V/v Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thuế cho công chức mới trúng tuyển năm 2008 - 2009
Căn cứ quy định của Nhà nước, của Bộ Tài chính về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước; quy định về chế độ công chức dự bị; quy định về chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước tiền công vụ; Thực hiện Công văn số 9457/BTC-TCCB ngày 03/7/2009 của Bộ Tài chính và Công văn số 2747/TCT-TCCB ngày 03/7/2009 của Tổng cục Thuế về việc thực hiện công tác tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế năm 2008 và 2009, Tổng cục Thuế hướng dẫn việc triển khai công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng công chức Tổng cục thuế năm 2008-2009 như sau:
1/ Nguyên tắc tuyển dụng, đối tượng, hình thức đào tạo, bồi dưỡng:
- Nguyên tắc tuyển dụng, bố trí công tác đối với công chức mới:
+ Thủ trưởng các đơn vị thực hiện quyết định tuyển dụng công chức đối với những thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng công chức vào ngành Thuế năm 2008-2009 theo quy định hiện hành của Nhà nước. Việc bố trí, sắp xếp công việc vào các bộ phận cụ thể sẽ thực hiện sau khi các học viên hoàn thành khoá bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, chính sách pháp luật về thuế và quản lý thuế cho công chức mới theo chương trình Tổng cục Thuế ban hành.
+ Kết quả khoá học của công chức là một trong những căn cứ để đánh giá, sắp xếp, bố trí vị trí công tác của công chức; Chỉ bố trí công tác cho công chức đạt kết quả theo yêu cầu của khoá học (đối với các trường hợp kiểm tra không đạt yêu cầu, Tổng cục Thuế sẽ có hướng dẫn cụ thể: dự kiến công chức mới phải tự nghiên cứu học tập và đăng ký thời gian kiểm tra lại với Cục Thuế, sau đó mới sắp xếp, bố trí công tác phù hợp...).
- Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng: toàn bộ công chức trúng truyển kỳ thi tuyển dụng công chức ngành thuế năm 2009.
- Hình thức đào tạo: Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho công chức mới được thực hiện theo hình thức đào tạo tập trung, ngay sau khi cơ quan Thuế có quyết định tuyển dụng các thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng công chức Thuế năm 2008-2009 vào làm việc tại cơ quan Thuế các cấp (dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2009). Tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả bồi dưỡng công chức mới, xây dựng phương án sắp xếp, bố trí công tác trước ngày 01/10/2009.
2/ Nội dung, phương thức đào tạo bồi dưỡng:
Theo quy định chung trong thời gian dự bị công chức, toàn bộ công chức trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng công chức ngành thuế năm 2008-2009 (ngạch chuyên viên và tương đương) đều phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiền công vụ (02 tháng) theo chương trình bồi dưỡng tiền công vụ do Bộ Nội vụ ban hành và do Học Viện Hành chính quốc gia tổ chức; đồng thời phải được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về chính sách pháp luật thuế và quản lý thuế (01 tháng) theo chương trình bồi dưỡng công chức mới vào ngành do Tổng cục Thuế ban hành.
Tuy nhiên, để đảm bảo có đủ nguồn nhân lực vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ, vừa bố trí cho cán bộ mới đi đào tạo bồi dưỡng các chương trình theo quy định, Tổng cục Thuế tổ chức đào tạo công chức mới theo 2 giai đoạn như sau:
2.1. Giai đoạn 1: Tổ chức đào tạo tập trung 01 tháng cho toàn bộ công chức mới (tất cả các ngạch công chức) kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, chính sách pháp luật về thuế và quản lý thuế theo chương trình bồi dưỡng kiến thức cho công chức mới vào ngành. Sau đó sẽ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập kết hợp với rà soát hồ sơ xem xét về chuyên ngành đào tạo, loại hình đào tạo, hạng tốt nhiệp...; và căn cứ một số nguyên tắc, điều kiện, nhu cầu công việc, đặc thù công việc... để bố trí, sắp xếp vào các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể.
Lưu ý: giai đoạn này sẽ do Tổng cục Thuế và Cục Thuế các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện theo phân cấp nêu ở mục 3 dưới đây.
2.2. Giai đoạn 2: Tổ chức dần các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước tiền công vụ 02 tháng cho công chức dự bị ngạch chuyên viên và tương đương (trừ những cá nhân đã có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên), bảo đảm sau khi hết 12 tháng dự bị 100% công chức được đào tạo tiền công vụ để đủ điều kiện bổ nhiệm ngạch công chức theo quy định.
Giai đoạn này do các cơ sở đào tạo được Học Viện Chính trị - Hành chính quốc gia uỷ quyền (như Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, các Trường Chính trị các tỉnh...) tổ chức bồi dưỡng tập trung. Tổng cục Thuế sẽ có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức đào tạo giai đoạn 2.
3/ Phân cấp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thuế cho công chức mới- Giai đoạn 1:
+ Tổng cục Thuế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho số công chức mới được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP Hà Nội.
+ Đối với Cục Thuế còn lại: giao cho Cục Thuế chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho công chức thuộc phạm vi quản lý.
Trường hợp các Cục Thuế có số lượng công chức mới quá ít (dưới 20 người) và không có đủ điều kiện để tổ chức lớp bồi dưỡng, Cục Thuế có thể chủ động liên hệ với các Cục Thuế lân cận có đủ điều kiện tổ chức lớp bồi dưỡng để cử cán bộ tham gia khoá học.
+ Tổng cục Thuế (Ban Tổ chức cán bộ và Trường Nghiệp vụ thuế) kiểm tra, giám sát chất lượng tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho công chức mới trong toàn ngành.
4/ Chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 1:
Tổng cục Thuế biên soạn, ban hành thống nhất trong toàn ngành chương trình, bộ tài liệu bồi dưỡng cho công chức mới.
- Chương trình bồi dưỡng cho công chức mới có thời lượng 216 tiết (27 ngày) gồm 15 chuyên đề/ 204 tiết học, chia làm 3 phần kiến thức (chi tiết tại Biểu 1 đính kèm):
+ Phần những vấn đề chung về công chức và tổ chức bộ máy ngành thuế;
+ Phần về chính sách thuế và phần về quản lý thuế;
+ 12 tiết kiểm tra (gồm 3 bài kiểm tra cho 3 phần học).
- Tổng cục Thuế (Trường Nghiệp vụ Thuế) sẽ gửi các File tài liệu dưới dạng bản mềm tới các Cục Thuế; Cục Thuế chịu trách nhiệm in và phát tài liệu bồi dưỡng cho công chức mới vào ngành thuộc Cục Thuế (mỗi công chức thuế/01 bộ tài liệu).
5/ Giảng viên: Các Cục Thuế chịu trách nhiệm cử giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy khoá bồi dưỡng, đảm bảo đạt chất lượng và hiệu quả.
Giảng viên được lựa chọn phải là các cán bộ Cục Thuế có trình độ, có kiến thức sâu rộng và có kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm giảng dạy về lĩnh vực chuyên môn liên quan đến nội dung bồi dưỡng. Đặc biệt, các giảng viên kiêm chức ngành Thuế đã được Tổng cục Thuế đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và phương pháp sư phạm phải là nòng cốt trong công tác đào tạo của Cục Thuế.
+ Riêng đối với chuyên đề 15: Cục Ứng dụng CNTT chịu trách nhiệm lập kế hoạch bố trí giảng viên tham gia giảng dạy (bao gồm giảng viên của Cục Ứng dụng CNTT và giảng viên của các Cục Thuế).
* Đối với lớp bồi dưỡng cho công chức mới của cơ quan Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP Hà Nội: thực hiện theo bảng phân công nhiệm vụ giảng vụ giảng dạy đính kèm (Biểu 2).
6/ Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng
- Số lượng bài kiểm tra/ 1 khoá bồi dưỡng: 3 bài kiểm tra.
+ Bài kiểm tra 1: kiểm tra các kiến thức đã được học về thuế, ngành Thuế; đạo đức tác phong làm việc của cán bộ thuế. (Các kiến thức thuộc các chuyên đề 1, 2, 3, 4, 5, 6 theo thứ tự trong chương trình khung bồi dưỡng cán bộ, công chức mới). Hình thức kiểm tra: viết bài thu hoạch.
+ Bài kiểm tra 2: kiểm tra các kiến thức về hệ thống chính sách thuế hiện hành. (Các kiến thức thuộc các chuyên đề 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 theo thứ tự trong chương trình khung bồi dưỡng cán bộ, công chức mới).
+ Bài kiểm tra 3: kiểm tra các kiến thức về nội dung Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế. (Các kiến thức thuộc chuyên đề 14 theo thứ tự trong chương trình khung bồi dưỡng cán bộ, công chức mới).
- Hình thức kiếm tra bài số 2 và số 3: Trắc nghiệm trên máy tính mỗi người một đề và xử lý chấm tập trung tại Tổng cục (thông qua chương trình phầm mềm xử lý máy chủ tập trung). Thời gian kiểm tra: 90 phút.
- Tổng cục Thuế ban hành bộ đề kiểm tra và gửi trên mạng để các Cục Thuế tổ chức kiểm tra, chuyển kết quả về Tổng cục để xử lý chấm tập trung.
- Cục trưởng Cục Thuế có trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, giám sát học viên trong quá trình học tập, bồi dưỡng, làm bài kiểm tra đảm bảo nghiêm túc, chất lượng. Nếu phát hiện trường hợp làm bài thi hộ thì Cục trưởng Cục Thuế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và công chức vi phạm sẽ bị huỷ quyết định tuyển dụng do ý thức chấp hành kỷ luật, gian lận trong học tập.
- Các công chức thi không đạt yêu cầu phải tham gia học lại theo quy định. Nếu lần thứ hai không đảm bảo yêu cầu thì sẽ bị huỷ quyết định tuyển dụng do không hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian công chức dự bị theo quy định tại tiết a, khoản 1, Điều 20 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ.