Xác định chi phí tính thuế khoán trong doanh nghiệp xây dựng

  • Thread starter Marlboro
  • Ngày gửi
Marlboro

Marlboro

Yes, I can !
27/7/08
739
19
18
Hà Nội
www.google.com
Hiện nay trong hoạt động kinh doanh xây dựng, nhiều doanh nghiệp thường thực hiện phương thức giao khoán trong kinh doanh. Qua kiểm tra, việc giao khoán thường thể hiện ở một số hình thức sau: Xét về đối tượng nhận khoán, thường có hai trường hợp: giao khoán bên ngoài và khoán nội bộ.


Giao khoán cho bên ngoài là mối quan hệ kinh tế theo hình thức nhà thầu chính - nhà thầu phụ. Khi công trình hoàn thành, căn cứ giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành được chủ đầu tư chấp nhận thanh toán cho nhà thầu phụ. Nhà thầu phụ xuất hoá đơn để nhà thầu chính hạch toán chi phí và thuế GTGT đầu vào. Và giao khoán nội bộ là việc doanh nghiệp khoán lại cho các tổ, đội xây dựng, cá nhân trong doanh nghiệp để thực hiện một phần hay toàn bộ công trình theo hợp đồng xây dựng mà doanh nghiệp đã ký với bên A. Giá trị giao khoán được xác định theo tỷ lệ % trên giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành được chủ đầu tư chấp nhận thanh toán.

Trong các doanh nghiệp hiện nay thường thực hiện khoán gọn theo hai hình thức: Một là không tập hợp chứng từ chi phí đầu vào. Doanh nghiệp chỉ căn cứ giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành và tỷ tỷ lệ khoán để xác định số phải trả cho người nhận khoán để hạch toán vào chi phí không có hoá đơn chứng từ.

Hai là người nhận khoán tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh nhưng có tập hợp hoá đơn, chứng từ chi phí đầu vào. Trường hợp này các tổ đội xây dựng phải tập hợp chứng từ chi phí tiền lương, máy thi công ... Tuy nhiên doanh nghiệp chỉ thanh toán cho người nhận khoán theo chứng từ tối đa là bằng giá trị giao khoán theo hợp đồng.


Trường hợp khoán cho bên ngoài, Thông tư số 128/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính “Chi phí dịch vụ mua ngoài của nhà thầu chính bao gồm cả chi phí trả cho nhà thầu phụ”. Nhà thầu chính đăng ký khai báo với cơ quan thuế địa phương nơi có công trình xây dựng. Nhà thầu phụ kê khai nộp thuế GTGT tại địa phương cho phần giá trị công trình do mình thực hiện. Nếu nhà thầu phụ không đăng ký kê khai nộp thuế thì nhà thầu chính phải kê khai nộp thuế GTGT trên toàn bộ giá trị công trình theo hợp đồng. Như vậy, nhà thầu phụ trong trường hợp này là đối tượng phải đăng ký kê khai nộp thuế, như một cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế địa phương và xuất hoá đơn để nhà thầu chính kê khai thuế GTGT đầu vào và chi phí. Nếu nhà thầu phụ không đăng ký kê khai nộp thuế thì nhà thầu chính phải kê khai tính thuế GTGT, thuế TNDN trên toàn bộ giá trị công trình.


Đối với trường hợp khoán nội bộ cơ sở thực hiện cơ chế khoán cho tập thể, cá nhân kinh doanh theo phương thức tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh thì tập thể cá nhân nhận khoán phải trực tiếp đăng ký kê khai nộp thuế GTGT với cơ quan thuế nơi kinh doanh. Về nguyên tắc đơn vị nhận khoán phải đăng ký kê khai nộp các loại thuế theo quy định. Doanh nghiệp sẽ căn cứ hoá đơn của người nhận khoán để làm chứng từ hạch toán thuế GTGT đầu vào và chi phí. Tuy nhiên trong thực tế, các tổ đội trực thuộc thường là không thực hiện việc đăng ký kê khai nộp thuế độc lập. Do đó đã phát sinh hai hình thức khoán nội bộ như đã nói trên.


Đối với trường hợp khoán nội bộ có tập hợp chi phí, thực tế thường xảy ra hai trường hợp: Tổng chi phí trên chứng từ các tổ đội tập hợp nhỏ hơn tổng mức chi phí khoán. Một số DN đã xác định khoản chênh lệch chi phí phải trả theo hợp đồng lớn hơn chi phí theo chứng từ là khoản tiết kiệm phí và hạch toán vào quỹ của DN. Khi kiểm tra cơ quan thuế cần đưa khoản chênh lệch này vào thu nhập chịu thuế.


Trường hợp chi phí các tổ đội xây dựng tập hợp phù hợp với tổng mức chi phí khoán theo hợp đồng khoán, khi kiểm tra chi phí tính TNCT thì tiến hành kiểm tra và xác định chi phí hợp lý theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế TNDN. Tuy nhiên ở đây sẽ phát sinh một vấn đề. Trong năm tài chính trước, qua kiểm tra quyết toán thuế tại cơ sở kinh doanh, cán bộ thuế kiểm tra đã xác định khoản chi khoán thể hiện trên chứng từ của đơn vị là đảm bảo hợp lý (có hoá đơn chứng từ). Sang năm sau, giá trị quyết toán công trình được các cơ quan chức năng thẩm định nhỏ hơn giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành mà hai bên A, B đã xác định làm cơ sở để doanh nghiệp xây dựng hạch toán doanh thu và thuế GTGT đầu ra năm trước. Doanh nghiệp sẽ căn cứ kết quả thẩm định quyết toán công trình để hạch toán giảm doanh thu, thuế GTGT đầu ra. Vấn đề đặt ra là khi xác định chi phí tính thuế ta có điều chỉnh giảm chi phí tương ứng theo doanh thu đã giảm hay không? Có hai hướng xử lý khác nhau.


Ý kiến thứ nhất cho rằng, hiện nay trong văn bản pháp luật về thuế và tài chính doanh nghiệp, kế toán, còn có nhiều điểm chưa tương thích nhau, dẫn đến trong một số trường hợp thu nhập chịu thuế khác với lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp. Do đó vì khoản chi khoán của doanh nghiệp đã được kiểm tra xác định là hợp lý, hợp lệ nên cho dù doanh thu giảm thì cũng không giảm chi phí tính thuế tương ứng được.


Ý kiến thứ hai cho rằng vì doanh nghiệp quản lý chi phí theo phương thức khoán là một hình thức định mức chi phí nên khoản chênh lệch về chi phí xác định trên doanh thu cũ và doanh thu theo thẩm định là phần chi phí vượt định mức, tổn thất do đó phải được giảm trừ tương ứng trong chi phí tính TNCT. Theo chúng tôi ý kiến thứ hai có lẽ phù hợp hơn, bởi ngoài những lý do trên, khi doanh thu theo thẩm định giảm thì doanh nghiệp (bên giao khoán) căn cứ hợp đồng giao khoán sẽ xử lý giảm số phải trả tương ứng theo doanh thu bị cắt giảm đối với các tổ đội xây dựng (người nhận khoán). Trong thực tế một số doanh nghiệp đã hạch toán giảm số nợ phải trả này. Cá biệt một số doanh nghiệp đã hạch toán: Nợ TK336/có TK136 phải thu nội bộ hoặc có các tài khoản loại các quỹ doanh nghiệp. Khi kiểm tra chúng ta cần xem xét để xử lý giảm chi phí tính thuế hoặc tăng thu nhập chịu thuế phần chênh lệch này.


Theo chiều ngược lại một vấn đề cần phải xem xét đó là trường hợp tăng doanh thu theo thẩm định thì có được tính tăng chi phí để xác định TNCT hay không? (chi phí phải trả). Theo chúng tôi, cần phải xem trong quan hệ tài chính nội bộ, đơn vị có xác định số phải trả thêm cho các tổ đội khoán hay không khi doanh thu tăng lên? Trong trường hợp đã có giá trị thẩm định làm doanh thu tăng trước thời điểm phải quyết toán thuế nhưng đơn vị vẫn không hạch toán và kê khai bổ sung doanh thu tính thuế, không hạch toán thể hiện việc phải trả thêm cho các tổ đội nhận khoán thì không được tính tăng chi phí để tính TNCT. Phần doanh thu tăng này được xem là một khoản lãi ròng của đơn vị.
(sưu tầm: http://mof.gov.vn/itemprint.aspx?itemid=17571)
 
Khóa học Quản trị dòng tiền

Xem nhiều

Webketoan Zalo OA