nhưng nếu ăn giữa trưa hè thì quả thực hơi bị khó chịu.

Ngày trước Bún Chả Hà Nội đâu có thế! Bún Chả Hà Nội có 2 cách chế biến khác nhau dành cho Mùa Đông và Mùa Hè. Chỉ duy nhất có Chả Miếng và Chả Viên, không có kiểu ăn kèm cùng Nem hay Nem Cua Bể.

Cách chế biến Mùa Đông thì tương tự như những kiểu chế biến và thưởng thức bây giờ. Còn Mùa Hè thì hoàn toàn khác biệt.

Cũng Thịt nướng đó, cũng chả viên đó nhưng không thả trực tiếp vào Nước Chấm. Nước chấm cũng không đun nóng như bây giờ. Làm như thế sẽ khiến cho vị chanh, quất, hoặc tỏi ngâm dấm dành cho khách thích ăn chua sẽ bị đắng.

Bún Chả không ai ăn bằng Bún Rối. Chỉ dùng Bún Lá nhỏ xíu bằng đúng ngón tay cái, mỗi miếng bún vừa tròn 1 gắp.

Bưng ra cho khách bao giờ cũng có 2 đĩa và 2 bát, kèm theo 1 rổ rau sống. 2 đĩa là đĩa Bún Lá và đĩa Chả Nướng (Chả miếng + Chả viên). 2 bát là 1 bát nước mắm chua ngọt, 1 bát đựng đu đủ xanh ngâm dấm chua. Rau sống chỉ có 3 thứ: Kinh Giới, Tía Tô và Xà Lách.

Dùng lá xà lách lớn gói lấy 1 gắp bún, 1 miếng chả viên, 1 miếng chả miếng, kèm thêm là Kinh Giới, Tía Tô và đu đủ xanh ngâm dấm. Gói xong mới đem chấm vào nước mắm chua ngọt, sau đó bỏ vào mồm thưởng thức.

Bún Chả Hà Nội thời bao cấp là thế đó. Giờ chẳng thấy nơi nào chế biến bán cho khách như vậy nữa. Quanh năm thả thịt nướng trực tiếp vào bát nước chấm đun nóng, ăn xong phát ngốt cả người.

Bây giờ hiện đại hơn, văn minh hơn, người người có mức sống cao hơn, chỉ có sự tinh tế trong cái ăn cái mặc là hạn chế. Có lẽ do CUỘC SỐNG!!!
 
G

grafiew

Guest
13/7/10
6
0
0
37
Hà Nội
ôi bác viết thì hay nhưng dài quá đi, em ko dám ý kiến ý cò gì đâu dưng mà dài quá đọc hổng nổi bác ơi
 
C

co be hat tieu

Guest
1/6/10
24
0
0
34
ha noi
vuongthu

vuongthu

Nobi
12/11/08
246
0
16
Nam Định
biết là như thế nhưng dài quá, em không kiên trì để đọc

Không ai bắt phải đọc mà bạn. Bất cứ khi nào rảnh mình cũng thích được đọc những bài viết như thế. Chung quy cũng vì cái sự dốt của mình ấy mà :015:( sự thật hơi đau lòng tý nhưng cũng đành phải nhìn nhận thôi)
 
B

bichlien2007

Guest
19/8/07
0
0
0
25
leuchong
Nghe anh TAT nói mà nếu có cô nào có ý định với a thì cũng thoái lui thôi. Vì sợ rằng nếu nấu ăn không ngon sẽ bị anh chê tơi bời.
Chắc a cũng không thể lấy vợ ở vùng khác được, vì a sẽ không hợp với ở đó.
Theo em nghĩ nếu được ai nấu ăn cho em sẽ ăn thật là ngon. Vì thời buổi giá cả lên chóng mặt, người đi chợ phải tính toán làm sao cho bữa ăn có dinh dưỡng mà lại chi tiêu trong vòng kiểm soát. Cùng với tấm lòng của người nấu khi nghĩ đến gương mặt hài lòng của người ăn thì bao nhiêu mệt mỏi của họ sẽ tan biến.
Đó là công việc nội trợ giản đơn nhưng không hề đơn giản. Thế mới có câu: "Của chồng công vợ" là vậy.
 
nguyenhien79

nguyenhien79

Mơ về nơi xa lắm
26/1/07
205
0
0
Ha Noi
Giá mà k phải ăn có tốt k, đi làm về đã gần 7h tối lại phải nấu cơm nước. Nói thật e cứ nẫu hết cả người bác TAT ạ đấy là chưa kể còn phải nghĩ nấu món gì nữa chứ.
 
TAT

TAT

Thành viên Tình Nguyện
6/8/05
1,014
11
0
45
Làng Cà
Nói đến rượu tiết ngán làm mình nhớ Quảng ninh thế. Tks bác TAT với gu ẩm thực đỉnh cao

Lần đầu tiên biết tới con Ngán là đọc trong tiểu thuyết. Hình dung nó giống con bạch tuộc vì thấy người ta mô tả nó “nhầy nhụa, ngoe nhẩy, cho vào miệng rồi còn có cảm giác nó bò ra ngoài”. Có vẻ như Ngán là thứ gì đó đáng sợ hơn là đặc sản. Cũng đơn giản thôi, bởi phần mô tả đó nói về câu chuyện của một tướng cướp vùng biển Quang Ninh. Sinh viên Đại Học năm thứ 3, trong một buổi sinh nhật cậu bạn quê Quảng Ninh. Tụ tập gần 40 thằng con trai chưa kể con gái, ra bãi cỏ trên giải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh – Trước cổng Đại Học Luật Hà Nội ngồi uống rượu. Ước chừng có khoảng chục con gì đó, vài thằng ngồi ngoài rìa len lén chia nhau dầm nát với rượu để uống. Lén lút uống nên gần như hết sạch 4 can rượu Lúa Mới – Lò Đúc (khoảng 8 lít), mới bắt đầu phát hiện ra. Cả đám phê phê rồi, chẳng còn nhớ vị rượu Ngán ra sao nữa. Chỉ biết sáng hôm sau, căn phòng trọ sinh viên 12m2 chứa đến 20 thằng con trai, số ít còn lại không có chỗ phải mò ra phản thịt trong chợ Cống Mọc ngủ qua đêm.

Có vẻ như bắt đầu thèm Ngán từ đó. Thèm không phải bởi nó ngon mà bởi sự tò mò, kích thích. Sinh viên hẹn hò nhau uống rượu Ngán mất bao nhiêu tháng trời mà không còn dịp tái diễn. Mãi đến khi ra trường, thằng bạn ở Quảng Ninh cưới vợ, về nhà nó ăn cưới mới có chiêm ngưỡng con Ngán lần thứ 2. Trời hôm đó mưa to, mấy thằng mải Karaoke sau một đêm mệt mỏi vất vả khảo sát Uông Bí, chẳng nhớ tới giờ ăn cỗ cưới. Đến khi về thì mọi thứ đã tanh bành. Thấy một đĩa “Sò Lông” con nào con ấy to bằng bàn tay, được cột dây chun đen xì. Trời mưa lạnh thế này, ăn “Hải Sản” nguội, Tào Tháo rượt thôi rồi. Nghĩ thế nên không dám ăn, chỉ chăm chăm chúc tụng nhau là chính. Ngán không dám ăn.
Mãi đến khi xuống Cẩm Phả công tác gần 1 năm, mới chính thức biết mùi vị con Ngán. Ở trong dãy Nhà Khách của Công Ty Than Cọc Sáu có mấy ông Buôn Than đóng đô định kỳ. Cộng thêm vài nhân viên công ty phần mềm xuống triển khai là thành 1 xóm nhỏ. Ban đầu chỉ lác đác qua lại, sau bắt đầu tụ tập hoành tráng. Ăn Nhậu là chủ đề thường xuyên trong những buổi giao lưu xóm trọ Cọc Sáu. Một buổi sau khi được mấy chị phòng Kế Toán rủ đi ăn Ốc Gạo và Quả Thanh Mai, về kể chuyện vui với mấy ông trong Nhà Khách: khoe rằng ăn đặc sản Quảng Ninh nhiều đến nỗi tê cả tay và ê cả răng. Tê tay vì nhể Ốc Gạo suốt mấy tiếng chỉ gẩy được 5,6 con thì quá khó. Quả Thanh Mai dành cho bà bầu lại quá chua. Ốc không ăn được thì chuyển qua thứ quả chua loét đó cho đỡ hao công suất nhai nuốt của hàm răng. Mấy ông Buôn Than cười to và bảo: đấy là đặc sản của mấy con mụ ngồi bệt thôi, chứ chú mày là đàn ông con trai thì phải để anh chỉ cho thấy thế nào là đặc sản. Chủ Nhật tuần đó cả đám kéo nhau xuống gần Cửa Ông, để về nhà 1 ông Buôn Than nhậu nhẹt. Cỡ chừng 10 ông đàn ông, can chục lít rượu loại nặng nhất chuyên dành cho dân mò trai dưới đáy nước sâu uống cho ấm ruột. Mồi nhậu vẻn vẹn một đĩa con gì đó vàng vàng, nướng cháy khét trông giống giống như con giun đất. Thêm khoảng 2 chục con “Sò Lông” để sống nguyên trong rổ. Nhậu thế này chắc là đi. Sáng sáng đội Nam Nhi phòng Kế Toán rủ nhau đi ăn, sài tàm tạm đã thấy mỗi ông uống “3 chén – loại cốc Thủy Tinh rót Chè Xít vỉa hè Hà Nội”, mấy ông Buôn Than còn làm 2 ông 1 chai 65. Trai Hà Nội đi công tác, cũng chỉ dám làm 3 chén nhỏ buổi sáng là say cả chấy. Giờ nhìn số rượu và mồi đâm phát hoảng. Ông Chủ Nhà lên tiếng: Riêng chú mày là Khách Mời, anh đặc biệt mời 3 con Ngán theo cách Dân Chơi Quảng Ninh chính gốc, Chú mày chơi được thì anh kiếm cho cô vợ để làm Rể Đất Quảng Ninh. “Mịa”!!! Lúc đó chửi thầm trong bụng, cả cân Sò còn là ít, vài con bõ bèn gì. Cười cười cảm ơn rồi gật đầu cái rụp. Một ông bên cạnh rỉ tai: Chú mày ngon nhất mới được 3 con đấy, còn lại mỗi thằng anh chỉ được 1 con, vài con còn lại nấu canh mùng tơi giải rượu là hết số Ngán. Tặc lưỡi, coi như mình đã là VIP. Đĩa “Giun Đất” nướng vàng hóa ra là Sá Sùng. Trông ngon mắt nhưng chẳng được bốc đã tay. Rượu chưa xong tuần đầu, cấm ai được bén mảng tới. Khách mời cũng không ngoại lệ. Ông Chủ Nhà bắt đầu trổ tài làm rượu Ngán. Đầu tiên là nhường Khách Mời xử lý trước cho biết mùi con Ngán. 3 chiếc bát chiết yêu được bày hàng ngang trước mặt. Ông Chủ Nhà lôi rổ Ngán, buộc từng con thật chặt, rồi dội ấm nước sôi sùng sục lên trên, dội từ từ trong khoảng 30 giây gì đó. Chắc là để sạch vỏ bên ngoài đây –Tự nghĩ thế nhưng vẫn yên lặng xem sao. Lựa 3 con to nhất, Ông Chủ Nhà cẩn thận tháo giây buộc, dùng mũi dao cứa nhẹ đằng sau chỗ khớp nối 2 mảnh vỏ. Sau đó dùng tay tách đôi con Ngán – đúng là bầy nhầy ngoe ngẩy thật, tuy nhiên chẳng có tí nước nào rỉ ra ngoài tay cả. Gạt nhanh con Ngán xuống dưới bát, rót rượu lên trên rồi dùng mũi dao chọc vào bộng hồng hồng trên thân con Ngán. Một dòng nước hồng hồng chảy ra hòa nhanh với rượu, trông đến là kinh. Ông Chủ Nhà đưa cho bát rượu Ngán rồi bảo: dùng đi. Chẳng hiểu “Dùng Đi” là Ăn đi hay Uống đi nữa. Thôi thì nhắm mắt nhắm mũi đưa vào miệng nhai nhai nuốt nuốt. Tanh và khó nhai kinh người. Con Ngán tanh nồng, chỉ muốn ọe ra khỏi miệng, Rượu nặng khiến cho máu huyết bừng bừng, chỉ muốn sặc. Khó là thế nhưng vẫn cố không cho mấy thứ kinh tởm trong miệng phun ra ngoài. Dù gì cũng trước mắt bao nhiêu người, khách sáo tí cho ra vẻ người lịch sự. Mất 5 phút sau mới bình tĩnh để nghe chung quanh cười ồ lên sung sướng. Ông Chủ Nhà tiếp: qua giai đoạn đầu, đến bước tiếp theo đảm bảo chú mày sướng mê tơi cho mà xem. Kinh bỏ cha, sướng gì mà sướng. Nhưng thôi cũng cố nuốt xem sao. Vẫn phương thức cũ, nhưng lần này Ông Chủ Nhà dầm nát con Ngán trong bát rượu kỹ hơn. Vị tanh và độ nồng của rượu bớt sộc lên mũi hẳn. Nhấm từ từ thấy vị thơm tê tê đầu lưỡi. Nhai một lúc thấy ngon tuyệt vời, rượu không còn sợ như lúc đầu nữa. Có cảm giác giống như mùi tanh của rau Diếp Cá không còn khi ăn với Hải Sản vậy, nó chỉ còn vị chua chua dễ ăn, át hẳn mùi tanh của Hải Sản. Quả nhiên Rượu Ngán ngon tuyệt. Đặt bát xuống, vôi vôi vàng vàng xin Ông Chủ Nhà cho xin thêm vài con nữa, chứ 1 con hơi ít. Mấy ông chung quanh chen ngang: Chú mày ăn ngon lành con thứ 3 như con thứ 2 vừa rồi, bọn anh nhường xuất của bọn anh cho chú xơi thoải mái. Đơn giản như đan rổ, chỉ ngán rượu táng vào nhiều sẽ say, chứ còn Ngán thì đếch sợ. Hí hửng với số Ngán lắm. Ấy vậy mà… Con Thứ 3 vừa đưa vào miệng, cảm giác tràn xuất hiện, nhai ngon thật, ngọt thật nhưng chẳng làm sao nuốt được, càng nhai càng thấy ứ ra trong cổ họng. Đúng là quá Ngán khi phải nhai, và phải nuốt. Mất đến 5 phút mới nhai xong và nuốt xong. Đầu ngây ngây, mắt mũi tây tây, mọi thứ quay cuồng trong cảm giác sờ sợ. Miệng ghê ghê vì mùi tanh sống. Nhìn mọi người cười mà lắc đầu không dám lên tiếng đòi ăn thêm. Hai tiếng đồng hồ tiếp theo chỉ nhấp môi 1 ít rượu trắng và nhai Sá Sùng nướng trong miệng, chứ không dám động tới thứ nước hồng đục kia nữa. Cuối buổi nhậu, một nồi nghi ngút khói được bưng ra. Ông Chủ Nhà múc cho 1 bát canh rồi bảo: Uống đi cho giã rượu, đảm bảo với chú là chỉ cần ngủ 15 phút, tối mấy anh em vòng về Quang Hanh tắm suối nước nóng, nhậu đến sáng cũng được. Ngán nấu canh mùng tơi ngọt lịm, bụng không có tí cơm vẫn cảm thấy không bị đắng miệng chút nào… Thời gian sau, mỗi lần có dịp uống rượu Ngán, chẹp miệng: không nên tham cái con này. Nó tên là Ngán đúng là Ngán thật, vừa đủ thì ngon nhưng qua đi thành ra lại dở. Mỗi người chỉ dùng không quá 1 con, để cho cảm giác thèm thuồng vương vấn mãi. Ăn Ngán lấy no, lấy được thì chắc là NGAO NGÁN SUỐT ĐỜI.
 
hiepnt1974

hiepnt1974

Chạy xe ôm ^^
25/11/08
1,162
41
48
Hạ Long city
Nói đến rượu tiết ngán làm mình nhớ Quảng ninh thế. Tks bác TAT với gu ẩm thực đỉnh cao

Cái mồm làm khổ cái thân nên giờ này vẫn co đơn, chạ có con nào nó dám lấy cái lão vừa già, vừa đen vừa khó tính trong ăn uống thế này.
Xem ra lần này về Hà Nội chỉ cho nó nhìn ngán thôi, nếu không thì cho nó ăn 1 con thôi vậy
:036:
 
TAT

TAT

Thành viên Tình Nguyện
6/8/05
1,014
11
0
45
Làng Cà
Đèn Biển

Trong một lần đi công tác Sài Gòn ra Đà Nẵng, tàu có dừng lại ga Diêu Trì khá lâu. Thông thường nó chỉ dừng lại ga Diêu Trì khoảng 20 chục phút là cùng. Nhưng hôm đó nó dừng lại Diêu Trì hơn 30 phút mà chưa chịu chạy. Lên tàu từ nửa đêm, đến Ga Diêu Trì là 6h sáng, hơi se lạnh mùa đông.

Tự nhiên thấy thèm món “Đèn Biển” quá. Biết bao nhiêu lần đi qua Ga Diêu Trì rồi, nhưng tâm trí vẫn mông lung nghĩ rằng nó nằm giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Từ Ga Diêu Trì về Phú Yên khoảng 15, 16km gì đó. Và nhớ dãy quán hàng vỉa hè, buổi sáng Phú Yên vẫn bán Om Đất nóng hổi “Đèn Biển”. Tàu mãi chẳng chịu chạy, dù ra đến Đà Nẵng cũng quá đầu giờ chiều rồi. Coi như chẳng làm được việc gì nữa. Lại phải đợi sáng hôm sau thôi. Thèm Đèn Biển quá. Mắt nhắm mắt mở, phi vội ra cửa Ga, nghĩ bụng: Về Phú Yên ăn sáng, ăn xong bắt xe khách về Đà Nẵng cho thoải mái. Ngoài cổng Ga, vẫn bình yên, chẳng có chút gì hối hả. Lác đác vài ông xe ôm đợi khách. Ngồi vội lên 1 chiếc gần nhất rồi bảo: Cho em về Phú Yên. Ông xe ôm trố to mắt kinh hãi: Phú Yên? Hơn 100km đấy cha nội. Lúc này mới bừng tỉnh nhớ ra: Diêu Trì nằm giữa Bình Định và Phú Yên, chứ không phải Phú Yên với Khánh Hòa. Vội đính chính với ông xe ôm: Em quên, cho em về Bến Xe Qui Nhơn.

Thành phố Qui Nhơn cách Ga Diêu Trì khoảng 16km, còn Tuy Hòa cách Diêu Trì 116km theo đường tàu hỏa. 7h sáng, ngồi xe Khách đi về Tuy Hòa - Phú Yên, tự rủa mình: Biết thế cứ ngồi trên tàu ra Đà Nẵng cho xong, chỉ vì tham ăn tục uống mà lang thang cả trăm cây số. 9h sáng, món Đèn Biển nghi ngút khói bốc lên thơm xực mùi thuốc Bắc. Hình như có sự cải tiến so với lúc trước thì phải. Nhớ lần chỉ có ớt tươi, tiêu xanh và hành lá thôi mà. 15k/1 xuất, giá vẫn rẻ như ngày nào, người ăn đông hơn trước thật nhiều. Có vẻ công nghệ lăng xê quảng cáo đạt hiệu quả cao vượt mức.

Lẩm nhẩm tính: Chỉ vì 1 xuất “Đèn Biển” 15k mà chi phí đi lại mất toi 500k. Nhưng âu cũng là cái duyên vì về tới nhà, đọc báo mạng phát hiện ra “Đèn Biển” bán đầy ở Qui Nhơn – Bình Định. Đáng lý chỉ đi 15km từ Ga Diêu Trì vào Tp Qui Nhơn thưởng thức là xong. Chứ đâu phải lếch thếch ngược đi về hơn 200km để ăn mỗi cái Mắt Cá. Tuy nhiên lần công tác đó vẫn cảm thấy tiếc vì chưa được ăn gỏi Bao Tử Cá Ngừ. Cá Ngừ Mắt Đỏ chỉ có 4 món gọi là Đặc Sản: Gỏi sống Shisami kiểu Nhật, Cháo Đầu Cá, Đèn Biển – Mắt Cá Ngừ Chưng Cách Thủy và Gỏi Bao Tử. 3 món đầu thưởng thức có đến chục lần, nhưng riêng Gỏi Bao Tử vẫn chỉ nằm trong tưởng tượng…

Ôi, biết đến bao giờ mới được quay lại Phú Yên, để được ăn Cá Ngừ nữa nhỉ?
 
lovely9999

lovely9999

Trung cấp
21/7/10
115
1
0
39
Hà Nội
Em có cái này muốn hỏi: Phụ nữ ăn nhiều lựu sau này có thể bị vô sinh phải không ạ? Mong anh TAT, anh biết nhiều món ăn, chắc anh đọc và tham khảo nhiều sách nên anh trả lời cho em, cho em câu trả lời đúng nhất và mong mọi người chia sẻ giúp mình. Vì thật sự, mình rất thích ăn lựu, mùa này nhìn thấy nó không ăn thì "chèm" lắm mà năm vừa rồi mình phải chơi đến 20kg, hichic
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA