Ðề: Lập nhóm ôn thi công chức BHXH 2013
hôm trc có bạn hỏi đáp án câu 13-16, hôm nay mình up lên để mọi người cùng tham khảo và đóng góp nha
Câu 13. Nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu của cơ quan hành chính nhà nước
Trả lời:
Cơ quan hành chính nhà nước được thành lập để thực hiện những nhiệm vụ do Nhà nước giao. Do vậy, mỗi cơ quan hành chính nhà nước có những chức năng, nhiệm vụ cụ thể được pháp luật quy định và do đó chúng có những quyền hạn khác nhau. Đây chính là cơ sở để phân biệt các loại cơ quan hành chính nhà nước trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước.
Thẩm quyền của mỗi cơ quan hành chính nhà nước là hệ thống các quyền hạn cụ thể nhằm thực hiện tổng thể các chức năng, nhiệm vụ tương ứng. Đó cũng chính là khả năng pháp lý của cơ quan hành chính, là mức độ quyền hạn ra quyết định trong mọi tình huống quản lý thuộc thẩm quyền.
Mỗi loại cơ quan hành chính nhà nước được trao các chức năng và quyền hạn cụ thể. Tuỳ thuộc vào mỗi loại cơ quan hành chính, có thể chia thẩm quyền ra thành hai loại:
- Thẩm quyền chung: Được trao cho những cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong phạm vi lãnh thổ. Các cơ quan này gồm Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp;
- Thẩm quyền riêng được chia thành hai nhóm: nhóm quản lý theo ngành và nhóm quản lý theo chức năng.
Câu 14. Cơ cấu tổ chức cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung
Trả lời:
a. Cơ cấu của Chính phủ.
- Về nhân sự, Chính phủ gồm có:
+ Thủ tướng Chính phủ.
+ Các Phó Thủ tướng Chính phủ.
+ Các Bộ trưởng, các Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Ngoài Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội.
- Về tổ chức, Chính phủ gồm có: Bộ và cơ quan ngang Bộ là các cơ quan của Chính phủ.
b. Cơ cấu tổ chức của Uỷ ban nhân dân:
Uỷ ban nhân dân gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các uỷ viên, do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra. Trong đó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp. Các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân không nhất thiết phải bầu từ đại biểu Hội đồng nhân dân.
Kết quả bầu các thành viên của Uỷ ban nhân dân phải được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn (đối với cấp tỉnh thì phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Trong nhiệm kỳ nếu khuyết Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp giới thiệu người ứng cử Chủ tịch uỷ ban nhân dân để Hội đồng nhân dân bầu. Người được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân.
Nhiệm kỳ mỗi khoá của Uỷ ban nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Uỷ ban nhân dân tiếp tục làm việc cho đến khi Hội đồng nhân dân khoá mới bầu ra Uỷ ban nhân dân.
Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp trên. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và Chính phủ.
c Vị trí pháp lý của Chính phủ
Vị trí pháp lý của Chính phủ được quy định tại Điều 109 Hiến pháp 1992 (sửa đổi) và Điều 1 Luật tổ chức Chính phủ năm 2001: "Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
Với tư cách là cơ quan chấp hành của Quốc hội, Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo triển khai việc thực hiện những văn bản của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và phải báo cáo công tác với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng... của đất nước, bảo đảm hiệu lực hoạt động của cả bộ máy nhà nước, chịu trách nhiệm bảo đảm việc thi hành thống nhất pháp luật trong phạm vi cả nước.
Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm việc cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ mới
* Vị trí pháp lý của Thủ tướng Chính phủ:
Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo hoạt động của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng là người đứng đầu và lãnh đạo hoạt động của toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu ra trong số các thành viên Chính phủ, theo sự giới thiệu của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, báo cáo công tác với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ Thủ tướng cho đến khi Quốc hội mới bầu Thủ tướng Chính phủ khoá mới.
Câu 15. Cơ cấu tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền riêng
Trả lời:
a. Cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Bộ, cơ quan ngang Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật".
* Cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ gồm có:
- Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Các vụ (tham mưu);
- Các cục, vụ (chuyên môn);
- Các viện, trường...(đơn vị sự nghiệp);
- Các đơn vị sản xuất kinh doanh;
- Các đơn vị tản quyền tại địa phương.
* Vị trí pháp lý của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ:
- Với tư cách là thành viên của Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải cùng với tập thể Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ;
- Với tư cách là người đứng đầu Bộ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và trước Quốc hội về lĩnh vực, ngành mình phụ trách; phải trình bày vấn đề và trả lời chất vấn của Quốc hội, của các uỷ ban của Quốc hội và của đại biểu Quốc hội.
b. Các cơ quan thuộc Chính phủ:
Ngoài các Bộ và các cơ quan ngang Bộ do Quốc hội quyết định thành lập, Chính phủ còn thành lập các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước trên một số ngành, lĩnh vực nhất định thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của Chính phủ. Các cơ quan thuộc Chính phủ không phải là thành phần của Chính phủ, người đứng đầu các cơ quan này không phải là thành viên Chính phủ, và do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
* Các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân.
Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình trên các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội . . . ở địa phương theo quy định của pháp luật, Uỷ ban nhân dân thành lập các cơ quan chuyên môn. Về cơ bản, các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gọi là sở, của Uỷ ban nhân dân cấp huyện gọi là phòng, của Uỷ ban nhân dân cấp xã có các công chức đảm nhận các chức danh chuyên môn.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân là cơ quan tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cùng cấp và theo quy định của pháp luật; góp phần bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác từ trung ương đến cơ sở.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp trên. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban nhân dân, cơ quan chuyên môn cấp trên và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp khi được yêu cầu.
Câu 16. Cơ cấu tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước
Trả lời:
a. Cơ cấu tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương:
* Cơ cấu của Chính phủ.
- Về nhân sự, Chính phủ gồm có:
+ Thủ tướng Chính phủ.
+ Các Phó Thủ tướng Chính phủ.
+ Các Bộ trưởng, các Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Ngoài Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội.
- Về tổ chức, Chính phủ gồm có: Bộ và cơ quan ngang Bộ là các cơ quan của Chính phủ.
* Cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ gồm có:
- Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Các vụ (tham mưu);
- Các cục, vụ (chuyên môn);
- Các viện, trường...(đơn vị sự nghiệp);
- Các đơn vị sản xuất kinh doanh;
- Các đơn vị tản quyền tại địa phương.
b. Cơ cấu tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương:
* Cơ cấu tổ chức của Uỷ ban nhân dân:
Uỷ ban nhân dân gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các uỷ viên, do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra. Trong đó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp. Các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân không nhất thiết phải bầu từ đại biểu Hội đồng nhân dân.
* Các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân.
Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình trên các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội . . . ở địa phương theo quy định của pháp luật, Uỷ ban nhân dân thành lập các cơ quan chuyên môn. Về cơ bản, các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gọi là sở, của Uỷ ban nhân dân cấp huyện gọi là phòng, của Uỷ ban nhân dân cấp xã có các công chức đảm nhận các chức danh chuyên môn.