Nè tiêu chuẩn của KTT đây
LIÊN TỊCH CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
------------------ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------------------
Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2005
Số: 13/2005/TTLT-BTC-BLĐTBXH
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn
và xếp lương kế toán trưởng, phụ trách kế toán
trong các tổ chức hoạt động kinh doanh
Thi hành Điều 37, Điều 38 của Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh, sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, cơ quan có liên quan, Liên Bộ Bộ Tài chính- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn và xếp lương kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các tổ chức hoạt động kinh doanh, như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Đối tượng áp dụng Thông tư này gồm các tổ chức hoạt động kinh doanh thực hiện công việc kế toán theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ (gọi tắt là đơn vị kế toán) được quy định cụ thể, như sau:
1/ Các công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, gồm:
a) Tổng công ty nhà nước (Tổng công ty nhà nước được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 và Tổng công ty do nhà nước quyết định đầu tư và thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003; Tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập; Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước);
b) Công ty nhà nước độc lập;
c) Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập.
2/ Các công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, gồm:
a) Công ty cổ phần nhà nước;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên;
c) Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên;
d) Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước;
đ) Doanh nghiệp có một phần vốn của Nhà nước;
e) Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác;
3/ Các tổ chức hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn;
b) Công ty cổ phần;
c) Công ty hợp danh;
d) Doanh nghiệp tư nhân.
4/ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
5/ Chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
6/ Văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
7/ Hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
8/ Hộ kinh doanh cá thể và tổ hợp tác.
II. BỐ TRÍ NGƯỜI LÀM KẾ TOÁN TRƯỞNG, NGƯỜI PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN, THUÊ NGƯỜI LÀM KẾ TOÁN TRƯỞNG
1/ Đơn vị kế toán
Đơn vị kế toán là các đối tượng quy định tại phần I của Thông tư này có thực hiện công việc kế toán, lập báo cáo tài chính theo quy định của Luật Kế toán.
2/ Bố trí người làm kế toán trưởng
Các đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng, gồm:
a) Các đơn vị kế toán quy định tại điểm 1, 2, 3, 4, 5 và điểm 7 phần I của Thông tư này;
b) Các công ty hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty nhà nước được xác định là đơn vị kế toán;
c) Công ty mẹ và công ty con của Tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập được chuyển đổi theo mô hình công ty mẹ - công ty con;
d) Các tổ chức kinh doanh có tổ chức kế toán nhiều cấp, nếu cấp cơ sở là một đơn vị kế toán có khối lượng công việc kế toán lớn phải có từ hai người làm kế toán trở lên.
Riêng đối với công ty nhà nước đặc biệt trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thực hiện theo Luật Doanh nghiệp nhà nước và các quy định của Chính phủ thì việc bố trí người làm kế toán trưởng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban cơ yếu Chính phủ quy định cho lĩnh vực quản lý sau khi có thỏa thuận với Bộ Tài chính.
3/ Bố trí người làm phụ trách kế toán
Các đơn vị, tổ chức được bố trí người làm phụ trách kế toán, gồm:
a) Các đơn vị kế toán quy định tại điểm 2 nêu trên, nếu khuyết người làm kế toán trưởng thì Thủ trưởng đơn vị kế toán phải bố trí ngay người làm kế toán trưởng. Trường hợp chưa có người đủ tiêu chuẩn và điều kiện để bổ nhiệm làm kế toán trưởng thì được phép bố trí người làm phụ trách kế toán trong thời hạn tối đa là một năm tài chính, sau đó phải bổ nhiệm ngay người làm kế toán trưởng.
b) Các tổ chức hoạt động kinh doanh quy định tại điểm 6 và điểm 8, phần I của Thông tư này không bắt buộc phải bố trí người làm kế toán trưởng nhưng phải cử người làm phụ trách kế toán. Người được bố trí làm phụ trách kế toán trong trường hợp này không bị hạn chế về thời gian làm phụ trách kế toán.
4/ Thuê người làm kế toán trưởng
Các đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng quy định tại điểm 2 nêu trên nhưng không bổ nhiệm được người làm kế toán trưởng hoặc người làm phụ trách kế toán thì phải thuê người làm kế toán trưởng theo quy định tại khoản 2, Điều 37, Nghị định 129/2004/NĐ-CP.
5/ Quan hệ giữa kế toán trưởng, người phụ trách kế toán với trưởng phòng, phó phòng kế toán
a) Những đơn vị kế toán đã bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc cử người phụ trách kế toán thì không bổ nhiệm trưởng phòng hoặc trưởng ban kế toán. Kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán sẽ đồng thời thực hiện các nhiệm vụ quy định cho trưởng phòng, trưởng ban kế toán.
b) Ở những đơn vị kế toán mà công tác tài chính và thống kê chưa tách thành một bộ phận riêng biệt thì kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán đảm nhiệm cả việc tổ chức, chỉ đạo công tác tài chính và thống kê.
c) Đối với các đơn vị có khối lượng công việc kế toán lớn có thể bổ nhiệm kế toán trưởng đồng thời bổ nhiệm phó phòng (hoặc phó ban) kế toán. Phó phòng (hoặc phó ban) kế toán là người giúp việc cho kế toán trưởng.