CLONE FUND - Quỹ hỗ tương phiên bản, CLOSED FUND - Quỹ hỗ tương khép
Chúng ta đã có dịp tìm hiểu về các loại quỹ hỗ tương. Đây là loại quỹ mở được tổ chức để đầu tư chuyên sâu vào chứng khoán theo ngành, theo công cụ hoặc một số đặc tính khác. Nhiều quỹ hỗ tương sau một thời gian phát triển có cơ cấu vốn tăng lên rất lớn.
Những anh chàng khổng lồ như vậy có thể đánh mất lợi thế đầu tư của mình trong nhiều trường hợp. Đây chính là lý do để các quỹ hỗ tương phiên bản ra đời.
Quỹ đầu tư phiên bản (clone fund) là một quỹ hỗ tương xuất phát từ một quỹ hỗ tương khác. Quỹ hỗ tương khác đó chính là quỹ mẹ, đã tăng trưởng với quy mô vốn phình ra, làm cho tầm quản lý và đầu tư bị hạn chế. Chẳng hạn, một quỹ lớn quá thông thường không thể thiết lập các quan hệ đầu tư tại các công ty nhỏ hay mới phát hành đại chúng lần đầu. Do vậy sẽ cần đến một quỹ mới nhỏ hơn "xuất kích" để đảm đương cùng mục tiêu như quỹ mẹ của nó, vốn có thâm niên và quy mô lớn đang cùng tồn tại. Mặc dù quỹ mẹ và quỹ đầu tư phiên bản (quỹ con) cùng theo đuổi các mục tiêu tương tự nhau, các quỹ này mua bán các chứng khoán hàng hoá khác nhau, và thông thường hoạt động theo các bộ máy quản lý quỹ khác nhau. Điều này sẽ trở nên cần thiết một khi đã có sự quá tải về khả năng bao quát của quỹ hỗ tương mẹ, và cũng để tận dụng các lợi thế của bản thân quỹ phiên bản con đang được tổ chức gọn nhẹ hơn.
Nhiều nhà chuyên môn tài chính tin rằng các quỹ hỗ tương khi đã phát triển lớn đến một mức độ nào đó sẽ lại gây tiêu cực cho hiệu năng đầu tư của họ. Các nhà quản lý các quỹ hỗ tương có lượng vốn khổng lồ bị hạn chế ở lượng chứng khoán có thể được mua thêm vào danh mục của mình, lý do là vì đặc trưng của các giao dịch mà quỹ này thực hiện có quy mô đặc biệt lớn. Một quỹ lớn thường không thể thiết lập một vị thế giao dịch (mua chứng khoán) của một doanh nghiệp nhỏ, đơn giản chỉ vì số lượng cổ phần mua bán quá khiêm tốn. Giá như quỹ đó có thể giành được một "phần bánh" trong doanh nghiệp nhỏ, lượng đầu tư như vậy sẽ thể hiện một góc quá bé so với tài sản của nó, và điều này chẳng có ý nghĩa tích cực gì lắm đối với hoạt động đầu tư của quỹ.
Tương tự, một quỹ lớn có thể gặp khó khăn (về thanh khoản) trong việc bung ra một giao dịch lớn đối với một loại chứng khoán chẳng may có lượng mua bán yếu ớt. Vào năm 1995, giám đốc quỹ Fidelity's Magellan, quỹ đầu tư chứng khoán vốn lớn nhất và thành công nhất của Mỹ, đã cần đến ít nhất là hai tháng để bán cho hết phần sở hữu 11,8 triệu cổ phiếu của công ty Micron Technology!
Trong lúc đó, một quỹ hỗ tương tương đối nhỏ có thể tham gia vào các vị thế đầu tư cổ phần của cả các doanh nghiệp nhỏ lẫn lớn, lại không phải lo lắng gì chuyện giao dịch của mình sẽ tác động lên giá cả chứng khoán. Các quỹ đầu tư cũng có thể trở nên khác xoay xở hơn khi chúng phát triển thái quá. Tài sản (vốn) nhiều hơn nghĩa là giao dịch mua bán nhiều hơn, và một số lượng chứng khoán lớn hơn phải được tăng cường theo dõi... Một khi diễn tiến đã có dấu hiệu bất kham, các nhà bảo trợ phát hành chứng chỉ đầu tư cho các quỹ hỗ tương được yêu cầu tìm cách giữ ổn định về quy mô, ngăn không cho một quỹ phát triển thêm nữa bằng thủ tục cho khép quỹ lại theo đó việc bán chứng chỉ cho các nhà đầu tư mới sẽ bị ngưng lại.
Việc khép quỹ lại như vậy thường được tiếp nối bởi việc giới thiệu một quỹ mới là phiên bản của quỹ vừa mới khép. Quỹ này thường có một chủ trương và triết lý đầu tư giống như quỹ mẹ của nó. Ở Mỹ, các quỹ con này sau khi ra đời thường mang tên giống hệt tên quỹ đã khép. Tuy nhiên, vì cần có sự phân biệt, tên đó được mang thêm con số "II" (La Mã) kế bên. Chẳng hạn vào năm 1985, quỹ Windsor được khép lại và các nhà đầu tư mới được giới thiệu để tham gia vào một quỹ kế tục của quỹ này đang đồng thời được mở ra và có tên là Windsor II, đây là phiên bản của quỹ Windsor. Windsor dù đã được khép lại nhưng vẫn tồn tại song hành. Tương tự là trường hợp của quỹ Putnam Fund for Growth & Income, quỹ này được khép vào năm 1994, lập tức đứa con "sinh sản vô tính" của nó ra đời để tiếp nối sự nghiệp lấy tên là Putnam Fund for Growth & Income II.
Điều thú vị là báo chí Mỹ đã từng đặt vấn đề khá nghiêm túc chung quanh câu hỏi: các quỹ "nhái" này có tốt như quỹ gốc không?
Red Green, biên tập của báo chuyên ngành Mutual Fund News Service của bang Califomia, đã có một phân tích sắc sảo dưới đây:
Rocky II ứng với Rocky - những cái tên được cấu tạo một cách đặc trưng trong thị trường tài chính. Các quỹ hỗ tương phiên bản chính là những bản sao của các quỹ đang tồn tại. Các quỹ này được lập nên vì một số lý do. Các nhà quản lý quỹ hỗ tương đầu tư có lẽ đã rút ra được kết luận có tính qui luật rong quỹ đầu tư càng lớn ra bao nhiêu thì việc nắm giữ và quản lý nó càng khó bấy nhiêu. Tỷ lệ nghịch giữa hiệu quả với quy mô vượt khổ này đã được kiểm chứng nhiều trong thực tế, cho nên các clone fund mới trở thành giải pháp.
Cũng có thể việc lập ra một quỹ mới là kết quả của ý đồ của một tổ chức tài chính muốn đưa ra một cơ cấu tính giá mới cho các chứng chỉ đầu tư của mình, hoặc bắt nguồn từ việc điều chỉnh, có khi chỉ là chút đỉnh, về mục tiêu đầu tư... Sau hết, khi một tập đoàn nào đó mở đầu thành công một hình thái quỹ mới, những người khác sẽ bắt chước làm theo và đó là điều không tránh khỏi. Ví dụ: Là người đi tiên phong, Benham Target Maturities đã dọn đường cho các nhà đầu tư có dự trù kế hoạch về hưu sau này bằng cách lập nên một loạt các quỹ trái phiếu không trả lãi (zero -coupon bonds funds). Chỉ một năm sau thôi, tập đoàn Scudder đã nối gót làm theo y hệt.
Thật ra, cũng không có lý lẽ nào được xem là nguyên tắc để giải thích việc tại sao một quỹ phiên bản đã sắm vai tồi hay tốt hơn quỹ gốc. Qua nhiều năm, Pioneer Fund thường thể hiện hiệu quả vượt trội hơn Pioneer II - nhưng rồi sau đó Pioneer II lại qua mặt ngoạn mục Pioneer Fund!. Tuy nhiên, người đầu tư nên luôn ghi nhớ rằng hai quỹ như thế là hai thực thể khác nhau. Chúng thường được điều hành bởi hai nhà quản lý danh mục khác nhau, một số trường hợp có thể chúng theo đuổi các quan điểm đầu tư khác nhau, và cả phí áp dụng cũng có thể khác. Từ đó, khi muốn tìm hiểu về một quỹ phiên bản mới nào đó ta cần dựa vào một ít nguyên tắc đơn giản. Trước hết hãy xem xét thử quỹ gốc đã làm ăn ra sao - rõ ràng đây là mảng bằng chứng rất quan trọng. Và thứ đến, cần nghiên cứu xem những sự khác biệt giữa chúng là gì.
Trình bày trên đây cũng đã hé mở cho chúng ta thấy một quỹ mở đến khi cần thiết cũng phải được "đóng" lại một cách tự nguyện. Những quỹ mở đã phát triển quá độ có thể làm cho chiếc áo quản lý không còn phát huy và bản thân những anh khổng lồ đó sẽ nhận ra ngay mình càng trở nên nặng nề nếu cứ "mở" tiếp tục. Họ sẽ quyết định đóng lại. Nhưng chính xác là "đóng bớt" thôi chứ không đóng hẳn, trạng huống này thuật ngữ gọi là "closed fund", ta có thể diễn đạt là quỹ hỗ tương đầu tư được khép lại, hay gọi "quỹ khép" cho gọn. Quỹ khép là quỹ hỗ tương đã quá no, không còn phát hành chứng chỉ đầu tư cho những người mới đang muốn tham gia vào quỹ. Tuy nhiên nó cũng có thể tiếp tục bán cho những cổ đông hiện hữu.
Có mấy điểm ta cần lưu ý. Thứ nhất, khi quỹ đã được khép (closed), không nhất thiết phải có một quỹ phiên bản (clone) ra đời. Thứ hai, quỹ khép (closed fund) vẫn là một quỹ hỗ tương (vẫn là loại quỹ mở) không nên nhầm lẫn với quỹ đóng (closed – end fund) - chính vì vậy mà bài này mới có ý giới thiệu thuật ngữ "khép" để dịch cùng từ "closed”. Và thứ ba, ta cần lưu ý thêm một lần nữa, đó là, quỹ này mới chỉ khép thôi chứ không đóng cửa, nó vẫn đang hoạt động và có khi vẫn rất dữ dội. Các quỹ khép không có sự chuyển đổi bản chất pháp lý nào, mặc dù, tuỳ theo luật lệ nó cũng có thể làm thủ tục chuyển qua quỹ đóng. Nhưng thực tế sẽ không đơn giản như vậy, vì ta nên nhớ rằng người đầu tư khi tham gia vào một quỹ đầu tư nào đó họ thường có khuynh hướng theo "gu".
Các loại công ty đầu tư, dù đang giương lên ngọn cờ của loại quỹ nào đi chăng nữa, đều mang hơi hướng đang cạnh tranh một cách tế nhị với khả năng thu hút vốn của các định chế tài chính khác. (ST)