Vừa đi Đồng Văn về!

  • Thread starter phamcung
  • Ngày gửi
phamcung

phamcung

Guest
30/9/05
378
13
0
Hanoi
Vừa đi Đồng Văn (Hà Giang) về, có mấy dòng cảm nhận, chia xẻ với mọi người

1. Ở phía bên kia dốc Mã Pí Lèng, về phía Mèo Vạc, có một tấm bia kỷ niệm, dựng bên đường, ở khúc cua đẹp nhất, trông thẳng xuống thẳm sâu một khúc sông Nho Quế đục ngầu. Tấm bia ghi gì đó, đại loại như Đảng và chính phủ quyết đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, nên đã làm con đường Hà Giang- Đồng Văn- Mèo Vạc trong 6 năm, từ năm 1959 tới năm 1965, trong đó đoạn dốc Mã Pí Lèng này được những người làm đường treo mình trên vách đá làm trong 11 tháng.


2. Cái dốc Mã Pí Lèng này cũng như bao con đèo, con dốc khác của cung đường 4C từ Hà Giang, qua Quản Bạ, rồi Yên Minh, rồi Đồng Văn tới Mèo Vạc, chạy giữa một vùng núi đá, điệp trùng và hiểm trở. Từ Hà Giang lên Quản Bạ, địa hình còn có một chút tươi tốt, đường lên cao, lên cao, rồi gặp một vùng bình nguyên nhỏ, hẹp, bằng phẳng, rồi lại lên cao, lên cao, lại gặp bình nguyên, rồi lên cao mãi, lên tới Cổng Trời, và đi xuống. Từ Hà Giang đi Quản Bạ, đã gặp nhiều núi đá, nhưng màu xanh của cây rừng, của những cây ngô (thậm chí có cả lúa nước), dường như vẫn là màu chi phối. Những ngôi nhà ở đây, lợp ngói giống như ngói của những ngôi nhà ở miền xuôi, nhưng ngói có màu đen. Những ngôi nhà sàn sát đất, có những ô cửa sổ bé tý, thiếu ánh nắng mặt trời.


3. Từ Quản Bạ đi lên Yên Minh, rồi đi tới Đồng Văn, quãng đường dài trên dưới một trăm cây số, mất hơn ba tiếng đồng hồ chạy xe. Quãng đường đi quanh co, hiểm trở, qua biết vao nhiêu con đèo dốc không hề có gương cầu, có lan can an toàn, không hề có danh tính. Con đường chạy qua bạt ngàn đá và đá. Chiếc xe như con thuyền nhỏ, lao giữa đại đương đen thẳm những đá, những người trong xe như những kẻ tuyệt vọng giữa vòng vây của muôn vạn những chiến binh trong những bộ giáp sắt đen sì một hai như đang lao xuống. Cái góc này của Tổ quốc thật dữ dội, thật hùng tráng, mà không cay nghiệt dữ dằn. Những điệp điệp trùng trùng đá kia không hề khắc nghiệt như vẻ ngoài mang lại, nhìn thật kỹ, thì ở trong từng hốc đá, hẻm đã, vẫn có những vốc đất mùn tơi xốp, và người Dao, người Mông, trồng ngô trong những cái vốc đất bé con con bằng nắm tay ấy.

4. Ở đây, đi qua miền thiên nhiên khắc nghiệt này mới cảm phục sức sống mãnh liệt của những con người vùng này, của người Dao, người Mông, Tày, Nùng, Lô Lô, Xa phó và những người Hoa, người Kinh nữa. Cô bé người Nùng trên cùng chuyến xe ngược Đồng Văn vô cùng tự hào líu ló giới thiệu về huyện thị của mình gần như một người hướng dẫn chuyên nghiệp. Ở đây, ngoài người Kinh, thì có lẽ cộng đồng người Mông là đông nhất. Người Mông ở đây, cũng như ở bất kỳ nơi nào khác, giữ gìn bản sắc một cách toàn vẹn lạ thường. Vẫn cái kiểu định cư ấy, hoặc cheo leo trên lưng chừng núi, trong mây trong mù, hoặc dưới đáy những thung lũng thật xa, nối với thế giới “văn minh” bằng những con đường mòn mảnh như sợi chỉ, bằng những chân trần, hoặc chỏng lỏn xỏ những đôi giày ba ta mốc, cũ, rách, qua nhưng lởm chởm, sắc nhọn đá tai mèo. Hầu như, lúc nào nhìn thấy người Mông, là cũng nhìn thấy một sự cần cù, vất vả, hoặc là đang tra ngô, hoặc đang bổ cuốc ở những hốc đá bằng nắm tay ven đường, hoặc đang gùi những gùi đựng những can nước, đựng những cỏ cho bò ăn, đựng những gì gì ấy mà mình không kịp nhận ra. Vợ mình nói, sao chỉ thấy phụ nữ Mông anh nhỉ. Mà đúng vậy, chỉ thấy phụ nữ Mông làm quần quật, quần quật, từ những người phụ nữ, vừa địu con đằng sau, vừa tra ngô, bổ cuốc, tới những em bé (gái) Mông, có lẽ chỉ học lớp hai, lớp ba, cũng cầm những cái cuốc bé xíu để cuốc đất. Đi được một lúc, thấy câu trả lời cho vợ, một anh thanh niên Mông hồn nhiên và khoan khoái ngủ bên vệ đường. Ở Hà nội có lẽ ta sẽ nói là bị “sốc thuốc”, còn ở đây là say rượu, say cái rượu ngô được cất từ những cây ngô do vợ, do con trồng.
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
phamcung

phamcung

Guest
30/9/05
378
13
0
Hanoi
Vừa đi Đồng Văn về (phần 2)

5. Loáng thoáng nghe một cậu công an huyện cùng chuyến xe nói, anh chị lên Đồng Văn là phải uống được rượu, không uống được là không giao lưu được đâu. Buổi trưa đi ăn trưa ở quán ăn giữa phố huyện, vào quán ăn cùng đội bóng chuyền nữ y tế tỉnh, thấy các chị em đang uống rót một chai tai-gơ đều ra các chén và “trăm phần trăm”. Thấy lạ, không lẽ ở đây uống bia bằng chén, hóa ra không phải, rượu ngô được đựng trong những chai tai-gơ to, chứ không đựng trong những chai 65 như dưới xuôi. Cả phố huyện có hai quán ăn, khách vào, bảo ngồi đấy chờ nhé, hết thức ăn rồi. Quán thứ hai cũng không khá hơn. Hai vợ chồng đi chợ, mua được một mớ rau lạ mà ở dưới xuôi không có, người trên này gọi là “rau bao”, nghe nói có tác dụng gì gì đó, vào quán bảo chị ơi, chị nấu cho em bát canh rau này được không, chị bảo, đây đang bận lắm nhé, đang mỗi người mỗi việc, ai mà rửa rau cho các anh chị được. Thấy lạ, chị rửa thì chị cứ rửa, rồi chị “charge” tiền rửa rau “at premium” là cùng chứ gì. Nhưng ở đây không có kiểu thế, không thích là thôi, trả mấy tiền cũng thôi. Giống như thuê xe vậy, hỏi thuê xe máy từ chủ khách sạn, tới chủ quán ăn, tới cả mấy ông xe ôm đang tụ bạ trước cổng chợ, mà không ai cho thuê. Anh chở một ngày được bao nhiêu, em trả anh đúng bấy nhiêu tiền, mà chỉ thuê nửa ngày, anh chẳng phải làm gì, chỉ ở nhà và thu tiền. Vậy mà không ai muốn cho thuê. Có lẽ người dân tộc vốn dĩ cẩn thận. Hỏi mãi, cuối cùng thuê được một chiếc xe máy của anh xe ôm tên Hoàng Văn Hờ, một chiếc xe Trung Quốc cà khổ, không yếm, không công tơ mét, không gương, không công tắc điện (tức là cứ dừng xe là tự động tắt, và đi tiếp thì lại đạp nổ). Mà có lẽ chỉ có anh Hờ này là cho thuê (vì anh ấy vốn là người gốc Hoa- dân Hoa Kiều vốn dĩ đã có truyền thống kinh doanh rồi), còn ngoài ra không ai cho thuê cả.


6. Thấy rõ là ở dân ở đây không có “business mindset”, không mê tiền, không thích rủi ro, miễn là có một cuộc sống ổn định, không phải lo nghĩ nhiều là được. Với cái trạng thái tư duy như vậy thì không cách nào có thể đưa miền núi tiến kịp miền xuôi được. Miền xuôi, với sự lên ngôi của những giá trị vật chất, với thang điểm thành công là nhà anh ở khu nào, xe anh đi loại gì, con anh du học ở đâu, đang nháo nhào lên với việc kiếm tiền và những khoản tương đương tiền, thì Đồng Văn, với sự ngơ ngơ ngáo ngáo, thờ ơ trước những giá trị của cải vật chất như vậy thì không khi nào có thể tiến kịp miền xuôi.


7. Chiếc xe của anh Hờ ấy thế mà rất tốt, máy nổ ngon lành, còn đủ phanh, đèn, những yếu tố cần và đủ để đi qua những con đèo dốc ở đây. Cách (trước) Đồng Văn khoảng hơn mười cây, có dinh Mèo Vương, là dinh thự của Vua Mèo Vương Chính Đức và (con là) Vương Chí Sình. Dinh thự xây bằng đá, nằm dưới một thung lũng nhỏ, trước cổng có hàng cây gì đó (samu chăng) cao vút. Dinh của Mèo Vương kiên cố, với hệ thống bố trí liên thông giữa các phòng gợi nhớ tới một biệt thự cổ của Pháp, hệ thống thoát nước hoàn hảo nhưng vẫn hoàn toàn vẫn mang dáng dấp của một ngôi nhà Mông. Là ánh sáng. Ở trong dinh này, cũng như ở các ngôi nhà Mông khác, không có đèn thì không nhìn thấy gì cả. Không có cửa sổ, hoặc nếu có, thì rất bé. Có thể có một số nguyên do (1) người Mông thường ở chơ lơ trên cao, gió thổi nhiều, mạnh và lạnh, nên phải làm nhà càng kín càng tốt, (2) người Mông thường đi làm nương tới tối mịt, về nhà thì cũng không có ánh mặt trời, nên cũng không quan tâm tới ánh sáng trời nhiều lắm. Không biết nguyên nhân thực là gì. Có điều, diện mạo, và nước da của người Mông không phải là nước da, diện mạo của những người cớm nắng. Cô bé Vàng Thị Giang học lớp bốn, người cầm chìa khóa của Dinh Mèo Vương này chẳng hạn, xinh xắn, nước da nâu tươi tắn, đôi mắt lanh lợi cười hồn nhiên, không có vẻ gì là thiếu sáng cả. Những người Mông, người Dao khác, mà mình đã đi qua, mình đã gặp cũng vậy, nét mặt, mắt nhìn ánh lên màu sắc, dáng điệu của miên man đá ở đất này. Đá mà không lạnh (vì vẫn có đất, dù ít ỏi), đen mà không tối (vì vẫn có cây, dù thưa thớt), cứng, sắc mà không cay nghiệt (vì vẫn mang lại những giá trị dinh dưỡng cho cuộc đời).
 
phamcung

phamcung

Guest
30/9/05
378
13
0
Hanoi
Vừa đi Đồng Văn về (phần 3)

8. Ngồi trên tầng 7 của tòa nhà này, ngó xuống đường góc trung tâm nhất của Hà Nội thấy uể oải đến lạ. Thấy nhớ cái cảm giác lao lư, ngất ngây như say độ cao khi đi qua cái đèo không tên tới Mã Lé, Lũng Cú. Đi qua đây mới thấm thía cái câu “thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” hay được trích dẫn khi người ta nói về Đồng Văn. Ở đây, lưng chừng mây mù, mà ngó xuống đáy thung kia, có cảm giác như là mình đang cheo leo trên một sợi dây cách mặt đất khoảng bảy trăm tầng nhà vậy. Cái gió núi ở đây thật lạ. khô khô, lạnh lạnh, như tiếng hát, như giọng hát của một ca sĩ nữ, thô nháp, không chải chuốt. Tự nhiên chợt nhớ tới “tôi ơi, đừng tuyệt vọng” cuả Trịnh Công Sơn, nhớ nhất là câu “Tôi là ai, là ai, là ai, mà yêu quá cuộc đời này”. Tôi là ai, là ai, là ai, mà yêu quá cuộc đời này, dù cuộc đời này đầy đá đen đá xám, sắc nhọn cứa vào mỗi bước tôi đi, sắc nhọn cứa vào những cây trái tôi trồng, sắc nhọn như muốn thổi bạt tôi xuống thung lũng xa kia.


9. Cái cảm giác đứng trên đỉnh đèo Lũng Cú ngó xuống đáy thung lũng thật khác xa với cái cảm giá đứng trên chòi “vọng cảnh”- trên đèo Mã Pí Lèng, (tạm đặt tên thế), ngó xuống con sông Nho Quế. Ở trên đỉnh đèo Mã Lé, ngó xuống, có cảm giác như một gã đi lạc đang tìm đường về nhà vậy, ở dưới kia thật xa, thật sâu, là một thung bằng phẳng, xanh, và có vẻ có nhiều sự sống. Ánh nắng hoàng hôn rừng, phản xạ qua các dãy núi, hắt một màu vàng nhẹ nhàng, mát rượi xuống đáy thung. Cái cảnh vật ấy quyến rũ người ta, như muốn rủ rê người ta xuống đấy một lần xem sao, một lần cho biết những hoan lạc man dã của vùng đất này. Ở trên Mã Pí Lèng, ngó xuống, bật lên một cảm giác rờn rợn. Cảnh vật ở đây hoang dại, âm u như (thậm chí còn hơn) những cảnh ghê gớm nhất của King Kong hay Lords of the King. Ghê gớm hơn, vì dòng sông đục ngầu kia là thật, vì muôn vàn đá đang âu sầu, buồn thảm, đang đau đớn, đang gào thét kia là thật, vì những cơn gió lạnh vi vút tiếng ru hời, hay oán trách, than khóc (của ai, của đá chăng) kia là thật. Những thứ ấy ùa đến, bóp nghẹt những giác quan của ta, vò xé cảm giác cuả ta trong khúc cuối của hoàng hôn. Ở đây, ta nhớ đến “I wish I could fly” của Roxette. Ta ước gì ta có thể bay, thoát khỏi đây, thoát khỏi cái vực sâu như không có đáy này.


10. Ở cuối cái con đèo Mã Pí Lèng này là Mèo Vạc. Lạ thật, cứ nói đi Đồng Văn, là người ta nói tới Đồng Văn- Mèo Vạc. Mình không tới Mèo Vạc, mà được nghe tới Mèo Vạc mấy bận, lúc ở trên ô tô, tới Đồng Văn, nghe em gái người Nùng líu lô giới thiệu về chợ Tình Khâu Vai- một thứ đặc sản của vùng này. Lần thứ hai là buổi tối, đi uống sinh tố ở một quán sinh tố lớn nhất, đẹp nhất (và duy nhất) ở gần chợ Đồng Văn. Ngồi cùng quán có các tuyển thủ hai đội bóng chuyền của Công an Đồng Văn và Ủy ban xã Sả Phìn. Hai đội này trưa mai thi đấu bán kết với nhau, mà buổi tối đi uống nước thân ái, tếu táo và bậy bạ. Một tuyển thủ công an nói với một tuyển thủ Sả Phìn, thầy ạ (không hiểu sao lại gọi là thầy), em có ba bí quyết để đội em luôn thắng, một là đêm trước trận không phải cấm trại gì hết, cứ bố trí cho anh em sang Mèo Vạc chơi một tối (a, hay thật, thế mà mình không sang Mèo Vạc), hai là trước khi thi đấu, uống một cốc, sẽ nhìn đối thủ bé như cái chén (cái này làm cho mình nhớ tới câu “chiều nay thương nhớ nhất chiều nay, thoáng bóng em trong cốc rượu đầy” của Nguyễn Bính), và thứ ba là bố trí hai tay cứng cựa, là một tay công, và một tay luôn dẫm chân tay công của đối thủ. Quái thật, ở Hà Nội mà ngồi với nhau như thế là coi như bán độ rồi.
 
phamcung

phamcung

Guest
30/9/05
378
13
0
Hanoi
Vừa đi Đồng Văn về (phần 4)

11. Đọc Cát bụi chân ai trong hồi ký của Tô Hoài, thấy hóa ra Tô Hoài với Nguyễn Tuân đã đi Đồng Văn, Lũng Cú từ những năm một nghìn chín trăm rất lâu rồi. Chỉ ngồi ô tô tới Hà Giang, rồi đi bộ suốt từ Hà Giang lên Đồng Văn, theo sau một con ngựa thồ. Thấy khâm phục, hơn một trăm năm chục cây số đường đồng bằng đã là ghê gớm, đằng này lại còn qua cái vùng “đất không ba bước bằng” này nữa. Thấy chuyến xe mình đi lên Hà Giang vẫn còn là ước mơ lớn của các cụ. Chuyến xe đi lên Hà Giang, 24 chỗ, mà nhồi tới hơn bảy mươi người. May mà hai vợ chồng lên trước, được ngồi ở hàng ghế sau cùng, vẫn còn may mắn hơn vài chục kẻ đứng. Hai vợ chồng bị ép bẹp như “hai con gián”. Mà so sánh đúng hơn, có cảm giác hành khách như một đàn cá bị chui vào lưới, càng quãy càng bị lưới ép lại. Ngồi ở trong xe này mới thấm thía cái cảm giác thế nào là tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì không cựa được, chân tay tê cứng mà không thể nào xoay chuyển, tuyệt vọng vì không thở được. Mấy cô bé ở Bắc Quang, hay Vị Xuyên gì đó hình như ngất đi không biết gì nữa. Một lúc thấy có vẻ “lai tỉnh”, hỏi han thì được các cô cho biết là cứ dịp lễ tết là đều bị lèn như thế này, nhưng mà đây là lần tệ nhất. Hay thật, thế là mình có hân hạnh được đi lên Hà Giang bằng một cái xe khách có chất lượng phục vụ tệ nhất. Ừ, nếu đăng ký tham gia kỷ lục Việt Nam thì có lẽ cái xe Hyundai 24 chỗ này cũng được một cái giải gì đó để “có danh gì với núi sông”. Hỏi thêm hai em là đi đông thế này mà công an không phạt à, được trả lời, rồi anh xem, cả dọc Tuyên Quang, Hà Giang này chẳng có trạm nào đâu, ở đây người ta làm luật theo tháng rồi. Thấy hay ghê, thế này thì bảo sao mà số người hy sinh vì tai nạn giao thông của Việt Nam còn hơn cả sổ người “đi” vì chiến tranh Iraq. Mà lạ nhé, đấy là còn đúng vào “tuần lễ an toàn giao thông” đấy, nếu đi vào tuần lễ không có “an toàn giao thông” thì còn đến mức nào nữa. Đi trên chuyến xe này mới thấy mạng người được mấy ông nhà xe coi rẻ rúng như thế nào. Như rơm như rác! Mà hành khách vẫn phải đi, vì không đi không được, chẳng có xe nào khác, không lẽ xuống giữa đường, bõ lỡ dịp đoàn tụ gia đình, bõ lỡ dịp khám phá cái vùng đất mà đã từ lâu được mong ước ghé thăm. Vợ hỏi, sao người ta không làm đường sắt anh nhỉ. Ui giào, đi ô tô mà bình thường Mỹ Đình đi một ngày chỉ có mấy chuyến, làm đường sắt thì ai đi. Vợ nói, thì phải xây đường sắt thì số người đi mới nhiều lên, vì người ta mới có cơ hội đi tới Hà Giang nhiều hơn chứ. Ừ, có lý, giống như câu chuyện về hai ông chuyên gia ma-ke—ting của hai công ty kinh doanh giày đến một hòn đảo châu Phi nọ, một ông fax về, nói không có cơ hội đâu, ở đây không ai đi giày, ông kia nói, nhiều cơ hội lắm, ở đây chưa ai đi giày cả.

12. Đúng là nếu có cơ hội chắc chắn người ta sẽ đi lên Đồng Văn này nhiều hơn. Cái cao nguyên trùng điệp thăm thẳm đá này thua gì Thạch Lâm của Côn Minh, còn hơn gâp nhiều nhiều lần cái bãi đá của núi Hàm Rồng Sa Pa. Mà cái nét văn hóa nguyên sơ man dại ở đây, cái tính cách chân chất của con người ở đây lại hấp dẫn vô cùng. Để biết trọn Việt Nam, người ta cần biết hai thái cực, một thái cực Tây Nam, ở cái Tứ Giác Long Xuyên, màu mỡ, mơn mởn xanh những lúa, những cái hiền hòa của vùng đồng bằng, mênh mang của sông Tiền, sông Hậu, tới cái cười, cái nói phóng khoáng của người miền Tây Nam, cái dễ dàng của giao thông, của mùa vụ, tóm lại là cái bằng phẳng của một vùng địa lý và tính cách. Người ta cũng cần biết tới một thái cực khác, lởm chởm đá, khắc nghiệt mùa vụ, kín đáo, chân chất về tính cách, tới cái hùng vĩ của những dòng sông Đà, dòng sông Mã, của dãy Hoàng Liên, tóm lại là cái gồ ghề của một vùng địa lý và tính cách. Để biết thêm, dù không được toàn diện, nhưng sâu sắc hơn về đất nước mà mình đang sống. Như thầy giáo dạy Văn của mình năm lớp 12 đã nói, một con người mà không hiểu biết gì về nơi mình đang sống, thì chỉ như một con trâu đang cày ruộng mà thôi, đối với con trâu thì mảnh ruộng nào chẳng như mảnh ruộng nào.


13. Bụổi tối quay lại Hà Giang, được xem ti-vi đưa tin cảnh sát quây ráp Vũ trường New Century, có một ngàn hai trăm thanh niên đang ở đó. Thấy bàng hoàng, và tủi thân. Thấy lấp loáng hiện lên những em bé Mông đang lầm lũi suốt ngày ở những khe đất bé xíu trong kẽ đá, trồng từng cây, từng cây ngô, mong hái từng bắp, từng bắp. Thấy lấp loáng hiện lên những người phụ nữ Mông gùi từng can nước, đi bộ vài chục cây số. Thấy lấp loáng hiện lên câu hỏi, bao giờ “miền núi tiến kịp miền xuôi”, thấy phảng phất trong cơn gió đêm lành lạnh của đá núi, câu hỏi lại “thật ra miền núi này có cần tiến kịp miền xuôi New Century không, hay là bao giờ miền xuôi ấy tiến kịp miền núi này về muôn vàn thứ khác trong cuộc sống (trừ những giá trị vật chất) mà miền xuôi ấy đang mất đi”. Không biết trả lời sao nữa.
 
phamcung

phamcung

Guest
30/9/05
378
13
0
Hanoi
Vừa đi Đồng Văn về (phần cuối)

Em là đá hay em là ai đó

Đứng ở đây, run rủi góc trời này

Em là đá, hay ai là em vậy

Góc trời này, sương thấp trắng mây bay.



Em là đá từ bao năm đứng đợi

Mắt đen em, và tóc em đen

Hóa thành đá, thành cái nhìn đen cháy

Hun hút sâu, chấp chới, một giọng khèn.



Em là đá, em lăn về đâu đấy

Dòng sông Lô, nước mắt đã dâng đầy

Em khóc hả, sao trầm tư đến vậy

Để trong veo trong vắt cốc rượu say.



Tiếng em hát, hay tiếng ru, tiếng khóc

Thành gió bay chuếnh choáng những lưng đèo

Em từ ở tận cùng thung sâu thẳm

Mở vòng tay ôm dốc núi cheo leo.



Em là đá, hay ai là em đó

Đứng ở đây, cháy mãi góc trời này

Lau mắt bằng sương mây bay trắng

Cháy ngàn đời, tan mãi, có ai hay !
 
S

sami

Kẻ hết thời
23/9/04
243
6
18
An Sương
www.4so9.com
Viết hay và cảm xúc lắm. Rất lâu rồi trong web lại có một bài hay như của một cây viết chuyên nghiệp. Ý tứ bay tản mát như mây Lũng Cú, miên man vươn mãi như đá Đồng Văn. Có lẽ mình bị bài tự sự này kéo đi Đồng Văn một chuyến mất.
Cám ơn.
 
S

Scorpio

Guest
30/12/04
144
0
0
43
Somewhere with U :)
Bác Phamcung viết hay quá, giá mà có thêm mấy tấm ảnh minh hoạ nữa thì hoàn hảo. Cung đường Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn -Mèo Vạc đi mùa nào thì đẹp nhất bác nhỉ? Mà bác đi bằng phương tiện gì thế bác?
 
Đ

Đoàn Minh Trung

Gió thổi dừa rơi
23/12/06
935
24
18
TX Bến Tre
Viết hay và cảm xúc lắm. Rất lâu rồi trong web lại có một bài hay như của một cây viết chuyên nghiệp. Ý tứ bay tản mát như mây Lũng Cú, miên man vươn mãi như đá Đồng Văn. Có lẽ mình bị bài tự sự này kéo đi Đồng Văn một chuyến mất.
Cám ơn.

Cứ đi đi rồi biết, mùa mưa này đi ko cẩn thận trượt chân rớt xuống vực cái àooo......
 
Hoadonbanle

Hoadonbanle

Guest
19/5/05
613
0
0
20
Xóm liều...
Bác Phamcung viết hay quá, giá mà có thêm mấy tấm ảnh minh hoạ nữa thì hoàn hảo. Cung đường Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn -Mèo Vạc đi mùa nào thì đẹp nhất bác nhỉ? Mà bác đi bằng phương tiện gì thế bác?

Thích đi lên đó thì liên hệ cả tớ, tớ giới thiệu cho vài đồng chí dẫn đi.
Đảm bảo là chỉ khai hoang luôn :freddy:
 
phamcung

phamcung

Guest
30/9/05
378
13
0
Hanoi
Cung đường này hay nhất là đi bằng xe máy vào mùa xuân, trước khi mùa mưa bắt đầu. Đi vào mùa xuân, khoảng tháng 3 dương lịch. Đi vào mùa này thì hơi mạo hiểm, vì mưa, rất dễ bị sạt đường, mà sạt đường là kẹt luôn ở lại, có khi tới cả mấy ngày.

Mình đi chuyến vừa rồi bằng ô tô khách. Dạo trước, hồi năm 2000 có làm vòng cung tây bắc bằng xe máy (Hà Nội- Hòa Bình- Sơn La- Điện Biên- Lai Châu- Lào Cai- Yên Bái- Tuyên Quang- Hà Giang- Hà nội). Hồi đó lên tới được cổng trời Quản Bạ, xuống được thị trấn Tam Sơn của Huyện Quản Bạ rồi lại quay về, không có thời gian để đi tiếp lên Yên Minh- Đồng Văn- Mèo Vạc. Bây giờ vẫn thích đi xe máy, tự do hơn, thoáng đãng, khoáng đạt hơn, nhưng mà "già cả" rồi, lại đi với vợ nữa, nên không dám mạo hiểm.

Nhưng đi mùa mưa cũng có cái hay lắm. Đợt năm 2000 mình đi vào tháng 9, khoảng cuối mùa mưa, mà vẫn mưa to, dữ dội, đi trên lưng chừng con dốc Quản Bạ, giữa cơn mưa xối xả, sấm chớp ầm ầm, không còn nhìn thấy đường xá, vực, núi gì nữa. Thế mà vẫn phải đi, vì sợ dừng lại mà đường sạt, không về được tới Hà Giang thì cũng khốn. Cái cảm giác độc hành vừa đi vừa hớt hải lo lắng ấy không phải lúc nào cũng có được.
 
S

Scorpio

Guest
30/12/04
144
0
0
43
Somewhere with U :)
Thích đi lên đó thì liên hệ cả tớ, tớ giới thiệu cho vài đồng chí dẫn đi.
Đảm bảo là chỉ khai hoang luôn :freddy:
Hơ, nhưng mà lại thích đi mới cả HĐBL cơ. :dance2:
 
S

Scorpio

Guest
30/12/04
144
0
0
43
Somewhere with U :)
DSC04365.jpg


Hihi, khoe mot ti, vua di Angkor ve! :cool2:
 
Sửa lần cuối:

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA