Đà lạt có một quán cà phê nổi tiếng. Quán đã lâu năm lắm, tường đã chuyển sang màu vàng ám khói, dường như bao nhiêu khói cà phê và khói thuốc qua bao nhiêu năm đã quyện chặt vào. Quán tối mờ, lãng đãng khói thuốc. Quán hay mở nhạc xưa, nhạc trẻ Pháp đã từ lâu lắm, làm cho khách uống cà phê tuy còn trẻ mà cũng cảm thấy hoài cổ. Quán làm ta nhớ đến cà phê Paris nhờ có một băng ghế đệm da dài dọc tường. Chà, chút cà phê Paris ở đất Việt? Không dễ gì mà có nhỉ. Vậy mà chỉ nhờ một băng ghế. Chẳng hiểu sao cô chủ quán ngày đó lại trông rất lạnh lung, chắc hẳn cô ít ra đường lắm: da cô xanh mướt và trông như trong suốt. Nhìn cô đứng sau quầy, gợi ta nghĩ đến một món đồ cổ: để bày cho đẹp và không đụng tới bao giờ. Uống cà phê nơi đây có lẽ điều thú vị nhất ở cái thành phố mù sương này: nhấp từng ngụm càphê nhỏ, chậm rãi thở khói thuốc, ngắm những bóng người thấp thoáng trong lớp sương dày ở dốc chợ. Ngày xưa, đã lâu lắm, thường lui tới quán này có một nhạc sĩ gày gò cùng với một cô sĩ có giọng hát ấm và điềm đạm. Bây giờ người ta vẫn khẽ chỉ cho nhau chỗ ngồi ngày trước của họ, như một thứ di tích.
Huế luôn mưa. Thành nội đường vắng tanh. Quán cà phê trong nội lẫn trong đám tường rêu. Ngồi trong quán một ngày sau tết, trời thì lạnh mà xung quanh thì ướt, chính ta cũng cảm thấy ủ ê. Cả thành phố dường như lúc nào cũng đeo một nỗi buồn lớn. Mọi thứ dường như đang đi vào lãng quên: xâm thực, ẩm ướt, rêu phong, mục nát. Từ quán nhìn ra, những bóng ô xiêu xiêu đưới mưa, bao nhiêu nỗi buồn Huế cũng như ngập cả vào lòng.
Cho dù quán cà phê Đà lạt trông có một chút Paris, nhưng không khí cà phê Paris thì khác hẳn: không quá yên ắng, cũng không quá ồn ào, đầy vẻ trí thức, lại có vẻ nghệ sĩ. Đến Paris, người ta thường nghĩ ngay đến tháp Eiffel, điện Louvre, Champ Élisée… nhưng muốn biết cuộc sống Paris thì chẳng gì bằng đi ngồi quán cà phê. Người Paris không thể sống thiếu cái le café của họ, không hiểu quán càphê mà biến mất thì Parisien sẽ xoay sở ra sao? Một phần không nhỏ cuộc sống của họ diễn ra quanh bàn cà phê: làm việc, trao đổi, tán gẫu, ăn uống… Nhưng ông bồi bàn - thực sự là ông, trông họ mới kiêu gớm chứ, làm ta cũng sinh ra ngại ngùng – mặc áo “gi lê” có dây xà tích, đeo tạp dề đen, trên mũi một cặp kính tròn, nghiêng mình đầy kiểu cách mà hỏi ta muốn dùng gì. À..aà, lại bập bẹ một câu tiếng “tây” duy nhất: “Une café, s’il vous plait”. Đã tưởng dân ta thích uống cà phê, nhưng quả thật chẳng thể so được với dân Paris. Dân Paris “ngồi đồng” ngoài quán, chẳng bao giờ thấy họ không uống cà phê. Sáng ra: uống, giải lao: uống, ăn trưa xong: uống, ăn chiều xong: uống, ăn đêm xong: uống. Mà họ ăn đêm có sớm sủa gì cho cam: toàn sau 11 giờ, vậy mà vẫn tráng miệng cà phê. Quán cà phê Paris có một điểm chung, đó là sự nhẩn nha. Sự hưởng thụ, nhấp nháp cà phê và hưởng thụ, nhấp nháp cuộc sống. Phải chăng điểm này dân ta giống dân Pháp hay là do các vị thực dân đã “lây” sang dân ta? Ngồi càphê Paris một lần thì mãi không quên. Cái cảm giác dễ chịu một sáng mùa hè ngồi ở một quán trên ngã tư quận 13, ngắm những ngôi nhà đều đặn cuối thể kỷ 19 , ngắm đường phố mát mẻ trong cây xanh; bỗng dưng lại nhớ Hà nội: các vị thực dân quả thực đã “cấy” được một chút không khí Paris vào Hà nội.
Dân Pháp tuy nổi tiếng về quán cà phê, nhưng cà phê thì phải kể đến dân Ý. Người ta bảo, Capucino đi ra khỏi nước Ý thì không còn là Capucino nữa. Có lẽ nói vậy thì không khỏi quá lời, nhưng không hẳn là không có lý. Ở Melbourne, chỉ cần uống capucino từ một quán cà phê thường và capucino tư một quán cà phê Ý thì biết. Lần đầu uống capucino ở nước Úc thật không thích chút nào: cà phê nhạt phèo, lại quá nhiều sữa đã bỏ bớt chất béo. Nói cho đúng đó là một thứ dung dịch lờ lợ, nhạt toách. Nhưng rồi ta cũng phải quen đi, thầm thở dài:’That’s the way things are’. Rồi một lần đợi tàu điện ở đường Victoria, buổi tối mùa đông Melbourne làm ta co ro. Đối diện có một quán cà phê Ý. Bụng thì đói mà người thì lạnh, nghĩ đến một ly capucino vừa làm ấm người mà lại không sót ruột. Ly capucino ấy là một sự kinh ngạc: vị cà phê đậm đà mà thơm ngát, vị sữa bùi béo mà ấm, vị bọt sữa trên cùng ngầy ngậy, lại thêm chút bột “sô cô la” thơm thơm ngọt ngọt. Vừa thích thú, vừa ngạc nhiên, bụng ta rủa thầm dân Úc dốt cà phê lừa mình bấy lâu.
Tuy capucino Melbourne là cả một sự thất vọng lớn, nhưng quán cà phê Melbourne thì thật tuyệt. Nghỉ đông (lại mùa đông), cùng với đám bạn thả bộ dọc phố, vừa đi vừa nói chuyện cười nghiêng ngả. Thường điểm cuối cùng là một hẻm nhỏ trên đường Little Collins. Hẻm này có mấy hàng cà phê rất ấm cúng. Gọi một short black, chọn mộtt bàn ngoài trời gần lò sưởi ga. Ngồi như vậy thì một nửa người thì ấm ran, mà nửa người kia thì bị gió thổi lạnh buốt. Nhìn đám bạn mặt hồng lên vì hơi ấm, hứng khởi nhờ cà phê, đang cười cười nói nói, một cảm giác ấm áp từ bên trong ta lan ra khắp người. Cuộc vui nào rồi cũng kết thúc, bạn bè rồi cũng chẳng thể ở cạnh nhau được mãi. Bây giờ mỗi khi ngồi ở con hẻm ấy là ta lại thấy nao nao.