Phát hành trái phiếu chuyển đổi làm tăng giá trị Vietcombank!

  • Thread starter Danny Walker
  • Ngày gửi
D

Danny Walker

Guest
6/10/04
68
0
0
Troy
(VietNamNet) - Ngày 23/06/2005, Thời báo Kinh tế Việt Nam đăng bài "Cổ phần hóa Vietcombank: Phát hành trái phiếu có thể giảm giá trị doanh nghiệp?". Trong bài viết này tác giả cho rằng nếu phát hành cổ phiếu có thể làm giảm giá trị doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế tài chính Huỳnh Thế Du, giảng viên của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright bác bỏ điều này và chứng minh hệ quả ngược lại: phát hành trái phiếu chuyển đổi chắc chắn làm tăng giá trị của doanh nghiệp.

Điều này có thể giải thích bởi ba lý do đơn giản sau:

Thứ nhất, phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi làm tăng tỷ lệ đủ vốn của Vietcombank

Chúng ta biết rằng, hai trong những vấn đề rất lớn mà các ngân hàng thương mại nhà nước đang gặp là (1) không đủ vốn theo các chuẩn mực quốc tế - tiêu chuẩn Basel (Basel hiểu một cách đơn giản là các tiêu chuẩn được thống nhất bởi Hiệp hội ngân hàng quốc tế nhằm đánh giá, xếp loại các ngân hàng. Đây là tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay); (2) hiệu quả của việc quản trị ngân hàng (banking governance) rất thấp.

Việc cổ phần hoá Vietcombank nói riêng, các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung nhằm khắc phục hai vấn đề này.Ở đây chưa nói đến quản trị ngân hàng mà chỉ đề cập đến tiêu chí đủ vốn của việc phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi.

Theo quy định trong Basel, vốn để tính tỷ lệ vốn tối thiểu hay hệ số đủ vốn (CAR - Capital Adequacy Ratio) của một ngân hàng được chia làm hai loại.

Vốn nòng cốt - vốn cấp I (core capital - tier 1): Loại vốn này có thể hiểu một cách đơn giản chính là vốn tự có của doanh nghiệp như cách hiểu thông thường hiện nay, nó bao gồm vốn cổ phần (hay vốn điều lệ đối với ngân hàng thương mại nhà nước) và lợi nhuận giữ lại*.

Vốn bổ sung - vốn cấp 2 (supplymentary capital - tier 2) bao gồm một số loại nợ thứ cấp như: giá trị tài sản đánh giá lại, quỹ dự phòng rủi ro chung, các loại công cụ lai giữa nợ và vốn ... Trái phiếu có khả năng chuyển đổi thuộc vốn cấp hai.

Một ngân hàng được xem là đủ vốn khi tỷ lệ vốn cấp 1 chia cho tài sản có điều chỉnh rủi ro (mỗi loại tài sản có một trọng số rủi ro khác nhau. Ví dụ tiền mặt tại quỹ có trọng số rủi ro bằng 0%; các khoản cho vay không có tài sản đảm bảo cho các doanh nghiệp có trọng số rủi ro bằng 100%...) tối thiểu bằng 4% và tỷ lệ vốn cấp 1 + vốn cấp 2 chia cho tài sản có điều chỉnh rủi ro tối thiểu bằng 8%.

Trong thực tế, người ta thường quan tâm đến tỷ lệ thứ hai hơn (giới hạn ràng buộc giữa vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là tổng vốn cấp 2 không được quá 100% vốn cấp 1). Con số 8% mà các phương tiện thông tin đại chúng, các chuyên gia tài chính ngân hàng hay đề cập đến chính là con số thứ hai nêu trên.

Như vậy, rõ ràng khi phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi thì tử số của hệ số đủ vốn tăng lên rất nhiều so với mẫu số. Điều này có nghĩa là hệ số đủ vốn của ngân hàng sẽ được cải thiện đáng kể. Hay nó một cách khác, việc phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi đã góp phần giải quyết được vấn đề thiếu vốn của Vietcombank, độ an toàn của Viecombank sẽ được tăng lên.

Thứ hai, phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi làm tăng tính thanh khoản của Vietcombank.

Một khó khăn khác mà Vietcombank cũng như các ngân hàng thương mại Việt Nam khác đang gặp phải là tính thanh khoản (sự mất cân đối giữa kỳ hạn vốn huy động và thời hạn cho vay). Phần lớn vốn huy động chỉ là ngắn hạn (dưới 12 tháng) trong khi dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm một tỷ trọng rất lớn.

Việc phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi sẽ góp phần giảm bớt sự bất cân đối nêu trên. Hay nói theo từ chuyên môn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là khe hở kỳ hạn được thu hẹp, tính an toàn, khả năng thanh khoản được nâng cao.

Việc phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi này càng có ý nghĩa hơn nếu tỷ lệ tăng trưởng tổng tài sản của Vietcombank trong năm 2005 là không đổi trong khi cơ cấu nguồn vốn được cải thiện theo hướng ổn định hơn.

Thứ ba, Vietcombank có thể sử dụng trái phiếu có khả năng chuyển đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh

Điều không thể phủ nhận là việc phát hành trái phiếu có thời hạn dài sẽ có chi phí vốn (lãi suất) cao hơn việc huy động tiền gửi có kỳ hạn ngắn hơn. Tuy nhiên, khi có nguồn vốn ổn định, ngân hàng có thể cho vay các dự án có thời gian dài hơn. Điều này đồng nghĩa với việc có được một lãi suất cao hơn.

Rất dễ hiểu nếu tốc độ tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay với tỷ lệ như nhau sẽ dẫn đến kết quả là chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra cao hơn và hiệu quả hoạt động (lợi nhuận) của Vietcombank sẽ tăng lên.

Mặt khác, do khách hàng mua trái phiếu có khả năng chuyển đổi có thêm quyền và cơ hội sở hữu cổ phiếu của một ngân hàng hàng đầu ở Việt nam nên họ hoàn toàn có thể chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn. Do đó, Vietcombank có thể đưa ra một mức lãi suất "mềm" hơn khi phát hành loại trái phiếu này.

Với ba tác dụng (1) làm tăng tỷ lệ đủ vốn, (2) làm tăng tính thanh khoản, (3) làm tăng hiệu quả hoạt động cho thấy việc phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi chắc chắn sẽ làm tăng giá trị của Vietcombank.

Theo tôi, đây chính là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước trình phương án phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi trước khi cổ phần hoá chính thức Vietcombank. Không những thế, việc phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi là một phép thử rất tốt trước khi chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu. Việt biết được những "phản ứng" bước đầu của công chúng sẽ rất hữu ích cho việc ra quyết định cuối cùng.

Chính những ưu điểm của nó mà Trung Quốc và các nền kinh tế chuyển đổi khác cũng sử dụng trái phiếu có khả năng chuyển đổi trong quá trình cải cách ngân hàng của mình. Không những thế, trái phiếu có khả năng chuyển đổi và các loại công cụ lai giữa nợ và vốn là một dạng công cụ tài chính rất phổ biến trên thế giới.

Một chút ngoài lề

Theo ý kiến của cá nhân người viết, chắc chắn những ai quan tâm đến lĩnh vực tài chính ngân hàng đều rất mừng khi thấy những bước tiến rõ nét trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng của hệ thống Ngân hàng Việt Nam.

Từ những quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng theo Pháp lệnh năm 1990 đến Quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng tại quyết định 297/1999/QĐ-NHNN5 ngày 25/08/199 của Ngân hàng Nhà nước đã là một sự tiến bộ vượt bực (tuy quyết định 297 có đôi chút nhầm lẫn so với Basel khi yêu cầu tỷ lệ vốn cấp 1 trên tổng tài sản có điều chỉnh rủi ro là 8% chứ không phải là vốn cấp 1 + vốn cấp 2 đã làm cho các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn và không thể đạt nổi tỷ lệ này trong suốt thời gian qua).

Tuy nhiên, đến quyết định 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/04/2005 thì thật là hoàn hảo. Nếu so sánh quyết định này với các quy định trong Basel thì hầu như chẳng có điểm khác biết nào. Điều này cho thấy rằng hệ thống Ngân hàng Việt Nam đang thực sự muốn tuân theo các chuẩn mực quốc tế để sẵn sàng tham gia cuộc chơi toàn cầu.

Vấn đề đặt ra là các quy chuẩn quy phạm đã có, nhưng cần phải có những giải pháp, những chế tài tốt nhằm đưa những chuẩn mực này vào thực tế tại hệ thống ngân hàng Việt Nam. Có như vậy, mới có thể thực hiện được mục tiêu xây dựng một hệ thống tài chính ngân hàng mạnh phục vụ tốt cho mục tiêu công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước

http://www.vnn.vn/kinhte/taichinhnganhang/2005/06/461029/

Sẵn có bài báo về Vietcombank trên VNN em post lên cho mọi người cùng đọc và thảo luận.
 
Khóa học Quản trị dòng tiền
M

minh91

Guest
14/4/05
135
0
0
47
Hanoi
Theo mình được một người trong nghề ngân hàng nói cho biết thì việc phát hành trái phiếu chuyển đổi của Vietcombank lần này còn nhằm những mục đích khác lớn hơn nhiều. Nhưng vì mình đã được yêu cầu ko tiết lộ nên các bạn thử nghĩ xem nhé. Đây là một đề tài khá hay nhưng nó lại ko liên quan đến kế toán
 
N

NgânGiang

Cố lên! Cố lên...
10/5/05
202
0
0
21
Trong Mây mù
www.baominh.com.vn
Đề tài này hay đấy.
Chuẩn mực số 30: Lãi trên cổ phiếu (Chuẩn bị phát hành)
có nói đến tác dụng của phát hành thêm cổ phiếu và sự suy giảm lãi trên cổ phiếu. Các bạn xem thêm và cho những nhận xét cá nhân nhé.
 
N

NgânGiang

Cố lên! Cố lên...
10/5/05
202
0
0
21
Trong Mây mù
www.baominh.com.vn
minh91 nói:
Đây là một đề tài khá hay nhưng nó lại ko liên quan đến kế toán
Bạn ơi, có nhiều người làm ở phòng gọi là "Tài chén - Khéo tán", như thế cũng cần quan tâm chứ. Rồi hạch toán ra sao nữa, cần cho các kế toán chứ.
 
D

Danny Walker

Guest
6/10/04
68
0
0
Troy
Trước tiên cho hỏi về off-balance-sheet items thì sao??? Nó có được tính vào cái capital adequacy ratio hay không?
 
A

anhtuan709

Guest
23/6/05
18
0
0
41
TP Vinh - Nghệ An
Vấn đề đang tranh cải

Tuấn này vừa học TCDN ra mà.
Đây là một vấn đề hay để thảo luận đấy chứ. Dân TCDN của ĐH Kinh Tế TP. HCM K26, chắc không thể quên cái ngày mà 3 giảng đường học chung ở HTL.
Các bạn nhớ không? Lý thuyết MM, vay nợ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị của doanh nghiệp.
Và tất nhiên theo MM giá trị của doanh nghiệp không thay đổi.
Bạn quan tâm vấn đề này. Hãy tham khảo thêm lý thuyết MM nha. Vì lâu quá rồi không còn ôm cuốn TCDN nữa nên nhắc lại nghe nhớ ghê!!
Mình cũng về xen lại mới được.
 
P

Phuong Giang

Guest
12/4/05
7
0
0
41
Hanoi
Với những gì được biết về phương án CPH Vietcombank, sự khẳng định “phát hành trái phiếu chuyển đổi chắc chắn sẽ làm tăng giá trị của Vietcombank” của Ông Du hay “phát hành trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn tự có, xử lý nợ xấu, đưa giá trị Vietcombank lên mức tốt hơn” của Ông Nghĩa là thiếu cơ sở và không nên vì sẽ tác động một cách không hợp lý đến quyết định của công chúng đầu tư. Phát hành trái phiếu chuyển đổi có thể cải thiện tỷ lệ đủ vốn (CAR) của Vietcombank theo cách tính của Basel, nhưng không giải quyết ngay được bài toán vốn tự có trong cơ cấu tài chính doanh nghiệp.


Quy ước Basel năm 1988 quy định một ngân hàng thương mại phải đáp ứng hai tỷ lệ đủ vốn: tỷ lệ vốn cấp 1 (≥4%) và tỷ lệ tổng vốn (≥8%). Cả hai tỷ lệ này đều có chung mẫu số là tổng tài sản điều chỉnh rủi ro (RWA); còn về tử số, tổng vốn = vốn cấp 1 + vốn cấp 2. Thêm vào đó, vốn cấp 2 không được vượt quá 50% tổng vốn, hay vốn cấp 2 chỉ được phép ≤ vốn cấp 1.


Theo quy định của Basel, cần khẳng định rằng, vốn cấp 1, chủ yếu là vốn cổ phần (equity stock capital) và các khoản dự trữ được công bố (disclosed reserves), chính là vốn tự có; còn vốn cấp 2, gồm các khoản dự trữ không công bố (undisclose reserves) và các công cụ nợ thứ hạng thấp (subordinated debts), chỉ là phần vốn bổ sung (supplementary capital) trong cách tính tỷ lệ đủ vốn chứ ngay Basel cũng không coi vốn cấp 2 là vốn tự có, và cũng không có một hệ thống kế toán nào thừa nhận một khoản nợ là vốn tự có.


Như vậy, ngay sau khi Vietcombank phát hành trái phiếu chuyển đổi (kỳ hạn 5-7 năm), số tiền thu được sẽ làm tăng vốn cấp 2 theo đó có thể làm tăng tỷ lệ tổng vốn, nhưng không hề cải thiện được tỷ lệ vốn cấp 1. Nghĩa là, nếu Vietcombank có tỷ lệ vốn cấp 1<4% thì việc phát hành trái phiếu này không thể giúp Vietcombank đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn cấp 1 của Basel, và như vậy cho dù tỷ lệ tổng vốn có được cải thiện thì Vietcombank vẫn không thể đạt 8% theo yêu cầu.


Trường hợp xấu hơn, giả sử Vietcombank có vốn cấp 1 là 3% và vốn cấp 2 đã đạt tới giới hạn 100% vốn cấp 1 (3%) thì việc phát hành trái phiếu chẳng cải thiện được tỷ lệ đủ vốn nào cả, bởi khi đó số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ không được tính vào cả vốn cấp 1 lẫn vốn cấp 2. Việc phát hành trái phiếu này chỉ thực sự có ý nghĩa nếu Vietcombank hiện có vốn cấp 2 < vốn cấp 1 và tỷ lệ vốn cấp 1≥4%.


Điều này cho thấy vốn cấp 1, hay vốn tự có, hết sức quan trọng, vì: (i) quy mô vốn cấp 1 quyết định quy mô vốn cấp 2, theo đó quyết định các tỷ lệ đủ vốn; (ii) chỉ vốn cấp 1 mới có thể sử dụng để xóa những khoản nợ xấu (NPLs); (iii) vốn cấp 1 không chứa đựng những rủi ro (ví dụ: rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường) như những khoản nợ dài hạn trong cơ cấu vốn cấp 2; và (iv) trong thực tế, vốn cấp 2 có thể được tạo ra một cách dễ dàng hơn so với vốn cấp 1 bằng những thủ thuật tài chính.


Phát hành trái phiếu chuyển đổi có thể giúp cải thiện tính thanh khoản và hiệu quả kinh doanh, nếu Vietcombank có cơ chế quản lý rủi ro hữu hiệu. Trên lý thuyết, việc huy động được một khoản nợ dài hạn như phát hành trái phiếu 5-7 năm sẽ giúp Vietcombank giảm bớt sự mất cân đối giữa việc “nhận tiền gửi ngắn hạn, cho vay dài hạn” thường thấy ở một ngân hàng thương mại. Còn trong thực tiễn, điều này chỉ xảy ra nếu Vietcombank không dùng khoản tiền huy động đó để thực hiện các dự án cho vay dài hạn hơn, hoặc ít ra không kéo dài thêm thời gian đáo hạn thực tế (duration) của danh mục cho vay hiện hành.


Thuộc tính chuyển đổi của trái phiếu đúng là một thứ “mật ngọt” hấp dẫn người đầu tư để Vietcombank có thể phát hành trái phiếu với lãi suất danh nghĩa có lợi, nhưng chưa chắc có thể “nâng cao hiệu quả kinh doanh”. Bài toán mà Vietcombank sẽ phải đối mặt là việc xác định mức giá chuyển đổi sang cổ phiếu, trong khi cổ phiếu Vietcombank chưa được phát hành. Nếu mức giá chuyển đổi được đặt quá cao, trái phiếu Vietcombank sẽ khó hấp dẫn được người đầu tư; còn nếu đặt thấp, phần chênh lệch giữa giá chuyển đổi (thấp) và giá thị trường (cao hơn) của cổ phiếu trong tương lai sẽ là một khoản chi phí phụ trội khác khi xác định lãi suất thực tế của khi huy động bằng trái phiếu chuyển đổi. Như vậy, chưa chắc lãi suất huy động thực tế “có lợi” hơn để mang lại sự chênh lệch lãi suất đầu ra-đầu vào cho Vietcombank. Hiệu quả kinh doanh không phải là kết quả của một yếu tố duy nhất.


Trên thực tế, Quy ước Basel năm 1988 đã cho thấy những bất cập của nó, khi việc xác định tổng tài sản có điều chỉnh rủi ro (RWA) chỉ tập trung vào rủi ro tín dụng (credit risk) mà không tính đến những yếu tố khác như rủi ro thị trường (market risk) hay rủi ro hoạt động (operational risk) - những yếu tố rủi ro khác có thể làm cho ngân hàng mất tài sản, mất vốn, hoặc sụp đổ. Điều này dẫn đến hệ quả là để đáp ứng quy định về đủ vốn, ngân hàng thương mại có thể chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn để thực hiện chính sách cho vay mạo hiểm nhằm gia tăng lợi nhuận và làm giảm RWA - mẫu số trong công thức tính tỷ lệ đủ vốn. Nghĩa là, việc đáp ứng được tỷ lệ đủ vốn theo cách tính của Basel 1988 chưa chắc đã cải thiện được mức độ an toàn trong cơ cấu tài chính hay giá trị của ngân hàng thương mại. Sự bất cập này đã được Ủy ban Basel thừa nhận và tìm cách giải quyết khi đưa ra quy ước sửa đổi năm 1996 để tính đến rủi ro thị trường, và đặc biệt là Quy ước Basel Mới, hay còn gọi là Basel II, sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2006, để tính đến cả rủi ro hoạt động.


Tóm lại, có nhiều tham số chưa xác định xoay quanh việc phát hành trái phiếu của Vietcombank. Khi không có số liệu cụ thể thì mọi điều khẳng định chỉ là sự phỏng đoán thiếu cơ sở. Công chúng đầu tư sẽ đánh giá và tham gia mua trái phiếu cũng như cổ phiếu của Vietcombank dựa trên độ tin cậy, rõ ràng và thuyết phục của thông tin liên quan đến đợt phát hành.


Trái phiếu chuyển đổi là một loại công cụ hữu hiệu, nhưng “phép màu” nó có thể mang lại cho Vietcombank không thuần túy xuất phát từ việc phát hành mà là từ việc nó được thiết kế và sử dụng như thế nào trong một bối cảnh cụ thể. Với những ai am hiểu thị trường tài chính, chỉ có một thứ “chắc chắn” trên thị trường này: sự rủi ro.
 

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA