Một thoáng Bồ Đề
Chùa Bồ Đề không chỉ là nơi cho khách thập phương và các phật tử đến cầu bình an, mà ở đó còn là mái nhà của hơn 100 trẻ em được Sư Thầy Thích Đàm Lan nhận và nuôi dưỡng, em bé nhất là 3 tháng tuổi tên Kỳ Anh và lớn nhất hiện tại 20 tuổi (học ĐH). Tất cả các em được Sư Thầy đặt tên là Anh vì tên Anh mang hàm ý sau này lớn lên đều coi nhau như anh em một nhà , luôn yêu thương và quan tâm, giúp đỡ nhau dù ở bất cứ đâu trong hoàn cảnh như thế nào thì tình anh em đó luôn gắn bó không tách rời. Mong sao cái hàm ý mong muốn đó của Sư Thầy truyền cho các em được phát huy trong tương lai.
Những tình nguyện viên tự nguyện đến ở lại Chùa để chăm sóc các em cũng đều là những con người có những hoàn cảnh đặc biệt ở khắp mọi miền đất nước tụ về đây, khi được biết đến tiếng của Sư Thầy, đến Bồ Đề. Họ cũng mong có 1 cuộc sống bình yên cứ thế trôi đi, tách hẳn với cuộc sống bon chen, phức tạp hỗn độn ngoài đời để được bình yên bên trẻ thơ xoa dịu đi những nỗi khổ đau, cơ cực họ đã phải hứng chịu ở quá khứ.
Khi đã bước chân vô Chùa thì mọi điều đó được để lại ngoài cánh cổng chùa, buông hết không còn vấn vương, chỉ còn lại nụ cười trên gương mặt, cùng ánh mắt yêu thương ngập tràn. 27 người Mẹ đó là những con người có tấm lòng cao cả đáng để chúng ta trân trọng và suy ngẫm.
Khi xưa Bồ Đề chỉ là nơi có trẻ nhỏ, giờ đây còn có cả người già mà số lượng người già đến ngày càng đông. Vào năm 2009 chỉ có 10 Cụ đến nay con số là 30 Cụ. Con số này cũng là tiếng báo động cho xã hội càng văn minh hiện đại thì cách đối xử hiếu lễ với bậc sinh thành ngày càng giảm, khi cái tôi ích kỷ của thế hệ con cháu ngày gia tăng. Thật là buồn khi quên câu “Công cha như núi thái sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra” không có Ông Ba thì sao có Bố Mẹ, có con cháu. Một người Mẹ có thể nuôi 1 đàn con (9, 10) đứa, nhưng 1 đàn con ấy không nuôi được 1 Mẹ. Nhìn Cụ ông 90 tuổi cao nhất tuổi ở đây, chúng ta mới thấy rằng câu nói trên quả là đúng, mà đúng là cái chắc vì nó đã đựơc lưu chuyền từ đời này sang đời khác qua bao thế hệ rồi.
Nơi đây các em bé được những tấm lòng vàng, những đôi bàn tay khéo léo chăm sóc các em hàng ngày, khi khoẻ mạnh, lúc ốm đau trong tình yêu thương tràn ngập vô bờ bến.
Không hiểu tại sao hôm nay Hà Nội không nắng chói chang như những ngày trước đó ở nền nhiệt ngoài đường vào buổi trưa là khoảng 40 độ C, còn trong nhà khoảng 37 – 38 độ, thay vào đó thời tiết dịu, thỉnh thoảng có chút nắng , rồi vụt tắt chạy theo áng mây trắng lững lờ trôi, từng đám một với đủ hình thù do tôi hình dung mường tượng ra đang đua nhau chạy trên nền da trời xanh ngắt. Có lẽ Ông trời thương tôi không chịu được cái nắng mới cho mây bay che bớt nắng đi.
Qua những con phố Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng bằng lăng tím nở rộ, qua Văn Miếu hôm nay du khách đến đây đông hơn ngày thường, Khuê văn các cũng rất đông tôi nhìn từ lòng đuờng qua hàng rào. Nhớ lại lần quay bộ phim “Mặt lạ Tây Thi - của TĐ Đông Nam Dược Bảo Long ” Tại Khuê văn các dựng cảnh ở đó. Em Hiền mũi cao đóng vai mỹ nữ chơi đàn Tỳ bà cho Quý Phi vừa soi gương vừa nghe, diễn đi diễn lại đến chục lần mới xong , buồn cười thật. ……..
Nếu như cứ đi theo con đường gần nhất để đến BĐ có lẽ tôi cũng chẳng được ngắm nghía như thế, với ngày thường đi làm chỉ đi từ nhà đến nơi làm việc, rồi có đi ra ngoài cũng vì công việc tâm trí đâu mà nghĩ ngợi nhìn ngó xung quanh.Cứ thế vòng vèo qua các con phố cho con đường thêm dài và xa hơn, mấy khi được đi vòng như thế này.
Ra khỏi nội thành rồi leo lên cầu Chương Dương hướng đi các Tỉnh HD, HP, QN nước sông mùa này cạn, cạn thật sự cảm tưởng như có thể lội được, trên mặt sông có vài con thuyền của ngư dân sống trên sông nước, vài xà lan trở cát leo đậu, mặt sông phẳng lặng, bãi bờ phù sa lộ rõ dải cát nhô lên , mùa này người dân trồng các loại cây ngắn hạn, như dưa lê, ngô, khoai..... kịp thu hoạch khi mùa mưa đến nước sông dâng cao, mà chẳng phải đợi đến mùa mưa vì thời tiết bây giờ thất thường có thể mưa bất cứ mùa nào. Những trẻ em được sinh ra và lớn lên ở ven Sông Hồng cũng khác những trẻ em khác, chúng quen với sông nước, tôi đã từng nhìn thấy 1 em bé xíu chừng 2- 3 tuổi đi trên 1 chiếc cầu tre vắt vẻo từ bờ bãi ra thuyền, nhưng đó là cách đây 2 năm còn bây giờ thì khác, nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh đó, phải nói là tôi nhìn rất sợ, sợ em bị ngã cái cảm giác sợ lúc ấy cho đến bây giờ mỗi khi nghĩ tới tôi vẫn thấy nổi ra gà.
Đi hết cầu rẽ phải, đi một đoạn nữa không xa lắm đến Bồ Đề.
Đặt chân đến cổng Chùa Bồ Đề như lạc vào một thế giới khác, không gian yên tĩnh, phong cảnh tuyệt đẹp, cây cối xanh mướt ở Chùa cây nào cũng xanh tốt tràn đầy sức sống. Những cây cao to toả bóng xuống như một chiếc ô khổng lồ mang bóng mát cho những cây nhỏ quanh mình. Còn những cây nhỏ ở dưới thì đan xen nhau như 1 vòng tay huynh đệ, như một liên kết cây cỏ hữu tình. Cây nhỏ nhất và sát mặt đất là cây cỏ không thể nói là cây cỏ vô chi mà tôi cảm nhận những nhánh cỏ bé nhỏ đó cũng chứa đựng một niềm kiêu hãnh, niềm tự hào vươn mình với sự đông đúc của đồng loại xung quanh, tôi ngắm nhìn chúng và cảm nhận chúng đẹp một cách kỳ lạ.
Đứng trước ban Tam bảo 1 sự uy nghi lạ thường, tôi như trút bỏ hết mọi cái, lo toan , suy nghĩ đời thường, thấy thân tâm mình nhẹ bẫng. Trước ban Mẫu cũng vậy. Giữa chốn tâm linh phong cảnh như thiên đường khiến cho tôi hay bất cứ một ai đến nơi này đều có 1 cảm giác khác lạ, tôi không biết phải diễn tả bằng ngôn từ hạn hẹp của mình như thế nào để có thể lột tả được cái cảm giác đó.
Bồ Đề đang xây dựng vật liệu đang ngổn ngang, một thời gian nữa khi xong chắc sẽ rất đẹp, tôi nhìn những bậc thang dẫn lên tựa như bậc thềm đến thiên đường
Qua các phòng nơi các em ở gồm 6 phòng 2 tầng (là nơi các em bé ở) còn dẫy nhà phía bên là các em lớn hơn. Lúc này các em đang ngủ trưa, nhìn các em ngủ thật ngon lành dù nơi ngủ là 1 chiếc giường nhỏ (3 em và 1 Mẹ), không gian phòng hẹp và chật, nhưng cảm giác rất thoải mái và bình an với cảm nhận của tôi hay bất cứ ai đến Bồ Đề đều cảm nhận được như vậy.
Căn phòng đầu tiên tôi bước vào, một căn phòng không rộng có đến 3 chiếc giường tầng, mỗi giường có 3 em đang nằm, ngồi.
Bình An đang nằm, một tay cầm bình ty, một tay ôm gối rất ngoan, em được hơn chín tháng nhưng nhìn em rất nhỏ, khuôn mặt hơi xương xương không bầu bĩnh phảng phất đôi mắt đượm buồn, có lẽ em cảm nhận được mình sinh ra không được như những đứa trẻ khác, em ngồi dậy dơ tay đòi bế. Tôi bế em, em vòng tay ôm cổ, gục đầu vào vai tôi, ở đây các em đều thèm hơi người và một vòng tay bế, điều đó ai cũng hiểu 1 mẹ 3 con thì đâu phải lúc nào cũng được bế, nghĩ đến những em bé sống trong gia đình có đầy đủ người thân yêu suốt ngày đựơc lựng nịu, cưng chiều, dỗ dành bón từng thìa một mà không chịu ăn, lại thấy sót xa cho các em.
Cùng giường với em là em Ngọc Anh (10 tháng tuổi) rất xinh khuôn mặt tròn tròn, nứơc da trắng, đôi mắt không những to tròn mà bờ mi còn dài và cong nữa .NA thì tươi cười và sôi nổi hơn BA (hỏi chẳng cười chút nào). Còn Linh Anh (5 tuổi) nhưng bị đao, em nghiêng nghiêng chào chúng tôi khi Mẹ Tĩnh nhắc rồi lấy balô nói con đi chơi. Một niềm cảm thương dâng trào thật khổ cho em khi nghe Mẹ Tĩnh kể em tuy lớn 5 tuổi nhưng chăm em rất vất vả vì em không kiểm soát được hành vi của mình trong sinh hoạt (như đại tiểu tiện tự nhiên không gọi, có đêm Mẹ Tĩnh phải dậy lau chùi vì còn 2 em nằm cùng nữa và ảnh hưởng đến cả phòng. Vậy là cả 1 cuộc đời em phải sống như vậy – thương em lắm). Mẹ Tĩnh cũng đã gần 50 tuổi dáng người gầy nhỏ quê ở Thanh Hoá ra Bồ Đề ở đựơc 2 năm
Một gương mặt đặc biệt nhất là Duy Anh (3,5 tuôi), em bị não khi gia đình ruồng bỏ không nuôi em nữa Sư Thầy đã đón nhận và Mẹ Phương (SN 80 - Nghệ An đã ở BĐ được hơn 4 năm) người trực tiếp chăm sóc em, lúc mới vào đây em cứng đờ như 1 khúc gỗ, nhưng được sự chăm sóc phải nói là phi thường của Mẹ Phương cứ vào các buổi chiều từ t2 – t7 MP lại dùng phương tiện là xe máy cùng em từ Bồ Đề sang Thuận Thành - Bắc Ninh để châm cứu , 3 tháng một đợt điều trị không kể nắng mưa , gió rét (nếu ngừng điều trị em lại trở về như xưa). khoảng cách giữa đợt điều trị là nghỉ 2 tháng. Hôm nay t7 MP chuẩn bị đưa Duy Anh đi, DA bây giờ đã ngồi được, cầm được, nói được, phân biệt đuợc đồ dùng, em cười rất tươi. Mong sao em đi lại được như người bình thuờng và hy vọng gia đình em quay lại đón em về đoàn tụ. Hy vọng lắm lắm!
Trang Anh (1,5 tuổi) đang ngủ hai tay giang rộng, chân gác lên 1 chiếc chăn mỏng, tóc trái đào. TA dậy và khóc và đưa mắt nhìn chúng tôi, trẻ em Bồ Đề thường xuyên tiếp xúc với người lạ , khách thập phương tới thăm, các em không thấy lạ lẫm gì cả, rát đỗi bình thường. MP bế em vào lòng dỗ yêu, ngoan nào mẹ pha sữa cho TA nhé. TA. gật gật đầu vâng ạ, giọng tập nói bi bô nghe rất đáng yêu.
Ghé thăm căn phòng bên cạnh cầu thang (gầm cầu thang cũng được tận dụng làm 1 phòng để ở). Vì số lượng trẻ ngày càng đông. Kỳ Anh là em bé bé nhất ở đây mới 3 tháng tuổi được Mẹ Trang (Mai Hắc Đế - HN.) chăm sóc, KA mới vào đây được 3 tháng.
Một hôm có khách đến Chùa thấy có đứa bé để ở cổng, vị khách đó đã mang vào trao Sư Thầy, Sư Thầy đặt tên em là Kỳ Anh, em là gái nhưng nhìn rất giống con trai, mái tóc đen nhánh. Nằm ngủ đôi lúc lại rướn mình mặt đỏ gay đôi tay nhỏ xíu, xinh xinh đưa lên vọ mặt. Khi ngủ tay em nắm rất chặt (các cụ thường nói khi em bé ngủ hai chân hai tay phải giang rộng, lòng bàn tay mở như vậy mới dễ nuôi, còn tay nắm chặt sẽ khó nuôi- tức hay ốm đau). Nhưng hiện tại em rất ngoan, nhất là lúc em ăn cái miệng mút sữa trào cả ra mép (có vẻ rất háu ăn). Mong em khôn lớn và xứng với cái tên Kỳ Anh Sư Thầy đặt cho với hàm ý tất cả sau này lớn lên đều coi nhau như anh em ruột thịt luôn yêu thương nhau dù ở bất cứ nơi đâu.
Có 1 em ở trên tầng 2 (bị câm điếc), vì em không thể nghe và nói, cứ thấy ổ điện là cho tay vào nghịch, tự mình ban đêm đi ra vườn chui vào 1 hốc cây ngồi chơi để các Mẹ đi tìm, trong tâm trạng lo sợ vùa khóc vừa tìm trong im lặng sợ ảnh hưỏng đến Sư Thầy dến những bé xung quanh phòng khác, nỗi sợ và lo đó không diễn tả được bằng lời. Kể lại với chúng tôi như vậy như một sự chia sẻ, nhưng các mẹ mong em khoẻ mạnh lớn lên qua giai đoạn nhỏ này để đuợc Sư Thầy gửi đến trường đặc biệt họ sẽ dạy em bằng ngôn ngữ của người câm và điếc. Mong em sau này sẽ khá hơn. Có thể tự chăm sóc mình.
Dạo quanh 6 phòng nơi các em nhỏ ở, tôi ghé qua chỗ các Cụ già phải nói rằng ở đây mỗi Cụ một hoàn cảnh, người không nhà không cửa không con cái, người có con cái đấy nhưng chắng con nào chăm sóc……, có Cụ có đến 6 người con khá giả cả, vậy mà không ai chăm sóc Cụ. Có hay chăng câu trả nợ kiếp truớc mà tôi đã được nghe Sư Thầy nói vì trả nợ chưa đủ, vẫn phải sống tiếp. Vì phúc móng, 6 người con đó không thể chăm sóc Cụ, âu cũng là số Cụ phải thế. Nhưng phần đời còn lại Cụ được nương nhờ nơi cửa Phật, thân tâm sẽ bình an. Nhìn Cụ râu tóc bạc phơ, dáng đi hơi khom lưng, khi Cụ ngồi như 1 ông tiên trong truyện cổ tích vậy, từ ngày Cụ vô Chùa Bồ Đề ở, Cụ đã không còn vương chốn bụi trần quên hết thảy quá khứ trước đây. Các cụ quan tâm chăm sóc nhau như người một nhà. Tuy không gian hạn hẹp 30 Cụ ở cùng một chỗ nhưng thật là ấm cúng, đầy tình thương yêu.
Một chuyện tôi được Chị Trang kể lại, có người còn đem con đến mặc cả với Sư Thầy đòi một khoản tiền với lý do cần để trang trải viện phí và nợ. Nếu Sư Thầy không đồng ý sẽ mang bán con, thật không thể hiểu nổi con người đó sao có thể làm như vậy với đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Có câu “cứu một mạng người bằng xây .... toà tháp” có lẽ Sư Thầy là người hiểu hơn ai hết, dù ai có nói gì thì Sư Thầy vẫn đồng ý mất số tiền đó để bé được ở lại chùa.
Sư Thầy có tấm lòng cao cả bao dung rộng lượng cứu vớt những sinh linh nhỏ bé, những mảnh đời bất hạnh, có người đến thăm các em ở BĐ có lời muốn xin nhận con nuôi. Nhưng Sư Thầy từ chối, không đồng ý với lời ngỏ đó. Ở BĐ chỉ có nhận thêm chứ không cho đi. Nơi đây các em không thiếu thốn về vật chất nhưng về tinh thần tôi nghĩ các em rất cần, cần lắm sự quan tâm và chia sẻ yêu thương của cộng đồng. Phải chăng hồi chuông cảnh báo với người lớn hãy sống có ý, có trách nhiệm hơn.
P/s: Hãy đến Bồ Đề để cảm nhận cái không gian thanh bình, tĩnh lặng giữa cuộc sống tất bật đời thường.
Ở nơi đó, chúng ta sẽ gặp những tấm lòng vàng, những tấm lòng vẫn ngày đêm trăn trở, mang đến cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này 1 cuộc sống tràn ngập yêu thương.....
Đến và chia sẻ tình yêu thương của mình, để thấy cuộc sống này thật ý nghĩa