-
Cơ cấu tổ chức cơ quan hành chính Nhà nước:
Theo Hiến pháp 1992 hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước gồm có:
-Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là Chính phủ (Điều 109 Hiến pháp 1992).
-Cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương (các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ).
-Cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (UBND các cấp, các sở, phòng, ban của UBND).
(*)Chính phủ
Theo Điều 109 Hiến pháp 1992 quy định:”Chính phủ là cơ quan của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CHXHCN VN”.
Cơ cấu tổ chức: Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Quốc hội quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các bộ và cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ mới.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng, khi Thủ tướng vắng mặt thì một Phó Thủ tướng được Thủ tướng ủy nhiệm thay mặt lãnh đạo công tác của Chính phủ.
Chính phủ hoạt động theo hai thiết chế quyền lực:
+ Tập thể Chính phủ. Những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số (Điều 19 Luật tổ chức Chính phủ).
+ Người đứng đầu Chính Phủ: Thủ tướng Chính phủ (Điều 20 Luật tổ chức Chính phủ).
Bộ và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mình phụ trách trong phạm vi cả nước và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Ngoài ra, tổ chức Chính phủ nước ta còn có những cơ quan thuộc Chính phủ do Chính phủ quyết định thành lập.
*Cơ cấu tổ chức của bộ gồm:
Hiện nay Chính phủ gồm có 18 Bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Gồm:
1. Bộ Quốc phòng;
2. Bộ Công an;
3. Bộ Ngoại giao;
4. Bộ Nội vụ;
5. Bộ Tư pháp;
6. Bộ kế hoạch và Đầu tư;
7. Bộ Tài chính;
8. Bộ Công thương;
9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
10. Bộ Giao thông vận tải;
11. Bộ Xây dựng;
12. Bộ Tài nguyên và Môi trường;
13. Bộ Thông tin và Truyền thông;
14. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
15. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
16. Bộ Khoa học và Công nghệ;
17. Bộ Giáo dục và Đào tạo;
18. Bộ Y tế;
Bốn cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.
a) Các cơ quan giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước:
-Các vụ;
-Thanh tra;
-Văn phòng;
-Cục, Tổng cục (không nhất thiết các cơ quan đều phải có);
Các cơ quan chức năng có nhiệm vụ tham mưu những vấn đề cơ bản, chiến lược, chính sách của ngành hay lĩnh vực và giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước. Bộ phận này gồm các vụ: vụ tổng hợp và các vụ chuyên môn.
Các cơ quan tham mưu có nhiệm vụ tổng hợp tình hình, đề xuất với Bộ trưởng ý kiến chỉ đạo toàn ngành; bao gồm các đơn vị do bộ trực tiếp quản lý và các đơn vị do địa phương quản lý.
Cục được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Tổng cục được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành lớn, phức tạp, không phân cấp cho địa phương, do Bọ trực tiếp phụ trách và theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương trong phạm vi toàn quốc.
b.Các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ:
Các tổ chức sự nghiệp như: nghiên cứu khoa học-kỹ thuật và giáo dục (bệnh viện, trường, viện nghiên cứu…). Đối với các bộ quản lý các ngành sự nghiệp, những tổ chức này là những đơn vị cơ bản thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Các tổ chức kinh doanh (như xí nghiệp, công ty, tổng công ty…) là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ không nằm trong cơ cấu hành chính của bộ; đó là những tổ chức kinh doanh trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các ngành thuộc bộ quản lý; nhưng là nơi thể hiện cuối cùng hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của bộ ở cấp độ trung ương.
*Cơ quan trực thuộc Chính phủ
Có 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ là:
1.Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; (là một cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam có chức năng chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giữ gìn nguyên vẹn, lâu dài và bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm chức vụ Trưởng Ban quản lý Lăng.)
2.Bảo hiểm xã hội Việt Nam; (là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý quỹ BHXH theo quy định của pháp luật.)
3.Thông tấn xã Việt Nam; (là hãng thông tấn Quốc gia, trực thuộc Chính phủ Việt Nam và là cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. TTXVN liên tục cung cấp những thông tin đề cập đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học và công nghệ của Việt Nam và thế giới. Mục đích của TTXVN là phản ánh quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam về những vấn đề thời sự lớn trong nước, khu vực và trên thế giới.)
4.Đài Tiếng nói Việt Nam; (là đài phát thanh quốc gia trực thuộc Chính phủ Việt Nam, với chức năng thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình phát thanh, phát thanh trên Internet, phát thanh có hình và báo viết.)
5.Đài Truyền hình Việt Nam; (là đài truyền hình quốc gia của Việt Nam, được độc quyền phát song trong nước và có kênh phát qua vệ tinh đi quốc tế, với nội dung bị kiểm duyệt chặt chẽ.
6.Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; (là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam; là đơn vị tài chính cấp I; là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, trung, cao cấp, công chức hành chính, công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp nhà nước, cán bộ khoa học chính trị và hành chính của Đảng Cộng sản Việt Nam.)
7.Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; (là một viện nghiên cứu đa ngành đa lĩnh vực, trực thuộc Chính phủ Việt Nam và do Chính phủ thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tự nhiên và phát triển các công nghệ theo định hướng của Chính phủ.)
8.Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; (là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học và xã hội Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tổ chức tư vấn và đạo tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.)
(*)UBND
UBND do HĐND cùng cấp bầu ra, gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên. Chủ tịch là đại biểu HĐND, các thành viên khác không nhất thiết là đại biểu. Kết quả bầu cử phải được Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn (UBND tỉnh thì do Thủ tướng phê chuẩn). Quyền phê chuẩn đó, cũng như quyền của Chủ tịch UBND cấp trên điều động, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp là nhằm yêu cầu tăng cường tính thống nhất và thông suốt của hệ thống hành pháp và nền hành chính nhà nước.
UBND là một thiết chế tập thể, như Điều 124 của Hiến pháp 1992 đã quy định: Chủ tịch UBND lãnh đạo, điều hành hoạt động của UBND. Khí quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, UBND phải thảo luận tập thể và ra quyết định theo đa số.
Số lượng thành viên UBND các cấp:
+ UBND tỉnh có từ 9 đến 11 thành viên (riêng HN và TP HCM có không quá 13 thành viên).
+ UBND huyện có từ 7 đến 9 thành viên.
+ UBND xã có từ 3 đến 5 thành viên.
Cơ quan chuyên môn thuộc UBND( các sở, ban, ngành…) Tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND do Chính phủ quy định dưới mức Nghị định, cơ quan chuyên môn thuộc UBND do UBND quyết định thành lập. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND là bộ máy giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương và bảo đảm sự thống nhất của ngành hoặc lĩnh vực công tác từ trung ương xuống đến cơ sở.
Cơ quan chuyên môn thuộc UBND đa phần được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc “hai chiều trực thuộc”, chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp mình, đồng thời chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cùng cấp trên. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn do Chủ tịch UBND cùng cấp bổ nhiệm, nhưng trước khi bổ nhiệm có sự thỏa thuận với người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp trên.
Để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan chuyên môn thuộc UBND có quyền ra các quyết định mang tính pháp lý và kiểm tra việc thực hiện các quyết định đó, nhưng chỉ là những quyết định cá biệt, cụ thể.