Truyện hay

  • Thread starter lien_aps
  • Ngày gửi
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
PHÉP LẠ THƯỜNG NGÀY
(Sư tầm)

"Chị quát ai thế, chị Đào!", bà Đồng, giật giọng, hất một cái lườm lên mặt người con dâu vừa từ ngoài sân bước vào nhà.

Tay vẩy vẩy nước, mặt Đào xụng xịu, mưng mưng. Nhưng mà Đào giận dỗi ai mới được cơ chứ! Mà làm sao lại có thể giận dỗi được! Bà đang dỗ dành con bé. Con bé èo ẹo khóc, vì nó khát sữa, vì nó gắt ngủ. Ba ru dín, nựng nọt con bé. Là mẹ con bé, Đào phải thừa hiểu điều đó, chứ sao lại dám từ ngoài bể nước quát vào: "Bà có im mồm đi không. Bà có cho tôi sống không, hở bà!". Đào quát ai? Bà là mẹ chồng nó. Bà không phải là người ăn người ở trong nhà nó!

"Đã thế thì đây, trả chị!", đặt đứa nhỏ vào chiếc cũi gỗ, bà Đồng ngẩng lên, dằn. Và đứa trẻ mới chín tháng, nhưng đã cảm nhận ngay được thái độ dằn hắt của bà nội, liền xệch miệng hệ hệ mếu.

- Muốn khóc, hả?

Mẹ nó đi tới cái cũi, cúi xuống, bế phắt đứa nhỏ lên, rít :

- Đến giờ thì ngủ đi! Quấy quả nó vừa chứ. Một núi công việc. Giặt giũ, cơm nước, quét quáy. Cái gì cũng đến tay!

Rồi ngồi xuống phản, xoay chiều đứa bé, vạch vú ấn vào miệng nó. Nhưng, con bé vừa bập môi vào đầu vú mẹ, lập tức lại nhè ra, oẻ người, ngoái ra cửa, tay vẫy vẫy như gọi bà.

- Ngủ đi, bà ơi.

- Bà bà bà...

- Ngủ đi cho tôi còn làm. Bà làm khổ tôi nó vừa vừa chứ, bà ơi!

Ghì đứa bé vào ngực, định cả vú lấp miệng em không được, tức mình, mẹ nó phát đánh bộp một cái rõ mạnh vào mông nó. Con bé đang mếu máo lập tức khóc thét lên. Mẹ nó cáu tiết đặt phịch nó xuống giường, vớ cái phất trần đập phành phạch vào tường, dậm doạ. Con chó bông A Cát đang ngủ dưới gầm giường, thấy động, chui ra, chồm hai chân lên mép giường, đuôi phất nhè nhẹ theo thói quen, lập tức được nhận luôn một nhát quất, kêu ẳng một tiếng, tọt vào gậm giường, rên ư ử. Đứa bé khóc hờn. Con chó kêu rên. Người phụ nữ trẻ quát tháo. Căn buồng nhỏ náo động.

Bà Đồng đứng ở hiên, với cái khăn, lặng lẽ lau mặt. Mọi khi gặp phải cảnh này, có bao giờ bà lại thờ ơ như thế Mọi khi là thế nào bà cũng vứt bỏ hết mọi việc, đâm bổ vào nhà. Và việc trước nhất là bồng con bé lên, áp nó vào ngực mình như ủ ấp chở che đứa nhỏ, như trở thành điểm nương tựa cho nó. Ôi, cái Hoa bé bỏng tội nghiệp của bà! Cháu là hòn ngọc hòn vàng, còn hơn cả hòn ngọc hòn vàng của bà. Mày là cái gì mà mày dám quát mắng tao, hở cái con mẹ Đào kia! Con mẹ Đào kia hư lắm, đã để em khóc lại còn mắng mỏ em. Bà là bà sẽ đánh roi con mẹ Đào cho chừa cái thói hay nạt nộ em. Ôi, bà thương, bà thương!

Mọi khi là vậy. Là đứa bé được nâng niu, dỗ dành và nó tuy còn rất nhỏ, nhưng đã cảm nhận được tình âu yếm từ lời ru, tiếng nói, bàn tay bà. Nguôi cơn hờn tủi, nấc nấc mấy tiếng xong là đứa bé ập mặt vào ngực bà, mắt gà gà. Và lúc ấy bà sẽ hạ cái võng. Bà gọi mẹ Đào, bố Nghĩa, lấy sẵn cho em cái gối, cái tã. Rồi bà thẽ thọt dịu dàng răn bảo. Rằng trẻ nhỏ hồn vía nó còn lỏng lẻo lắm, quát tháo to tiếng là nó sợ, nó bạt đi. Nó sợ, nó bạt đi nên con bé vừa thiu thiu lại đã giật mình, nói mê gọi bà đây này.

Mọi khi là vậy. Là lát sau cái võng đánh bổng tít lên trong tiếng bà ru và cái khẳng võng kêu ọt ẹt đều đều. Ru con a hả a hà. Con nín mẹ hả, con la mẹ buồn.

Mọi khi là vậy.

Còn hôm nay?

Hôm nay, lúc này thì bà mặc. Mặc đứa trẻ khóc lặng một hơi dài nghe mà xót tới tận ruột gan. Mặc con mẹ nó cầm cái phất trần, mắt long sòng sọc, nhe răng gầm rít: Mày có câm ngay không? Câm ngay! Câm ngay! Không thì tao... giết! Tao giết! Trời! Nghe mà khiếp quá. Đàn bà mà có người độc miệng phũ mồm thế ư? Đàn bà gì đàn bà thế! Có con thì phải khó nhọc vì con. Khó nhọc vì con là cái lẽ tự nhiên. Chứ sao động khó nhọc vào thân là than thân trách phận, là đánh mắng con cái, là làm ầm ĩ cả lên. Con bé Hoa, đã vậy. Lại còn thằng bé Hiếu bốn tuổi. Bốn tuổi là tuổi nhung nhăng, dại người, ương dở. Đang ăn xôi đỗ đen, sực nhớ lại nằng nặc đòi mua xôi gấc. Đang giữa mùa nóng nực lại bắt bố lôi quần bò, áo bò ra mặc. Nửa đêm thức dậy đòi dẫn ra sân đá bóng, tập xe đạp ba bánh. Ngày ngày vẫn là háo hức đi học mẫu giáo, nay bỗng dưng dở chứng, nguây nguẩy kêu không đi học nữa, mà chẳng có lý do gì. Thì thế mới là đứa trẻ con. Đứa trẻ con chưa thành người, lý lẽ chưa hiểu, phải trái chưa phân. Ngọt ngào dễ dàng mà bảo ban nó dần dần còn khó, đằng này lại giật đùng đùng. Đi học! Không nghe thì que vào sườn. Chỉ có xôi đỗ đen thôi. Không ăn thì nhịn! Bà chiều nó, nó hư, không ai dạy được! Rồi hất cái phất trần lên.

Một nhát phất trần vào mông thằng bé là chục nhát quất vào mặt bà. Thì rõ ràng là không biết nể mặt bà. Thì rõ ràng bỉ bai bà rồi. Bà là mẹ chồng nó. Bà là cán bộ ngân hàng đến hạn tuổi thì về nghỉ và có lương hưu. Ông cũng vậy. Cả đời vất vả rồi, nay con cái đã lớn, ra ở riêng cả, nghĩ đã đến lúc có thể săn sóc nhau trong vô tư, thanh nhàn. Một căn nhà nhỏ ở ngoại thành. Một vườn cây xinh xắn. Một đời sống đầy đủ an toàn, vui vẻ. Còn gì ước ao hơn. Vậy mà hoá ra đời sống vẫn còn nhiều ràng buộc quá. Ông lên thăm con về, thở dài thườn thượt, kêu: Vợ chồng nó vất vả quá. Kẻ sĩ lăn lộn tìm kiếm cái cao siêu thì được nhận một đời sống nghèo nàn. Còn bọn thực dụng thì phè phỡn thừa thãi. Thằng Nghĩa vướng mắc cá nhân với lão thủ trưởng viện. Nó đã nhẫn nại chịu đựng và chủ trương cắn răng nhẫn nhục, nhưng bây giờ nó đang tính bỏ việc. Tôi lo quá. Còn đang băn khoăn thì con trai xộc xuống nhà: Mẹ ơi, mẹ lên giúp Đào với. Nhà con ốm yếu quá
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
Bà Đồng mới vội khăn áo lên thăm vợ chồng Nghĩa. Lên rồi là không về được. Vì con dâu mới ở bệnh viện về. Mặt u oải, xanh rớt như tàu lá. Mới hăm tư tuổi đầu mà má đã trũng, mép có nếp nhăn. Không đủ sức đạp xe đi làm chứ đừng nói là ngày tám tiếng ngồi lì trước máy vi tính nhấp nhoáng con số! Thế là phải nghỉ việc nửa năm. Nửa năm, sáu tháng có lúc nào bếp than thôi đỏ rực. Khắp nhà, chỗ nào cũng sực nức nùi thuốc bắc. Khổ! Chửa đẻ, sinh nở là cái hạnh phúc của phụ nữ. Mà cũng lại là cái khổ ải của đàn bà. Hai đứa trẻ đẻ gần nhau. Lại còn sảy. Một lần sảy là bẩy lần đẻ. Lại còn nạo, hút. Người như cái xác ve, héo hắt, ủng eo, như có cái mầm bệnh oan nghiệt ủ ở trong người.

Hôm nay thì khác hẳn mọi khi.

Hôm nay, lúc này thì bà Đồng mặc mẹ con nó. Bà cứ nằm ở trong buồng. Bà nằm một mình ở trong căn buồng nhỏ, tới lúc nghe dâng lên cái xôn xao ở ngõ phố tiếng xe máy, tiếng người thì biết là chiều buông. Đó là lúc chiếc xe rác gỗ hồi chuông rè đi qua. Là lúc Nghĩa, con trai bà đi làm về và đón thằng Hiếu ở lớp mẫu giáo về nhà.

Rồi ở cửa buồng nhập nhoạng bóng một đứa nhỏ cùng tiếng nó gọi bà như gọi vào khoảng không hoang vắng: Bà ơi, bà ở đâu? Bà Đồng chống tay, nhổm ngay dậy, nao nao:

- Hiếu đấy à, cháu?

- Bà, cháu chào bà!

Thằng bé con lọt vào buồng, nhẩy tót lên giường:

- Bà ơi, bà ốm à?

- Bà hơi váng vất thôi.

- Suýt nữa bố cháu quên đón cháu bà ạ. Bà ơi, hôm nay cháu ăn cơm với cá.

- Thế cô có gỡ xương cho không?

- Có ạ, cháu ăn hết cả bát cơm to.

- Cháu bà ngoan lắm.

- Bà ơi, con A Cát nó cứ nằm ở gầm giường. Nó không ra chơi với cháu, bà ạ.

- Nó dỗi đấy.

- Sao nó lại dỗi hở bà?

- Mẹ Đào cháu mắng nó. Mẹ cháu đang mệt, cháu phải ăn nhời mẹ. Không nó cáu, nó đánh thì khổ thân. Thằng bé chưa kịp đáp: Vâng, đã vội tụt xuống đất. Ngoài sân vóng lên một tiếng gọi gắt gỏng của mẹ nó:

- Hiếu đâu, không ra tắm rửa còn để đến bao giờ, hả!

Hiếu bước ra cửa. Bố nó đang rửa số bát rếch ngâm trong chậu từ sáng, quay lại nhìn mẹ nó đang trút nước sôi từ cái ấm điện xuống chiếc thau đồng.

- Để anh tắm cho con cho.

Đứng ở cửa, Hiếu bậm bạch dậm hai bàn chân, nhăn nhăn mặt, làm nũng theo thói quen:

- Ứ ừ, bà tắm cơ!

Ngồi xuống, mẹ nó xắn tay áo, khoả nước trong thau, ngẩng lên, mắt quăng quắc:

- Ra đây.

- Ứ ừ.

- Có muốn ứ không. Ra đây! Có ra không thì bảo?

- Ứ ừ, bà tắm cơ!

Hiếu lắc đầu, nguẩy người quầy quậy. Mẹ nó nhổm dậy với cái khăn mặt, tóm tay nó, giật mạnh, giọng khê đặc:

- Bà nào! Bà nào! Tao là mẹ mày mà tao không bảo được mày à? Mày định khóc hả. Mày làm con Hoa nó dậy thì mày chết với tao!

Nghĩa bỏ chồng bát đang rửa, quay lại khuyên con một câu rồi vội vã đâm bổ vào nhà. Trong nhà có tiếng ọ ẹ của đứa nhỏ. Mẹ Hiếu chỉ mặt con, mắt đỏ sặc, rít không hết hơi cúi xuống ho rũ rượi: "Hiếu! Rồi tao sẽ trị tội mày! Mày khóc làm con bé nó dậy rồi! Sao tôi khổ thế này, hả giời!".

Bà Đồng từ trong buồng đã bước tới cửa thông ra sân, từ lúc nào. Đợi Đào nói hết câu, bà mới nhìn Đào, chậm rãi:

- Chị Đào! Chị vừa hỏi giật thằng bé: Bà nào! Bà nào! Tôi đây! Tôi là bà nó đây. Chỉ thử tự hỏi xem ăn nói như thế có phải là con người có học không? Hiếu! Nín đi cháu.

Chống tay vào gối, Đào đứng dậy, mặt bỗng tối sầm, vội dụi vào bắp tay nhâng cao, rồi thốt như kẻ quẫn trí, môi tím bợt hoác rộng, bật tiếng gào thật thê thảm và quyết liệt:

- Bà để nó cho tôi! Tôi không khiến bà!

- A, chị Đào - há hốc miệng, mặt thất sắc, môi bà Đồng lật bật: - Có thật là chị không khiến tôi không? Chị Đào!

- Phải! Bà để mặc tôi. Mặc tôi! Các người cứ để mặc tôi!

Đào nghiến chặt hai hàm răng, ngực hõm xuống, mắt chói đỏ. Bà Đồng ôm mặt ngửa lên trời, mếu xệch miệng:

- Anh Nghĩa, anh ra mà nghe vợ anh nó chửi tôi, nó trả ơn hầu hạ của tôi đây này. Rõ xót xa chưa! Rõ cay đắng thân tôi chưa! Hiếu, cháu ơi!
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
Vợ chồng Nghĩa - Đào chung sống đã hơn sáu năm trời! Họ lấy nhau khi Nghĩa vừa tốt nghiệp kỹ sư kinh tế ở tuổi hai mươn lăm. Còn Đào, hai mươi mốt tuổi, xinh đẹp nhưng chỉ học hết lớp 7, trượt trung cấp kế toán hai năm liền, xin vào làm nhân viên máy vi tính của một công ty thương mại. Sau một năm kết hôn, họ có thằng Hiếu. Thằng bé khôi ngô, khoẻ mạnh, đúng cữ, ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi. Nhưng lò dò biết đi thì mẹ nó có thai ba tháng. Chết thôi, đẻ năm một thì lấy sức đâu mà nuôi con. Mới chỉ đẻ thằng Hiếu, Đào đã hao sút đến nửa người. Và nhan sắc như của gia bảo cũng tiêu pha phần lớn. Nạo thai là đứng bên bờ hiểm hoạ, qua được thì người đã vật vờ như cái bóng ma. Oái oăm thế, người ta thì ước ao sở cầu, thuốc thang bổ dưỡng, béo tốt phây phây mà vẫn cứ trơ trơ như cái hoa đực. Còn Đào thì còm cõi gầy mòn mà lại quá bén nhậy, như đất mầu, hạt vừa gieo xuống đã nẩy mầm, bén rễ. Chồng vợ sinh hoạt kiêng khem đủ điều và dè dặt, dè dặt lắm, vậy mà chẳng năm nào không một lần Đào phải đi bệnh viện, không nạo huỷ thì cũng hút bỏ. Lần gần gần đây nhất, khi Hiếu đã ba tuổi, vợ chồng tính toán: phá thai lần nữa thì Đào chết mất, nên cái Hoa đành phải ra đời. Sức mẹ thế nào, sức con thế ấy.

Đứa trẻ không đủ sữa mẹ, vừa được ba tháng đã mắc chứng ho gà, rồi tiếp đó là sởi và thuỷ đậu, kéo theo biến chứng đường ruột và sốt phát ban, người như cái dẻ khoai, đặt đâu nằm đó, không còn sức mà khóc thành tiếng, mà rên rỉ. Mẹ sẵn yếu nhược, lại quá vất vả vì con, bệnh tật âm ỉ được thời cơ trỗi dậy.

Bà Đồng vội lên, thuốc thang chăm bẵm cả con dâu và cháu nội. Mệt nhọc, vất vả không quản ngại vì xưa nay vốn dạt dào tình thương con cháu và đức vị tha. Nhất con nhì cháu, thứ sáu người dưng. Nhặt che mưa, thưa che nắng, mọi việc chu toàn sau trước. Và còn hơn cả câu thành ngữ dân gian: Một mẹ già bằng ba người ở, mẹ già sa đâu ấm đấy, vì ngoài tình còn là kinh nghiệm sống và sự hiểu biết. Vì biết rằng con dâu chưa phải người từng trải, lại vụng về. Vì biết rằng cuộc sống là khốn khó, lại thêm cái định kiến bất hoà giữa mẹ chồng con dâu vốn rất sâu nặng, và sau cái eo hẹp về đồng tiền, niềm vui sống còn phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái thể chất con người. Mà trạng thái thể chất Đào thì không được như người ta. Xưa kia mượt mà óng ả như lúa đang thì, giờ xơ xác như thân sậy khô. Cả người khéo chưa nổi bốn chục cân. Mặt trũng, má hõm, mắt lô đáo, chân tay teo tóp, cần cây bút, cái kim, cũng còn ngại, nói gì đến việc nội trợ trong nhà. Đang ngồi đứng dậy là hoa mắt, động nói to là thở, là ho, lại có lúc ôm ngực đau thắt hàng giờ. Đêm nằm, ngủ thiếp là mê man, là đè lên con, làm sao còn đủ sức ngày ngày bế ẵm, săn sóc đứa con triền miên hết bệnh này đến tật nọ. Cơ thể vào lúc suy kiệt, giống như cái chuồng ọp ẹp không nhốt nổi nỗi đau buồn, cơn cáu giận, sự rối rắm, lúc nào cũng ăm ắp trong người.

Quẫn trí, lú lẫn, chuyện nọ xọ chuyện kia, tay sốt đổ tay nguội, nhà cửa lắm khi rối tinh rối xoè một cách vô cớ là chuyện thường tình. Than thân trách phận, oán chồng giận con, một cách vô cùng quá quắt, so bì, tị nạnh thậm chí đá thúng đụng nia, bỗng dưng gây sự một cách vô lý, cũng chẳng là hiếm hoi, nhất là từ khi, cả Nghĩa cũng rơi vào tình thế quẫn bách. Sức khoẻ sa sút, công việc cơ quan gặp nhiều điều bất như ý là cái nguyên cớ tạo nên những cơn phẫn khích của Nghĩa ở nhà. Ôi, cuộc sống của cái cộng đồng nhỏ nhoi chỉ có mấy con người ruột thịt mà có đâu giản dị. Gỡ rối lúc này chỉ có thể là một sự nhịn chín sự lành, một chỗ đứng cao hơn thường tình để nhịn nhường liên tục, liên tục, với một trái tim đa cảm và một sự minh mẫn có khả năng làm nhẹ vợi một gánh nặng quá sức.
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
Nhưng, hình như, cuối cùng thì cái gì cũng có cái hạn độ của nó. Với những kẻ có học vấn và giầu lòng tự trọng, giữ gìn các mối quan hệ cho đúng phép tắc là điều cần cẩn trọng hàng đầu. Và do vậy, cuộc đụng chạm chiều qua giữa Đào và bà Đồng, lúc này đây, có phép lạ nào có thể cản ngăn được sự đổ vỡ đau đớn các quan hệ trong gia đình? Nó giống như một bát nước đã đổ xuống đất rồi.

Người đầu tiên nhận ra sự trống trải của căn nhà chiều nay là Hiếu. Đứng ở giữa nhà, sau khi bố Nghĩa đưa từ lớp mẫu giáo về, chú bé bốn tuổi, ngơ ngơ hai con mắt dò xét, rồi bất thần bật hỏi: Bà đâu?

Đào đang ru con bé Hoa, quay ra, lạnh lùng quát: Mày hỏi ai thế! Im cho con bé ngủ! Nghĩa đẩn cái xe đạp vào nhà, ngơ ngác trước trực giác mẫn nhuệ của con trai, đi thẳng vào buồng mẹ, rồi quay ra ngay:

- Mẹ đâu em?

Đào quay lưng lại chồng, sẵng:

- Tôi không có trách nhiệm trông nom bà cụ!

Mặt vuông vức, mày rậm đen, Nghĩa bạnh quai hàm, trán xẻ ba nét nhăn khổ sở, như cố ghìm khối giận giữ vừa nhóm dậy. Thằng Hiếu bước tới, níu tay Nghĩa: "Bà đi rồi hả, bố?". Bất giác, Nghĩa ngồi thụp xuống, ôm con, nhìn vào mặt nó. Trong con mắt trẻ thơ có một nỗi trống vắng, phảng phất như từ một hồi ức nào đó hiện ra. Nó đã chứng kiến cuộc va chạm chiều qua, nó biết là bà nó phật lòng và nó dự cảm được tình cảnh bi đát sẽ dẫn đến? Dập tắt ngay ý nghĩ khủng khiếp nọ, Nghĩa bỏ vào buồng. Anh nằm vật ra giường, nhưng chưa kịp làm chủ lại ý nghĩ, đã nghe thấy tiếng Đào gắt tai ác: "Mày khóc cái gì?". Và tiếng thằng Hiếu khóc toáng lên nghe gai cả người.

Nghĩa vùng ra gian ngoài. Anh ôm chầm lấy thằng Hiếu, nhận ra tiếng khóc của đứa trẻ không chỉ hàm chứa nỗi bất ý như con trẻ. Nó vừa khóc vừa nấc từng hồi dài, lại có lúc nghẹn ứ như không chịu nổi trạng thái ấm ức và nhẫn nhịn.

- Nín đi, ăn cơm xong bà sẽ về với con mà, Hiếu.

Lau mặt cho thằng Hiếu, Nghĩa dẫn nó vào mâm cơm, xới bát cơm cho nó, vỗ về nó. Nó bưng bát cơm, nước mắt vẫn lưng tròng, môi mím mím:

- Bà đi đâu?

- Bà về thăm ông, rồi mai bà lên.

- Ứ ừ, bà lên hôn nay cơ.

- Ừ, bà lên hôm nay.

- Ứ ừ, bố đưa xe đạp đi đón bà ngay bây giờ cơ.

- Ừ, bố sẽ đi. Ăn đi, ngoan con.

Đào ôm con bé Hoa lê lại mâm cơm, nhai trệu trạo lưng bát rồi bế con đi nằm. Con A Cát từ gầm giường len lén chui ra, nhón nhẻn ăn bát cơm xẻ, rồi lại lén đi ngay. Nghĩa lùa hai bát xong, rửa ráy cho con, bật ti vi cho nó xem, rồi bị nó giục, liền dắt xe đạp đi. Hơn mười giờ, Nghĩa quay trở về, đẩy cửa bước vào nhà, anh giật thót mình: Thằng Hiếu vẫn ngồi chờ trên chiếc ghế mây, trước cái tivi đã hết chương trình. Thấy bố, nó tụt ngay xuống đất, nhon nhón chạy ra:

- Bà đâu bố?

- Bà bảo, mai bà về với Hiếu.

- Ứ ừ, bà phải về ngay cơ.

Nghĩa chưa kịp dỗ con, đã thấy vợ cầm cái phất trần tóc tai bơ phờ, từ trong buồng đi ra, chiếu hai con mắt đỏ lự vào con:

- Hiếu, vào đi ngủ! Nghĩa dựng xe đạp, quay lại, cố điềm tĩnh:

- Vào ngủ với bố. Hiếu nhé.

- Ứ ừ.

- Ứ ừ này! Như đã định sẵn. Đào vung cái phất trần. Nghĩa vội xây lưng, đỡ mấy nhát quật thay con, rồi giật người, vằng lại, hai mắt dài nhếch chéo, đau đớn:

- Cô làm cái quái quỷ gì thế?

- Chẳng làm gì cả. Tôi phải dậy con tôi. Tôi không chịu nổi nữa!

Đã có hiện tượng quá đà và trạng thái tâm lý bất cần là hệ quả tất nhiên ở lúc này. Nghĩ vậy, Nghĩa cố nén. Và anh run hết cả người khi nhận ra đứa con anh, cũng như muốn chia sẻ với anh. Nó không khóc to như lúc chiều. Nó khóc ri rỉ.

Ôi, giá nó không ngủ và khóc mếu ầm ĩ lên. Như thế cũng còn hơn trong chập chờn thức ngủ, nó rên rỉ ai oán, khổ sở như một người lớn. Và thi thoảng nó lại giật mình thảng thốt gọi bà, bà, bà. Mọi khi nó vẫn ngủ với bà. Nó ngủ với bà để sờ tai bà. Để nghe chuyện Tấm Cám và chuyện anh Sọ Dừa. Để nó nũng nịu với bà: "Bà gãi sai rồi. Phải gãi chỗ này kia". Để bà vân vi hỏi chuyện lớp mẫu giáo của nó. Lớp mẫu giáo của nó có ba đứa cùng tên là Hiếu. Nó là Trọng Hiếu. Hai đứa kia là Văn Hiếu và Minh Hiếu. Minh Hiếu là con gái, không biết ăn thịt mỡ, lại hay đánh vãi cơm. Đã thế lại đành hanh, có lần cấu sứt cả mặt nó.

Bà nghe chuyện cái Minh Hiếu cấu nó, bà xót xa cả đêm. Sáng ra bà dẫn nó tới lớp, mách cô giáo. Cái Minh Hiếu phải xin lỗi nó. Có bà, nó không sợ gì. Bà cầm gậy đánh chỗ đất làm nó ngã, khiến nó không khóc nữa. Mẹ nó mắng, đã có bà can. Bà gọi: "A Cát! A Cát ra làm trò cho em xem đi". Thế là con chó bông ở tận đẩu tận đâu, hay đang ngủ trong gầm tủ, gầm giường cũng chạy tới, sủa nhặng lên, rồi đảo tròn như một cơn lốc tuyết. Bà là người dìu dắt, đỡ nâng, bảo trợ Hiếu, là bà tiên, bà phật, là cái phép lạ thường ngày của Hiếu, nhiễm vào Hiếu.

Hiếu thao thức cả đêm. Nó, chính nó đã trở thành nhân tố đào sâu vào ngọn nguồn câu chuyện và làm cho tình trạng cô đơn trở nên không chịu nổi. Nghĩa nhận ra, vợ anh cũng hình như có phần giống anh. Ba lần Đào trở dậy, đi ra, đi vào, hỏi thì đáp ráo hoảnh: Tôi khát nước. Nhưng nghe giọng nói khan khan thì biết là trằn trọc. Cả con A Cát cũng như canh cánh một nỗi niềm bất an, vào vào ra ra thui thủi một bóng sợ sệt lẻ loi. Chỉ thiếu có bà cụ, còn thì vẫn đủ vợ chồng con cái, con vật nuôi mà sao thấy hiu hắt! Một linh hồn đắm đuối đã ra đi hình như là vậy và giờ đây, trong căn nhà này chỉ còn lại sự hoang vắng, trống không. Hoang vắng, trống không đến tận cùng. Ví giống như vừa buột khỏi tầm tay một cái gì đó vô cùng quý báu, thân thiết. Và giờ đây đã nhận ra sự khuyết thiếu không thể bù lại và cái chông chênh của cuộc sống đã hiện ra trọn vẹn ở nỗi ân hận khôn nguôi vì sự bất cập ở mỗi người.
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
Ôi, cuộc sống là một chuỗi ngày khốn khó. Cái khốn khó nằm ở bản thể cuộc sống chứ không có tính thời đoạn. Cái khốn khó của cuộc sống! Không thể loại bỏ nó được. Nó ở cùng ta, trong mỗi tiết đoạn đời ta, hữu hình và vô hình muôn vẻ. ở đây, nó không chỉ nằm trong mối quan hệ con dâu mẹ chồng vốn có nhiều thiên kiến. Và chống trả nó để tồn tại, có bùa phép gì đâu ngoài sự đùm bọc lẫn nhau và nhẫn nhịn. Nghĩa lại rơi xuống cõi hoang mang vì chợt nghe thấy tiếng khóc của Đào. Tiếng khóc nghẹn đắng, cố nuốt vào bên trong, bức bối và thấm nhiếm niềm oán hận vừa sâu thẳm vừa vu vơ như oán hận cho kiếp người. Con người yếu đuối lắm. Nó luôn lầm lẫn và bất hạnh là bạn đường thường xuyên của nó. Nghĩa vùng ngay dậy, bây giờ anh cũng như Đào, đang cùng chung mặc cảm của kẻ đã phản bội lại chính mình.

Tảng sáng, Nghĩa dắt xe đi.

Bây giờ, anh trở về, hốt hoảng thật sự vì nhận ra thằng Hiếu đang nằm trên giường rẫy rụa như ăn vạ. Tiếng khóc của nó già hơn tuổi. Nó nhất định không chịu đi học.

Như lâm vào trạng thái tâm thần, Nghĩa ôm đầu muốn kêu trời vì đã tới ngưỡng của sự chịu đựng. Nhưng vừa thấy vợ hai mắt nổi quầng từ bếp đi lên, anh liền cố nén, bước lại, như tìm được cơ hội hoà giải:

- Đêm qua và sáng nay, anh đạp xe về ông, đến cả những nhà bạn bè của mẹ. Vẫn không thấy mẹ đâu. Khổ thế!

Đào sững một bước chân, mặt lạnh nhạt bất ngờ:

- Dễ thường tôi sướng hơn anh, hả?

- Sao lại nói thế, Đào?

- Vâng, tôi biết là anh khổ. Còn tôi, bao nhiêu sung sướng tôi hưởng cả.

Giữ giọng thật ôn hoà, Nghĩa nhìn vợ, khẽ khàng:

- Nỗi khổ của tôi là gì thì cô biết rồi đấy. Là thằng đàn ông, tôi không muốn than vãn. Cái thằng thủ trưởng cơ quan tôi, lớp bốn bổ túc văn hoá, nói ngọng làm thơ con cóc, thật tình nó chỉ đáng xách dép cho anh thôi!

- Ai cũng chỉ đáng xách dép cho anh thôi!

Không để chồng nói hết, Đào đã cướp lời. Nghĩa nghẹn giọng:

- Sao lại đang chuyện nọ xọ chuyện kia thế?

- Tôi thế đấy. Tôi vô học mà.

- Quá đáng thế, Đào!

- Vâng! Tôi là kẻ vô học, là kẻ vô ơn bạc nghĩa.

Cái nhọt bọc cố nâng niu đã không gìn giữ được nữa, Nghĩa nổ bung theo nó, nhức nhối:

- Thế thì tôi hỏi cô: bà cụ sai ở chỗ nào? Đã nhiều lần cô xúc phạm bà cụ quá đáng lắm. Hôm qua khác gì cô tát vào mặt bà cụ. Người ta già cả, người ta hiểu biết, người ta hết lòng hết sức với con cái mình. Sao cô nỡ tệ bạc thế? Trí khôn cô để ở đâu? Bây giờ, có phải thằng dại làm hại thằng khôn không?

Không thể hãm lại được đà bức bối tuôn trào, Nghĩa xối xả tiếp:

- Tôi về nhà ông, ông rầu rĩ bảo tôi: "Tôi không ngờ xảy ra cơ sự này. Tâm thần hết cả rồi à!". Rồi ông cùng đi tìm bà với tôi. Chỗ nào quen cũng tới. Cuối cùng, sáng nay đến nhà một bà cùng ở cơ quan ngân hàng cũ. Bà này bảo: Hôm qua bà ấy đến đây chơi với tôi. Ở với nhau một đêm, bà không nói, chỉ thấy mắt lúc nào cũng dấn dấn lệ. Sáng nay thì đi từ sớm bưng rồi.

Đột ngột dừng lời, Nghĩa nhận ra khuôn mặt trái xoan xanh xao của Đào bỗng như vừa buông rủ một tấm màn che hư ảo. Mặt Đào biến sắc. Từ trong hai hốc mắt đang trân trân vô cảm của chị, vừa tiết ra một làn nước mắt nhớn nhát. Người phụ nữ trẻ đã kiệt lực, không còn đủ sức để bộc lộ tình cảm của mình. Vòng hai cánh tay gầy thít quanh khuôn ngực lép kẹp như chẹn một cơn ho lấp ló sắp văng ra, mặt chị tái xám. Đã xuất hiện một tình thế bất thường nào đó trong thể trạng chị ngồi thụp xuống, tựa vào chân giường, rồi như buột miệng, khe khẽ hời: "Hiếu con ơi, bà ơi".

- Đào! Em làm sao thế? Đào!

- Anh Nghĩa! Người phụ nữ mở mắt. Mặt chị vô hồn. Chỉ còn đôi môi còn mấp máy, từ đó thoát lên từng tiếng rời rạc, lẫn vào hơi thở đứt nối, rã rời:

- Anh xin lỗi bà hộ em. Em không muốn thế. Không bao giờ em muốn thế. Mà sao bỗng dưng em lại thế. Thật tình không bao giờ em muốn thế. Anh à, dạo này em yếu quá. Có lẽ, em không sống với anh, với con, với bà được bao lâu nữa đâu...

Giữa tiếng kêu kinh hoàng của Nghĩa, thằng Hiếu đã dứt cơn khóc, bước ra buồng ngoài, đứng dụi mắt, ở ngay sau mẹ nó, nó trở thành điểm tựa của mẹ nó. Nó, nhân vật làm cho câu chuyện đổ vỡ nghiêm trọng. Bây giờ, lúc con người đã trở nên bối rối và bất lực, không thể hiểu biết nhau, thì nó, lại là nó xuất hiện như một phép lạ thường ngày, đang diễn đạt chính xác nhất tình cảm tự nhiên và hết sức rõ ràng của nó lúc này. Nó thương yêu cả bà, cả mẹ nó. Nó thương yêu tất cả mọi người.
 
B

Bathanh

Guest
11/1/05
316
4
0
Hà nội - VN
Chuyện hay nhưng mà cay đắng quá bạn ơi!
Có câu này:
Nhẫn nhất thời, phong bình lặng tĩnh
Thóai nhất bộ, hải khoát thiên không


Trong cuộc sống, mọi người hãy nhường nhịn nhau thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Đó cũng là một phẩm giá của người làm nghề KẾ TÓAN chúng ta. Nhẫn nai và nhường nhịn.
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
Tớ nghĩ là chỉ - nhường- thôi chứ không - nhịn- đâu ...hhehehe có đúng không nhỉ.

Nhưng trước hết phải học chữ "NHẪN".
 
L
uh nhỉ, phải biết chữ "NHẪN" và cũng nên nhớ rằng trong chữ "NHẪN" có chữ "TÂM" đấy nhé !

Câu chuyên rất hay, cảm ơn Liên !
 
Nguyen Tu Anh

Nguyen Tu Anh

Cao cấp
23/2/05
5,608
23
38
Hà Nội - TP. HCM
Bình Yên

Năm tôi mười sáu tuổi, trong một lần ngồi đọc sách với bố, ông đã cho tôi xem hai bức tranh và hỏi tôi thích bức nào hơn.

Bức thứ nhất vẽ một hồ nước êm ả, mặt hồ là một tấm gương tuyệt mỹ, quanh hồ là những ngọn núi cao vút xanh ngút ngàn. Phía trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng.

Bức tranh thứ hai cũng vẽ những ngọn núi cao nhưng là những ngọn núi trần trụi, lởm chởm đá. Bên vách núi, một dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bên trên là bầu trời giận dữ, mưa đổ như trút, sấm chớp ầm ầm...

Sau khi xem xong tôi chọn ngay bức thứ nhất với lý do cảnh ở trong tranh thật đẹp và quá yên bình. Nhưng bố tôi lắc đầu cười, nói: Con đừng vội vàng như thế! Con chỉ mới nhìn thấy hiện tượng mà không nhận thức được bản chất. Con hãy nhìn kỹ xem, phía sau dòng thác của bức tranh thứ hai là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của tảng đá. Trong bụi cây, có con chim mẹ đang xây tổ. Giữa giông tố giận dữ, con chim mẹ vẫn an nhiên trong tổ của mình. Đó mới thật là sự bình yên... Con hãy nhớ rằng: Bình yên không phải là không ồn ào, không khó khăn cực nhọc. Bình yên có nghĩa là ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp, ta vẫn cảm thấy yên tĩnh trong tim. (ST)
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
27 BƯỚC CHÂN LÀ LÊN THIÊN ĐƯỜNG.

Em đã run lên khi nghe cú điện thoại của anh. Em nằm úp mặt xuống gối và nghe tiếng tim đập thùm thụp.

Có một tiếng nói từ đâu đó vọng đến. Hãy tắt máy điện thoại đi. Khi tắt máy điện thoại thì sự liên lạc giữa anh và em sẽ không còn nữa. Vậy mà em lại với nó để sát vào người em hơn. Trong khoảng khắc điện thoại chưa đổ chuông, tim em đập rung lên và ngực em co tròn lại, tức ở hai bầu vú. Đầu em toang tuyếch. Em muốn đến với anh và em cũng muốn mình vượt qua sự cám dỗ ngọt ngào này. Chuông điện thoại đổ gắt gao:

- Em đã sắp đi chưa?

- Chưa.

- Sao lại không đi?

- Em sợ?

- Em sợ gì chứ?

- Em chỉ muốn ngồi bên anh trong một quán cà phê nhỏ.

- Ừ thì cứ đến đây đi, mình sẽ đi uống cà phê. Đi đi em. Anh đang chờ em đấy.

Em bật dậy ra khỏi giường và trang điểm cẩn thận. Em kẻ viền mắt thẫm hơn và thoa thêm phấn hồng lên má. Tim em vẫn đập gấp gáp.

Em dừng taxi ở phía bên kia đường và mua một thỏi singum. Em chợt nhớ ra chưa kịp đáng răng. Em có thói quen chỉ đánh răng vào buổi sáng và chiều nay là một ngoại lệ. Vì thế mà em quên.

Anh ra cửa đón em. Anh bảo:

- Em mặc đồ hiện đại đẹp hơn.

Em mặc quần bò và chiếc áo thun đen. Em hiểu anh đã so sánh với những lần anh đã gặp em khi thì em mặc áo dài khi thì mặc lụa.

Em theo anh vào khách sạn với những bước đi run rẩy. Chiếc sắc em cầm trong tay cũng rung lên. Anh bảo em ngồi xuống nghế. Anh cũng ngồi xuống bên cạnh em. Anh nhìn vào mắt em và nắm lấy tay em. Tay em đang rất lạnh. Tay anh ấm và khô. Em cảm nhận được sự ấm áp từ tay anh truyền sang. Anh cười. Em ấp úng và tránh cái nhìn của anh:

- Mình đi một quán cà phê nào đi anh.

- Ừ ở đây cũng có cà phê. Nhưng có lẽ mình vào một phòng nào đó để nói chuyện và uống cà phê.

Người em đông cứng lại. Em biết điều gì sẽ chờ em trong căn phòng đó.

Anh ra quầy lễ tân lấy chìa khoá.

- Đi em.

Em theo anh như một chiếc bóng vô hồn.

Trong phòng có hai chiếc nghế. Anh ngồi xuống một chiếc và em ngồi xuống chiếc đối diện. Anh lại nhìn vào mắt em.

- Em sợ gì thế? Nói gì đi em. Em sợ gì nào?

Em không nhìn vào mắt anh mà quay cái nhìn ra cửa. Dưới tay nắm cánh cửa có một tờ giấy ghi dòng chữ: quý khách nhớ chốt cửa. Cửa anh chưa đóng chặt vẫn mở he hé. Em cảm thấy yên tâm hơn.

- Em sợ ngày mai.

- Sao lại sợ ngày mai?

- Ngày mai em phải đối diện với những sự thật. Em sẽ nhìn mọi thứ đúng với tên gọi của nó. Và điều đó làm em khốn khổ.

- Hàng ngày thiên hạ đang sống với nhau một cách giả dối. Mình không sống được thật lòng với nhau hay sao? Em cũng thích anh chứ?

Em gật đầu.

- Anh cũng rất thích em mà.

Anh áp hai tay lên tay em. Tay anh vẫn rất ấm. Tay em đã bớt lạnh.

- Nào đã hết sợ chưa em?

Em ngước nhìn anh cái nhìn bối rối. Anh đứng lên kéo em ấp vào người anh. Cái hôn đầu tiên anh đặt lên má em. Em run rẩy như không thể đứng vững. Em tựa vào người anh. Anh ghì chặt em vào người anh.

Trước khi tan biến em còn cảm nhận được môi anh cũng rất ấm trên ngực em.

Em đã tan biến vào anh rồi. Người em cong cứng. Anh đã làm dịu em lại bằng những cái hôn. Nhưng ngay cả cái hôn cũng không làm dịu em được. Em mút chặt lưỡi anh và một biển nước ào ạt như muốn nhấn chìm em.

Thực ra em đã muốn làm điều này với anh từ lâu rồi. Ngay sau cái lần anh nhìn rất lâu vào em trong cái đám đông người ấy và nói em đẹp. Nhưng em lại muốn cả tình yêu nữa.

Sự cảm nhận của em đã truyền sang anh. Anh nói trong hơi thở gấp gáp:

- Em thế này làm sao anh quên em được.

Nước mắt em tràn trề vì hạnh phúc.

Em nằm duỗi người, hai tay để lên đầu. Em thả lõng người thoải mái. Anh lại hôn em. Môi anh vẫn nồng ấm. Anh đã kết thúc và rất thoả mãn. Một tay anh để lên ngực em xoa nhẹ. Em muốn khóc nức nở. Em đã cố gắng để không khóc. Em bắt ý nghĩ quay về một điều gì đó. Em chợt nhớ ra cửa anh vẫn để he hé. Và em bỗng sợ. Em nhổm người dậy để nhìn. Cửa đã được đóng chặt và cài kín từ bên trong. Em cố nghĩ xem anh đã cài kín cửa từ khi nào? Em đã không nhớ.

Anh vào nhà tắm. Tiếng nước xối ào ào. Em buồn ngủ. Muốn ngủ một giấc thật ngon. Nhưng em lại nhớ câu nói của anh:

- Em thế này anh làm sao mà quên em được.

Em đã cưỡng lại cơn buồn ngủ, cố thức để tận hưởng cảm giác.

Em nghĩ về anh. Anh là người đàn ông đang trên bệ phóng của danh vọng. Hằng đêm trong chương trình thời sự luôn thấy hình ảnh của anh. Nhưng tất cả những thứ đó không quan trọng với em. Cái dẫn đến giây phút em đang tận hưởng là vì em yêu và ngưỡng mộ anh. Em đã rất ngưỡng mộ anh và khao khát một tình yêu.

Em, một người đàn bà bình thường nhưng thông minh. Cái thông minh nhất của em là em nhận chân được mình là ai? Chỗ đứng của em ở chỗ nào trên trái đất này? Em cũng rất nhạy cảm. Em cảm nhận được ánh mắt đang chĩa về em nặng nhẹ thế nào?

Em biết trong một người đàn ông dẫu có quyền lực và địa vị thế nào thì vẫn có một phần của con người bình thường. Em đã yêu cái phần người bình thường đó trong anh.

Em đã không nhầm. Cái giây phút như tan biến trong nhau ấy. Em đã bừng tỉnh để nhận ra sự nức nở của anh trên ngực em. Trong cơn vọt trào của cảm xúc anh đã rên rỉ bằng tiếng của chú mèo chứ không phải tiếng gầm của sư tử. Em tự hào vì đã làm cho anh sung sướng.

Anh ra khỏi nhà tắm, quấn chặt mình trong chiếc khăn bông trắng. Nhìn thấy em vẫn nằm ngạo nghễ trên giường anh lấy chiếc chăn mỏng phủ lên người em. Em muốn đùa với anh. Em hất tung chăn và duỗi dài chân tay. Anh lại lấy chăn phủ lên người em. Em lại hất tung chăn ra. Lần thứ 3 em đã nhìn thấy ánh mắt bực bội của anh. Em bật dậy vào nhà tắm. Em soi mình vào gương. Da thịt em sáng loáng. Môi em đỏ mọng và hơi trễ xuống. Mắt em sáng long lanh.

Em ra khỏi nhà tắm và quấn mình trong chiếc khăn bông trắng. Anh đã mặc quần áo chỉnh tề. Em nhìn vào mắt anh, không còn ánh mắt bực bội nữa. Cái nhìn của anh đằm thắm và bao dung. Anh đến phía sau em cầm chiếc khăn lau vai cho em và nói:

- Vai em còn đọng nhiều nước quá.

Người em lại mềm ra để đón nhận một chiếc hôn vào vai. Và em còn xoay người để đón một cái hôn nữa vào môi. Nhưng anh chỉ hôn vào má em.

Đã xong. Quần áo em đã gọn gàng. Đầu tóc cũng gọn gàng. Môi em không trễ tràng nữa. Em ngồi như một tội đồ trên ghế. Anh cũng không nhìn em. Thời gian như đông cứng lại. Em sợ những khoảng khắc như thế này. Em bảo anh:
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
- Mình về đi.

- Ừ.

Em đứng lên và anh vẫn ngồi

- Anh không còn nhớ mấy câu thơ này là của ai nữa? Lemontop hay Puskin. Nhưng anh rất thích nó. Tạm biệt nhé nếu là lần cuối...

Người em như có hào quang toả ra. Em líu lo hát những bài hát từ trái tim. Mắt em cười và má em ửng đỏ. Em đã không kiểm soát được các hành vi của mình. Em đã hăm hở bước 26 bước gần đến thiên đường.

24 giờ sau. Đúng cái khoảnh khắc ấy, tim em lại đập loạn lên. Em chờ điện thoại của anh. Em chờ đúng cái khoảnh khác ấy. Cái khoảng khắc vào xế chiều, khi công việc đã vãn. Em đếm từng phút 5, 10, 15... 45. Đã sắp hết giờ làm việc. Tim em muốn nổ tung ra. Em không thể chờ được nữa. Em run rẩy bấm số điện thoại của anh.

- Alô, tôi nghe đây.

Em nghi ngại không biết có phải giọng nói của anh không?

- Cho tôi hỏi thăm, đây có phải là...

- Vâng tôi đây.

- ... là em, anh quên em rồi phải không?

- Em đấy à. Anh làm sao mà quên em được.

Đúng là giọng nói của anh hay nói với em rồi. Nhưng là giọng của công việc chứ không phải là giọng của nồng nàn.

- Em khoẻ không? Anh cũng đang định gọi cho em đây.

- Vâng.

Em không biết nói gì thêm nữa.

- Tý nữa anh còn có một cuộc hẹn. Chúc em trẻ, khoẻ, thành đạt và hạnh phúc.

- Và giữ vững lập trường, tư tưởng nữa phải không anh.

- Đúng thế. Vào một thời gian thích hợp nào đó chúng mình sẽ gặp nhau nữa nhé. À này em, khi tình cờ gặp nhau ở đám đông chúng mình nên tế nhị nhé.

- Vâng, em hiểu rồi.

Chân tay em run lẩy bẩy như mới ốm dậy.

Nỗi buồn làm em đổ sụp xuống. khi em đến chỗ hẹn cùng anh, em cũng đã nghĩ đến điều này như là một sự rủi ro. Nhưng em đã gạt nó đi bằng niềm tin và hy vọng.

Trong nỗi buồn em vẫn còn hy vọng. 48 giờ, 72 giờ... Em vẫn chờ và hy vọng và sợ hãi. Nỗi sợ hãi bị tổn thương lần nữa đã làm em không thể nhấc điện thoại để gọi cho anh.

Những ý nghĩ khốn khổ đã bủa vây em và nhấn chìm em xuống. Em là người đàn bà như thế nào đây, trong suy nghĩ của anh? Em hám danh vọng và hám tiền tài ư? Không, em đã có một cuộc sống đầy đủ về vật chất và danh vọng cần có của một người đàn bà bình thường. Em còn có cả lòng tự trọng. Bây giờ thì em biết chắc anh đã rất hiểu điều này khi chọn em phải không anh? Còn trong suy nghĩ của em, em là một người đàn bà dễ dãi hư hỏng ư? Không, em đã mê đắm anh để từ bỏ một người đàn ông đã yêu em thực lòng.

Em sống không luỵ người khác. Thiên đường và địa ngục của em cũng không giống của người khác. Thiên đường cách cuộc sống của em 27 bước chân. Em đã bước được 26 bước rồi. Chỉ cần một bước chân nữa thôi em sẽ được lên thiên đường. Sau cái khoảnh khắc tan biến vào anh, bước chân cuối cùng ấy em tưởng tượng ra đó chính là lời anh thổ lộ rằng anh yêu em. Sau 48 giờ, 72 giờ... thì chỉ cần những cú điện thoại hỏi thăm em dịu dàng.

Kỳ lạ thay cái thiên đường. Adam và Eva vì yêu nhau mà phải đầy xuống hạ giới. Còn em chỉ vì thiếu tình yêu em không được lên thiên đường. Còn anh, anh đang ở đâu?Anh có ở thiên đường của anh không? Mỗi buổi tối em vẫn thích xem chương trình thời sự. Em vẫn không thể dời mắt khỏi anh.

Em nhớ anh nói với em rằng, một thời gian thích hợp nào đó mình sẽ gặp nhau. Và em cũng nhớ câu thơ cuối anh đọc cho em, anh không phải là anh bây giờ. Em biết. Và em cũng không phải là em bây giờ. Trong khi những ý nghĩ quay cuồng làm khổ em, em đã tìm cho mình một lối thoát. Em đã lấy câu chuyện của một cô gái bán hoa để làm bài học răn mình. Câu chuyện rằng, một đêm cô đi bán hoa bị khách chơi trả cho một tờ bạc giả. Thay vì sự rên rỉ cô đã tự an ủi mình: Mình bị hiếp rồi.

Thực chất, thiếu một bước chân em đã bị sa xuống địa ngục rồi. Dưới địa ngục con người vô cảm, không còn cảm giác buồn đau và sung sướng nữa.
 
G

get_curr

Guest
14/1/05
12
0
0
48
HA NOI
Trứng / Chào buổi sáng
Hoàng Thùy Linh
Trứng

chúng ta có những quả trứng giống nhau
đôi khi chỉ để chúng rên rỉ
không chịu lớn

Miết hơi thở
Hôn nhẹ nhàng
Hay cấu xé xào xạc
những quả trứng
lăn
lộn cùng ta

không đủ sức toét còi và dùng dùi cui
trại trứng điên kích thích điên

chúng ta có những quả trứng giống nhau
mỗi ngày rất sâu
cấu lại cội nguồn
mỗi ngày cuối cùng
póc póc hóa giải
từ từng giấc mơ
mỗi ngày rất xa

03/05


Chào buổi sáng

Chào buổi sáng
Em nghe màu hồng nói
Sáng hôm nay cũng chẳng buồn lắm
khi con đường vẫn dài và gai

nàng ôm cá heo vẫy cái vẫy tay của hàng vạn cái vẫy tay
em rất yêu màu vàng
nơi hơi thở của nàng lặng thinh tươi mới
nơi mắt mắt nàng đen nhìn thẳng
hơn cả đũa thần

Phép lạ chỉ là chuyện nhỏ
em cười
thức tỉnh xung quanh tiếp tục
vẫy cái vẫy tay của hàng vạn cái vẫy tay
màu hồng và vàng
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
NGƯỜI KHÔNG NHAN SẮC

Nguyễn Anh Thư

Người đàn ông không rẽ vào đường Tràng Thi như Hương tưởng. Anh ta tụt xuống đàng sau Hương rồi qua bên phải đi song song với cô.

Hương hơi ngạc nhiên về hành động này. Không lẽ anh ta lại đi theo cô? Một cô gái khẳng khiu, hao gầy từ khuôn mặt cho đến hình hài, như hiện thân của một cành bàng trơ trụi trong mùa đông. Từ khi ý thức được mình cũng thuộc giới đàn bà, cô chưa từng thấy một người phía bên kia nào đi ngang cô mà không dửng dưng, không thờ ơ như đi ngang qua một bà già đã tàn. Vậy mà giờ đây có một người đàn ông đã đi theo cô. Trái tim trống vắng của cô đang rung lên trước hiện tượng bất thường. Lẽ nào tình yêu đã bắt đầu gõ cửa cuộc đời mình?

Hương gắng đem hết ý chí để giữ cho dáng vẻ của mình được bình tĩnh, tự nhiên. Cô vẫn đi theo hướng về nhà mình. Thẳng qua một ngã tư. Hai ngã tư, rồi một ngã tư nữa. Cả một phố dài Quang Trung sắp trôi qua, họ vẫn đạp xe sát bên nhau, lặng lẽ cùng một tốc độ. Hương thấy mình mỗi lúc một tiến sâu hơn vào làn hoa sữa nồng nàn quá mức. Hương hoa đậm đặc gây cho cô cảm giác hăng hăng trong mũi, trong cổ, vừa ngột ngạt, vừa bồn chồn. Có lẽ đã quá khuya. Đường phố vắng teo, lạnh lẽo. Đó đây, vài bóng người lặng lẽ guồng xe, cổ áo dựng lên tránh những ngọn gió lạnh mát đầu thu từ hồ Thuyền Quang thổi về. Không còn nén nổi được tò mò. Hương khẽ đưa mắt liếc sang. Anh ta khoảng gần bốn mươi tuổi, mặc quần bò, áo budong, giầy thể thao.

Anh ta vẫn to cao dù đã đi trên một chiếc xe Liên Xô nam. Dáng vẻ của một người đàng hoàng, tự tin.

- Xin lỗi, chị cho tôi hỏi phố Trương Định đi lối nào? - Người đàn ông phá tan sự im lặng bằng một giọng thiếu tự nhiên.

Hương bàng hoàng. Không lẽ đi cùng một đoạn đường dài đến như vậy bên cạnh nhau, lại đầy vẻ thân mật nữa chỉ để hỏi đường? Trái tim côi cút của cô suýt tan ra vì thất vọng. Vậy mà nó đã vội mơ tưởng... Thật tội nghiệp cho nó biết bao! Mà hình như anh ta là người Lào! Đã là người Hà Nội, lại ngần ấy tuổi, ai không biết đường đến phố Trương Định!

Cô cố mỉm cười nhìn sang, dù sao thì anh ta cũng là người nước ngoài, phải lịch sự.

- Anh cứ đến đầu hồ kia rồi rẽ trái - Hương thành thật chỉ dẫn - Đến một dãy phố song song với phố này, anh đi tiếp lên phía trước. Đến cuối phố lại rẽ trái, gặp một phố nữa thì rẽ phải. Đi thẳng sẽ tới phố Trương Định.

- Chao ôi! Cứ như đang đọc truyện "Đôi mắt" của Nam Cao vậy! - Người đàn ông thốt lên vẻ ngao ngán, buồn phiền.

Hương suýt phì cười trước lời nhận xét của anh ta. Có vẻ như anh ta khá rành về văn học Việt Nam.

- Tôi cũng đi về hướng đó - Cô buột miệng và ngay lập tức lấy làm hối tiếc. Nhà cô ở trong ngõ Mai Hương thật, song cô không muốn đi với một người nước ngoài, dù rằng anh ta cũng giống người mình.

- Chị sẽ không phiền nếu tôi đi theo một đoạn cho dễ tìm địa chỉ chứ?

- Cũng chẳng sao đâu! - Hương cố nén sự chán nản.

- Kìa! Có chắc là em không nhận ra người quen cũ? - Người đàn ông nói vẻ trách móc.

- Người quen? - Hương ngỡ ngàng. Chẳng lẽ anh ta là người Việt! - Làm gì có!

- Đúng thế đấy! Em cứ nghĩ kỹ xem!

- Hay anh là một ca sĩ? Hoặc một diễn viên? - Cô nhún vai - Những người đó luôn có cảm giác rằng trên khắp cả trái đất này đến cả con kiến cũng biết họ là ai.

- Sao mà mình không ưa cái lũ ấy thế. - Anh nói giọng ghét bỏ.

- Vậy thì chịu đấy! - Cô ngừng lại giây lát thăm dò

- Lại "Những người thích đùa" rồi!

- Ồ, Azit Nexin bên Thổ Nhĩ Kỳ kia!

Nghe lời khẳng định đó, Hương vui hẳn lên. Anh ta là người Việt và lại có học thức. Bằng chứng là chỉ có những người có học làm công tác nghiên cứu mới có kiểu tư duy: Nhắc tới tác phẩm nào là nhớ tên tác giả. Anh ta có vẻ rất hóm hỉnh. Cô nhận thấy những người có tính hài hước thường tốt bụng. Như vậy có thể giao tiếp mà không đáng ngại.

- Nhà em cũng ở Trương Định à?

- Ồ kìa, anh là người quen của em kia mà! - Cô giễu cợt.

- Anh đùa ấy mà! - Người đàn ông ngượng ngùng - Vừa nhìn thấy em ngay lúc đầu anh đã linh cảm thấy có một điều gì đó thật lạ lùng. Nếu không nói vậy, làm sao anh có thể làm quen với em. Còn từ lúc anh hỏi thăm em đến giờ thì chúng ta đã chẳng đã biết nhau rồi sao? Có đúng không?

- Anh quả là lém lỉnh - Cô mỉm cười - Và thông minh nữa.

- Em nói cứ như mẹ anh vậy! Chỉ có khác tí xíu. Mẹ anh bảo: "Cái thằng Minh ranh con thật là láu cá". Cám ơn em đã khen anh.

Cô thầm nghĩ, chắc anh rất yêu quý mẹ mình, nên ngay cả lúc như thế này anh cũng nhớ đến mẹ.
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
Những người đàn ông kính phục mẹ mình thì cũng coi trọng phụ nữ. Cô cảm thấy yên tâm vô cùng khi đi bên anh. Câu chuyện của họ trở nên cởi mở, chân thành. Nó ngược về thời thơ ấu của mỗi người rồi lại lùi về thủa sinh viên. Minh học đại học Thuỷ lợi bên Nga mấy năm, về nước đi bộ đội. Hết nghĩa vụ, anh được vào làm việc ở Học viện Thủy Lợi.

Còn cô: "Em tên Hương - Thu Hương, từng là học sinh Trung cấp văn thư lưu trữ nay đã bỏ nghề.

Hiện em là nhân viên đánh máy của một tờ báo nhỏ của ngành". Rôm rả, vui vẻ, họ mỗi lúc một thân mật hơn.

Quãng đường trôi qua thật nhanh, chẳng mấy chốc cô đã phải phanh xe đột ngột trước ngõ Mai Hương.

- Sao thế? - Minh chống chân xuống đất, lo lắng hỏi. Sự chăm sóc đó trong giọng nói của anh làm trái tim cô thẫm đẫm nỗi ngọt ngào. Từ xa xưa tới nay, trừ bố mẹ cô ra chẳng có ai quan tâm, lo lắng ra lời với cô đến thế. Ngay cả các anh chị cô cũng vậy. Mặc dù vô cùng yêu thương nhau, nhưng hễ phải nói chuyện với nhau là y như rằng cộc lốc, cục cằn. Dường như họ sẽ bị yếu đuối đi, trái tim sẽ bị móc ra, phơi bày trước bàn dân thiên hạ, mất hết lớp vỏ bảo vệ, dễ bị tổn thương, nếu như họ dịu dàng với nhau. Nói với nhau những lời yêu thương da diết ư? Nó gắn với tội lỗi. Nó gần như loạn luân vậy.

- Rất tiếc là em đã phải về! - Cô khẽ cười với vẻ buồn rầu - Nhà em ở trong đó.

- Chẳng lẽ chúng ta chia tay nhau như thế này sao? - Anh hốt hoảng.

- Biết làm thế nào được - Cô thở dài - Có lẽ mười một rưỡi rồi.

- Anh biết ngay mà. Ngay từ đầu anh đã nói với em rằng anh linh cảm thấy một điều gì đó thật kỳ lạ. Bây giờ anh mới biết đó là gì! - Anh than thở.

- Nó là gì? - Cô tò mò.

- Nó là Ngày-Bất-Hạnh-Nhất-Đời-Anh! - Anh nhấn từng từ - Ngay từ đầu anh đã biết em là một cô gái giàu nghị lực. Em sẽ không muốn kết bạn với một kẻ ngang đường như anh - Anh lắc đầu, nhếch mép buồn bã - Nào đi vào. Ít nhất em cũng ban cho anh một niềm vui là được tiễn em thêm một đoạn đường nữa chứ?

- Chỉ đến quãng đường ngoặt kia thôi nhé! - Cô lí nhí thanh minh - Em sợ người trong nhà nhìn thấy em đi với một người đàn ông lạ hoắc lúc quá khuya. Ở đó có thể nhìn thấy nhà em được. Em sẽ chỉ cho anh.

- Anh rất tiếc là ngày mai đã phải đi công tác xa, chưa thể đến nhà em chơi được - Anh trầm giọng.

- Anh đi? - Cô rùng mình, cảm thấy buốt hết sống lưng.

Cô đã chờ đợi bao nhiêu năm để được một người đàn ông để mắt tới. Vậy mà vừa nói chuyện lần đầu, anh ta đã phải ra đi.

- Em buồn ư?... Em này, chính vì thế mà... Em có tin rằng có những quyết định trong giây lát mà đúng đắn không?

- Có thể lắm chứ! - Cô quả quyết. Cho tới trước tối nay cô chưa từng có một chút tự tin nào trong người. Mới chỉ từ lúc gặp anh đến giờ, cô cảm thấy mình như được lột xác. Cô không còn nhận ra mình nữa.

- Còn anh thì chưa bao giờ quyết định sai. Vậy anh muốn biết ngay bây giờ. Em có yêu anh không?

- Kìa anh - Cô sững sờ - Chẳng nhẽ vừa gặp, anh đã hỏi thế sao?

- Bởi ngày mai anh đã đi xa. Anh không muốn mất em. Anh muốn có một người chờ đợi ở quê hương. Anh đã từng đi qua bao nước, nhưng chưa có một cô gái nào bắt được anh dừng lại. Vậy mà anh không thể đi qua em. Anh muốn em trả lời: Em có chờ anh không? - Minh nôn nóng.

- Có! - Hương nhắm mắt run rẩy đáp. Mặc dù cô chẳng biết anh đi đâu. Có lẽ anh đi ra nước ngoài. Anh vừa nói "...Anh từng đi bao nước...". Nếu cô hỏi: "Anh đi đâu?" Anh sẽ cho rằng cô cũng như bao cô gái khác: Tò mò. Mà cô lại chẳng muốn giống bất kỳ một cô gái nào. Bởi anh vừa nói cô bắt được anh dừng lại vì cô thật đặc biệt. Cô phải thể hiện cho anh biết rằng: cô sinh ra trên đời này chính là để cho anh - Em sẽ... chờ!

Họ đứng ngay chỗ quãng ngoặt. Anh dựa chiếc xe của mình vào tường rồi đỡ lấy chiếc xe Sài Gòn của cô xếp bên. Hai chiếc xe xếp nép bên nhau như một cặp tình nhân âu yếm. Cô lại nhắm mắt lại để trấn tĩnh. Khi mở mắt cô đã thấy mình trong vòng tay anh. Và một đôi môi nóng bỏng cúi xuống. Cô rùng mình bủn rủn chân tay. Đôi môi đàn ông đầu tiên trong đời một cô gái hai mươi chín tuổi... Mọi chuyện diễn ra như trong tiểu thuyết vẫn tả. Anh đã dạy cho cô biết thế nào là hôn theo kiểu Pháp... Lúc chia tay không thể trì hoãn thêm được nữa, có lẽ đã mười hai rưỡi, hoặc một giờ sáng. Cô nắm chặt tay anh như bám một chiếc phao trong cơn bão biển.

- Đừng đi chơi buổi tối nhé bé! - Anh thì thầm - Anh sợ người ta sẽ ăn cắp mất bé của anh khi anh đang ở xa!

- Sẽ không ai có thể ăn cắp được em. Trừ một người - Cô khe khẽ trả lời, giọng ngập dần trong nước mắt - Người đó là anh!

- Cám ơn em! Nhưng anh sẽ không ăn cắp. Anh sẽ đến đón bé đoàng hoàng, có xe hoa, có pháo nổ thật long trọng.

- Em sẽ chờ ngày đó! - Hương lặng đi rồi thì thào - Em sẽ hạnh phúc biết bao... Đừng tàn phá niềm tin của em, nghe anh!

- Đừng coi thường anh như thế! - Anh cau mày, vờ giận - Hãy luôn cầu mong sự bình an cho anh nhé bé!

- Vâng!

- Sẽ không có sự thay đổi chứ?

- Không! - Cô bặm môi. Một giọt nước mắt lăn dài trên má.

- Sẽ không có sự phản bội chứ? - Anh làm cho cô cảm thấy mình như một bà hoàng.

- Vâng! Hãy nhớ đến em!

Anh lên xe vẫn còn nghe cô với theo.

- Hãy nhớ đến em!

- Đợi anh nhé, dù anh không về!

- Em sẽ đợi! - Cô gái nhắc lại lời thề mà không biết: từ lúc nhấn chân lên bàn đạp, anh đã chẳng còn tên là Minh.

***

Quang hít một luồng không khí mát lạnh, khoan khoái mỉm cười hài lòng. Bao giờ cũng vậy, trước một cú làm ăn to ở xa, anh luôn tìm cho mình một vì sao hộ mạng. Không biết như vậy có mê tín không, song anh luôn nhận thấy: mỗi lần có một cô gái mới ngoan ngoãn, nhân hậu thành tâm cầu nguyện cho anh thì thế nào anh cũng vào cầu lớn. Những cô gái cả tin bao giờ cũng là những người bảo trợ vĩ đại. "Chỉ tiếc nỗi, - Quang tặc lưỡi - lần này hình thức hơi kém!".
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
BÁN THÂN

1. Hắn vốn là người siêng năng, nhưng số phận hắn - như người ta hay nói - đen như mõm chó. Nợ nần lút đầu. Thân thể hắn gầy nhom, nước da xanh mét, mắt lờ đờ. Bộ mặt lúc thì cau có, gắt gỏng, lúc thì im ỉm như đưa đám, trông bệ rạc chẳng khác cái nhà của hắn - nếu có thể gọi là “nhà” bởi vẻ lụp xụp tối tăm, ẩm thấp của nó.

Bữa nọ, đi đâu về trông hắn tươi tỉnh hẳn. Vợ hắn thấy lo, bởi khi nào trông hắn vui vẻ là sắp có "chuyện lớn", ít nhất cũng là đi khất nợ hoặc mượn nợ để mua rượu đổ vào mồm hắn.

Thế nhưng sự việc lại ngoài dự đoán. Hắn nói với vợ: “Nếu cảnh này cứ tiếp tục, cả nhà mình cũng sẽ chết thôi. Tao nghĩ, cách hay hơn hết, mẹ mày nên cho thuê cái thân mẹ mày đi!”, “Gì? Bán cái xác của tôi à?”. Người vợ đang cho đứa con trai mới lên 3 tuổi ngậm vú thảng thốt nói với giọng run rẩy. Căn chòi tranh im lặng hoàn toàn. Sau khi đã thở ra một hơi dài thật nặng nề, người đàn ông nói tiếp: "Hôm qua tao gặp bà Lưu. Bà ấy bảo, có lão Triệu đã ngoài lục tuần rồi mà chưa có con. Ông ấy muốn mua thêm một tì thiếp, nhưng mụ vợ không chịu. Mụ vợ chỉ bằng lòng cho lão ấy thuê một nàng hầu trong vòng vài ba năm thôi. Lão đã nhờ tìm cho một người đàn bà khoảng ngoài 30, đã qua sinh nở đôi lần, nhưng phải thành thực và siêng năng làm việc, nhất là phải biết phục tùng, lễ phép với bà vợ cả. Họ sẽ trả năm trăm lượng. Nếu trong thời gian đó đẻ được cho họ một đứa con trai thì họ sẽ tăng gấp đôi số tiền. Tao thấy vợ mày được lắm. Mày tính sao? Ôi, một ngàn lượng bạc! Cả gia tài đấy mẹ mày ạ. Có nó nhà mình sẽ đổi đời. Tao đã nhận lời bà Lưu rồi. Mẹ mày chịu thiệt vậy!".

Người đàn bà nghe chồng kể nín thinh chẳng nói lời nào. Tâm trí của chị như bị tê tiệt. Chị đau đớn hỏi chồng: “Tại sao không cho tôi biết trước?", “Cần gì, mẹ mày nghĩ coi, nếu không cho thuê mẹ mày đi, cả nhà này chỉ còn chờ chết đói. Giờ chỉ còn chờ ký tên vào giấy giao kèo thôi. Mà mẹ mày sao vậy, tao là chồng mà còn chịu được, mẹ mày có gì mà sợ !", "Trời ơi, sao tôi khổ thế này. Cha mày có nghĩ gì đến thằng cu Chít nhà này không? Nó mới lên 3 tuổi. Không có mẹ nó sống sao được?". Cu Chít là tên thằng bé trai mà chị đang ẵm trong lòng - nó là đứa con trai duy nhất của chị.

"Trời ơi, số phận tôi sao mà cay đắng thế này!?". Đột nhiên chị rên lên khiến thằng cu Chít ngạc nhiên nhả vú ra và kêu: "Mẹ! Mẹ!"...


2. Đêm trước ngày phải rời chồng con, chị ngồi im một mình trong một góc nhà. Chiếc đèn dầu leo lét treo trên bếp, tỏa một đốm ánh sáng yếu ớt như con đom đóm. Chị ẵm thằng cu Chít trong lòng và cúi gục đầu trên tóc của nó. Trong lúc ấy đầu óc của chị phiêu diêu tận đâu đâu. Nhưng hơi thở của đứa trẻ đã kéo chị về với thực tại. Chị khẽ gọi tên con một cách trìu mến: “Cu Chít của mẹ ơi, mai mẹ phải đi xa rồi con!".

Thằng nhỏ ậm ừ không trả lời, chỉ cố rúc đầu vào sâu trong ngực mẹ. Dường như nó chẳng hiểu gì lời mẹ nó vừa than thở. “Mẹ đi lâu lắm. Mẹ đi mãi 3 năm sau mẹ mới trở về con ạ!”. Chị vừa nói với con vừa gạt nước mắt. Thằng bé ậm ừ có vẻ không bằng lòng, rồi lại gục đầu vào ngậm vú mẹ. Chị cố nuốt nước mắt dặn dò tiếp: "Con phải ở nhà với cha. Cha sẽ lo cho con. Cha sẽ ngủ với con và đưa con đi chơi. Con phải ngoan ngoãn nghe lời cha...". "Cha đánh con!” - thằng bé làu bàu. "Cha sẽ không đánh con nữa đâu” - chị dỗ dành con. Nhưng mắt chị không rời cái sẹo nhỏ còn in rõ nét bên má phải của đứa bé. Đó là dấu vết của trận đòn mà chồng chị đánh con khi đang say rượu.

Chị còn muốn nói với con nhiều hơn nữa, nhưng chồng chị đã đẩy cửa bước vào. Hắn ta đi thẳng đến chỗ chị ngồi,

thảy ra bọc giấy nhỏ và nói: "Tao đã nhận được một nửa số tiền rồi. Số còn lại người ta sẽ trả nốt khi mẹ mày đến nơi. Thôi, cứ yên tâm, việc nhà đã có tao lo”. Không khí im lặng hoàn toàn.


3. Vừa bước vào nhà mới, chị biết cuộc đời của chị kể từ nay sẽ không phải đói rét nữa, ít nhất cũng được vài năm. Nhà cửa và ngay cả người đàn ông đã thuê chị về làm tì thiếp cũng đều hơn hẳn những gì chị vừa bỏ đi. Ông Triệu rõ ra là một người đàn ông đàng hoàng, nói năng từ tốn, khoan thai. Còn bà vợ thì cũng tỏ ra là một người đàn bà không đến nỗi độc ác lắm. Ngay buổi đầu tiên bà đã đem kể hết chuyện gia đình của bà cho chị nghe. Bà kể chuyện từ ngày hai vợ chồng mới lấy nhau, từ cái đám cưới linh đình, trọng thể cho đến nay đã 30 năm... cho chị nghe.

15 năm về trước, bà ta đã cho ông một đứa con trai rất kháu khỉnh dễ thương, nhưng chẳng may khi đứa trẻ mới đầy năm thì nó chết. Kể từ ngày đó, bà không còn sinh nở gì nữa. Chính vì vậy bà rất lo sợ. Bà sợ ông sẽ cưới vợ khác

để có con nối dõi tông đường. Mãi đến thời gian gần đây ông vẫn không tỏ ý muốn lấy vợ khác. Có thể ông còn yêu bà hay là thế nào thì bà cũng không biết rõ. Nhưng có điều chắc chắn là ông rất nóng lòng sớm được có con. Bởi thế bà phải lo tìm người sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường cho ông và làm cho ông vui lòng không nghĩ đến chuyện lấy vợ khác...

Chị nghe bà vợ cả kể chuyện thì cũng cảm thấy vui vui trong lòng, vì dù sao mình cũng đang đóng một vai trò cần thiết trong cái gia đình này. Cuối cùng, bà vợ cả nói toạc ngay ước vọng của bà với chị, khiến chị không khỏi đỏ mặt ngượng ngùng: "Dù sao cô cũng đã sinh nở vài lần rồi, chắc chắn là cô kinh nghiệm về đường sinh nở hơn tôi”. Nói xong câu ấy bà ta bỏ đi chỗ khác.

Đêm hôm đó ông chủ nhà cũng kể nhiều chuyện về gia đình cho chị nghe. Chị ngồi bên cái rương gỗ sơn đỏ dành riêng cho chị đựng đồ đạc, một vật mà trong đời chị từ nhỏ đến lớn chưa từng dám một lần mơ ước đến. Chị đã mở to đôi mắt để nhìn cho rõ, để ngắm nghía cho thỏa lòng ưa thích cái vật quý báu ấy. Ông chủ nhà đến ngồi bên chị và hỏi: “Cô tên gì?”. Chị bẽn lẽn ngượng ngùng, lắp bắp trả lời không rõ ràng và đứng lên đi về phía chiếc giường. Ông ta cũng bước theo và vừa cười vừa hỏi: "Cô ngượng ngùng à? Hay là cô cứ xem tôi như chồng cô!". Giọng nói của ông dịu dàng và ông ta kéo chị vào lòng: “Cô cũng đừng buồn. Tôi... tôi...”. Ông ta đã không nói thêm, bỏ lửng câu nói, tủm tỉm cười và bắt đầu cởi quần áo... Ngay lúc ấy chị nghe bên ngoài có tiếng bà chủ nhà đang lớn tiếng chửi mắng một người nào đó...". Lại đây cô, mình đi ngủ!" nằm sẵn trên giường ông chủ gọi chị đến.
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
4. Nửa năm sau, chị cảm thấy có nhiều thay đổi khác thường trong người. Chị cảm thấy sợ cơm, mỗi lần nuốt vào lại ói ra. Thấy thế ông Triệu lộ vẻ vui mừng ra mặt. Ông thừa biết đó là dấu hiệu gì rồi. Ông đích thân ra chợ hoặc sai người ở đi mua rau trái về cho chị ăn. Có lần ông thấy chị đang phụ với bà lão Vương xay bột làm bánh ăn tết, ông liền la chị: "Cô hãy nghỉ tay, không được làm nặng nhọc như thế. Không phải việc của cô". Có lần chị nhức đầu dã dượi, phải nằm suốt 3 ngày, khiến ông chủ nhà lo lắng cuống cuồng. Ông thường đến bên giường hỏi han chị và còn hỏi xem chị có cần gì hay không.

... Rồi cũng tới ngày đứa bé sơ sinh được mở mắt nhìn đời trước ánh sáng mặt trời êm dịu của mùa thu. Nó được người mẹ đẻ săn sóc, thay tã lót và cho bú mớm. Bọn đàn bà con gái trong nhà và hàng xóm lúc nào cũng quây quần đông đảo chung quanh. Người thì khen cái mũi dọc dừa xinh xắn. Người thì nức nở ca ngợi cái miệng của đứa bé rộng và tươi, mai sau thế nào cũng trở nên đại gia. Có người lại khen cả cái dái tai, cho rằng dái tai to như tai Phật thế là sẽ rất trường thọ... Còn bà vợ của ông Triệu thì càng tỏ ra nghiêm khắc hơn, chẳng khác nào bà mẹ chồng đối với nàng dâu. Bà thường la rầy chi không được để cho đứa bé khóc, mất sức khỏe. Đứa bé được đặt tên là Hạo Dân.

Hạo Dân càng ngày càng trở nên kháu khỉnh, dễ thương, suốt ngày cứ bám lấy mẹ. Thời gian cứ thế thấm thoát trôi qua, chẳng mấy lúc sắp đến ngày mãn hạn hợp đồng. Về phần chị, lúc này đầu óc của chị hoang mang rối bời giữa hai con đường. Tất cả đều xoay vần chung quanh mấy chữ "ba năm". Ngày xưa, khi rời chồng con, đem thân đến nơi xa lạ bán cả sức lao động lẫn thân xác chị thấy tiếng “3 năm" sau mà dài lê thê khủng khiếp.

Nhưng đến bây giờ, không hiểu tại sao, chị lại thấy thời gian dường như đã mọc thêm cánh mà bay đi rất mau. Thời gian “3 năm” trôi qua vùn vụt, chẳng khác nào bóng câu qua cửa sổ. Trong tâm hồn chị, hai đứa con thằng cu Chít và thằng Hạo Dân đều là con của chị, do chị đã mang nặng đẻ đau, nên chị đều thương yêu chúng nó như nhau, mặc dù hoàn cảnh của mỗi đứa rất khác biệt. Nhiều lần ngồi ngoài sân cho thằng Hạo Dân bú, chị tưởng tượng giá như lúc ấy có thằng cu Chít ở đó. Chị sẽ đưa tay vẫy nó lại gần và nói chuyện cùng một lúc với cả hai anh em. Chị sẽ... Nhưng đó chỉ là giấc mơ giữa ban ngày của chị mà thôi!


5. Mùa xuân đã đến. Bầy chim đã bắt đầu ca vang mừng mùa xuân sớm. Lúc này vợ chồng chủ nhà bắt đầu cho mời thầy đến, nhờ xem tuổi, bấm số, để định ngày làm lễ cho đứa trẻ... xa rời vĩnh viễn người mẹ đẻ của nó!

Rồi ngày chia ly cũng đến. Mặt trời đã lên cao, tiết trời quang đãng. Bé Hạo Dân vẫn không chịu rời người mẹ đẻ, khiến bà chủ nhà phải dùng sức để lôi nó ra. Đứa bé càng gào khóc dữ dội. Nó đạp bà ta vung vít bằng đôi chân nhỏ bé. Nó cấu xé và bứt tóc bà ta bằng đôi bàn tay nhỏ bé, yếu ớt của nó. Người đàn bà đẻ thuê nước mắt ròng ròng: "Xin bà làm ơn cho tôi ở lại, đến chiều tôi sẽ đi". Bà chủ quay ngoắt lại nhìn chị với cặp mắt giận dữ: “Thu xếp quần áo, rồi cút xéo nhanh lên!".

Tiếng khóc, tiếng gào thét của đứa bé như mũi xiên đâm vào tai chị. Chị đứng gói mớ quần áo tư trang lại mà cử chỉ cứ lơ mơ như người mất hồn. Bà lão Vương cũng luẩn quẩn bên chị để an ủi dỗ dành, nhưng thực ra là bà ta để ý dò la theo lệnh bà chủ xem chị ta đem theo những vật gì. Cuối cùng, chị ra đi vỏn vẹn với một gói quần áo cũ kẹp dưới nách. Khi chị ra khỏi cửa, tiếng gào khóc của bé Hạo Dân càng xé lòng. Chị phải cắn chặt môi mới đủ sức lê bước. Cả 10 phút sau tai chị vẫn còn nghe văng vẳng tiếng khóc của nó. Dường như tiếng khóc ấy muốn bám theo chị mãi mãi. Chị bước đi như người bị mộng du, mặc cho trời nắng, mặc cho sức đuối, thậm chí có lúc tưởng chừng không thể nào lê chân nổi nữa. Nhưng chị vẫn cố đi, cố chạy như bị ma đuổi...

Cuối cùng thì chị cũng về đến đầu làng. Ngay cổng làng, chị ngồi phệt xuống bất động. Đôi mắt nhắm nghiền. Tai ù đặc. Thân thể rã rời. Đầu óc hoang mang rối bời. Trông chị phờ phạc như người ốm nặng. Người qua đường xúm nhau nhìn chị với vẻ tò mò. Lũ trẻ con đang nô đùa cũng bỏ cuộc chơi chạy tới xem, hò hét tưng bừng "bà khùng kìa chúng mày ơi. Lại đây xem nào, nhanh lên!". Trong đám trẻ con ấy có cả thằng cu Chít, con của chị - nó là một trong những thằng to tiếng nhất. Mệt nhọc, chị đứng dậy lê bước tiếp. Bọn trẻ bu theo đến trước cửa nhà chị - giờ cũng vẫn chỉ là một túp lều tranh, nhưng trông rách rưới hơn, tối tăm nghèo nàn hơn. Thằng cu Chít chạy vào nhà đứng ngó ra, lấy làm ngạc nhiên thấy chị đứng ngay trước nhà nó. Chị gắng sức kêu: "Chít con!”.

Thằng bé sợ hãi, chạy vào kêu cha nó. Nhưng không nghe tiếng người đàn ông. Trong bóng tối của căn nhà ẩm thấp, tồi tàn, hắn - người mà chị gọi là chồng - vẫn ngồi yên bó gối không ngẩng đầu lên. Đến chiều, người đàn ông nói với con: "Cu Chít, đêm nay ngủ với mẹ!". Thằng bé đứng bên bếp thút thít khóc. Thấy thế chị đến bên con, cầm tay đứa bé nói: "Cu Chít! Con cưng của mẹ. Lại đây với mẹ!". Thằng bé ngó chị vẻ xa tại rồi giằng mạnh tay ra, chạy vọt nép vào sau cánh cửa, lấp ló nhìn chị với vẻ sợ hãi.

... Đêm hôm ấy chị thao thức ôm cu Chít trong lòng mà không sao chợp mắt được. Trong đầu chị tại nhớ tới thằng Hạo Dân với tiếng gào đứt ruột xé gan của nó...
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
CUỘC TÌNH SILICON

( Y Ban )

40 tuổi thành đạt và giàu có, các con đã vào đại học người đàn bà bắt tay vào cuộc chơi “chủ động và sành điệu”.

Đối tượng truy đuổi của người đàn bà là các chàng trai trẻ. Rất đơn giản người đàn bà đăng một mẩu tin nhỏ: Muốn tìm một gia sư dạy thêm tiếng Anh. Mức lương sẽ trả theo thỏa thuận. Xin liên hệ với cô M. số điện thoại... Bây giờ thiếu gì bọn trẻ vừa phải đi học, vừa kiếm thêm tiền nuôi thân. Người đàn bà sẽ chọn một chàng trai trẻ (không trẻ quá,tanh) trong quãng tuổi 23, 24, vóc dáng khỏe mạnh, mặt mũi sáng láng, thông minh, học giỏi. Mức lương 50.000 đồng/giờ (cái mức chẳng có gia sư nào từ chối, dẫu là phải dạy cho một bà già). Một tháng đầu người đàn bà học hành rất chăm chỉ. Đến khi con mồi say tiền người đàn bà bủa lưới. Trong một quán cà phê sang trọng người đàn bà nói chuyện về cuộc đời, về nhân tình thế thái, về văn chương, hội họa... Những kiến thức mà chàng trai trẻ kia chưa kịp nắm bắt ngoài những kiến thức trên giảng đường. Sau đó người đàn bà sẽ nói chuyện về cuộc đời mình: 22 tuổi tốt nghiệp đại học, cuộc đời trước mắt trải ra như những thước phim lãng mạn. Nhưng người đàn bà lại vội vã chọn một người đàn ông nhiều hơn mình đến 10 tuổi mong dựa vào lúc khó khăn. Tất cả mọi toan tính đều không lại với số phận. Lúc khó khăn nhất, kinh tế neo, con nhỏ, người chồng đi tu nghiệp nước ngoài lặng lẽ biến đi không một lời từ biệt...

Câu chuyện sẽ kết thúc trong một căn phòng nhỏ màu hồng, bên hai cái ly và chai rượu vang chát. Chàng trai đã được dẫn vào đời đầy sạch sẽ, lãng mạn và kinh nghiệm (trong khi theo thống kê đến 60% “lần đầu” của đàn ông là qua tay gái điếm). Có một lần trong một khách sạn ven biển, khi câu chuyện đã vào nút kết, người đàn bà cũng đã tự mình đẩy hưng phấn đến cao độ thì chàng trai trẻ kia ôm bụng đau quằn quại. Đau co giật và mướt mát mồ hôi. Trong sự sợ hãi người đàn bà đã quên không mặc quần áo cứ thế chạy đi chạy lại trong phòng để lâý nước nóng chườm cho nạn nhân. Khi nạn nhân đã thiêm thiếp vào giấc ngủ thì người đàn bà chợt nhìn thấy hình bóng mình trong gương. Một thân hình lỏng lẻo đến mức mọi thớ thịt cứ kéo daì ra. Đôi nhũ hoa thường ngày được nịt chặt trong các loại áo có hai gọng sắt cũng nhô lên tròn trịa nay được tự do chảy thỏng xuống nhũng nhẽo... Ngắm mình khỏa thân một phút trong gương người đàn bà bỗng thấy bụng quặn đau. Người đàn bà không muốn mình thành nạn nhân thứ hai của cái sự đau bụng kia nên vội vã tìm quần áo mặc vào.

Người đàn bà đã biết nguyên nhân làm chàng trai trẻ kia đau bụng rồi. ừ - với cậu thế là đủ. Chắc cậu sẽ bị ám ảnh cả đời về một thân thể của một người phụ nữ. Cậu sẽ biết quý trọng một người phụ nữ mà cậu thực sự yêu mến. Cậu sẽ không bỏ rơi người ta khi gặp khó khăn. Thôi ta sẽ đền bù cho cậu một khoản tiền.
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
Người đàn bà để lại trên bàn 5 triệu đồng với một bức thư dặn dò cậu bé sống và yêu tử tế.

Chỉ có 50 triệu đồng và 6 tháng điều trị người đàn bà đã có một khuôn mặt và một thân hình khả ái. Nhất là đôi nhũ hoa. Với công nghệ Silicon một bác sĩ thẩm mỹ bình thường cũng hơn hẳn đấng tạo hóa. Một đôi gò bồng đảo tròn, rắn chắc với một cái núm nhỏ hồng hồng, đẹp mê ly. Sau cuộc phẫu thuật người đàn bà hay tự ngắm mình trước gương và rất say sưa với bộ ngực của mình. Bây giờ thì người đàn bà không còn phải đăng báo tìm gia sư dạy tiếng Anh và bỏ tiền ra để thuê khách sạn nữa. Người đàn bà đã nổi tiếng trong giới ăn chơi sành điệu về thân hình đẹp và tính cách bốc lửa. Và người đàn bà vẫn trung thành với mục tiêu của mình: Chọn những chàng trai trẻ và bây giờ thì cũng không cần đến 2 chiếc ly và rượu vang chát . Sau lớp voan hồng hoặc sau lớp đăng ten hồng là đôi nhũ hoa vồng lên, tròn đến không tròn hơn được nữa, căng mọng. Như một ma lực hấp dẫn đến mê hồn.

Người đàn bà nhớ lại một bộ phim cổ tích đã xem ngày bé. Trong đó có một chàng trai bị mụ phù thủy gõ đũa thần vào để biến phần chân thành đá. Chàng trai đá đã đau đớn khủng khiếp. Ngày bé, người đàn bà đã không hiểu tại sao khi biến thành đá là vật vô tri vô giác mà sao bị đau đớn thế. Người đàn bà không hiểu rằng, cái sự đau đớn không phải là từ phần đá, cũng không phải là từ phần còn lại là da thịt mà là chỗ giáp ranh giữa đá và thịt. Bây giờ thì người đàn bà đã thấu hiểu nỗi đau đớn thế nào. Dưới lớp da kia người ta đã độn vào lớp Silicon lỏng. Silicon và da thịt con người là hai thứ hoàn toàn khác biệt nhau nhưng nó lại gây được hiệu quả thẩm mỹ rõ rệt. Chẳng kể đến những kẻ thô bạo mà chỉ là những cử chỉ âu yếm như những cái xoa nhẹ, những cái mút nhẹ, thậm chí là nụ hôn nhẹ cũng tạo ra sự đau đớn. Thôi thì cái gì chẳng có giá của nó, người đàn bà tặc lưỡi. Người đàn bà gồng mình lên để chống lại cái đau và kiếm tìm cảm giác bằng cái vị thế đàn bà đang đưọc đàn ông ngưỡng mộ.

Đến thăm một người bạn gái đang trên giường bệnh, người đàn bà không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy thân hình tiều tụy nằm đơn côi một mình. Đây đã từng là một người đàn bà xinh đẹp. Một sự đẹp đẽ thực sự của tạo hóa chứ không phải là vẻ đẹp của Silicon. Người bệnh mở mắt nhìn bạn, cố nở một nụ cười:

- Ngồi với mình lâu một chút nhé. Ai cũng bảo không có thời gian. Mình cô đơn quá.

- Cứ nghỉ đi. Mình sẽ ngồi đây với cậu cả buổi chiều. Chiều nay mình rỗi mà.

- Mình muốn kể cho cậu nghe chuyện này.

- Thôi mình không muốn nghe đâu. Rồi cậu sẽ khỏi bệnh. Rồi sẽ lại xinh đẹp.

- Mình không sợ chết đâu. Sống thế là đủ rồi. Mình chỉ tiếc một điều...

- Cậu còn cần gì ở cuộc đời này nữa nào, xinh đẹp, giàu có, con cái ngoan ngoãn trưởng thành. Còn một ông chồng, cậu mà gật đầu thì ối người muốn làm chồng của cậu.

- Đấy mới là cái vỏ bề ngoài thôi. Cứ những lúc ốm đau thế này mình mới thấy mình thiếu cái gì.

- Ối dào, cứ có tiền là có tất.
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
- Cậu không thể hiểu được điều này đâu. Cậu có biết mình hình dung khi mình chết thế nào không? Những con cu cắm kín quan tài mình thay cho những ngọn nến. Nhưng sẽ không có một trái tim nào thành thật ứa một giọt máu thương xót mình đâu. Ngẫm lại cuộc đời mình đã chinh phục, đã kiếm niềm vui, kể cả tiền của những người đàn ông nhưng mình đã không có một bông hồng nào, một nụ hôn nào, một cái vuốt ve dịu dàng nào của một tình yêu đích thực cả. Lúc nào cũng nóng bỏng, vội vàng trong một guồng quay vô định. Mình đã nhìn thấy những đôi trai gái họ cứ bên nhau hàng giờ chẳng nói, chẳng cầm tay, chắc liếc mắt tình tứ... Họ chỉ biếng nhác bên nhau vậy. Giờ thì mình cần biết bao cái sự biếng nhác ấy. Một người thật hiểu mình, và mình hiểu người ta, rồi đi bên cạnh nhau trong cuộc đời này rồi thi thoảng nắm lấy tay nhau, nhìn sâu vào mắt nhau, nói với nhau vài câu bâng quơ không đầu không cuối rồi phá lên cười... Thôi mình mệt lắm rồi, cậu về đi. Cậu đừng sợ, tớ chưa chết ngay đâu. Ước mơ sẽ làm cho con người ta thèm sống. Mình đã có ước mơ rồi.

Người đàn bà đã nghĩ rất nhiều về những điều người bạn gái bộc bệch trên giường bệnh. Thực ra những điều mà người bạn gái ốm đau kia bộc bạch cũng là những suy nghĩ bấy lâu của người đàn bà nhưng chỉ có điều người đàn bà đã cố tình gạt nó đi mà thôi.

Người đàn bà có một chiếc tráp nhỏ màu đỏ. Trong đó là những kỷ niệm. Này đây là tấm bằng đại học, tờ thiếp mời đám cưới, hai cai núm rốn của hai đứa con và những tấm ảnh...Tận dưới cùng cái tráp là một tấm bưu ảnh đã ngả màu vàng. Một bông hồng trắng còn ngậm sương. Đằng sau tấm bưu thiếp là dòng chữ nắn nót: Tôi tặng tôi nhân ngày sinh nhật lần thứ 18.

Dòng chữ xa xưa ập vào tim người đàn bà một nỗi buồn đau nhói. Đó là định mệnh hay là sự lựa chọn của cuộc đời. Để đến bây giờ người đàn bà luôn luôn phải tự tặng cho mình. Dẫu có là một bông hồng nhỏ nhoi hay là cả một cuộc chơi chủ động và sành điệu.

Định mệnh hay là sự lựa chọn? Đâu là ranh giới? Người đàn bà không thể tìm đựơc câu trả lời nhưng hơn ai hết người đàn bà biết rất rõ về sự đau đớn và nỗi cô đơn đang ngày càng thít chặt.

Còn ước mơ? Đến một ước mơ người đàn bà còn có dám ước mơ nữa không? Khi trong thân hình còn đeo những túi si li con và một con mắt quen ngắm nhìn thân hình đẹp đẽ của mình nhờ si li côn.

Khi đi làm thẩm mỹ ông bác sỹ đã nói với người đàn bà: Những túi si li con này cấy vào da người thì dễ nhưng khi lấy nó ra là rất khó khăn. Để đến giấc mơ cũng là giấc mơ si li con rồi. Thì còn đâu một giấc mơ bình thường được nữa.
 
L

lien_aps

Guest
2/4/04
28
0
0
CAO VÍA
( Sưu tầm )

Đứng trước bao nhiêu sự lựa chọn nhưng tôi lại chưa muốn chọn lựa. Để ai cũng có thể cung phụng nhưng lại không có quyền quản lý, đòi hỏi hoặc bắt buộc tôi bất kỳ điều gì. Bởi vì tôi chả thích yêu ai. Nhưng lại muốn đi chơi với tất cả, tìm hiểu tất cả, vênh mặt nhận mọi sự quan tâm của họ như thể ban ơn.

Trong số đó có một anh chàng khá nhiều tuổi, chào đời trước tôi 10 năm. Anh cũng như những người khác không phải là thánh nhân trước mắt tôi và được tôi quan tâm nửa vời. Đi chơi, tôi cứ ngáp dài khi nghe anh kể chuyện công việc. Dù vậy tôi vẫn đi, vẫn gật gù, vẫn mỉm cười luôn luôn ra vẻ hào hứng. Điều ấy không thiệt hại mà sau đó lại được vô vàn ưu ái.

Chàng trai nào mà chả: công việc của anh là nhất, nào gian khổ, nào vinh quang, anh là người hùng, trong tương lai sẽ giàu có, thành đạt… Nhưng trong “mẫu số chung” ấy, cái “tử số” của anh là những đứa cháu. Bỏ qua đoạn anh kể ân tình bao bọc, cưu mang chúng ra sao. Đến hôm nay thằng thì lái xe, thằng làm văn phòng, thằng kế toán, thằng quản đốc thi công, còn anh là ông chủ. Điều tôi nhớ gần thuộc lòng là những lời tán tụng một người cháu giỏi giang như cánh tay phải của anh, “hòn vàng” của anh. Nó thương yêu anh nhất, gánh vác rất nhiều việc cho anh… Để rồi tôi lưu tâm:

- Nó bao nhiêu tuổi?
- Vừa tốt nghiệp cấp ba.
- Kém em những bốn tuổi. Trẻ con như thế không học hành mà anh bảo cái gì cũng biết, nhiều thứ còn giỏi hơn anh. Chắc là thánh nhân! – Tôi cố mỉa mai nhưng anh như không để ý, vẫn cao hứng:
- Phải rồi như thần đồng ấy. Nhiều đứa học đại học toàn làm đệ tử cho nó.

Rồi nó buôn chỗ nọ, bán chỗ kia, thu lời hàng trăm triệu, cái gì qua tay là nó biết liền. Bao nhiêu cô gái yêu nó. Còn nó chưa để tâm vv… Tôi không cả tin tới mức để lọt tất cả những lời quảng cáo của anh vào trí não. Những thanh niên tôi biết phần lớn hơn tuổi tôi, bằng cấp này nọ mà nhiều khi còn như gà tồ, hàng tháng phải nhăn nhó xin tiền chu cấp của bố mẹ, đến mua cho bạn gái bó hoa đẹp cũng đắn đo. Đằng này nó mới mở mắt nhìn đời. Nhưng anh không phải là người ba hoa. Với lại anh vẽ mình cho to đẹp chứ đâu rỗi hơi tâng bốc một đứa cháu chắt.

Tôi tò mò nên quyết định tới thăm nhà anh. Phần nữa vì háo hức xem trong đám cháu ấy có cậu nào thú vị hơn người chú già cỗi này không.

Ngôi nhà khang trang vừa để ở, vừa là trụ sở nhỏ của công ty. Tôi hồi hộp bước vào với bộ đồ thời trang nhất, gương mặt trang điểm kỹ càng và bộ tóc hoe vàng sành điệu. Tôi luôn làm thế để gây ấn tượng và át vía tất cả những cuộc tiếp xúc đầu tiên, nhất là với nam giới.

Giờ nghỉ, nên công ty của anh vắng người. Chỉ còn một cậu thanh niên đang mê mải bên chiếc máy vi tính. Cậu ta nhìn lướt qua tôi, không để tôi kịp chào, cậu nói với anh:

- Bên thuế vừa đến. Cháu đã giải quyết xong.

Rồi cậu quay lên màn hình ngay. Cậu xấu trai, đôi mắt như thể lấy dao rạch một đường trên gương mặt – ti hí. Nhưng cái thần của nó thật sáng. Đó là đôi mắt chứa đựng nhiều sắc thái. Tôi biết đó là đứa cháu mà anh vẫn tự hào. Anh rót nước mời tôi. Ngáo ngơ một lúc rồi đi. Tôi định chào như thói thường. Nhưng cậu ta không có thiện ý ấy. Tôi bực mình lặng lẽ bước ra.
Anh vẫn không ngớt lời khen ngợi cậu cháu vàng vào mỗi lần gặp gỡ. Tôi không thèm nghe nhưng không hiểu sao những chuyện anh kể về cậu lại luôn bám rễ trong trí não tôi.
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA