Bắc Kinh du ký

  • Thread starter phamcung
  • Ngày gửi
phamcung

phamcung

Guest
30/9/05
378
13
0
Hanoi
Bắc Kinh sớm hơn Hà Nội một tiếng, tức là ở Hà Nội là bảy giờ tối thì ở Bắc Kinh đã là 8 giờ tối rồi. Mà ở đây 8 giờ mới tối thật. mặt trời lặn vào khoảng lúc 7 rưỡi. Muộn hơn Hà Nội.

Thiên An Môn là một quảng trường rộng mênh mông và gò bó. Khác với quảng trường Ba Đình có đại lộ Hùng Vương dành cho người đi bộ, và người đi bộ cũng có thể dễ dàng từ đường Bắc Sơn băng qua đường để sang những ô cỏ của quảng trường Ba Đình, ở Thiên An Môn, đại lộ là dành cho ô tô. Người đi bộ muốn băng qua đường phải chui xuống đường hầm mới sang được bên kia đường. Thiên An Môn khô không khốc, toàn bê tông, đá granit, khách du lịch và cảnh sát. Xe cảnh sát chạy long nhong trên vỉa hè,len lỏi giữa khách du lịch, đèn chớp nháy liên hồi. Thiên An Môn không có các ô cỏ, car khoảng quảng trường lát đá. Xung quanh quảng trường là những tòa nhà của chính phủ, và những lớp vỉa hè thênh thang dành cho người đi bộ.

Thiên An Môn không như mình hình dung. Nói chung nhiều thứ nữa không như mình hình dung. Sân bay Bắc Kinh chẳng hạn, chẳng qua chỉ như một cái sân bay Nội Bài phóng to lên mà thôi. Dịch vụ rất tệ hại. Khách đi máy bay xuống không hề biết là hành lý của mình ở trên băng chuyền số mấy, lần ngần tò te một lúc mới thấy em của Southern Airline ra thì thầm: Six. Mà Southern Airline này thua xa Hàng không Việt Nam, cả về tàu bay, tiếp viên và tác phong phục vụ. Bay quốc tế, nhưng các nàng cứ tiếng nội địa mà thoại, lại còn lầm bà lầm bầm trong miệng, không ai hiểu càu nhàu cái gì nữa. Đoạn thuyết minh tiếng Anh cũng vậy, không thể nào mà nghe được. Khi khách rời khỏi tàu bay, cũng xịa xịa lấy lệ, mặt mũi ráo hoảnh, lạnh tanh, thậm chí còn không nhìn khách nữa. Thấy nhớ các cô tiếp viên VN, khách xuống là thanh kiu thanh kiếc, lại còn cưới đằm thắm nữa.

Sân bay Bắc Kinh rộng bát ngát, và rất chán là nó không làm thế nào để giấu đi cái vẻ bát ngát ấy. Sân bay Changi của Sinhgapore chẳng hạn, cũng to lớn như vậy, mà khách tới không có cảm giác gì là bị ngợp, bị lạc lõng trong cái to lớn ấy. Còn Sân bay Bắc Kinh thì phô trương cái sự to lớn của mình một cách đơn điệu và tẻ ngắt. Khách đi chuyến Hà Nội- Bắc Kinh phải xuống xe ô tô (trên xe lại còn lich sự “Do apologize for any inconvinience caused by no-airconditioning”), rồi đi mãi, đi mãi tới cuối sân bay mới tới chỗ làm thủ tục nhập cảnh. Đi qua bao nhiêu máy bay của Air China, China Southern Airlines, China Eastern Airlines, Shanghai Airlines, Shenzen Airlines, China Xinhua Airlines, Heinan Airlines rồi thậm chí có cả ChangAn Airlines nữa, mới thấy duy nhất một cái máy bay xanh lá sen của Vietnam Airline. Khách người Việt trong cái xe ô tô này vừa trìu mến, vừa thương xót nhìn cái máy bay quê nhà bị nhét xuống tận xó xỉnh của cái sân bay này.

Máy bay của China Southern Airlines (CZ) bay từ Hà nội là một chiếc Boeing 737- 300, cũ kỹ, ghế bé tẹo và có một cái mùi gì đó không được dễ chịu cho lắm. Mà cái ghế này bé xíu xíu, hình như là bé hơn tất cả các loại ghế tương tự của những chiếc máy bay tương tự của VN Air. Trên tấm vải lót lưng ghế có dòng chữ Beijing 2008 và biểu tượng màu đỏ của Olympic 2008. Cái biểu tượng này không hiểu có ý nghĩa gì, một hình người màu đỏ, chân tay loằng ngoằng run rẩy (hay là đang õng ẹo). Chịu, không thể hiểu nổi cái thứ tượng hình này. Mà chẳng cứ gì cái biểu tượng của Olympic 2008, mấy cái biểu tượng của các hãng hàng không Trung Quốc này cũng tương tự như vậy, cái kiểu chữ tượng hình, lại còn được viết theo kiểu thư pháp thư phiếc gì đó thấy tới là khó mường tượng ra ý nghĩa cụ thể. Ấy thế mà ở Việt Nam cũng có nhiều nhà “thư pháp” cũng loằng ngoằng run dế kiểu ấy, bôi lem nhem hết cả những áng thơ mà các nhà ấy chấp bút.

Thực ra nói thế cũng không công bằng. Nhớ một dạo nào ở Văn Miếu trưng bày các bức thư pháp của các bậc thư pháp đích thực của Trung Quốc trình bày, có một bức chữ “Tình” (tình ái, tình yêu) mà mình nhớ mãi. Chữ “tình” ấy, cái ông tác giả viết thế nào mà thoắt ẩn, thoắt hiện, một đôi chỗ lơ mơ lờ mờ, một đôi chỗ rõ ràng sáng tỏ, vừa trong sáng, vừa mờ đục, vừa nhẹ nhàng, vừa đằm thắm. Khó mà có thể có người vẽ được cái chữ “Tình” dạt dào phóng khoáng như vậy.
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
phamcung

phamcung

Guest
30/9/05
378
13
0
Hanoi
Bắc Kinh du ký (2)

Buổi tối đi tàu điện ngầm từ khách sạn tới Thiên An Môn. Mỗi lượt đi là 3 tệ, tức là khoảng 6 ngàn rưởi tiền Việt. Vé vẫn là vé giấy, có một bà ngồi xé vé, khách đi qua, bà lấy vé, xé, cho vào thùng rác, và xịa xịa. Tàu điện ngầm cả lượt đi và lượt về đông nghịt, chủ yếu toàn thanh niên. Có lẽ là buổi tan tầm, ai nấy đều mệt mỏi. Khác sky train của Bang Kok, chủ yếu là giới yuppies sử dụng, phơi phới phơi phới, làm cho khách du lịch tưởng BK lúc nào cũng chỉ có shopping chứ không sản xuất ra của cải vật chất. Tàu điện ngầm của Bắc Kinh chỉ chạy trong vùng trung tâm, có hai lines, một line chạy song song với đường vành đai 2 (đường vành đai 2 chạy đúng thành một hình vuông trên bản đồ- Bắc Kinh có các đường vành đai 2, 3, 4, 5- không có đường vành đai 1). Một line khác chạy cắt ngang qua ô vuông được vạch ra bởi line thứ nhất. Khá là tiện lợi, nhưng đa số dân trong số 20 triệu dân của Bắc Kinh không đủ tiền ở trong khu vực vành đai 2, mà dạt ra tít tận ngoài các vành đai 3, 4, 5, thậm chí cồn xa hơn. Cô bạn đồng nghiệp nói nhà chung cư ở vành đai 5, tức là cách trung tâm (vành đai 2) khoảng bốn năm chục cây số gì đó có giá thấp nhất là mười ngàn tệ (tức là khoảng gần hai mươi hai triệu đồng một mét)- Với giá ấy thì ở Hà Nội đã có thể ở trong vành đai 1 rồi.

Khách sạn Shangri- La (China World Center) nằm trong một quần thể lớn, gồm có China Trade Center, Office và Hotel. Một khách sạn to tướng, đặc màu sắc Trung Quốc, đẹp, phục vụ tốt nhưng đắt, hơn nữa nhân viên phục vụ không có được cái vẻ ân cần dịu dàng của Shangri- La Bangkok. Được cái gần ga tàu điện ngầm nên đi lại rất tiện.

Buổi sáng đi tới hội thảo tại trung tâm đào tạo của Kiểm toán nhà nước Trung Quốc. Trung tâm cách Khách sạn khoảng mười lăm cây số mà mất một tiếng rưỡi đi ô tô. Đường xá của Bắc Kinh tổ chức tốt, toàn đường một chiều, ít nút giao cắt đồng mức. Nhưng có quá nhiều ô tô. Đấy là Bắc Kinh đã cấm tiệt xe máy, đấy là đã có hệ thống tàu điện ngầm và khoảng 500 tuyến xe buýt rồi. Ở đây không thấy có Toyota hoặc Honda mấy. Các xe chạy ngoài đường nhiều nhất là Audi (A6), Volwagen (Passat), GM (Buick-GM Shanghai). Điều đặc biệt là hầu như bất kỳ xe nào cũng gắn tên Trung Quốc bên cạnh cái tên tiếng Anh. Chỉ có Mercedes và BMW là vẫn không hòa nhập về ngôn ngữ. Xe Innova, Captiva đang cháy ở Hà Nội không xuất hiện ở Bắc Kinh. Thỉnh thoảng mới thấy một xe hao hao giống xe Matiz, xe của Trung Quốc sản xuất, kiểu như Lifan gì đó cũng không thấy xuất hiện nhiều. Bãi đỗ xe của khách sạn cũng có một chiếc Mayback, với mấy chiếc xe thể thao 2 cửa rất đẹp- mà cũng không ai quan tâm nhiều lắm.

Hai bên đường tới trung tâm đào tạo là dày đặc những chung cư và các tòa nhà văn phòng. Kiến trúc đơn điệu, nhàm chán và tẻ ngắt. Có rất nhiều các chung cư cũ kiểu như khu Kim Liên hoặc Thành Công, cũ kỹ, nhem nhếch, gắn chi chít các cục điều hòa nóng với dây dợ lòng thòng ra ngoài trời. Hầu như không căn hộ nào có ban công, vì ban công đã được tận dụng, che kín bằng các ô nhôm kính. Các ô nhôm kính bám đầy bụi, thỉnh thoảng có ô lại mọc rêu, trông có phần nhếch nhác.

Hội thảo như thường lệ rất chán. Có cảm giác như là đang trong một buổi tụng kinh trong một ngôi chùa nào đó, trong đó người thuyết trình là nhà sư đang tụng niệm, gõ mõ còn cử tọa giống như các ông phỗng. Chỉ khác là các ông phỗng ở cuộc hội thảo này thỉnh thoảng lại gật gật chứ không nghiêm nghị như các ông ở trên chùa.

Buổi tối được mời đi ăn vịt quay Bắc Kinh. Đúng là đặc sản của Bắc Kinh. Ngon tuyệt. Vịt quay ở Bắc Kinh có lớp da mỏng, giòn tan khi đưa vào miệng, thịt vịt hơi béo, hơi ngậy và không hề bã. Thịt vịt được thái mỏng để trong một cái đĩa, cái đĩa lại được để lên trên một ngọn đèn nến để giữ cho nóng. Đang ăn thì người phục vụ đưa ra hai cái phong bì. Anh bạn Trung Quốc nói đây là hai cái certificate cho hai con vịt đã bị chúng ta chén, hai cái certificate này nói là hai con vịt chúng ta chén là con vịt thứ một trăm mười lăm triệu không trăm chín mươi bảy ngàn bốn trăm linh bảy (115,097,407) và con vịt thứ một trăm mười lăm triệu không trăm chín mươi bảy ngàn bốn trăm linh tám (115,097,408) kể từ ngày thành lập nhà hàng này cách đây 140 năm. Tức là trung bình mỗi ngày trong một trăm bốn mươi năm qua hệ thống nhà hàng vịt quay này đã “hóa kiếp này, đày kiếp khác” cho khoảng ba nghìn con vịt. Một con số vô cùng ấn tượng.
 
M

MINA

Quảng cáo/Tài Trợ
Thành viên BQT
Quản lý cao cấp
12/11/03
4,030
410
83
46
Ninh Thuận
Bác Phamcung ơi, Bác đi tới Quảng Trường Thiên An Môn rồi sao không nghe bác kể đi vào luôn trong Cố Cung nhỉ.
Mina đi vào dịp tháng 3 trời lạnh,nhiệt độ thường xuyên là 2 độ, trời nắng nhưng không thể nào thấy ấm, và còn có tuyết.
Đi mới thấy Đại Nội của Việt Nam sao gần giống với Cố Cung thế vì đường quanh hông của Cung cũng là những con kênh đào đầy nước.
Vào cổng mua vé, mới thấy nhiều người Trung Quốc chưa bao giờ đến Cố Cung. Họ đi tham quan Cố Cung đi theo đoàn nhiều hơn. Mina mua vé xong được hướng dẫn qua phát một bản đồ và đặt cọc tiền để mượn một radio để được nghe hướng dẫn và thuyết minh khi đi tham quan.
Cảm giác đầu tiên đi qua cổng dài chắc khoảng 20m là lạnh, gió lòng vào trong đường đi qua cổng lạnh buốt. Qua cổng, thấy ngay sân giống như trong phim, cũng rộng mênh mông và hiếm thấy cây cối (hình như chỉ có vườn thượng uyển mới nhiều cây mà thôi).
Đi lang thang các phòng, nhiều phòng nhiều chức năng nằm bên hông. Đặc biệt từ phòng này qua phòng kia không bằng phẳng mà hay có các bậc ngang cửa.
Đi tham quan mà không cảm giác thoải mái vì chỉ được đừng ngoài nhìn vào các phòng của vua, hoàng hậu, hoàng tử cứ tranh tối tranh sáng và đồ cũ kỹ (không hào nháo như trong phim). Đến những căn phòng nhỏ chừng 9m2 chỉ có một giường và một cái bàn nhỏ cùng hai cái ghế, cứ tưởng đâu là phòng của các người hầu nhưng không phải và được thuyết minh là phòng của phi tần của vua, còn cái gì khác nằm ở trong không thì không biết vì nhìn vào cứ mù mù. Tội nghiệp giống như ở trong tù quá, hèn chi trong phim thấy ai cũng náo nức đến các dịp lễ hội được tổ chức trong cung.
Vừa đi đến đây, nhận được điện thoại của một supplier muốn mời ăn trưa, nhìn vào đồng hồ gần đến giờ trưa, muốn đi thêm cũng không được nhiều nữa thế là ráng đi nhanh tới vườn thượng uyển, lướt nhìn vào rồi đi ra. Nhìn vào bản đồ thấy mình đi hình như chỉ mới được 1/4 đã phải trở ra.
Mina cũng ở khách sạn Shangri- La trong lần đi Trung Quốc vừa rồi nhưng hình như giá vẫn còn rẻ hơn ở thành phố HCM (Sheraton đến vài trăm đô cho một ngày) và do không quen với thức ăn của Trung Quốc nên chỉ ăn sáng ở khách sạn tạm được nhất vì dù sao cũng international nên tạm chấp nhận được. Được khách hàng dẫn đi ăn một quán được gọi là đặc trưng của Trung Quốc, tới rồi mới thấy quán Tib trong Saigon sao giống với quán ở đây thế nhỉ. Cũng phải, vì Trung Quốc đô hộ Việt Nam đến 10 thế kỷ lận mà.
Ấn tượng về thức ăn Trung Quốc, đi ăn lần nào cũng thấy họ gọi quá nhiều thức ăn mà chẳng ăn hết, thức ăn cứ ê hề cả, đủ các món tôm, cua, cá, thịt... nhưng chẳng có cảm giác ngon miệng chắc do di chuyển và căng thẳng trong công việc nhiều thì phải. Mina thích ăn được một đĩa rau luộc mà không biết thế nào gọi ra cho giống ý, toàn đụng phải rau xào. Cuối cùng phải chọn giải pháp là yêu cầu món lẩu nhiều rau. Hic
Tiếp đến là rượu của Trung Quốc, ở bên đó cảm giác người ta ít uống bia mà rượu nhiều hơn. Rượu Mao Đài, Mina chưa trả bữa ăn nào nhưng được giới thiệu là Rượu Mao Đài có loại rượu rất đắt còn đắt hơn cả rượu ngoại (chính hiệu ở thành phố), đến 2000 tệ một chai (hơn 4 triệu VND) cho một chai 750ml. Rượu trong vắt thấy để 53 độ nhưng uống vào không cảm thấy shock, mùi của rượu mùi nồng (giống hương hóa chất hơn) nhưng anh khách hàng người miền Bắc đi chung với mình (không biết tiếng Anh lẫn tiếng Hoa) bảo là rượu của nó thế. Mọi người uống rượu toàn làm vào một cái ly to như ly uống nước của Việt Nam mình nhưng không phải uống hết một lần mà uống từng ngụm cho đến hết bữa ăn.
Còn một chuyến đi về Tangshan, Hà Bắc (Heibei) và đi tham quan Vạn Lý Trường Thành vào lúc tuyết rơi nữa......
 
A

Aquamarine

Guest
30/5/07
2
0
0
Hanoi
Mình cũng có dịp đến Bắc Kinh rồi. Đúng là tất cả không đẹp và cổ kính như mình tưởng tượng. Nhất là cái kiểu phải đứng ngoài ngó nghiêng vào các phòng của hoàng hậu... nhưng mà nói chung vẫn vui vì được đi chơi mà :p
 
phamcung

phamcung

Guest
30/9/05
378
13
0
Hanoi
Bắc Kinh du ký (3)

To Mina: sáng nay vừa đi Cố Cung về - sẽ kể ở phần sau nhé!

Ăn tối xong về khách sạn, lúc này mới thấy Bắc Kinh như mình hình dung. Một làn bụi lơ lửng trong không gian như một làn sương những sớm mùa đông che phủ thành phố. Thật kinh khủng. Bụi của Hà Nội so với bụi của Bắc Kinh chưa là cái gì cả. Bụi của Hà Nội bay lên, rồi lắng xuống. Bụi của Bắc Kinh cứ lơ lửng lơ lửng ở trong không trung, thành những đám sương bụi, mây bụi che mờ cả mặt trời ban ngày và đèn đường buổi tối. Bây giờ mới hiểu là tại sao ở Bắc Kinh không có ban công, mà ngay cả ban công người ta cũng quây kín mít bằng các khung cửa sổ nhôm kính. Bụi này gây ra bởi mấy triệu chiếc xe hơi lưu thông trên đường, của mấy triệu cái máy điều hòa ngày đêm hầm hập hơi nóng, của hàng ngàn công trường xây dựng đường cao tốc, nhà cao tầng, các công trình thể thao phục vụ Olympic 2008, có lẽ cũng của các công xưởng mọc lên ở mọi nơi xung quanh Bắc Kinh và ở Trung Quốc, nơi mà khái niệm phát triển bền vững, thay đổi khí hậu chưa phải là mối quan tâm hàng đầu.

Ở cách Shangri-La khoảng 10 phút đi bộ là một khu mua bán lớn dành cho khách du lịch, gọi là Silk street. Một khu năm tầng bán đủ các thể loại quần áo, giày dép và túi xách. Các cô bán hàng trông hao hao giống nhau, mắt một mí, mũi tẹt, trán ngắn và mặc áo đỏ. Giống như lạc vào một khu toàn vịt quay vậy. Có điều các con vịt nhà này quàng quạc bằng tiếng Anh, hòng chăn các con vịt trời từ các phương khác tới. Có một số nguyên tắc cho các con vịt trời vào đây, một là dù có thích cũng phải lạnh như tiền, không được tỏ ra là thích, hai là trả giá khởi điểm vào khoảng 15- 20% là vừa, và ba (cho khách Việt Nam) là mức tối đa (mức trần) có thể trả là mức bằng với mức ở nhà. Ở đây, sau khi quan sát một hồi, mình rút ra thêm một nguyên tắc thứ tư là đừng nói thật quốc tịch của mình, để khi mình bị chửi khi bỏ đi không mua hàng thì tổ quốc của mình không bị vạ lây. Thế nên cứ có con vịt nhà nào hỏi hoe a iu phờ rom, ai em phờ rom mông gô li a! đu iu nâu mông gô li a, đu iu nâu, u lan ba to, mai ca pi tần- thế nào cũng có lúc đất nước Mông Cổ bị các con vịt nhà này chửi nhầm. Rốt cục cuối cùng cũng mua được một cái cặp, giá thách là 860 đồng, trả 260 đồng- tức là cũng 30% mất rồi- giá cũng tương đương ở Hà nội.


Thực ra ở Silk street này cũng có một số quầy rất hay. Ở đầu góc có một ông họa sĩ đứng tuổi vẽ chân dung bằng bút chì cho khách. Khách ngồi làm mẫu, vẽ xong lấy ngay, khá giống. Ở một số quầy khác có dịch vụ viết tên bằng chữ tầu. Mỗi chủ quầy có một cuốn sổ phiên âm các tên nước ngoài phổ biến nhất sang tiếng Tàu. Tên được viết trên một tấm lụa nhỏ, khá đẹp, 50 tệ một bức. Ở một số quầy khác lại có dịch vụ khắc dấu tên trên ngà, hoặc xương, lấy ngay, cũng khá ngộ nghĩnh.

Từ Silk Street về khách sạn là một đoạn vỉa hè rất rộng. Ở quãng vỉa hè này vào lúc mình đi về (9 giờ tối) thấy một số thanh niên trải các mảnh chiếu, trên chất đầy các thứ linh tinh giả cổ mời khách qua đường, các thể loại tượng phật bằng đồng, tượng lính của Tần Thủy Hoàng bằng đất nung, rồi các loại vòng tay vòng cổ, có sạp còn bầy cả một cái đầu dê thật sừng, râu dựng đứng.

Ăn tối ở Mac Donald. Có một cái quan sát của ai đó khá thú vị là cứ ở đâu có Mac Donald là cách đó một hai dãy phố sẽ có KFC (hoặc ngược lại). Ở Bắc Kinh này cũng vậy, KFC và Mac Donald thường cách nhau khoảng vài phút đi bộ (dĩ nhiên là không đúng đối với KFC ở Việt Nam vì Mac Donald vẫn chưa đặt chân được vào). Thật ra ở Mỹ cũng vẫn có sự độc quyền cao độ, ví dụ Đảng Dân chủ và Cộng Hòa độc quyền về chính trị, Coke và Pepsi độc quyền về nước giải khát, Unilever và Procter and Gamble độc quyền về hàng hóa mỹ phẩm, và Mac Donald với KFC độc quyền về đồ ăn nhanh. Vậy mà cứ chê các nước khác độc quyền. Trung Quốc, nhân cái vụ ỏm tỏi về thức ăn thức uống cũng nói là Mỹ cũng chẳng sạch sẽ gì. Mỹ nói Trung Quốc có kháng sinh trong tôm cá, rồi có chất sudan trong son môi, có chất độc trong thuốc đánh răng, thì đài truyền hình Trung Quốc cũng chiếu một đoạn video, trong đó khán giả được thấy một bầy dòi lúc nhúc trong khoai tây nhập khẩu của Mỹ. Cái này đúng như là “chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ mới trả lời cả họ mày thơm” vậy.
 
phamcung

phamcung

Guest
30/9/05
378
13
0
Hanoi
Bắc Kinh du ký (4) (Hà nam)

Hà Nam (Henan) là một tỉnh vĩ đại của Trung Quốc, diện tích bằng một nửa Việt Nam (167 nghìn km vuông) mà dân số là hơn một trăm triệu, GDP của Hà Nam năm 2004 đã đạt hơn 100 tỷ đô. Tức là nếu Hà Nam là một quốc gia thì xét về dân số mà nói, sẽ là quốc gia có dân số đứng thứ 12 thế giới. Và tức là mấy trưởng phó phòng của Sở Tài chính tiếp đón mình là to lắm, nếu so với Việt Nam cũng phải là cấp vụ trưởng, vụ phó gì đó.

Hà Nam là cái nôi văn hóa của Trung Quốc, ở đây có những địa danh lịch sử nối tiểng như Thiếu Lâm Tự (Shao Lin Temple), thành Lạc Dương (Luoyang), phủ Khai Phong (Kaifeng), gắn liền với các nhân vật có vai vế trong lịch sử Trung Quốc như Tào Tháo, Bao Công (Bao Zheng) và Lão Tử (Lao Tzu). Thủ phủ của Hà Nam là Zhengzou (không biết phiên âm ra tiếng Việt là gì), là một thành phố khá lớn, nhưng quy hoạch có vẻ hơi lộn xộn, đường xá nhà cửa chen chúc và chật chội. Sân bay Zhengzou có quy mô như sân bay Nội Bài, với cái kiểu thiết kế đơn giản, lành lạnh với thép và kính như vậy.

Buổi tối, được ăn một bữa tối đích thực của Trung Quốc khi mời khách, tức là nhiều kinh khủng. Một mâm có 10 người, ngồi quanh một cái bàn tròn xoay. Riêng các món khai vị đã khoảng gần chục món rồi, món chính cũng mười mấy món, rồi món canh, mì, bánh bao được bưng ra cuối cùng. Thức ăn được bưng ra vô tận, hết món này đến món khác, mấy người cùng đoàn cứ luôn miệng, oh my goodness, more food!. Không hiểu làm thế nào mà người ta có thể hấp thụ và tiêu hóa được ngồn ngộn những thức ăn như vậy.

Sáng hôm sau khởi hành đi Thiếu Lâm tự (Shao-lin Temple), Shao tức là Thiếu, Lin là Lâm là rừng. Thiếu Lâm Tự là ngôi chùa trên dãy núi Thiếu Thất. Cô hướng dẫn viên du lịch nói ở Trung Quốc có năm dãy núi (hay ngọn núi) nổi tiếng, phía Đông là Thái Sơn, phía Nam, phía Bắc, phía Tây có tên là gì đó mà cô nàng líu lo không rõ, còn Thiếu Thất, có lẽ là ngọn núi ở giữa Trung Quốc. Thực ra Trung Quốc ngày xửa ngày xưa chỉ giới hạn trong lưu vực của hai con sông, Hoàng Hà và Trường Giang (vì thế hay được gọi là Trung Nguyên. Nếu vậy thì Hà Nam coi như là trung tâm của Trung Quốc xưa rồi.

Thiếu Lâm tự cách thành phố Dongfeng (Đông Phong chăng) khoảng hơn một chục cây số. Xem phim chưởng thấy đường lên Thiếu Lâm tự rõ là cao, chùa đến rõ là to và vào được cửa rõ là khó. Những cái expectation đó rõ ràng là sai hết. Chùa Thiếu Lâm có lẽ chỉ ở độ cao như là chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, xe ô tô lên được gần đến nơi. Khách xuống xe ở bãi đỗ xe, mua vé đi xe điện để vào thăm chùa. Thực ra ngôi chùa chẳng có gì là to lớn cả. Cũng là một quần thể chùa và vườn tháp giống như các cụm chùa lớn khác của Việt Nam như chùa Hương hoặc Yên Tử (có lẽ cũng chưa bằng). Tàng Kinh Các tưởng là một nơi to lớn đồ sộ lắm, nhưng hóa ra cũng chỉ là một tòa nhà nhỏ nhỏ, ở ngay gian ngoài nay để một pho tượng phật nằm. Cô hướng dẫn viên chỉ vào một cái cây trên đường vào chùa nói cái cây này nhiều tuổi lắm, có lẽ phải tới 500 tuổi. 500 tuổi thì còn thua tuổi của những cây thông trên đường lên Yên Tử của Trúc Lâm Tổ sư của Việt Nam. Cuối buổi được xem một Kungfu show. Tất cả mọi người đều hớn hở, tưởng được xem những màn trình diễn võ thuật vài trăm người trên khoảng đất rộng như những cảnh trên phim chưởng Hồng Kông. Hóa ra tất cả chui vào trong một cái nhà tròn bé xíu, cái nhà tròn có sân khấu ở giữa như rạp xiếc. Nhóm biểu diễn võ thuật vừa múa máy vừa rao bán những cái đĩa VCD nhóm này quay ở Malaysia, chẳng khác nào một gánh Sơn Đông mãi võ, vừa múa võ vừa bán thuốc vậy.

Dĩ nhiên cũng có những thứ đúng như mình hình dung, nghĩa là Thiếu Lâm tự, và thành phố Dongfeng đúng là một trung tâm võ thuật lớn của Trung Quốc. Từ ở Dongfeng đã thấy những trường dạy võ rất lớn, với rất đông các võ sinh đang đấm đá huỳnh huỵch, hò hét inh ỏi rồi. Trên đường vào Thiếu Lâm tự cũng vậy, cũng có những ngôi trường (mà tiếng tàu cứ gọi là võ đường) với rất đông các võ sinh. Có lẽ ở Việt Nam, không có chỗ nào mà người ta chỉ chuyên về dạy võ mà quy tụ đông người học như vậy, mà hình như học ở đây là học tập trung dài hạn, chứ không phải là học buổi tối như ở Việt Nam. Không biết đầu ra là gì nhỉ, không lẽ đều trở thành vận động viên Wushu hoặc là thành các gánh Sơn Đông mãi võ hết cả lượt hay sao.

Ở gần Thiếu Lâm tự, tức là ở lưng chừng một ngọn núi khác của dãy Thiếu Thất, có một nhà hàng ăn chay. Buổi trưa ăn chay ở đây. Vẫn cái kiểu ăn của Trung Quốc, vẫn nhiều món vô cùng, hình như chủ yếu làm từ nấm và đậu tương, cũng đủ, chân vịt rút xương, đùi gà, cá rán, thịt bò xào, có điều không có nem như cơm chay Nàng Tấm- à, mà hình như ở Trung Quốc không có món nem thì phải.

Buổi tối ngủ ở Lạc Dương, ở khách sạn Huo Yang- một khách sạn có cái sảnh rộng mênh mông. Sở dĩ cái sảnh của khách sạn này rộng mênh mông, vì cái sảnh này trống trơn, không hề kê bàn ghế hay trang trí gì cả, trông cứ như một sân bóng đá vậy. Không những cái sảnh rộng, mà tới phòng của Khách sạn này cũng rộng, phải gấp đôi các phòng của khách sạn bình thường khác.

Lạc Dương là thành phố cổ của Trung Quốc- nhưng những phố mình đi qua hình như đã nguội nhạt mất nét vương giả ngày xưa rồi. Tới đây bây giờ là những đường phố thênh thang, những cao ốc sạch, đẹp, văn minh, không còn là Lạc Dương của triều Hán ngày xưa, của nước Nguỵ của Tào Tháo, Tào Phi, không còn biết chỗ nào là chỗ Lã Bố hý Điêu Thuyền nữa. Kể từ ấy tới nay cũng là hai nghìn năm rồi, thời gian trôi qua, thế gian thay đổi, không gian chuyển dời, người cũng đổi thay. Chẳng biết hai ngàn năm nữa thì ở đây còn lại những gì. Giống như Nguyễn Du một thủa sang Hàng Châu đứng khóc trước mộ Thúy Kiều mà than rằng sau 300 năm nữa thì “thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”- (thiên hạ ai là người khóc Tố Như) vậy. 2000 năm nữa, theo báo cáo về Climate Changes, có lẽ vẫn còn Lạc Dương, vì Lạc Dương ở sâu trong đất liền, chỉ có các thành phố ven biển của Trung Quốc, của Việt Nam, mà Việt Nam là nặng nề hơn là sẽ ngập trong nước biển, vì nước biển dâng lên do ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính làm khí hậu nóng lên toàn cầu. Có lẽ nạn đại hồng thủy là có thật. Công nghiệp phát triển, khí nhà kính tăng tên, băng tan ra, nước biển dâng lên hủy diệt nền văn minh của trái đất, trái đất lại bắt đầu lại từ đầu, lại đi qua quá trình tiến hóa, từ bò sát, chim thú, vượn người và con người. Cũng giống như một lý thuyết của một nhà khoa học Nga về vũ trụ (được miêu tả trong Lược sử thời gian của Stephen Hawkin) vậy. Vũ trụ bắt đầu từ một vụ nổ lớn, rồi các hành tinh bắn ra xa, ra xa mãi, vũ trụ dãn nở (với vận tốc là 10%/một ngàn tỷ năm), tới một lúc không còn có thể dãn nở nữa, thì sẽ co lại, co lại và rơi vào một cái như một cái phễu, dồn lại thành một “cục” vật chất ban đầu, vũ trụ, và thời gian lại biến mất.

Đi Longmen Grottoes (Hang động Longmen). Một di sản văn hóa thế giới nằm ở ven sông Luohe (không biết phiên âm ra tiếng Việt là gì). Nói đúng hơn thì đây là một hệ thống các tượng phật được tạc trực tiếp vào vách đá. Có tới hàng vạn pho tượng phật lớn nhỏ, được tạc trong những hang hốc nhân tạo do con người tạo ra. Đa phần các tượng đều không giữ được nguyên vẹn, có tượng thì mất đầu, tượng thì mất tai, mất chân, nhưng những pho tượng lớn nhất, về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn. Hệ thống tượng phật ở đây được tạc vào đời Đường (Tang Dynasty), thời Phật giáo được coi là cực thịnh ở Trung Quốc. Longmen gợi nhớ tới hệ thống tượng phật đã bị Taleban phá hủy ở Apganistan, và có một vẻ gì đó giống cái động Batu trên đường cao tốc từ Singapore về Kuala Lumpur.
 
phamcung

phamcung

Guest
30/9/05
378
13
0
Hanoi
Bắc Kinh du ký (5)

Chỉ còn một buổi sáng cuối cùng ở Bắc Kinh là được free. Chạy vội chạy vàng tới Cố Cung (forbidden city). Diện tích của cái Cố cung này là một triệu (1,000,000) mét vuông, tức là rộng hơn khu Công nghiệp Bắc Thăng Long giai đoạn 1. Riêng diện tích các công trình xây dựng là 170,000 mét vuông (tức là bằng 1,700 căn hộ chung cư 100 mét vuông), phần lớn được xây vào thời Minh (Ming), sau đó được bổ sung, mở rộng vào thời nhà Thanh (Qing). Cái cảm giác vào Cố Cung giống hệt như cảm giác ở Thiên An Môn, tức là bức bối, đơn điệu và tẻ ngắt.

Bức bối vì cả cái diện tích một triệu mét vuông ấy rất ít, nếu không muốn nói là không có cây xanh. Cái khu vực có cây xanh đáng kể nhất lalf khu vườn thượng uyển rộng khoảng 13,000 mét vuông, ở tít cổng phía Nam của Cố Cung. Cùng với diện tích của cây xanh của các cung dành cho các bà phi ở hai bên thì tổng diện tích cây xanh có lẽ vào khoảng 20,000 mét vuông trên tổng số một triệu (tức là khoảng 2%). 2% diện tích là cây xanh, 98% là đá, gạch, gỗ, ngói, đồng đã khiến cho Cố cung khô cong giữa cái nắng không có gì gay gắt của Bắc Kinh. Thấy nhớ cái cung điện nhỏ nhắn lãng mạn lọt giữa thung lũng đầy cây xanh của Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình, thấy nhớ cái màu xanh mềm mại của Hoàng Thành Huế. Những cái lãng mạn, mềm mại đó không xuất hiện ở Cố Cung này.

Đơn điệu và tẻ ngắt vì ở đây có nhiều tòa cung (Gong) và Điện (Dian) mà hầu như tòa nào cũng giống tòa nào. Trên cái diện tích rộng mênh mông này là cơ man các tòa nhà, mà về cơ bản có ba loại, thứ nhất là loại không mở cửa cho công chúng (loại này chiếm đa số- không biết ở sau những “cánh cửa bí mật” ấy có gì, loại thứ hai là loại đang sửa chữa (loại này cũng rất nhiều- sửa chữa để đón khách tham quan trong dịp Olympic 2008) và loại thứ ba là loại mở cửa cho công chúng (loại này là thiểu số). Gọi là thiểu số nhưng khách du lịch cũng phải rạc cẳng, phải vội vã hấp tấp mới đi qua được hết. Về cơ bản các tòa chính điện là như nhau, cũng tường ấy, gạch ấy, hoa văn ấy. Cái tinh thần, cái uy dũng của các vị hoàng đế ngày nào ấy không còn phảng phất, nếu có còn phiêu lạc quanh đây thì cũng chết ngạt trong cái ồn ào, nhốn nháo, cái mùi mồ hôi nhớp nháp của hàng vạn con người (mà đa phần là người các tỉnh của Trung Quốc) chen chúc trong cái không gian đáng lẽ là phải nghiêm trang này. Không thể nào mà có cái cảm nhận dưng dưng “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, thềm cũ lâu đài bóng tịch dương” trong cái đám đông lúc nhúc nhốn nháo nhộn nhạo này.

Nói vậy cũng không thật sự công bằng. Ở Cố Cung có hai điểm nhấn. Thứ nhất là ở các cung của các cung nữ xưa. Nơi ở của các cung nữ ở phía bên rìa ngoài của Cố Cung. Ở đây người ta trưng bày các kỷ vật của các cung nữ, các thứ đồ vật, hoặc sản phẩm mà các cung nữ xưa chế tác. Qua các thứ này người ta có thể phần nào mường tượng được cuộc sống xưa hang ngày của các nàng như thế nào. Điểm nhấn thứ hai là bảo tàng bảo vật quốc gia. Vào đây mới thực sự được chiêm ngưỡng thế nào là kim chi ngọc diệp. Ở đây trưng bày những cây cối được làm bằng ngọc thật (ấn tượng nhất là một cây hoa thủy tiên vô cùng sống động, được làm từ ngọc và đá quý), và những đồ vật được làm bằng vàng, thứ vàng nguyên chất được châu Á ưa thích, vàng khè có màu hơi ngả sang đỏ (ấn tượng nhất là một quả địa cầu- to như một quả địa cầu cỡ trung bình hay được bán ở các hiệu sách- quả địa cầu làm bằng vàng, với các nước được tạo hình bằng các viên ngọc trai gắn trên quả cầu vàng ấy). Hai hiện vật mà bảo tàng này tự hào nhất- được trình bày trang trọng là (1) một đôi ngà voi dài lê thê (không hiểu sao mình nghĩ là dài như một truyện ngắn đọc mãi không hểt) và (2) là một bộ chuông vàng, khánh ngọc- bộ chuông vàng gồm hơn một chục cái chuông có kích cỡ khác nhau (nhưng to lắm), và bộ khánh đá (khánh ngọc) cũng gồm hơn một chục cái khánh to bé khác nhau nhằm tạo ra các âm thanh có các cung bậc khác nhau trong một dàn nhạc tế. Phiên bản thu nhỏ của bộ chuông (làm bằng đồng) được bán tại quầy lưu niệm với giá là 60 tệ. Phiên bản thật không biết là bao nhiêu, có lẽ nếu chỉ bán theo giá nguyên liệu thì cũng phải lên tới hàng chục triệu đô la rồi.

Chuyến bay về Hà nội phải transit qua Quảng Châu. Quảng Châu mưa tầm tã. Ngồi trong máy bay, nhìn ra những ngọn đèn qua tấm kính nhòa nước của chiếc Boeing 747 của Hàng không phương Nam Trung Quốc thấy nhớ Hà Nội da diết, thấy thèm cái nắng nóng thiêu đốt cháy bỏng của Hà Nội, thấy thèm cái độ ẩm của không khí Hà Nội, thấy nhớ cái món nước canh rau muống luộc (không hề có trong gần một trăm món cơm Tàu mà mình đã ăn trong mấy ngày ở đây). Thấy yêu quá cái bé nhỏ dịu dàng của Hà nội. Cái bé nhỏ dịu dàng nằm mong manh trên cái ranh giới của mặc cảm tự ti với sự khiêm tốn và tự hào.
 
B

bé Sa mê Cá kho

User đã bị cấm truy cập
23/4/07
18
0
0
116
1000
Đi sang Tàu thích phết
Tiếc rằng mình chỉ đi Côn Minh và Tô Châu chưa được đến Bắc Kinh
nhưng nếu ghi chép lại cũng hay hay:
Luôn trong tình trạng giả bộ khù khờ không biết chữ Tàu để vào nhầm nhà vệ sinh nữ (đương nhiên là để xem nó khác Việt Nam ở điểm nào)
Ở Malệ phố cực kỳ chuối. Thằng phiên dịch kêu taxi cho đi. Gọi là Tacxi nhưng hóa ra là.... "xe lam" của Việt Nam, có điều xe lam Việt Nam k có khung kính còn taxxi của nó thì có. Ngồi bằng ghế nhựa và ngồi chồm hổm như trong WC.
Ở Tô Châu thì nó thả cho đi dạo ở công viên, nó hẹn 4 h phải tập trung có điều quên mất là đồng hồ nó lệch so với điện thoại, 4h chả tìm thấy hỏi đường thì chẳng ma nào biết Tiếng Anh. "Tỉu cà na cái nị". May quá có cái "cặc vi dit" của tay quản lý khách sạn nên nhờ thằng "xe ôm tàu" đưa về với giá 20 tệ "Tỉu cà na cái nị".
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA